Hà Âm
Hà Âm (chữ Hán: 河陰) là một huyện cũ thuộc tỉnh An Giang thời nhà Nguyễn Việt Nam. Ngày nay là phần đất thuộc các huyện phía Nam của tỉnh Takéo Campuchia, vùng đất phía bờ Bắc (bờ trái theo hướng về thượng nguồn) kênh Vĩnh Tế.
Vị trí
[sửa | sửa mã nguồn]Huyện Hà Âm phủ Tuy Biên, trước là đất huyện Châu Thành nước Cao Miên, gồm 2 tổng với 40 làng xã, phía Tây giáp huyện Hà Châu tỉnh Hà Tiên, phía Nam giáp huyện Hà Dương, phía Đông giáp huyện Tây Xuyên, phía Bắc giáp nước Cao Miên. Theo Đại Nam nhất thống chí: huyện Hà Âm nằm bên trái (tả, tức bờ phía tây bắc) sông Vĩnh Tế[1]. Như vậy, vào thời này, vùng đất huyện Hà Âm thuộc phần đất giáp biên giới của Campuchia với Việt Nam, tức là phần đất huyện Kiri Vong, và có thể cả phần đất các huyện Kaoh Andaet, Bourei Cholsar thuộc tỉnh Takeo Campuchia.
Đại Nam nhất thống chí chép rằng: "Huyện Hà Dương ở Tây Nam phủ 40 dặm. Đông đến Tây cách nhau 68 dặm, Nam đến Bắc cách nhau 73 dặm. Phía đông đến huyện giới Tây Xuyên 44 dặm; phía tây đến huyện giới Hà Châu tỉnh Hà Tiên 24 dặm; phía Nam đến huyện giới Kiên Giang tỉnh Hà Tiên 38 dặm; phía bắc đến huyện giới Hà Âm 35 dặm... Huyện Hà Âm ở Tây Bắc phủ 80 dặm. Đông đến Tây cách nhau 73 dặm, Nam đến Bắc cách nhau 42 dặm. Phía đông đến huyện giới Tây Xuyên 38 dặm; phía tây đến huyện giới Hà Dương [Hà Châu][2] 25 dặm; phía bắc đến cảnh giới nước Cao Miên 17 dặm. Nguyên trước là đất của 2 huyện Tây Xuyên và Chân Thành. Năm Minh Mạng thứ 20 (1839) chia đặt huyện này, lấy phía tế [phía tả][3] sông Vĩnh Tế làm huyện Hà Âm, thuộc phủ hạt Tĩnh Biên..."[1]
Đại Nam thực lục có nhiều đoạn chép về địa danh Hà Âm cũng như các địa danh đương thời nằm trong địa bàn huyện Hà Âm có thể cho thấy được dấu vết vị trí của Hà Âm:
- "Tháng 12 âm lịch năm Kỷ Hợi niên hiệu Minh Mạng thứ 20 [1839]:... Đổi đặt các phủ huyện ở An Giang, Hà Tiên... Huyện Chân Thành (nguyên thổ huyện), địa thế rộng xa, lấy 4 tổng về tả ngạn sông Vĩnh Tế (đinh số 1040 người, điền thổ hơn 1150 mẫu [khoảng 5,63 km²]) đặt làm huyện Hà Âm; 4 tổng về hữu ngạn sông ấy (đinh số 1480 người, điền thổ hơn 2080 mẫu [khoảng 10,18 km²]) đặt làm huyện Hà Dương. Đặt thêm phủ Tĩnh Biên để thống trị. Phủ nha kiêm lý huyện Hà Âm, thống hạt huyện Hà Dương và đổi thuộc về quản hạt Hà Tiên."[4]
