Trần Thị Trường

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Đây là một phiên bản cũ của trang này, do Hahahihihaha (thảo luận | đóng góp) sửa đổi vào lúc 04:08, ngày 13 tháng 11 năm 2022. Địa chỉ URL hiện tại là một liên kết vĩnh viễn đến phiên bản này của trang, có thể khác biệt rất nhiều so với phiên bản hiện hành.

Trần Thị Trường
Thông tin cá nhân
Sinh
Ngày sinh
1950 (73–74 tuổi)
Nơi sinh
Tuyên Quang
Giới tínhnữ
Nghề nghiệp
Gia đình
Con cái
2

Trần Thị Trường (sinh năm 1950 tại Tuyên Quang) là một nữ nhà vănhọa sĩ của Việt Nam.

Thân thế

Trần Thị Trường sinh năm 1950 tại Tuyên Quang nhưng nguyên quán của bà ở Hoài Đức, Hà Nội.[1][2] Ở tuổi thiếu nữ, Trần Thị Trường theo học lớp vẽ của họa sĩ Phạm Viết Song ở phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội.[3] Lớp vẽ này tuy nhỏ với hơn 10 học trò nhưng đã được họa sĩ Trần Văn Cẩn đến thăm và dạy trong một số thời gian. Những bài giảng của các Trần Văn Cẩn đã truyền cảm hứng theo đuổi nghề mỹ thuật cho bà.[3] Từ nhỏ, Trần Thị Trường có niềm đam mê với gốm sứ đến từ một thương hiệu gốm trên phố Nguyễn Du là Gốm Chi. Bà từng dành ra hàng giờ ngồi quan sát những chiếc bình gốm có kiểu khác nhau được làm đơn chiếc cùng nước men.[3]

Sự nghiệp

Trần Thị Trường từng là một nhân viên văn phòng bị chuyển xuống làm công nhân thợ hàn.[1] Với vốn tiếng Nga học trong trường phổ thông và những năm đại học, Trần Thị Trường đã "liều" xin làm phiên dịch cho một thợ hàn. Không chỉ làm phiên dịch tiếng Nga mà bà còn làm phiên dịch tiếng Bulgaria.[4] Tuy làm phiên dịch vẫn không đủ trang trải cuộc sống, Trần Thị Trường xoay sang làm thêm nghề may. Bà may những chiếc quần bò nhái hãng Levis Strau từ xưởng để mang ra chợ bán.[2] Tuy việc may quần giả nhãn mác đã đem lại cho Trần Thị Trường một mức thu nhập ổn định cuộc sống nhưng bà tiếp tục từ bỏ nghề may và có ý định sáng tác văn học.[2]

Văn học

Tiểu thuyết đầu tay của Trần Thị Trường, "Lời cuối cho em" do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành ra mắt với tranh bìa của họa sĩ Thành Chương đã được sự chú ý từ dư luận và "gây sốt" trên thị trường xuất bản Việt Nam năm 1990.[3][5] Ngay lập tức Trần Thị Trường đã xây được căn nhà mái bằng 17m2 từ tiền nhuận bút của cuốn truyện đầu tay này.[5] Qua đó, động lực văn chương đã khích lệ Trần Thị Trường theo đuổi văn học chuyên nghiệp.[3] Bà trở thành phóng viên, đôi khi đảm nhiệm luôn vai trò họa sĩ trình bày cho một số tờ báo. Năm 1994 Trần Thị Trường được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2006, Trần Thị Trường ra mắt truyện ngắn "Tình như chút nắng", được ra mắt tại Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Tây.[6]

Tính tới năm 2019, số lượng tác phẩm văn chương của bà gồm có 2 cuốn tiểu thuyết cùng 4 tập truyện ngắn và đang thực hiện kế hoạch in cuốn tiểu thuyết thứ 3 mà bà sáng tác.[3] Năm 2020, Trần Thị Trường ra mắt "Phố Hoài". Bà cho biết bản thân đã viết cuốn sách trong 10 năm.[7] Người biên tập cuốn sách, nhà văn Tạ Duy Anh đã gọi tác phẩm là "bảo tàng ngôn ngữ”, báo Công an Nhân dân cho rằng do các nhân vật trong "Phố Hoài" không được khắc hoạ theo cách của các tiểu thuyết gia truyền thống mà đi sâu giới thiệu vào về thân thế, sự nghiệp, phân tích diễn biến tâm lý dẫn đến hành vi.[7]

