Khai thác mỏ bô xít

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Khai thác mỏ bauxit)

Khai thác mỏ bauxit là hoạt động khai thác mỏ chứa bô xít, bao gồm hoạt động xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, sản xuất và các hoạt động có liên quan trực tiếp nhằm thu khoáng sản. Việc khai thác bôxít chủ yếu được tiến hành tho phương pháp khai thác lộ thiên vì chúng nằm ở sát hay ngay trên mặt đất. Khoảng 95% lượng bauxite được khai thác trên thế giới đều được dùng để luyện thành nhôm.

Xu hướng sản lượng khai thác[sửa | sửa mã nguồn]

Sản lượng bauxit năm 2005

Bauxit được khai thác đầu tiên ở Guyana trong thời gian 1897-1910 [1]

Đến năm 1950, trữ lượng bauxite trên thế giới khoảng 1.605,3 triệu tấn phân bố trên 27 quốc gia. 61,9% trong số đó phân bố tập trung ở 4 quốc gia gồm: Jamaica (20%), Hungary (15,6%), Ghana (14,3%) và Brazil (12%) [2]

Năm 2007, Australia đứng đầu danh sách các nước khai thác bauxit và chiếm một phần ba lượng khai thác của cả thế giới; theo sau là Trung quốc, Brazil, Guinea, và Jamaica. Mặc dù nhu cầu nhôm của thế giới tăng, trữ lượng được biết là đủ để đáp ứng nhu cầu trong một thời gian dài nữa. Việc tái sử dụng nhôm với lợi thế là chi phí sản xuất hạ giúp kéo dài thời gian khai thác trữ lượng bauxite.

(x1000 tấn, Ước tính cho 2008)
Quốc gia Khối lượng khai thác Trữ lượng Trữ lượng ban đầu
2007 2008
 Guinée 18,000 18,000 7.400.000 8.600.000
 Úc 62,400 63,000 5.800.000 7.900.000
 Việt Nam 30 30 2.100.000 5.400.000
 Jamaica 14,600 15,000 2.000.000 2.500.000
 Brasil 24,800 25,000 1.900.000 2.500.000
 Guyana 1,600 1,600 700,000 900,000
 Ấn Độ 19,200 20,000 770,000 1.400.000
 Trung Quốc 30,000 32,000 700,000 2.300.000
 Hy Lạp 2,220 2,200 600,000 650,000
 Suriname 4,900 4,500 580,000 600,000
 Kazakhstan 4,800 4,800 360,000 450,000
 Venezuela 5,900 5,900 320,000 350,000
 Nga 6,400 6,400 200,000 250,000
 Hoa Kỳ NA NA 20,000 40,000
Các nước khác 7,150 6,800 3.200.000 3.800.000
Tổng cả thế giới (làm tròn) 202,000 205,000 27.000.000 38.000.000

Nguồn: U.S. Geological Survey, Mineral Commodity Summaries, tháng 1 năm 2009

Công nghệ khai thác[sửa | sửa mã nguồn]

Quá trình khai thác quặng[sửa | sửa mã nguồn]

Tùy theo kiểu quặng mà người ta dùng những phương pháp khác nhau. Ví dụ như ở châu Âu, bôxít thường được khai thác theo kiểu lộ thiên theo địa tầng, thường nằm cách mặt đất 4-6m. Trong hầu hết các trường hợp thì đất phủ được bóc đi và chứa ở bãi chứa. Khoảng 80% sản lượng bôxít trên thế giới được khai thác theo phương pháp lộ thiên.[1]

Xử lý quặng[sửa | sửa mã nguồn]

Bauxit đang tải lên tàu ở Cabo Rojo, Cộng hòa Dominican để xuất đi chế biến ở nơi khác; 2007.

Xử lý quặng thô[sửa | sửa mã nguồn]

Quặng bauxit sau khi khác thác được đưa đến nhà máy sơ chế để loại bỏ các thành phần như; sét, silica và các chất khác được hình thành trong quá trình tạo quặng, gồm các bước: 1)Nghền quặng quá cỡ; 2)đưa qua sàng rửa để lấy quặng hạt lớn, quặng hạt nhỏ lọt qua lưới sàng và chất cặn được đưa đến máy lắng ly tâm để thu hồi các hạt bauxit cỡ lớn hơn 1mm; 3)bùn đỏ (sét và các chất hòa tan khác) được dẫn đến hồ lắng để xử lý.[3] Quặng sau khi sơ chế được đưa đến các nhà máy tinh chế quặng.