- "... đánh giặc ở huyện Hà Âm. Trước đây bọn giặc rủ nhau tụ họp ở xứ Liệt Điệt (thuộc tỉnh Hà Tiên), Tổng đốc Long-Tường là Dương Văn Phong sai Cẩm y Phó vệ uý Hoàng Văn Quý chia đường tiến đánh lấy luôn được 4 đồn, thừa thắng chuyển sang đánh ở Cần Sư. Phong lại tiến đánh các miền núi ở huyện Hà Dương, vừa gặp thự tuần phủ Hà Tiên Lê Quang Huyên đem quân từ Giang Thành đến, chia nhau đi dẹp giặc ở Hà Âm... chém bắt được rất nhiều quân giặc. Phong ở lại để dẹp trong hạt Tĩnh Biên, còn Huyên trở về Giang Thành. Rồi sau, bọn giặc lại ngầm về Hà Âm, đặt trại đóng quân ở thành Cổ Man[5]. Phong bèn đem thự lãnh binh Nguyễn Duy Tráng,... đẵn phá nơi đường tắt hiểm trở, đầu tiên đánh phá được sào huyệt của bọn giặc ở hai núi Châu Chiêm và Thâm Đăng (đều thuộc huyện Hà Âm)..."[6]
- "Tháng 4 âm lịch, năm Tân Sửu niên hiệu Thiệu Trị thứ nhất [1841]:... Nguyễn Tri Phương, Đinh Văn Huy và Lương Văn Liễu đi tiễu phỉ ở núi Tượng Sơn (thuộc huyện Hà Dương)."[7] (Tượng Sơn là một trong 7 ngọn núi gọi là Thất Sơn. Vùng Thất Sơn (Bảy Núi) là thuộc huyện Hà Dương).
- "Tháng 11 âm lịch, năm Tân Sửu niên hiệu Thiệu Trị thứ nhất (1841):... Lĩnh Tuần phủ tỉnh An Giang Nguyễn Công Trứ cùng thự đề đốc Vĩnh Long Đoàn Văn Sách tâu về [triều đình Huế] rằng: "Vĩnh Tế là đường vận tải và thông báo [tin] của tỉnh An Giang, phía bắc sông này liên tiếp với Thất Sơn, phía nam sông này liên tiếp với các núi Sâm Đăng, Chân Sâm, Bà Đê, Cần Thế, Lệ Chân, phàm những đường có thể qua lại, bọn thổ phỉ đều dựa vào chỗ hiểm, đặt đường làm chước cố giữ... Nếu đến cuối mùa đông, khô ráo, một mớ lửa đốt cháy sạch mặt đất, chúng tất lại đến quấy nhiễu. Thất Sơn chưa dẹp yên, vẫn còn ngăn trở phía sau sông Vĩnh Tế, nên một phen hết sức tiễu trừ để tuyệt hết mối lo về sau. Nay từ bờ sông vào phía trong, còn có nước đọng, nếu số quân tiến tiễu nhiều thì chia thành 5 đạo, do đường qua Vĩnh Tế [thuộc Tây Xuyên], Tĩnh Biên [phủ thành Tĩnh Biên cũ nằm trên đất Hà Dương], Tiên Nông [thuộc Hà Châu tỉnh Hà Tiên], Vĩnh Thông [thuộc Hà Âm], Vĩnh Gia [thuộc Hà Âm] cùng tiến lên..." Vua dụ rằng: "Thất Sơn ở sau lưng Vĩnh Tế, tuy gọi là hiểm trở, nhưng chỗ đó bọn giặc tụ tập chẳng qua chỉ là bọn linh tinh còn sót,... Nay truyền cho Nguyễn Công Trứ và Đoàn Văn Sách hãy xét trong hạt mình, phòng bị cho nghiêm, nên để lính lưu lại An Giang nghỉ ngơi cho được rỗi sức"[8]". Tuy nhiên trong lời tấu Nguyễn Công Trứ và Đoàn Văn Sách có sự nhầm lẫn Thất Sơn (bảy núi) ở bờ Bắc sông Vĩnh Tế (cũng như các núi đối diện Thất Sơn (Sâm Đăng (Thâm Đăng), Chân Sâm (Chân Chiêm), Bà Đê, Cần Thế, Lệ Chân) lại ở bờ Nam) trong khi trên thực địa thì ngược lại: Thất Sơn (thuộc huyện Hà Dương) ở bờ Nam sông Vĩnh Tế (tức kênh Vĩnh Tế).