Hội họa

Trần Thị Trường có con gái đầu lòng từ năm 23 tuổi.[8] Vợ chồng bà cùng thi vào trường Đại học Mỹ Thuật Công nghiệp, tuy vậy bà trúng tuyển khoa gốm sứ của khóa 1973 – 1978 còn chồng thì không trúng tuyển.[9] Trong những năm đi học, Trần Thị Trường phải trải qua cuộc sống không bình yên. Công việc của chồng bà ngày càng ít, còn chính bản thân bà cũng chỉ có mức thu nhập thấp. Chỉ sau thời gian ngắn, bà từ bỏ hội họa và gốm ngay từ khi chưa học xong. Năm 1981, Trần Thị Trường đi xuất khẩu lao động tại Bulgaria khi đang là nhân viên Sở Xây dựng Hà Nội.[2][8][9]

Sau khi nghỉ hưu, nhờ sự khích lệ và hướng dẫn của họa sĩ Hải Kiên, một giảng viên của Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương, Trần Thị Trường quay trở lại nghiệp vẽ. Bà chọn đề tài tranh tĩnh vật.[3][10] Chỉ trong 6 tháng năm 2019 bà đã vẽ hơn 40 bức tranh tĩnh vật, được người yêu hội họa và giới chuyên môn đánh giá cao. Một số bức tranh mà bà vẽ xong đã có nhà sưu tập tìm đến.[11] Cuối của năm 2019, tại số 16 phố Ngô Quyền, Hà Nội, Trần Thị Trường mở triển lãm tranh "Những cảm xúc bằng màu". Triển lãm này được dự định mở cửa trong 10 ngày, nhưng sau đó bà đã phải gửi lời xin lỗi tới khán giả và các nhà sưu tập vì lý do triển lãm phải đóng cửa sớm hơn thời gian đã công bố do tranh đã được bán hết.[12] Giám đốc nhà triển lãm 16 Ngô Quyền đã cho biết kể từ năm 1995 đến nay, đây là hiện tượng đầu tiên của Nhà triển lãm.[12] Pam DeVolder, Tham tán Thông tin – Văn hóa của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã tới triển lãm tặng hoa chúc mừng Trần Thị Trường. Nhân viên tại Đại sứ quán Hoa Kỳ cũng được nhận bức tranh chân dung phó tổng thống Mỹ Kamala Harris do Trần Thị Trường vẽ và trao tặng.[12]

Thời điểm trước ngày lễ Tết nguyên đán năm 2022, Trần Thị Trường được kết nạp làm hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Trong danh sách 20 người được kết nạp đợt này, bà là người nhiều tuổi nhất.[9]

Hoạt động khác

Trước khi nghỉ hưu năm 2005, Trần Thị Trường còn làm tổ chức biểu diễn (còn gọi là bầu sô).[3] Trần Thị Trường còn được biết đến khi làm bầu sô cho ca sĩ Ngọc Tân. Trong sự nghiệp biểu diễn của mình, Ngọc Tân hát khoảng 150 chương trình thì có tới 100 chương trình do Trần Thị Trường tổ chức biểu diễn.[1] Mỗi chương trình biểu diễn của Ngọc Tân, bà thường là người tổ chức biểu diễn, lên kịch bản cho chương trình, thiết kế sân khấu, bán vé và giữ tiền.[8] Ở cương vị Phó giám đốc khu vực phía Bắc của Trung tâm bảo vệ bản quyền âm nhạc Việt Nam, bà cũng bị đối mặt với lời đồn "có mối tình" với nhạc sĩ Phó Đức Phương, song Trần Thị Trường vẫn phủ nhận điều này.[1] Năm 2019, Trần Thị Trường còn làm việc cùng nhạc sĩ Dương Thụ với chuyên mục "Phim hàng tuần" tại một chương trình nghệ thuật (được gọi là salon văn hóa) "Cà phê thứ Bảy".[4]

