Lưu Mẫn (nhà Nguyên)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Lưu Mẫn
Tên chữĐức Nhu; Hữu Công
Thông tin cá nhân
Sinh
Ngày sinh
1201
Nơi sinh
Lương Thành, Ulanqab
Quê quán
huyện Tuyên Ninh
Mất1259
Giới tínhnam
Gia quyến
Hậu duệ
Lưu Thế Hanh
Quốc tịchnhà Nguyên, Đế quốc Mông Cổ

Lưu Mẫn (chữ Hán: 刘敏, 12011259), tên tựĐức Nhu, tiểu tự là Hữu Công,[1] người làng Thanh Lỗ, huyện Tuyên Đức [2], quan viên Đế quốc Mông Cổ. Ông xuất thân là thị đồng của Thành Cát Tư Hãn, về sau trở thành quan chức cai trị khu vực miền Bắc Trung Quốc mà Đế quốc Mông Cổ chiếm được sau khi tiêu diệt nhà Kim, trong khoảng 14 năm (1241 – 1254).

Thiếu thời[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1212, quân Mông Cổ đến Sơn Tây, Mẫn khi ấy được 12 tuổi, theo cha mẹ tránh vào núi Thiện Phòng, huyện Đức Hưng. Nhưng cả nhà vẫn bị bắt, Mẫn bị tách khỏi cha mẹ, giao cho một viên đại tướng.[3] Ngày nọ, Thành Cát Tư Hãn đãi tiệc ở hành doanh, Mẫn theo chư tướng đi vào cùng ngồi ăn uống; Thành Cát Tư Hãn thấy dung mạo khôi ngô, lấy làm lạ, hỏi ông từ đâu đến, rồi giữ lại làm túc vệ.[4] Trải qua 2 năm, Mẫn thông thạo tiếng nói của các bộ lạc Mông Cổ, được Thành Cát Tư Hãn khen ngợi, ban tên Ngọc Xuất Kiền, được phép ra vào lều trại của Đại Hãn, bắt đầu làm Phụng ngự. Sau đó, quân Mông Cổ diệt Tây Liêu, đánh Hoa Lạt Tử Mô, Mẫn đều tham gia.

An phủ đất Yến[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1223, Mẫn được thụ chức An phủ sứ, tùy nghi làm việc, kiêm các việc trưng thu thuế khóa, vận tải đường thủy, ngành muối, tông giáo, thiên văn của Yến Kinh lộ; được cấp hơn ngàn hộ thợ khéo Tây vực. Cùng binh sĩ Sơn Đông, Sơn Tây, thành lập 2 đạo quân đồn thú đất Yến. Triều đình Mông Cổ đặt 2 phủ tổng quản, lấy 2 cháu trai của Mẫn đeo kim phù, làm 2 phủ trưởng; mệnh cho ông tổng lãnh việc quân, được ban Ngọc ấn, đeo Kim hổ phù. Mẫn tâu xin lấy Tá lại Tống Nguyên làm An phủ phó sứ, Cao Phùng Thần làm An phủ thiêm sự, đều được ban Ngân chương, đeo kim phù, ngoài ra còn lấy Lý Trăn làm tham mưu.

Ban đầu Da Luật Sở Tài làm Tổng tài Yến kinh, nên có nhiều người Khiết Đan cư trú ở đây; bọn họ đi lại trong đêm, đem theo cung tên để cướp bóc dân chúng, quan lại không thể cấm đoán nổi. Mẫn bèn phanh thây tên đầu sỏ, bêu ở các chợ. Lại có dân lành bị nhà giàu cưỡng ép làm bô bộc, Mẫn đều tha về. Mẫn chọn trong dân những người quen thạo tinh lịch, cho làm Tư thiên Thái sử thị; xây dựng trường học, mời danh sĩ làm thầy.

Năm 1229, Oa Khoát Đài Hãn nối ngôi, cải tạo ác điện của hành cung [5]; năm 1235, Hãn xây thành Hòa Lâm, dựng cung Vạn An, đặt cung làm Tư cục, tổ chức trạm dịch, để tiện cho chư hầu cống nạp. Những công trình này đều lấy Mẫn đốc trách, đến khi hoàn thành, ban thưởng cho ông rất nhiều. Mùa xuân năm 1241, Mẫn được thụ chức Hành Thượng thư tỉnh, còn có chiếu rằng: "Việc làm của khánh, hữu tư không được can dự." Ít lâu sau Nha Lạt Ngõa Xích [6] từ Tây Vực chuyển đến, xin được cùng Mẫn cai trị dân Hán, Oa Khoát Đài Hãn chấp thuận. Nha Lạt Ngõa Xích vốn hiếu thắng, nên xấu hổ vì không được nắm quyền, bèn sai thuộc hạ Mang Ca Nhi đến gặp Mẫn đặt điều, nhưng ông đem chiếu viết tay ra cho hắn xem, đành thôi. Hãn nghe được, sai Hán sát Hỏa Nhi Xích, Trung thư tả thừa tướng Niêm Hợp Trọng Sơn, Phụng ngự Lý Giản tra xét, biết được sự thật, nên bãi chức của Nha Lạt Ngõa Xích, còn lệnh cho Mẫn một mình nắm quyền. Mẫn lại vời Lý Trăn làm Tả hữu tư lang trung, Trăn ở mạc phủ hơn 20 năm, giúp việc cho ông rất đắc lực.

