Mạc Đôn Nhượng
Ứng Vương | |
---|---|
Tông thất triều Mạc | |
Nhiếp chính Nhà Mạc | |
Nhiếp chính | 1580 - 1593 |
Thời kỳ | Mạc Thuần Phúc Đế Mạc Hùng Lễ Công |
Tiền nhiệm | Mạc Kính Điển |
Kế nhiệm | Mạc Ngọc Liễn |
Thông tin chung | |
Sinh | 1540 |
Mất | 1593 Lạng Sơn |
Hoàng tộc | Nhà Mạc |
Thân phụ | Mạc Thái Tông |
Mạc Đôn Nhượng (1540-1593) là hoàng tử và là tướng nhà Mạc trong lịch sử Việt Nam. Ông tham gia cuộc chiến tranh Lê-Mạc cho tới khi kết thúc thời Nam Bắc triều.
Thân thế
[sửa | sửa mã nguồn]Mạc Đôn Nhượng (莫敦讓) là con thứ 7 của Mạc Thái Tông và em của Mạc Hiến Tông. Ông còn 5 người anh khác, trong đó nổi bật là Khiêm vương Mạc Kính Điển, vị quan phụ chính cho nhà Mạc trong hơn 30 năm[1]. Mạc Đôn Nhượng vào hàng chú của Mạc Tuyên Tông và hàng ông của Mạc Mậu Hợp. Theo gia phả họ Mạc tại Cổ Trai - Dương Kinh thì Mạc Đôn Nhượng là em Mạc Phúc Nguyên (được khắc ở bia đá thời nhà Nguyễn), nên Mạc Đôn Nhượng chỉ là chú của vua Mạc Mậu Hợp.
Phụ chính thời Mạc Mậu Hợp
[sửa | sửa mã nguồn]Mạc Đôn Nhượng được phong tước Ứng vương (應王). Trong thời gian Mạc Kính Điển làm phụ chính cho Mạc Tuyên Tông và Mạc Mậu Hợp, Mạc Đôn Nhượng chưa có vai trò lớn. Từ năm 1580, Mạc Kính Điển qua đời, Ứng vương Mạc Đôn Nhượng được giao làm phụ chính cho Mạc Mậu Hợp.
Nhân sự nhà Mạc lúc đó không còn nhiều người giỏi. Mạc Đôn Nhượng chủ yếu dựa vào 2 lão tướng Nguyễn Quyện và Mạc Ngọc Liễn. Mặt khác, Mạc Mậu Hợp trong nhiều năm không quan tâm tới chính sự khiến nhiều đại thần tài năng từ quan về hưu, ngày càng ít nhân tài giúp triều đình.
Mùa thu năm 1581, Mạc Đôn Nhượng cùng Nguyễn Quyện và Mạc Ngọc Liễn đi đánh các huyện ven sông ở Thanh Hóa. Ông đem quân vượt biển vào đến huyện Quảng Xương, đóng quân ở núi Đường Nang. Trịnh Tùng sai Hoàng Đình Ái thống lĩnh các tướng tiến quân chống giữ. Đình Ái chia thành ba đạo, cùng Nguyễn Hữu Liêu, Trịnh Bính, Hà Thọ Lộc làm tả đội chống quân Nguyễn Quyện, còn Trịnh Văn Hải chống quân Mạc Ngọc Liễn.
Hai bên đánh nhau to. Quân Lê chém hơn 600 quân Mạc, bắt sống tướng Mạc là Nguyễn Công và Phù Bang hầu. Quân Mạc đại bại, tan vỡ tháo chạy. Mạc Đôn Nhượng và tướng sĩ thu nhặt tàn quân về Thăng Long[2][3].
Liên tiếp trong mấy năm sau, các tướng nhà Mạc giao tranh với quân Nam triều đều bất lợi, bị tổn thất lực lượng. Năm 1589, Mạc Đôn Nhượng thống suất quân bốn trấn, định ngày cùng tiến đến Yên Mô, hẹn giao chiến với quân Nam triều.
Trịnh Tùng sai Nguyễn Hữu Liêu đem 15.000 quân tinh nhuệ và 200 thiết kỵ, đi ngầm trong đêm tối tới vùng chân núi tìm các hang động, khe suối và những nơi có lau sậy mà mai phục để đợi quân Mạc; Trịnh Đỗ, Trịnh Đồng, Trịnh Ninh đem quân chặn hậu; Ngô Cảnh Hựu đem quân chở lương thực, thu nhặt rút trước vào núi Tam Điệp để lừa quân Mạc tưởng là lui quân về.
Mạc Đôn Nhượng không biết kế lừa, nhân có nhiều quân bèn thúc tiến đánh. Đến chỗ hiểm ở núi Tam Điệp, Trịnh Tùng tung đại quân đánh ra, chém được hơn 1.000 quân Mạc, bắt sống được hơn 600 người. Quân Mạc tan vỡ chạy về Thăng Long[2][3]. Trịnh Tùng không đuổi theo mà rút quân về Thanh Hóa.
Giáp tết âm lịch năm 1592, Trịnh Tùng mở cuộc tấn công quy mô ra bắc, đánh bại quân Mạc. Mạc Mậu Hợp thua trận rút khỏi Thăng Long, nhưng Trịnh Tùng cũng thấy chưa đủ khả năng đánh chiếm miền Bắc nên lại rút về Thanh Hóa.
Phò Mạc Kính Chỉ
[sửa | sửa mã nguồn]Mạc Mậu Hợp có thời gian hòa hoãn không biết tận dụng, lại chỉ hưởng thụ. Cuối năm 1592, Trịnh Tùng lại khởi đại quân tiến ra bắc. Quân Mạc đại bại. Mạc Mậu Hợp truyền ngôi cho cho là Mạc Toàn rồi bị bắt và bị giết. Lực lượng họ Mạc chạy tản mát các nơi ở Bắc Bộ. Mạc Đôn Nhượng tôn lập con Mạc Kính Điển là Mạc Kính Chỉ; Mạc Ngọc Liễn cũng tôn lập một người con khác của Mạc Kính Điển là Mạc Kính Cung. Mạc Toàn thế cô, từ ngôi vua chạy đến theo Mạc Kính Chỉ và Mạc Đôn Nhượng.
Mạc Kính Chỉ và Mạc Đôn Nhượng chiếm cứ vùng Thanh Lâm, Kính Chỉ xưng vua ở Nam Giản thuộc Chí Linh, Hải Dương. Ngày 9 tháng 1 năm Quý mùi (1593), Trịnh Tùng đích thân đốc đại quân vượt sông Nhị Hà, sai Hoàng Đình Ái lẻn đánh úp sau lưng Mạc Kính Chỉ. Kính Chỉ phải lui lên núi Chí Linh. Trịnh Tùng tiếp tục truy kích, cuối cùng tới ngày 14 tháng giêng thì bắt được Kính Chỉ, Mạc Toàn ở thôn Tân Manh, huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) và nhiều tôn thất nhà Mạc rồi mang chém ở bến Thảo Tân.
Mạc Đôn Nhượng chạy thoát lên Lạng Sơn. Ít lâu sau, ông lâm bệnh qua đời[4], không rõ khi đó bao nhiêu tuổi. Tính từ khi vua cha Mạc Thái Tông mất (1540) tới khi Mạc Đôn Nhượng qua đời, ít nhất ông sống đến 53 tuổi.
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- Đại Việt Sử ký Toàn thư
- Đại Việt Thông sử
- Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục
- Viện Sử học (2007), Lịch sử Việt Nam, tập 3, Nhà xuất bản Khoa học xã hội.