Ngày 27 tháng 3 năm 2009, Trần Thị Trường được trao giải nhì cuộc thi "Đánh thức không gian" do Hội đồng Anh và Báo Thể thao & Văn hóa tổ chức.[5]

Nhận định

Văn học

Trần Thị Trường được đánh giá là nhà văn có sở trường viết về thân phận phụ nữ và có đi vào nội tâm nhân vật nữ. Nhưng văn của bà cũng có phần "tế nhị, nói gợi".[2] Tại thời điểm khởi đầu nghề nhà văn, bà cũng là một trong những nữ nhà văn có bút danh giàu màu "nam tính" nhất trên văn đàn quá khứ và đương đại Nhà phê bình Nguyễn Thụy Kha từng nhận xét về văn học của Trần Thị Trường: "Đọc văn xuôi Trần Thị Trường, thấy ngập nỗi đời trong từng con chữ..."[6] Tờ VnExpress cho biết Trần Thị Trường viết nhiều và "thành thục" với những truyện miêu tả tâm trạng của phụ nữ, đồng thời cho biết thêm bà còn thế hiện được những suy ngẫm của bản thân về những vấn đề lớn lao hơn về Việt Nam, của thời cuộc qua những truyện ngắn lịch sử hay thế sự.[6]

Vào thời điểm ra mắt "Phố hoài", Trần Thị Trường đã nhận về những ý kiến trái chiều trong đánh giá của những chuyên gia văn học. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đã lên tiếng đánh giá: "Phố Hoài" có nhiều nhân vật, nhưng đằng sau đó là hình bóng những con người thực.[2]

Hội họa

Tác phẩm hội họa của Trần Thị Trường được đánh giá là "đa dạng nhưng đơn giản, nhiều gam màu". Báo Pháp luật Việt Nam nhận xét tranh của bà thường thấy "gam màu nhẹ mang tính cổ điển, sáng nhưng là ánh sáng của quá khứ làm chủ đạo.[2] Gam màu này khiến người xem cảm thấy lâng lâng, hồi tưởng, xót xa".[2] Tuy vậy, tác giả Trần Mỹ Hiền từ báo Công an Nhân dân lại khẳng định tranh của bà vẽ "cổ điển mà hiện đại".[9] Thời điểm năm 2021, Trần Thị Trường cũng được coi là nhà văn chuyển hướng sang hội hoạ bán được nhiều tranh nhất.[2] Nhà văn Nguyễn Quang Thiều khi đến xem triển lãm tranh của Trần Thị Trường đã cho rằng bà là "Người phục sinh linh hồn đồ vật".[12]

Quan điểm

Năm 2018, trước sự việc cuốn tự truyện "Phút 89" của cầu thủ Lê Công Vinh đã gây tranh cãi trong dư luận vì bị cho rằng sự thật chỉ đúng một phần, Trần Thị Trường bày tỏ việc "rao bán" quá khứ là "chuyện tồi tệ, rẻ tiền nhất" trong việc viết tự truyện.[13] Về hội họa, bà cho biết những bức tranh vẽ khung cảnh về chùa của họa sĩ và cựu nhiếp ảnh gia Lê Như Hà đã gây cho bà sự ấn tượng nhất định.[14]

Đời tư

Trần Thị Trường có tình cảm với họa sĩ vẽ tranh cổ động và áp phích Nguyễn Hưng Việt từ khoảng năm 1968 khi hai người theo học lớp hội họa quần chúng ở phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội.[5] Họ kết hôn và có 2 người con. Sau năm 1975, do ông Hưng Việt bị mất việc, kinh tế gia đình gặp khó khăn nên Trần Thị Trường phải xuất khẩu lao động.[5] Con gái lớn của họ tốt nghiệp đại học ở Hoa Kì và lập gia đình tại đây.[1] Còn con trai út của hai người là một luật sư tên Nguyễn Hưng Quang.[8]