Xử lý quặng tinh[sửa | sửa mã nguồn]

Bauxit được luyện trong điều kiện nhiệt độ áp suất lớn với dung dịch natri hydroxide ở 150–200 °C qua đó nhôm bị hòa tan ở dạng aluminate. Sau khi tiến hành lọc phân tách phần cặn giàu sắt (được gọi là bùn đỏ, phần chất thải của tiến trình Bayer và là quặng đuôi của bauxit), các khoáng vật quặng gibbsit ở dạng tinh được cho lắng đọng (tách nước) khi bị làm lạnh đột ngột và tạo thành hydroxide nhôm ở dạng hạt tinh. Gibbsit được chuyển thành alumina tức oxit nhôm bằng cách nung nóng thường phải lên đến khoảng 1000 °C. Sau đó tinh quặng alumina khi được bổ sung phụ gia cryolit (Na3AlF6, natri hexa fluo aluminate) và chuyển thành nhôm kim loại trong quá trình điện phân đòi hỏi một lượng điện năng tiêu thụ rất lớn.[cần dẫn nguồn]

Tác động môi trường[sửa | sửa mã nguồn]

Bùn đỏ[sửa | sửa mã nguồn]

Bùn đỏ là tên gọi loại quặng đuôi được sinh ra đồng thời với alumina trong tiến trình Bayer và quá trình sơ chế quặng là một chi phí ngoại sinh đối với những nhà kinh doanh mỏ. Đây là một dạng chất thải có khả năng gây ô nhiễm môi trường và khó xử lý.

Tại Việt Nam[sửa | sửa mã nguồn]

Vùng có trữ lượng bôxit lớn nhất Việt Nam là Tây Nguyên

Theo tài liệu cũ của Liên Xô để lại, Tây Nguyên có trữ lượng bô xít khoảng 8 tỉ tấn [4]. Ngày 1 tháng 11 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 167 phê duyệt quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bô xít từ giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025 [5] và hiện nay, Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam cũng đã thăm dò, đầu tư một số công trình khai thác bô-xít, luyện alumina tại Tây Nguyên. Tuy nhiên, việc làm này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của các nhà khoa học và dân cư bản địa vì nguy cơ hủy hoại môi trường và tác động tiêu cực đến văn hoá - xã hội Tây Nguyên và có thể tổn thương cả một nền văn hóa bản địa [6]

Theo đài tiếng nói Pháp quốc RFI đưa tin vào ngày 11/06/2009: luật sư Cù Huy Hà Vũ (con trai của nhà thơ Cù Huy Cận) đã khởi đơn kiện thủ tưởng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. Ông Vũ cho rằng thủ tướng Dũng đã quyết định khai thác bô-xít ở Tây Nguyên một cách bất hợp pháp.[7]

Theo VNExpress trích đăng nội dung lá thư của đại tướng Võ Nguyên Giáp vào ngày 09/04/2009, tướng Giáp cho rằng không nên khai thác vì lý do "...đứng về lợi ích toàn cục và sự phát triển bền vững lâu dài của đất nước, khai thác sẽ gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng về môi trường, về xã hội, về an ninh quốc phòng".[8]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b “Bauxite on mineralzone”. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 6 năm 2009. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2009.
  2. ^ {{chú thích sách Brad Barham (1995). “The evolution of the world aluminum industry”. States, firms, and raw materials. Stephen G. Bunker, Denis O'Hearn. nhà in Đại học Wisconsin. tr. tr.41. ISBN 0-299-14114-4.
  3. ^ Manufacturing Process
  4. ^ Thủ tướng bày tỏ quan điểm về vấn đề khai thác bô xít ở Tây Nguyên, Dân Tr1i 5/2/2009
  5. ^ “Khai thác Bô xít trên Tây Nguyên - Những vấn đề đã được cảnh báo”. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 2 năm 2009. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2009.
  6. ^ [1] Khai thác bô-xít Tây Nguyên và bài toán về sự đánh đổi, Tuần Tin Tức 14/2/2008.
  7. ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2009.
  8. ^ [2]