Phương Thanh (diễn viên)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Nghệ sĩ Nhân dân
Phương Thanh
Thông tin cá nhân
Sinh
Tên khai sinh
Phương Thị Thanh
Ngày sinh
(1956-10-14)14 tháng 10, 1956
Nơi sinh
Hà Tây
Mất
Ngày mất
13 tháng 2, 2009(2009-02-13) (52 tuổi)
Nơi mất
Hà Nội
Nguyên nhân
Tai biến mạch máu não
Giới tínhnữ
Quốc tịch Việt Nam
Nghề nghiệp
Gia đình
Hôn nhân
Nguyễn Anh Dũng
(cưới 1986⁠–⁠2009)
Lĩnh vựcĐiện ảnh
Danh hiệuNghệ sĩ ưu tú (1993)
Nghệ sĩ nhân dân (2011)
Sự nghiệp điện ảnh
Năm hoạt động1976 – 2007
Đào tạoTrường Điện ảnh Việt Nam
Vai diễnHiền "cá sấu" trong Tội lỗi cuối cùng
Giải thưởng
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 5
Nữ diễn viên chính xuất sắc
Website

Phương Thanh (14 tháng 10 năm 1956 – 13 tháng 2 năm 2009) là một nữ diễn viên điện ảnh và truyền hình Việt Nam. Phương Thanh được biết tới nhiều nhất qua vai diễn Hiền "cá sấu" trong bộ phim Tội lỗi cuối cùng (1978) của đạo diễn Trần Phương, mà đã trở thành một biệt danh quen thuộc của bà. [1][2]

Cuộc đời và sự nghiệp[sửa | sửa mã nguồn]

Bà tên thật là Phương Thị Thanh,[3][4][5] sinh ngày 14 tháng 10 năm 1956 tại Hà Tây.[3] Bà tốt nghiệp khóa 2 trường Điện ảnh Việt Nam, cùng khóa với nhiều diễn viên nổi tiếng sau này của Điện ảnh Việt Nam như Như Quỳnh, Diệu Thuần, Thanh Quý. Năm 20 tuổi, Phương Thanh có vai diễn đầu tiên trong bộ phim Đứa con nuôi của đạo diễn Nguyễn Khánh Dư. Năm 1977, bà tốt nghiệp và về công tác tại Xưởng Phim truyện Việt Nam. Năm 1978, Phương Thanh được đạo diễn Trần Phương chọn vào vai chính, nữ tướng cướp Hiền "cá sấu" trong bộ phim Tội lỗi cuối cùng.[5] Vai diễn này đã giúp Phương Thanh giành giải Bông sen vàng cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ V, khi mới ở tuổi 23.

Trong hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp diễn viên, Phương Thanh đã tham gia trên 50 bộ phim truyện nhựa, gần 100 phim truyền hình.[6] Ngoài vai Hiền "cá sấu", bà còn có các vai diễn để lại dấu ấn như Thảo (Ai giận ai thương), Sùng Trinh (Lưu lạcTrở về Sam Sao), Liễu (Rừng lạnh), Kiều Trinh (Bãi biển đời người), Yến (Ông Hai Cũ), Kiều Oanh (Kỷ niệm đồi trăng), Mai (Nửa chừng xuân)...[4] Cùng với Như Quỳnh, Phương Thanh là một trong hai nữ diễn viên điện ảnh miền Bắc đầu tiên gây ấn tượng với công chúng ở miền Nam sau khi đất nước thống nhất; đồng thời cũng là một cái tên đảm bảo của sự thành công cả về nghệ thuật và khán giả trong mỗi bộ phim tham gia.[4]

Từ sau khi lập gia đình, bà ít tham gia vào các hoạt động điện ảnh hơn trước.[7] Vai diễn cuối cùng của bà là vai bà mẹ trong bộ phim truyền hình dài tập Mùa cưới (2007) của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn.[5]

Vốn có tiền sử cao huyết áp, Phương Thanh qua đời vào ngày 13 tháng 2 năm 2009 tại Viện Quân y 108, Hà Nội sau một cơn tai biến mạch máu não khi chỉ mới 53 tuổi.[5]

Với những đóng góp của mình, Phương Thanh đã được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 1993 và truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân năm 2012.[8] Bà là một trong số các nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam có tên trong Bách khoa toàn thư điện ảnh Liên Xô.[9]

Các phim đã tham gia[sửa | sửa mã nguồn]

Điện ảnh[sửa | sửa mã nguồn]