Tác phẩm văn học đã xuất bản

Tên Năm xuất bản Chú thích
Lời cuối cho em 1990 [6]
Kẻ mắc chứng điên 1991 [4]
Bâng khuâng 1993 [2]
Tình câm 1996
Truyện ngắn Trần Thị Trường 1999
Hoa mưa 2001 [15]
Thời gian ngoảnh mặt 2003 [2]
Tình như chút nắng 2006
Những đóa hồng xanh
Phố hoài 2020 [7]

Tham khảo

  1. ^ a b c d e Nông Hồng Diệu (7 tháng 7 năm 2013). “Nhà văn Trần Thị Trường: Đừng thách lên giời”. Báo điện tử Tiền Phong. Truy cập ngày 11 tháng 11 năm 2022.
  2. ^ a b c d e f g h i j k Vũ Đoàn (6 tháng 8 năm 2021). “Nhà văn Trần Thị Trường: Đa tài trong cuộc sống, thành công trong văn học, hội hoạ”. Báo Pháp luật Việt Nam. Truy cập ngày 11 tháng 11 năm 2022.
  3. ^ a b c d e f g h Nguyễn Trọng Văn (15 tháng 8 năm 2019). “Nhà văn Trần Thị Trường: Người đàn bà đa đoan và "lắm chuyện". Báo Công an nhân dân điện tử. Truy cập ngày 11 tháng 11 năm 2022.
  4. ^ a b c Việt Quỳnh (27 tháng 6 năm 2019). “Nhà văn Trần Thị Trường: "Tôi thấy mình không già khi đặt bút lên toan". Báo Đại Đoàn Kết. Truy cập ngày 12 tháng 11 năm 2022.
  5. ^ a b c d e Nguyễn Việt Chiến (5 tháng 4 năm 2009). “Trần Thị Trường Nhà văn của phái đẹp”. Báo Thanh Niên. Truy cập ngày 12 tháng 11 năm 2022.
  6. ^ a b c d Thu Hà (25 tháng 12 năm 2006). “Trần Thị Trường với 'Tình như chút nắng'. VnExpress. Truy cập ngày 12 tháng 11 năm 2022.
  7. ^ a b c Mai Thanh Sơn (23 tháng 8 năm 2020). “Phố Hoài - Bức tranh lập thể về tinh hoa Hà Nội”. Báo Công an nhân dân điện tử. Truy cập ngày 12 tháng 11 năm 2022.
  8. ^ a b c d Cẩm Thúy (11 tháng 9 năm 2008). “Nhà văn Trần Thị Trường: Biển của một thời”. An ninh thế giới. Báo Công an nhân dân điện tử. Truy cập ngày 11 tháng 11 năm 2022.
  9. ^ a b c d Trần Mỹ Hiền (6 tháng 1 năm 2022). “Nhà văn Trần Thị Trường: Người đàn bà bên khung tranh”. Báo Công an nhân dân điện tử. Truy cập ngày 11 tháng 11 năm 2022.
  10. ^ Dương Thùy (27 tháng 10 năm 2019). “Nhà văn Trần Thị Trường: Kẻ đa tình?”. Thương gia Online. Truy cập ngày 12 tháng 11 năm 2022.
  11. ^ Quỳnh An (11 tháng 11 năm 2019). “Nhà văn Trần Thị Trường và những xúc cảm bằng... màu”. VietnamPlus. Truy cập ngày 13 tháng 11 năm 2022.
  12. ^ a b c d Thảo Vy (3 tháng 11 năm 2021). “Hiện tượng triển lãm của nhà văn, họa sỹ Trần Thị Trường”. Báo Ảnh Việt Nam. Truy cập ngày 13 tháng 11 năm 2022.
  13. ^ Mai Thị Thu Hằng (3 tháng 6 năm 2018). "Rao bán quá khứ là chuyện tồi tệ nhất trong việc viết tự truyện". Người Đưa Tin. Truy cập ngày 12 tháng 11 năm 2022.
  14. ^ Trần Thị Trường (13 tháng 2 năm 2019). “Nhà văn Trần Thị Trường: Những bức tranh giúp lòng mình tĩnh lại”. Báo điện tử Dân Trí. Truy cập ngày 12 tháng 11 năm 2022.
  15. ^ Trần Thị Trường (2001). Hoa mưa: tiểu thuyết & truyện ngắn. Nhà xuất bản Hội nhà Văn.