Núi non thuộc Hà Âm
[sửa | sửa mã nguồn]- núi Chân Sâm (真森山, Treang): theo Đại Nam nhất thống chí thì "Núi Chân Sum [Sâm] ở cách huyện Hà Dương [Âm][9] 10 dặm về phía Nam, cách bờ sông Vĩnh Tế 10 dặm về phía Tây Bắc, hình như hoa sen cắm xuống đất, thường có mây trắng bao phủ..."[10] Theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức thì: "Núi Chân Giùm (真森山) ở địa phận phủ Chơn Giùm (真森府) Cao Miên, cách bờ phía tây bắc trung lưu sông Vĩnh Tế 10 dặm..."[11] (Chữ 森 đọc theo Hán là sum hay sâm nhưng nếu đọc theo chữ Nôm là giùm hay giụm.)
- núi Thâm Đăng hay Thâm Đưng (深簦山, Phnom Ba-yang): theo Đại Nam nhất thống chí thì "Núi Thâm Đăng ở phía Đông núi Chân Sum, cách huyện Hà Dương [Âm] 9 dặm về phía Đông Nam, cách cửa Vàm Nao chừng 1 dặm về phía Tây, đất đá lẫn lộn, tre pheo rậm rạp."[10]
- núi Đại Bà Đê (大碆底山, Phnum Den): theo Đại Nam nhất thống chí thì "Núi Đại Bà Đê ở phía Đông Nam núi Chân Sum, cách huyện Hà Dương [Âm] 20 dặm về phía Nam, cách bờ sông Vĩnh Tế chừng 1 dặm về phía Tây Bắc, hang hốc sâu thẳm, cây cối tốt tươi."[10]
- núi Tiểu Bà Đê: theo Đại Nam nhất thống chí thì "Núi Tiểu Bà Đê ở phía Tây núi Đại Bà Đê, cách huyện Hà Dương [Âm] 18 dặm về phía Tây Nam, cách bờ sông Vĩnh Tế chừng nửa dặm về phía Tây, núi nhỏ mà cao, hình thế quanh co."[10]
Trong cuốn Đất nước Việt Nam qua các đời, xem xét về các địa danh trấn Hà Tiên, Đào Duy Anh viết: "... Chúng ta đã biết Vũng Thơm, Cần Bọt, Sài Mạt là dải đất từ lỵ sở Hà Tiên đến Sài Mít. Tức dải đất bờ biển phía tây nam nước Cao Miên. Còn Chân Sum thì Nhất thống chí (An Giang) chép là núi ở phía nam huyện Hà Âm cách 10 dặm, cách bờ sông Vĩnh Tế ở phía Nam 10 dặm. Huyện Hà Âm là huyện ở phía bắc sông Vĩnh Tế (phía âm của sông) nên gọi tên là thế, đối với huyện Hà Dương là huyện ở phía nam (phía dương của sông). Có thể đất Chân Sum là đất Sóc Sum của tỉnh KamPot. Về Linh Quỳnh thì Nhất thống chí chép rằng núi Linh Quỳnh thuộc huyện Hà Châu cách 120 dặm và ở phía bắc sông Giang Thành, sông này có hai nguồn ra từ núi Linh Quỳnh. Linh Quỳnh tức địa điểm Linh Quỳnh của tỉnh KamPot nước Cao Miên. (Xem thế thì thấy rằng năm phủ Vũng Thơm, Cần Bọt, Chân Sum, Sài Mạt, Linh Quỳnh ở đời Nguyễn còn là đất của huyện Hà Châu tỉnh Hà Tiên và của huyện Hà Âm tỉnh An Giang, đến đời Tự Đức triều Nguyễn mới trả về nước Cao Miên)."[12]
Đồn bảo (cửa khẩu và đồn binh) thuộc Hà Âm
[sửa | sửa mã nguồn]Các đồn bảo của nhà Nguyễn là các trạm sở cửa khẩu thu thuế giao thương, đắp bằng đất, trong thời chiến trở thành các đồn binh. Theo Đại Nam nhất thống chí trên địa bàn huyện Hà Âm có các đồn bảo sau[13]:
- Bảo Vĩnh Thông, nằm trên đất làng Vĩnh Thông trên bờ sông Vĩnh Tế (Vị trí làng này ngày nay thuộc xã An Nông huyện Tịnh Biên tại phía bắc kênh Vĩnh Tế trên biên giới với xã Saom (tức Sóc Sum) huyện Kiri Vong tỉnh Takéo Campuchia). Theo thống kê địa bạ năm 1836, làng này có tổng lượng ruộng đất là 6,7 mẫu (tức khoảng 3,28 ha). Tuy nhiên, vị trí làng này ngày nay không còn dấu vết. Mà tại phía bắc thị trấn Ba Chúc huyện Tri Tôn, (ở khoảng lân cận xã Lạc Quới và thị trấn Ba Chúc ngày nay) có một cây cầu cũng được gọi là cầu sắt Vĩnh Thông được người Pháp xây dựng năm 1920.