Hậu sự[sửa | sửa mã nguồn]

Nãi Mã Chân hoàng hậu xưng chế, lấy Áo Đô Lạt Hợp Man cùng Mẫn làm Hành tỉnh sự.[7] Năm 1251, Mông Ca Hãn lên ngôi, triệu Mẫn đến hành tại, mệnh cho ông tiếp tục cùng nắm quyền với Nha Lạt Ngõa Xích. Năm 1254, Mẫn xin lấy con trai Lưu Thế Hanh thay thế mình, Mông Ca Hãn đồng ý, ban cho Thế Hanh ngân chương, đeo kim hổ phù, ban tên Tháp Tháp Nhi Đài. Mông Ca Hãn truyền dụ cho Thế Hanh đối với kẻ nào không nghe lệnh thì truất đi; còn ban con trai thứ của Mẫn là Lưu Thế Tế tên Tán Chúc Đài, làm Tất Đồ Xích [8], gia nhập Túc vệ.

Mông Ca Hãn đánh Nam Tống, ghé Thiểm Hữu, Mẫn ôm bệnh xin gặp, can rằng: "Trung Nguyên đất rộng dân nghèo, vất vả viễn chinh, sợ không phải kế hay!" Hãn không nghe, Mẫn lui về, ẩn cư ở Niên Phong. Tông vương Hốt Tất Liệt nam chinh, ghé Niên Phong, Mẫn được vào gặp, Hốt Tất Liệt dụ rằng: "Thành Cát Tư Hãn của chúng ta vất vả làm việc, người trông thấy chỉ còn khanh vậy. Mày tuổi đã cao, hãy ghi chép lại việc làm của Thành Cát Tư Hãn để đời sau noi theo." Ít lâu sau, Mẫn mang bệnh quay về đất Yến; đến tháng 4 ÂL, mùa hạ năm 1259 thì mất, hưởng thọ 59 tuổi.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Nguyên sử, tlđd chép "tự Hữu Công", Tân Nguyên sử, tlđd chép "tự Đức Nhu, nhất tự Hữu Công", Nguyên Hiếu Vấn tập, tlđd chép "Công danh mỗ, tự Đức Nhu. dĩ tiểu tự mỗ hành."
  2. ^ Nay là Tuyên Hóa, Hà Bắc
  3. ^ Nguyên sử, tlđd kể rằng cha mẹ của Mẫn bỏ rơi ông trong lúc chạy nạn, được viên đại tướng Mông Cổ thương xót, nhận về nuôi nấng. Người viết cho rằng chi tiết này không hợp lý, nên dùng lời kể của Tân Nguyên sử, tlđd
  4. ^ Tân Nguyên sử, tlđd kể rằng Thành Cát Tư Hãn đích thân hỏi tên họ, Mẫn bèn quỳ xuống trình bày, rằng chủ tướng không quan tâm, nên mình không đủ ăn; vì thế Thành Cát Tư Hãn thương xót, giữ lại bên cạnh. Người viết cho rằng chi tiết này không hợp lý, nên dùng lời kể của Nguyên sử, tlđd
  5. ^ Ác điện (幄殿) tức trướng (màn) điện, là doanh trướng của hoàng đế ở bên ngoài hoàng cung. VD: Chiêu Dịch (nhà Thanh) – Khiếu đình tục lục, Đại Mông Cổ bao yến: "Thượng yến ở phía trước núi cao sông dài và ở trong Vạn Thụ viên của Tị thử sơn trang, thiết Đại hoàng ác điện, có thể dung hơn ngàn người."
  6. ^ Mahmud Yalavach (? – 1254), người tộc Túc Đặc, nước Hoa Lạt Tử Mô (Khwarezm), gian thần Đế quốc Mông Cổ. Yalavach được dịch âm không thống nhất: Nha Lỗ Ngõa Xích (Nguyên sử, tlđd, có lẽ dẫn từ Thánh vũ thân chinh lục), Nha Thứ Oa Xích (Tân Nguyên sử, tlđd), Nha Lạt Oa Xích (Mông Cổ bí sử), Nhã Lão Ngõa Thật (Mã Tổ ThườngTát Pháp Lễ thị bi minh), Ma Hợp Một Đích Hoạt Lạt Tây Mê (Nguyên sử, Thái Tông kỷ), Nha Lạt Ngõa Xích (Nguyên sử, Hiến Tông kỷ),...
  7. ^ Nguyên sử, tlđd chép là Quý Do Hãn bổ nhiệm Áo Đô Lạt sau khi lên ngôi vào năm 1246; Tân Nguyên sử, tlđd chép là Nãi Mã Chân hoàng hậu làm việc này. Áo Đô Lạt Hợp Man là thân tín của Nãi Mã Chân hoàng hậu, sau khi Quý Do Hãn lên ngôi vào năm 1246, đã trừ khử tất cả thân tín của mẹ mình, bao gồm cả Áo Đô Lạt. Vì vậy, người viết dựa theo Tân Nguyên sử, tlđd
  8. ^ Nguyên sử – Binh chí 2: "Người coi văn sử của thiên tử gọi là Tất Đồ Xích."