Đỗ Ngọc Lâm

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Đỗ Ngọc Lâm
Tên chữNgưng Đài; Khúc Giang
Thông tin cá nhân
Sinh
Ngày sinh
1727
Quê quán
huyện Kim Quỹ
Mất1787
Giới tínhnam
Học vấnTiến sĩ Nho học
Quốc tịchnhà Thanh

Đỗ Ngọc Lâm (chữ Hán: 杜玉林, ? – 1786), tự Ngưng Đài, người Kim Quỹ, Giang Tô [1], quan viên nhà Thanh.

Cuộc đời[sửa | sửa mã nguồn]

Năm Càn Long thứ 19 (1754), Ngọc Lâm trúng tiến sĩ, được thụ chức Hình bộ chủ sự, rồi thăng làm Lang trung. Sau đó được ra tỉnh thụ chức Giang Tây Nam Khang tri phủ, thêm 3 lần thăng chức thì làm đến Tứ Xuyên bố chánh sứ.

Năm thứ 44 (1779), Ngọc Lâm được cất nhắc về kinh sư nhận chức Hình bộ thị lang. Năm thứ 45 (1780), Ngọc Lâm nhận mệnh đi Tứ Xuyên, xét vụ khiếu kiện của người Hội Lý Châu [2] là Sa Kim Phượng, tố cáo anh trai là thổ tư Sa Kim Long chiếm ruộng. Thẩm án xong, Kim Phượng lên kinh kháng cáo, sau đó phúc thẩm không thay đổi kết luận chia ruộng của Ngọc Lâm, nhưng cho rằng về tình thì chưa trọn, còn nói tri châu Từ Sĩ Huân đáng bị hặc tội, nhưng ông nể tình đồng hương không hỏi. Triều thần đề nghị giáng chức Ngọc Lâm, nên Càn Long đế cho ông thụ chức Công bộ thị lang, vẫn coi việc Hình bộ. Ngay sau đó Ngọc Lâm được trở về Hình bộ, luân phiên đi Hồ Nam - Bắc, Giang Nam thẩm án. Kẻ hầu của thượng thư Phúc Long An đánh chết người phu dịch, hối lộ cho người khác nhận tội thay, Ngọc Lâm không xét ra, bị giáng phải mặc áo mũ tam phẩm. Ngay sau đó được nhận lại phẩm trật [3].

Năm thứ 50 (1785), Ngọc Lâm liên lụy vụ án Hải Thăng giết vợ, bị đày làm lính thú ở Y Lê [4]. Năm sau, Ngọc Lâm được triệu trở lại kinh sư, thụ chức Hình bộ lang trung, về đến Kính Châu [5] thì mất.

Ngọc Lâm được sử cũ xếp vào nhóm quan viên giỏi xử án, từng nói: “Hình pháp đã định thì không thay đổi [6]. Sửa luật lệ giống như khéo chữa bệnh, quý ở chỗ không phụ thuộc vào sách thuốc, mà tìm ra nguồn gốc gây bệnh. Không làm như thế thì chẳng thể trị dân.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  • Thanh sử cảo quyển 321, liệt truyện 108 – Đỗ Ngọc Lâm truyện

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Nay thuộc Vô Tích, Giang Tô. Năm Ung Chính thứ 4 (1726), triều đình cho rằng huyện Vô Tích thuộc phủ Thường Châu có lượng nhân khẩu lớn, thuế má nhiều nên chia làm 2 huyện: Vô Tích ở tây và Kim Quỹ ở đông. Tuy là 2 huyện nhưng vẫn dùng chung 1 huyện thành. Năm Dân quốc đầu tiên (1912), Kim Quỹ bị phế, sáp nhập trở lại với Vô Tích. Vị trí huyện nha của Kim Quỹ ngày nay ở khu Sùng An, của Vô Tích ở khu Huệ Sơn, đều thuộc địa cấp thị Vô Tích
  2. ^ Nay là huyện Hội Lý thuộc châu tự trị dân tộc Di Lương Sơn. Đời Thanh khi ấy cũng có huyện Hội Lý, phạm vi quản hạt ngày nay bao gồm các huyện Hội Lý, Hội Đông...
  3. ^ Phúc Long An (福隆安) là anh trai của Phúc Khang An. Không có ghi chép nào chỉ ra Đỗ Ngọc Lâm có quan hệ với anh em với Phúc Khang An. Nhưng Phúc Khang An chính là Tứ Xuyên tổng đốc khi Đỗ Ngọc Lâm tra xét vụ khiếu kiện ở Hội Lý Châu nói trên. Bởi vấn đề liên quan đến thổ tư, đích thân Phúc Khang An phải tâu báo lên, sau đó triều đình mới phái Đỗ Ngọc Lâm đi xét án
  4. ^ Năm 1785, Quân cơ xứ Chương kinh, Viên ngoại lang Hải Thăng đánh chết vợ, tuyên bố bà ta treo cổ tự sát. Gia đình vợ không tin lời ấy, em vợ là Quý Ninh bèn tố cáo. Vì Hải Thăng là quan ngũ phẩm và là thư ký của Quân cơ xứ, có quan hệ với thể diện triều đình, nên Càn Long đế lập tổ thẩm án, đứng đầu là Binh bộ Tả thị lang kiêm Tả đô ngự sử Kỷ Quân, phụ tá là bọn Hình bộ Hữu thị lang Cảnh Lộc, Đỗ Ngọc Lâm, Vương Sĩ Phân. Sau khi nghiệm thi, Kỷ Quân kết luận vợ Hải Thăng chết vì treo cổ. Quý Ninh không phục, lại tố cáo lên triều đình, cho rằng Hải Thăng với Đại học sĩ A Quế có quan hệ thân mật, vì thế Kỷ Quân đã chịu sự sai khiến của A Quế mà làm sai lệch kết quả. Càn Long đế nhớ ra A Quế từng khen ngợi Hải Thăng trước mặt mình, cho rằng lời Quý Ninh có căn cứ, nên lập tổ thẩm án mới, lấy Hộ bộ Hữu thị lang kiêm Thuận Thiên phủ doãn Tào Văn Thực đứng đầu. Sau khi tái nghiệm thi, Tào Văn Thực kết luận vợ Hải Thăng không hề treo cổ, lại có nhiều thương tích do ẩu đả gây ra. Trong quá trình thẩm vấn, Hải Thăng chẳng những nhận tội đã đánh chết vợ, mà còn thừa nhận đã cầu cứu A Quế. Mặc dù Hòa Thân đã ngầm khuyến khích mở rộng vụ án, nhưng Tào Văn Thực quyết định dừng lại ở đây. Chân tướng đã rõ, Hải Thăng đền tội, A Quế bị phạt bổng lộc, Kỷ Quân gần như không bị phạt (vì không có kinh nghiệm xử án), bọn Cảnh Lộc, Đỗ Ngọc Lâm, Vương Sĩ Phân bị đày làm lính thú vùng biên, Tào Văn Thực được thăng làm Lễ bộ thượng thư
  5. ^ Nay là huyện Kính Xuyên, địa cấp thị Bình Lương, Cam Túc
  6. ^ Thanh sử cảo, tlđd chép nguyên văn: "刑一成而不变/Hình nhất thành nhi bất biến." Câu này ở trong Lễ ký – Vương chế, nguyên văn: 刑者, 侀也. 侀者, 成也. 一成而不可变, 故君子尽心焉/Hình giả, hình dã. Hình giả, thành dã. Nhất thành nhi bất khả biến, cố quân tử tẫn tâm yên