Thành viên:Võ thuật Việt Nam/Lương Ngọc Huỳnh

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Võ thuật Việt Nam/Lương Ngọc Huỳnh
SinhLương Ngọc Huỳnh
Hà Tây
Dân tộcKinh
Trường lớpGiáo sư, viện sĩ
Nghề nghiệpVõ sư, thầy thuốc, phó chủ tịch học viện An ninh xã hội Liên bang Nga, phó Chủ tịch thường trực hội võ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga, chưởng môn phái Lâm Sơn Động, Chủ tịch hệ thống Việt y tại Việt Nam.
Nổi tiếng vìVõ sư sáng lập môn phái võ Lâm Sơn Động.
Danh hiệuGiáo sư học viện An ninh Nga, Viện sĩ Viện Hàn lâm Chiêm tinh Mông Cổ, Viện sĩ viện hàn lâm quốc tế Tiệp Khắc, Huân chương Pirogov, Huân chương Vì sự nghiệp an ninh Liên bang Nga, Huân chương quân công Hoàng Gia Campuchia.

Lương Ngọc Huỳnh (sinh 1966) là võ sư sáng lập, chưởng môn phái Lâm Sơn Động. Ông được báo chí Việt Nam gọi là giáo sư, viện sĩ, bác sĩ với công việc nguyên là phó chủ tịch học viện An ninh xã hội Liên bang Nga, Chủ tịch thường trực hội võ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga, chủ tịch hệ thống Việt y tại Việt Nam. Theo lời thuật lại của ông Huỳnh, ông là một kỷ lục gia thế giới với kỷ lục biểu diễn động lực giáp pháp công[1] Theo một số báo, ông Huỳnh đã tham gia chữa bệnh cho nhiều chính khách nổi tiếng tại Nga từ năm 2006 và còn tham gia chữa bệnh cho các lãnh đạo Đảng, nhà nước Việt Nam.[1] Có nhiều ý kiến tranh luận chưa ngã ngũ xung quanh những bằng cấp, học hàm cũng như các khả năng của ông Huỳnh theo như các phát ngôn của ông. Tranh luận gây chú ý nhất của dư luận là việc ông tuyên bố đã giúp cho thời tiết ngày Quốc khánh Việt Nam trở nên tốt đẹp hơn nhằm phục vụ cho buổi lễ duyệt binh vào ngày 2 tháng 9 năm 2015.[2]

Sự nghiệp[sửa | sửa mã nguồn]

Lương Ngọc Huỳnh sinh năm 1966 tại làng Dương Cốc, Quốc Oai, Hà Tây. Do ông bị mẹ đẻ rơi trong chuồng trâu nên được cắt rốn sơ sài và bị nhiễm trùng uốn ván. Khi được đưa tới tới bệnh viện, các bác sĩ đều chẩn đoán Lương Ngọc Huỳnh đã chết nên bàn giao thi thể lại cho người nhà để làm hậu sự[3]. May mắn cho gia đình, kịp lúc bà nội Ngọc Huỳnh từ Hải Phòng đến nơi, muốn nhìn thấy đứa cháu. Bà nội ông phát hiện thấy miếng bông dính ở mũi cháu phập phồng. Mọi người đưa ông đến bệnh viện Gồ, Sơn Tây cứu chữa trong 3 tháng dài[4]. Nhờ vậy mà cậu bé Huỳnh chết lâm sàng có cơ hội được sống sót. Do Lương Ngọc Huỳnh được sinh thiếu tháng chỉ nặng 1,7 kg, cộng thêm di chứng uốn ván khiến ông bị bại liệt hoàn toàn, chân tay co quắp. Bà nội ông, cụ Nguyễn Thị Tỵ lúc đó đã cất công đi khắp nơi, lặn lội kiếm thuốc để điều trị cho cháu. Bà vận dụng các kiến thức về khí công võ thuật lẫn y học cổ truyền để chữa bệnh. Hơn 4 năm sau, ông bắt đầu tập đi. Tuy nhiên, sức khỏe của ông lúc đó rất yếu[4].