- Bảo Vĩnh Lạc (trên đất làng Vĩnh Lạc, thuộc khoảng bờ bắc kênh Vĩnh Tế[14], nay thuộc xã Lạc Quới huyện Tri Tôn).
- Bảo Thân Nhân
- Bảo Vĩnh Gia, (trên đất làng Vĩnh Gia, có thể nay thuộc khoảng bờ bắc kênh Vĩnh Tế ở vị trí xã Vĩnh Gia huyện Tri Tôn tỉnh An Giang)
- Bảo Vĩnh Điều (trên đất làng Vĩnh Điều, thuộc khoảng bờ bắc sông Vĩnh Tế[14], nay ở khoảng vị trí xã Vĩnh Điều huyện Giang Thành tỉnh Kiên Giang).
Các thôn làng thuộc Hà Âm: Vĩnh Thông, Vĩnh Bảo, Vĩnh Lạc, Vĩnh Gia, Vĩnh Điều, Vĩnh Điền[15], Thân Nhơn (Thân Nhân), An Quới, Long Thạnh, Linh Quỳnh (Luih-Quinh tức làng Prey-Angkonh[16]), Cổ Man (sóc Kaoh Moan),...
Lịch sử
[sửa | sửa mã nguồn]Tháng 4 âm năm 1824, Nặc Ông Chân (Ang Chan II), hiến tặng nhà Nguyễn thông qua Nguyễn Văn Thoại (để trả ơn Thoại), 3 vùng Chân Sum (còn gọi là Chân Thành hay Chân Chiêm, nằm giữa Giang Thành và Châu Đốc), Mật Luật (Ngọc Luật, cũng nằm giữa Giang Thành và Châu Đốc), Lợi Kha Bát (Prey Kabbas tỉnh Takeo). Nhà Nguyễn chỉ lấy 2 đất Chân Sum (Treang) và Mật Luật (Meát Chruk).[17] Chân Sum sau được phân vào hai huyện Hà Âm và Hà Dương từng thuộc phủ Tĩnh Biên Hà Tiên, trước khi chia về cho tỉnh An Giang. Cao Xuân Dục viết trong Quốc triều chính biên toát yếu như sau: "Vua nước Chân Lạp là Nặc Chân gửi thư cho quan bảo hộ Nguyễn Văn Thụy xin cắt đất 3 phủ: Lợi Kha Bát, Chân Sum, Mật Luật để trả ơn ông Thụy [Thoại]... Thụy đem thư ấy báo thành Gia Định, quan thành ấy [Lê Văn Duyệt] tâu lên, Ngài khiến đình thần bàn. Lê Văn Duyệt tâu rằng: "Vua Chân Lạp không phải bản tâm báo ơn Thụy, chẳng qua vì người Xiêm nuôi em nó [tranh chấp nội bộ Cao Miên], nên nó muốn cho ta bảo hộ được bền vững đó thôi. Ta mà nhận cả... người Xiêm có điều nói được, ta mà khước cả thì e không phải ý Đức Thế tổ Cao hoàng đế trù nghĩ việc ngoài biên. Vả lại, đất 3 phủ ấy thì đất Lợi Kha Bát hơi xa, khước đi cũng phải, còn đất Châu Sum, Mật Luật thì ở chính giữa đất Châu Đốc, Giang Thành ta, xin nhận lấy đất mà đừng thu thuế, khiến cho nó biết triều đình ta chỉ lo việc ngoài biên không phải vì tham lợi,... mà vui lòng thuần phục,..."... Ngài cho là phải [và sai] khiến Thụy nhận lấy dân phủ Chân Sum và Mật Luật,..., còn thuế thì cứ giao cho vua nước nó [Ang Chan II]. Nhưng [Thụy] phải làm tờ thư mà đáp lại cho Chân Lạp."