Năm Phim Vai diễn Đạo diễn
1976 Đứa con nuôi Thoa NSND Nguyễn Khánh Dư
1977 Những đứa con Hạnh
1978 Tội lỗi cuối cùng Hiền "cá sấu" NSND Trần Phương
Mưa rơi trên thành phố Nha Trang
Ngày mưa cuối năm NSND Đặng Nhật Minh
1979 Những người đã gặp Nga NSND Trần Vũ
Những con đường Kim Liên Nông Ích Đạt
1980 Ai giận ai thương Thảo NSND Bạch Diệp
Câu lạc bộ không tên Hằng NSND Nguyễn Khắc Lợi
1981 Rừng lạnh Liễu NSND Trần Phương
Hi vọng cuối cùng Hòa
1983 Sẽ đến một tình yêu Nga NSND Phạm Văn Khoa
Bãi biển đời người Kiều Trinh NSND Hải Ninh
1984 Người chiến sĩ thầm lặng Hơ Mây NSND Phạm Văn Khoa
1985 Chỉ còn lại một mình Ê Ban NSND Nguyễn Hồng Sến
Trở về Sam Sao Sùng Trinh NSƯT Nguyễn Xuân Chân
Hai Cũ Yến Lam Sơn
1986 Kỉ niệm đồi trăng Kiều Oanh NSƯT Hà Văn Trọng
1987 Những tháng năm đẹp nhất Trúc
1988 Những mảnh đời rừng Liên NSND Trần Vũ, Jörg Foth
1989 Nửa chừng xuân Mai NSƯT Lê Đức Tiến
Đời mưa gió Thủy NSƯT Đức Hoàn
1997 Trưởng ban dân số Thơ NSƯT Trần Trung Nhàn
2002 Vua bãi rác Chủ quán bar Đỗ Minh Tuấn
2004 Mái trường yên tĩnh Hiệu Phó Dung NSND Bùi Cường

Truyền hình[sửa | sửa mã nguồn]

Năm Phim Vai diễn Đạo diễn
1998 Gió qua miền tối sáng Hiền NSND Phạm Thanh Phong
Họa Mi về tổ Phương Trinh NSƯT Trần Trung Nhàn
2000 Ngọn đèn trước gió Thu NSND Bùi Cường
2003 Hạnh phúc đợi chờ Hoàng Hoa NSND Nguyễn Anh Dũng
2007 Mùa cưới Người mẹ Đỗ Minh Tuấn

Đời tư[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 30 tuổi, sau khi đóng phim Kỷ niệm đồi trăng, Phương Thanh đã lập gia đình với người bạn diễn của mình trong phim, Nguyễn Anh Dũng, một diễn viên kịch và điện ảnh (từng là Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam). Hai người đã có một người con gái.[10]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ T.V.V (ngày 14 tháng 2 năm 2009). “Nhớ mãi một Hiền "cá sấu". Thanh Niên.
  2. ^ Bình Như (ngày 27 tháng 5 năm 2008). “Những mỹ nhân ciné: Hoang dại "Hiền cá sấu". An ninh Thế giới Cuối tháng. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 12 năm 2008. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2009.
  3. ^ a b D.T (ngày 14 tháng 2 năm 2009). “Vĩnh biệt Nghệ sĩ ưu tú Phương Thanh!”. Thanh Niên.
  4. ^ a b c Việt Hoài - Nga Linh. “Vĩnh biệt Hiền "cá sấu". Tuổi Trẻ. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 2 năm 2009. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2009.
  5. ^ a b c d Thành Trung (ngày 14 tháng 2 năm 2009). “Nghệ sĩ ưu tú Phương Thanh đã ra đi mãi mãi”. Thể thao & Văn hóa.
  6. ^ “Nghệ sĩ ưu tú Phương Thanh và vai diễn để đời”. VnExpress. ngày 8 tháng 6 năm 2004. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 2 năm 2009. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2009.
  7. ^ “Phương Thanh và niềm đam mê nghệ thuật”. VnExpress. ngày 10 tháng 5 năm 2004. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 2 năm 2009. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2009.
  8. ^ Những nghệ sĩ sắp thành Nghệ sĩ nhân dân
  9. ^ Trần Trọng Đăng Đàn (ngày 10 tháng 11 năm 2007). “Nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam trong Bách khoa toàn thư điện ảnh Liên Xô”. Công an Thành phố Hồ Chí Minh. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 11 năm 2007. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2009.
  10. ^ Ngọc Trần (ngày 14 tháng 2 năm 2009). “Nghệ sĩ ưu tú Phương Thanh qua đời”. VnExpress. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 2 năm 2009. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2009.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]