Vì sức khỏe yếu nên ông Huỳnh luôn có cảm giác bất an. Khi 6 tuổi, nhiều lần ở nhà một mình ông thấy rất sợ và tự hỏi: "Bố mẹ già và chết đi thì ai sẽ nuôi mình". Ông thường hoảng sợ, và khóc. Vì vậy, ông Huỳnh quyết tâm phải có sức khoẻ và bắt đầu luyện tập chạy, nhảy, chống đẩy, bơi lội và tập võ thuật... Kiên trì, bền bỉ qua bao ngày tháng, giờ đây ông Lương Ngọc Huỳnh đã là một võ sư được nhiều người biết đến[3]. Cũng chính bà nội ông đã nghiêm khắc truyền dạy y đức và võ thuật cho ông, đến năm 17 tuổi, ông Huỳnh có thể khám bệnh bốc thuốc cho nhiều người. Năm 27 tuổi, ông Huỳnh sang Trung Quốc để học hỏi thêm các tinh hoa võ thuật khắp nơi[5].

Năm 1989, sau khi thi hành nghĩa vụ quân sự về, Lương Ngọc Huỳnh học tiếp tục võ thuật nâng cao. Ngày 23 tháng 9năm 1990, Lương Ngọc Huỳnh thành lập môn phái Lâm Sơn Động và là chưởng môn phái với giấy phép do Sở Thể dục thể Thao Hà Tây cấp[6].

Năm 1998 ông được Trung tâm huấn luyện võ thuật của Pháp mời sang Paris huấn luyện, ngoài việc huấn luyện cho trung tâm võ thuật ông còn huấn luyện cho tổ chức cảnh sát đặc biệt của Pháp có tên gọi là GINGEN.

Năm 2001, Võ sư Lương Ngọc Huỳnh sang Nga để truyền bá võ thuật và phát triển nghề thuốc. Ông mở võ đường ở Trung tâm Thương mại Sông Hồng tại Moskva, nơi có đông người gốc Việt sinh sống[6].

Ngày 1 tháng 6 năm 2002, tại liên hoan võ thuật toàn Liên bang Nga, theo ông Huỳnh, ông là khách mời người Việt duy nhất tham dự liên hoan. Dịp này, ông đã lập nên kỉ lục thế giới bằng biểu diễn động lực giáp pháp công[7]. Năm 2007, sau 5 năm học quy đổi, Lương Ngọc Huỳnh nhận được bằng bác sĩ dân tộc học của trường Y1- Moskva, chứng nhận về thần kinh và dược học[5].

Lương Ngọc Huỳnh cho biết, ông được viện hàn lâm Chiêm tinh Mông Cổ phong làm viện sĩ hàn lâm khi trình bày đề tài khoa học về "cách chữa bệnh dựa trên phương pháp châm cứu và bấm huyệt theo dịch lý phương Đông, kiến thức về phong thủy truyền thống, quy luật tương sinh trong ngũ hành và những biến quái, biến quẻ"[5]. Lương Ngọc Huỳnh được các tổ chức an ninh của Nga mời giảng dạy, ông kết hợp với bệnh viện Tổng thống mở hệ thống chữa bệnh bằng Đông y, ở Nga ông đã tham gia chữa bệnh cho các chính khách nổi tiếng như Kirsan Ilyumzhinov (cựu tổng thống nước cộng hoà Kalmykia), thị trưởng Luzkov, nghị sĩ Kavzon, bộ trưởng bộ kinh tế Liên Bang Nga Glev German, tỉ phú Roman Abramovich[1].

Ngày 3 tháng 3 năm 2012, Lương Ngọc Huỳnh được Đại tướng Tephanov - Trưởng Học viện an ninh Nga phong tặng học hàm Giáo sư[5].

Gia đình[sửa | sửa mã nguồn]

Cha mẹ và anh em ông Huỳnh sống tại Việt Nam. Vợ chồng ông và một con trai (sinh 2004) hiện sống tại Moskva. Hàng năm ông vẫn về Việt Nam để thăm gia đình. Ông hơn vợ là Nguyễn Thanh Quyên 15 tuổi. Vợ ông từng học tại trường Đại học Lomonosov. Hai người cưới nhau vào năm 2003[5].

