Bước tới nội dung

Nguyễn Phúc Tĩnh Hảo

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Diên Phúc Công chúa
延福公主
Công chúa nhà Nguyễn
Thông tin chung
Sinh1824
Mất1847 (23 tuổi)
Phu quânNguyễn Văn Ninh
Tên húy
Nguyễn Phúc Tĩnh Hảo
阮福静好
Thụy hiệu
Đoan Nhã Diên Phúc Công chúa
端雅延福公主
Thân phụNguyễn Hiến Tổ
Thiệu Trị
Thân mẫuThái hậu Từ Dụ

Nguyễn Phúc Tĩnh Hảo (chữ Hán: 阮福静好; 18231848), phong hiệu Diên Phúc Công chúa (延福公主), là một công chúa con vua Thiệu Trị nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.

Cuộc đời

[sửa | sửa mã nguồn]

Hoàng nữ Tĩnh Hảo sinh năm Minh Mạng thứ 5 (1824), là trưởng nữ, và cũng là người con đầu lòng của vua Thiệu Trị, khi ông giữ tước Trường Khánh công (长庆公).[1] Mẹ của Tĩnh Hảo là Phủ thiếp Phạm Thị Hằng, về sau là Hoàng thái hậu Từ Dụ. Hoàng nữ Tĩnh Hảo là chị cùng mẹ với hoàng nữ Uyên Ý (mất sớm khi mới 3 tuổi) và vua Tự Đức.[1]

Sử sách ghi lại, công chúa Tĩnh Hảo tuổi còn trẻ mà thông minh, nhàn nhã đoan tĩnh, có tính hiếu đễ. Hằng ngày, công chúa đều vào hầu cụ nội là Nhân Tuyên Hoàng thái hậu Trần Thị Đang lễ phép và kính cẩn, rất được bà Nhân Tuyên yêu dấu.[2]

Năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), tháng giêng, vua cho làm nhà ở ba vườn Vĩnh Ấm, Vĩnh Tú, Vĩnh Lệ để cho các công chúa Tĩnh Hảo, Nhàn YênHuy Nhu ở.[3] Cũng trong tháng đó, vua gả chồng cho cả ba công chúa.[4] Tĩnh Hảo được gả cho Phò mã Đô úy Nguyễn Văn Ninh.[4] Phò mã Ninh nguyên quán ở huyện Bảo Hựu, Vĩnh Long, là con trai của Chưởng phủ sự Thái bảo Hoằng Trung hầu Nguyễn Văn Trọng.[2] Công chúa Tĩnh Hảo sống với chồng rất mực yêu quý và hòa thuận.

Trong số những người em gái khác mẹ của Tĩnh Hảo, có Quy Chính Công chúa Lệ Nhàn, hoàng nữ thứ 15 của vua Thiệu Trị, hạ giá lấy Nguyễn Văn Duy, là cháu nội của Hoằng Trung hầu Nguyễn Văn Trọng.

Mùa hạ năm thứ 6, tháng 4 (âm lịch), Tĩnh Hảo được sách phong làm Diên Phúc Công chúa (延福公主).[5] Năm đó, chỉ có duy nhất một mình bà được sách phong làm Công chúa.

Tháng giêng, năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), vua cấp thêm lương năm cho công chúa Diên Phúc, mỗi năm được nhận 600 quan tiền và 300 phương gạo,[6] ngang hàng với 4 bài Thái trưởng công chúa.[7] Lương hằng năm của các công chúa, theo lệ định là 300 quan tiền và 240 phương gạo,[6] nhưng công chúa Tĩnh Hảo lại được đặc cách như vậy phần nào thể hiện rõ sự yêu thương của vua cha dành cho bà.

Tháng 5 (âm lịch) năm thứ 7, phò mã Ninh gặp tang mẹ.[8] Theo lệ, công chúa để tang cha mẹ chồng là 1 năm. Nhưng vì mẹ của phò mã Ninh chỉ là thứ thất của Hoằng Trung hầu, mà công chúa Diên Phúc là con gái trưởng nhà vua, có phân biệt với các thứ công chúa, nên Bộ Lễ xin cho công chúa để tang Tư thôi 5 tháng.[8]

Công chúa Diên Phúc mất vào năm Tự Đức thứ nhất (1847), sau vua cha không lâu.[1] Bà mất khi mới vừa 25 tuổi (tính theo tuổi mụ), được ban thụyĐoan Nhã (端雅)[2]. Phủ thờ của công chúa Diên Phúc được dựng ở Kim Long, phủ Thừa Thiên.[1] Công chúa cũng được thờ ở chùa Diệu Đế, nguyên trước đây là phủ Trường Khánh, nơi bà đã từng sống cùng mẹ và các em khi Thiệu Trị chưa đăng cơ.