Năm Minh Mạng 20 (1839), nhà Nguyễn cắt đất huyện Chân Thành phủ Chân Chiêm thuộc Trấn Tây Thành (xứ Cao Miên do nhà Nguyễn bảo hộ) hợp với phần đất cắt từ huyện Tây Xuyên để lập hai huyện Hà Dương (ở bờ Nam sông Vĩnh Tế) và Hà Âm (ở bờ Bắc sông Vĩnh Tế) phủ Tĩnh Biên (Tịnh Biên) của tỉnh Hà Tiên (sau chuyển sang tỉnh An Giang).
Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), Thiệu Trị trích phủ Tĩnh Biên cùng huyện Hà Dương của tỉnh Hà Tiên, sáp nhập vào An Giang. Năm 1844, trích thêm huyện Hà Âm của tỉnh Hà Tiên nhập vào phủ Tĩnh Biên, lúc này phủ Tĩnh Biên gồm các huyện Hà Âm, Hà Dương. Năm Tự Đức thứ 3 (1850), nhà Nguyễn bỏ phủ Tĩnh Biên, cho nhập 2 huyện Hà Âm và Hà Dương vào phủ Tuy Biên. Vào thời vua Tự Đức tỉnh An Giang gồm có 3 phủ với 10 huyện: Hà Âm, Hà Dương, Phong Phú, Tây Xuyên, Đông Xuyên, Vĩnh An, An Xuyên, Phong Nhiêu, Phong Thịnh, Vĩnh Định.[18]
Đại Nam thực lục chép rằng: "Tháng 8 âm lịch năm Giáp Thìn niên hiệu Thiệu Trị thứ 4 (1844):... Đổi huyện Hà Âm tỉnh Hà Tiên cho lệ thuộc phủ Tĩnh Biên tỉnh An Giang, huyện Hà Dương và huyện Hà Âm nguyên thuộc tỉnh Hà Tiên (2 huyện vốn là đất Chân Thành, năm Minh Mạng thứ 20 [1839] tách ra để thuộc về phủ An Biên tỉnh Hà Tiên), năm Thiệu Trị thứ 2 [1842] trích huyện Hà Dương đổi về tỉnh An Giang, huyện Hà Âm vẫn thuộc về phủ An Biên; đến đây, lĩnh Tuần phủ Hà Tiên là Nguyễn Lương Nhàn nói địa thế huyện Hà Âm liền với phủ Tĩnh Biên, xin theo nơi gần, đổi sáp nhập tỉnh An Giang, để liệu cho dân. Vua ưng cho."[19]
Không rõ đất huyện Hà Âm tồn tại trong lãnh thổ Việt Nam đến chính xác thời điểm nào thì lại thì lại trở về thuộc lãnh thổ Campuchia. Tuy nhiên, trong Đại Nam thực lục, bộ sử lớn nhất đương thời của Quốc sử quán triều Nguyễn thì sự kiện lịch sử cuối cùng được đề cập đến trong bộ sử này, liên quan tới những địa danh thuộc huyện Hà Âm (cái mà còn chứng tỏ sự tồn của Hà Âm trong lãnh thổ Việt Nam) là vào năm 1860. Đại Nam thực lục chép: "...Tháng 3 nhuận [âm lịch] năm Canh Thân niên hiệu Tự Đức thứ 13 [1860], lúc bấy giờ giặc Cao Miên kéo nhau quấy rối. Vua dụ bọn Tổng đốc [An-Hà] là Nguyễn Công Nhàn, Tuần phủ [An Giang] là Phan Khắc Thận ở An - Hà rằng: "Nay giặc Man hiện đang ra vào quấy rối ở các sở đồn bảo như... Tĩnh Biên, Giang Nông, Vĩnh Thông [Hà Âm] ở sông Vĩnh Tế tỉnh An Giang; Giang Thành, Tiên Thái, Kiên Giang, Thạch Động, Ba Xuyên tỉnh Hà Tiên. Lại nghe Tù trưởng Cao Miên [(là Norodom)], hẹn đến mùa thu nước lên, thuyền Tây Dương vào sông trong, bấy giờ chúng nó cùng nhau đánh ập lại. Lại [phía Lộc Sơn (Mũi Nai)] Hà Tiên thám báo giặc người hạt nước Thanh là Hoàng Quốc Lập, đầu mục Man là tên Tôn, chiêu dụ người Thanh, người Thổ ở Cần Bột, hẹn nhau đường thủy bộ chia đến quấy rối... Nguyễn Công Nhàn lập công cõi ngoài nhiều lần tỏ ra khó nhọc tài năng. Phan Khắc Thận trải nhiều chiến trận đã hiểu cơ nghi. Thế mà không nghĩ đến việc ấy, chỉ muốn vạch giới hạn tự giữ lấy. Sao lại trì hoãn thế?..." (Việc Quốc Lập... đến ở cõi đất Cao Miên, Tù trưởng Cao Miên giúp quân và lương cho.)"[20]