Lĩnh vực nghiên cứu[sửa | sửa mã nguồn]

Nhóm bệnh ông chữa hiệu quả cao liên quan đến xương khớp, như thoái hóa đốt sống, thoát vị đĩa đệm, viêm khớp và cong cột sống. Ngoài ra các bệnh liên quan hệ thần kinh, liệt dây thần kinh mặt, thần kinh tọa, thần kinh ngoại biên, thần kinh thực vật, bệnh rối loạn chức năng tạng phủ như tim, gan,thận, tụy, dạ dày... cũng được ông từng chữa thành công cho nhiều người[3].

Vinh danh[sửa | sửa mã nguồn]

Theo một số tờ báo được phép xuất bản tại Việt Nam thuật lại, ông Huỳnh cho biết ông đã nhận được các vinh dự sau:
  • Năm 2007, ông Huỳnh được tôn vinh là một trong 72 con người của thiên niên kỷ trong cuốn "Những con người của thiên niên kỷ chúng ta" do nhà xuất bản "Tuyến đường mới của Nga" phát hành[1].
  • Ngày 3 tháng 3 năm 2012, ông Huỳnh được học viện An ninh Nga phong tặng hàm Giáo sư[1].
  • Ông Huỳnh được Viện Hàn lâm Chiêm tinh Mông Cổ phong danh hiệu Viện sĩ[4].
  • Ông từng được trao Huân chương Pirogov (Huân chương này không có trong hệ thống các giải thưởng về Y học của Liên bang Nga) do Ủy ban giải thưởng Quốc gia Liên bang Nga trao tặng[4].
  • Ông cũng được Học viện An ninh Xã hội Quốc gia Liên bang Nga trao tặng Huân chương Vì sự nghiệp an ninh Liên bang Nga.[4][8]

Tuyên bố về khả năng đuổi mưa[sửa | sửa mã nguồn]

Tháng 9 năm 2015 trước đại lễ quốc khánh Việt Nam, vào lúc 1h18 phút ngày 1 tháng 9, trên trang facebook cá nhân ông Lương Ngọc Huỳnh đăng nội dung "Theo dự báo thời tiết, từ đêm 1 đến hết 4/9, trời Hà Nội có mưa to rất to và giông tố / Đây là ngày lễ kỷ niệm trọng đại của đất nước, không cho phép ảnh hưởng đến danh dự và uy tín Quốc gia. Ngày mùng 2/9, trời Hà Nội sẽ có gió nhẹ mát mẻ và không mưa để phục vụ cho Quốc lễ..."

Khi các phóng viên liên hệ trao đổi, tại phòng khám ở phố Núi Trúc, Hà Nội, ông Huỳnh khẳng định mình đã dùng phương pháp "khoa học thần bí" để "đuổi mưa" trong ngày 2 tháng 9[2].

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c d e Cuộc đời như tiểu thuyết của võ sư Việt lừng danh quốc tế, Báo điện tử Người đưa tin
  2. ^ a b Giáo sư bất ngờ tuyên bố đã "đuổi mưa" cho ngày 2/9 ở Hà Nội, Báo Điện tử tri thức trẻ. Cơ quan chủ quản: Hội tri thức khoa học và công nghệ Việt Nam.
  3. ^ a b c Từ sinh non, liệt giường đến võ sư danh tiếng, Báo VietNamNet
  4. ^ a b c d e Gặp kỳ nhân Lương Ngọc Huỳnh, Bộ Y tế - Đơn vị cung cấp thông tin © Báo Sức khoẻ và Đời Sống
  5. ^ a b c d e Gia đình hạnh phúc của Giáo sư- Viện sĩ Lương Ngọc Huỳnh Báo phunutoday
  6. ^ a b Kỳ nhân Lâm Sơn Động, Báo Người Lao động Điện tử
  7. ^ Đây là phương pháp hít bát vào bụng để nhấc mình lên khỏi mặt đất dưới sự hỗ trợ của cần cẩu. Kỉ lục của Việt Nam từng có là là 3 phút 35 giây thì lần này ông đã phá kỉ lục khi thực hiện đến 15 phút
  8. ^ Học viện An ninh Xã Hội Quốc gia Liên Bang Nga không thuộc bộ Quốc phòng Nga và không thuộc cơ quan nhà nước Liên bang Nga, tránh nhầm lẫn với Học viện An ninh của Nga.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]


Thể loại:Sinh năm 1966 Thể loại:Người Hà Tây Thể loại:Bác sĩ Việt Nam Thể loại:Võ sư Việt Nam