Năm Tự Đức thứ 23 (1870), phò mã Ninh cũng qua đời.[2][9]

Thơ viếng của Tự Đức

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau này vua Tự Đức thường đi qua nhà cũ, nhớ thương người chị vắng số, mà làm 3 bài thơ viếng. Lời rằng:[2]

Bài I

Phiên âm:
Thủy lưu hoa tạ thái vô tình
Quang cảnh giao nhân ám tự kinh
Tương chử ba trâm dao sắc hưởng
Tần lâu vân ủng ngọc tiêu thanh
Đổ lưu truyền nhưỡng thiên thiên hận
Vị tặng đồng khuê nhất ngũ vinh
Hàm lệ trí trù hồi thủ vọng
Hiểu phong mọc nại trục bồng khinh.
Dịch nghĩa:
Hoa trôi nước chảy khá vô tình
Quang cảnh xui người ngầm tự kinh hãi
Sóng nước sông Tương làm chìm tiếng đàn sắt
Mây phủ lầu Tần làm lấp tiếng tiêu thổi
Những thương suối vàng để hận nghìn năm
Chưa được phong cho sách vàng làm vinh dự
Nuốt lệ dùng dằng ngoảnh đầu trông lại
Khốn nỗi vì gió thổi thuyền bồng đi nhanh.

Bài II

Phiên âm:
Nam cầu vũ hóa dật tiên tài
Nhân thế thùy năng ngoại thất ai
Tính tuế liễn lai ca xuy động
Kim thần chu quá huệ lan tôi
Nhàn vân tu tán ưng vô định
Đại mộng hoan hỉ khước kỷ hồi
Cựu sự bất kham trùng thuyết hoại
Ngã tâm phương thốn tẫn thành hơi.
Dịch nghĩa:
Khó tìm được người tài giỏi biến hóa như mọc cánh bay đi
Người ta ở đời ai khỏi có bảy thứ thương
Năm trước xe qua nghe ca hát nhộn nhịp
Sớm nay thuyền dạo thấy huệ lan khô héo
Đám mây bay tụ tán không bao giờ nhất định
Giấc mộng vui buồn lại chẳng mấy chốc
Việc cũ chẳng nên bàn cãi làm gì nữa
Tấc lòng ta từ ngoài thành ra gió lạnh.

Bài III

Phiên âm:
Tinh vệ u hồn hà xứ tầm
Kinh qua dao điếu lính ba tản
Thường Sơn trì quán hoa thông lạc
Cấm thủy lâu đài nguyệt tự trầm
Giang tác ly thanh truyền khúc chữ
Nhạn kinh thất tự oán hàn lâm
Hồi khan ai lạc thành như mộng
Diểu diểu ba đào tứ bất câm.
Dịch nghĩa:
U hồn chim tinh vệ biết tìm ở chốn nào
Đi qua xa thương làn sóng xanh biếc
Ao quan ở Thường Sơn, hoa tự rơi rụng
Lâu đài ở Cấm Thủy bóng trăng tự chìm lặng
Nước chảy ở khúc sông gãy khúc thành ra tiếng biệt ly
Nhạn kinh lạc bạn oánh trách rừng sâu lạnh lẽo
Xem lại chuyện đời buồn đều như giấc mộng cả
Sóng nước mênh mang không cầm nổi tình thương xót.

Năm Tự Đức thứ hai (1849), mùa xuân, vua đến nhà thờ của công chúa Diên Phúc, rót rượu tế, lại làm thơ rằng:[2]

Bài IV

Phiên âm:
Tỉ tỉ nguyên phi thiểu
Đồng bào chỉ nhị nhân
Văn thư tằng vi bảo
Chử chúc vị năng thân
Ôn thanh bằng thùy cộng
Ưu lao độc ngã tần
Vãn tu liêu điện giả
Kiến nguyệt bội thương thần.
Dịch nghĩa:
Chị ta nguyên chẳng trẻ,
Ruột thịt chỉ hai tên,
Nghe sách từng quên đói,
Nấu nướng chẳng hề quen,
Thương nhau chung ấm lạnh,
Lo lắng chỉ vì em,
Đêm khuya dâng tặng lễ,
Nhìn trăng cảm thương thêm.

Trong văn hóa đại chúng

[sửa | sửa mã nguồn]
Năm Tác phẩm Diễn viên Nhân vật
2020 Phượng khấu Hoàng Vân Anh Nguyễn Phước Tĩnh Hảo

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c d Nguyễn Phúc tộc thế phả, tr.359
  2. ^ a b c d e f Đại Nam liệt truyện, tập 3, quyển 10 – phần Diên Phước Công chúa Tĩnh Hảo
  3. ^ Đại Nam thực lục, tập 6, tr.820
  4. ^ a b Đại Nam thực lục, tập 6, tr.825
  5. ^ Đại Nam thực lục, tập 6, tr.863
  6. ^ a b Đại Nam thực lục, tập 6, tr.954
  7. ^ Thái trưởng công chúa là cô của vua. Bốn bà Thái trưởng được đề cập ở đây là Ngọc Châu, Ngọc Quỳnh, Ngọc AnhNgọc Xuyến, là những người con gái của vua Gia Long.
  8. ^ a b Đại Nam thực lục, tập 6, tr.1021
  9. ^ Nguyễn Phúc tộc thế phả, tr.360 lại chép năm mất của phò mã Ninh là 1872 (tức năm Tự Đức thứ 25).