Tới tháng 12 âm lịch năm Ất Sửu (tức đầu năm 1866), khi 3 tỉnh miền Đông (Gia Định (tỉnh), Biên Hòa (tỉnh), Định Tường) đã bị Pháp chiếm, Nam Kỳ chỉ còn 3 tỉnh miền Tây, vùng biên giới tỉnh An Giang và Hà Tiên với Cao Miên có sự hoạt động của cuộc khởi nghĩa Acha Xoa, thì biên giới đã lùi vào tới kênh Vĩnh Tế vùng Thất Sơn (Bảy Núi), vùng Hà Âm không còn được nhắc đến trong sử nhà Nguyễn nữa. Theo Đại Nam thực lục, chép về thời gian đó, viết: "Tổng Đốc Vĩnh Long là Trương Văn Uyển và Tổng đốc An - Hà là Phan Khắc Thận đem tình hình biên giới và thế địch bí mật tâu lên. (Văn Uyển nói: Nước Cao Miên đã chia 2 lòng, cùng với nước Pháp tư thông, cầu lấy lại các xứ Thất Sơn. Khắc Thận nói:... Người Pháp thì thường bức bách phải nã bắt tên Xoa. Và lại, đất cheo leo, hiểm trở, rất nhiều sự khó làm.) Vua [Tự Đức] sai [triều thần] thương lượng nghị định. Bọn Đoàn Thọ, Trần Tiễn Thành cho là: "3 tỉnh [An Giang, Hà Tiên, Vĩnh Long] cheo leo, trơ trọi, mà nước Cao Miên đã bị người Pháp bảo hộ rồi, tạm hãy mềm dẻo, để yên lòng họ, cứ chiếu địa giới ngăn chặn, nếu thấy tên Xoa trốn vào địa giới ta thì bắt giao trả, để dứt mối nghi ngờ của họ [người Pháp]... Đến như Thất Sơn, năm trước đã dựng thành thôn và thu thuế, lại ở vào quãng 2 tỉnh An Giang và Hà Tiên, lại có sông Vĩnh Tế ngăn làm giới hạn, đều là đất của ta [Đại Nam], người Miên [triều đình Norodom] đến cầu người Pháp thu phục lại, (đó là theo lời phỏng đoán của tỉnh thần Vĩnh Long),..." Vua cho là phải,..."[21]
Theo nghiên cứu của Nguyễn Đình Đầu, một phần lớn đất huyện Hà Âm đến thời Pháp thuộc đã bị người Pháp cắt cho lãnh thổ của Campuchia thuộc Pháp cùng với vài vùng đất khác dọc biên giới Việt Nam - Campuchia: như vùng đất tổng Hà Nhuận huyện Hà Châu tỉnh Hà Tiên kéo đến tận núi Linh Quỳnh cách biên giới 25 km, vùng được gọi là Mỏ Vịt (thuộc tỉnh Svay Rieng) nguyên là đất huyện Tân Ninh phủ Tây Ninh tỉnh Gia Định.[22]
Chú thích và trích dẫn
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ a b “Đại Nam nhất thống chí, quyển hạ, bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo lưu tại nhà sách Sông Hương, trang 39-40”. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 2 năm 2012. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2012.
- ^ Người xưa nhầm lẫn giữa Hà Châu với Hà Dương.
- ^ Lỗi dịch thuật, chữ 西 (đọc là tây hoặc tê). Bản dịch của Viện Sử học thì dịch là: phía Tả sông Vĩnh Thanh
- ^ Đại Nam thực lục, chính biên, đệ nhị kỷ, quyển CCVII, Thực lục về Thánh tổ Nhân hoàng đế, tập 5, trang 617.
- ^ Cổ Man hay Cô pram, nay là sóc Kaoh Moan xã Krapum Chhuk huyện Kaoh Andaet.
- ^ Đại Nam thực lục, chính biên, đệ tam kỷ, quyển II, Thực lục về Hiến tổ Chương hoàng đế, tập 6, trang 44.
- ^ Đại Nam thực lục, chính biên, đệ tam kỷ, quyển VII, Thực lục về Hiến tổ Chương hoàng đế, tập 6, trang 141.
- ^ Đại Nam thực lục, chính biên, đệ tam kỷ, quyển XIII, Thực lục về Hiến tổ Chương hoàng đế, tập 6, trang 248.
- ^ Người xưa có lẽ nhầm lẫn vị trí và tên gọi giữa Hà Âm và Hà Dương với nhau trong thực tế.
- ^ a b c d Đại Nam nhất thống chí, quyển XXX, tỉnh An Giang, Sơn xuyên, trang 50.
- ^ “Gia Định thành thông chí, Sơn xuyên chí”. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 6 năm 2012. Truy cập ngày 29 tháng 7 năm 2012.
- ^ Đất nước Việt Nam qua các đời, Đào Duy Anh, trang 238-239.
- ^ “Đại Nam nhất thống chí, quyển 30, người dịch Nguyễn Tạo, trang 66-67”. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 2 năm 2012. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2012.
- ^ a b Monographie de la province de Châu Đốc (Địa phương chí tỉnh Châu Đốc 1900-1902), 1902, L. Ménard,, trang 12-14.[liên kết hỏng]
- ^ Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Sơn Nam, trang 23.
- ^ http://aefek.free.fr/iso_album/paulus.pdf Lưu trữ 2015-07-22 tại Wayback Machine Le Royaume du Cambodge, trang 523.
- ^ “Quốc triều chính biên toát yếu, quyển III, bản dịch dạng pdf của Viện Việt học, trang 66” (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 19 tháng 11 năm 2008. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2012.
- ^ Đại Nam nhất thống chí, quyển 30, tỉnh An Giang, trang 151-191.
- ^ Đại Nam thực lục, chính biên, đệ tam kỷ, quyển XLI, Thực lục về Hiến tổ Chương hoàng đế, tập 6, trang 635.
- ^ Đại Nam thực lục, chính biên, đệ tứ kỷ, quyển XXII, thực lục về Tự Đức, tập 7, trang 654.
- ^ Đại Nam thực lục, chính biên, đệ tứ kỷ, quyển XXXIII, Thực lục về Tự Đức, tập 7, trang 975.
- ^ Cương vực Việt Nam dưới thời Nguyễn, Nguyễn Đình Đầu
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- Đại Nam thực lục.
- Đại Nam nhất thống chí, quyển 30, tỉnh An Giang.
- Gia Định thành thông chí
- Quốc triều chính biên toát yếu.
- Đất nước Việt Nam qua các đời
- Địa phương chí tỉnh Châu Đốc 1902