I-20 (tàu ngầm Nhật)
Lịch sử | |
---|---|
Đế quốc Nhật Bản | |
Tên gọi | Tàu ngầm số 46 |
Xưởng đóng tàu | Mitsubishi, Xưởng tàu Kobe |
Đặt lườn | 16 tháng 11, 1937 |
Đổi tên | I-20, 1 tháng 6, 1938 |
Hạ thủy | 25 tháng 1, 1939 |
Hoàn thành | 26 tháng 9, 1940 |
Nhập biên chế | 26 tháng 9, 1940 |
Số phận | Mất tích sau ngày 31 tháng 8, 1943 |
Xóa đăng bạ | 1 tháng 12, 1943 |
Đặc điểm khái quát | |
Lớp tàu | tàu ngầm Type C1 |
Trọng tải choán nước | |
Chiều dài | 109,3 m (358 ft 7 in) chung[1] |
Sườn ngang | 9,1 m (29 ft 10 in)[1] |
Mớn nước | 5,3 m (17 ft 5 in)[1] |
Công suất lắp đặt |
|
Động cơ đẩy |
|
Tốc độ |
|
Tầm xa | |
Độ sâu thử nghiệm | 100 m (330 ft)[1] |
Số tàu con và máy bay mang được | 1 × tàu ngầm bỏ túi Type A (Kō-hyōteki) |
Thủy thủ đoàn tối đa | 101[1] |
Vũ khí |
|
I-20 là một tàu ngầm tuần dương thuộc lớp Type C được Hải quân Đế quốc Nhật Bản chế tạo ngay trước Chiến tranh Thế giới thứ hai. Nhập biên chế năm 1940, nó đã phóng tàu ngầm bỏ túi tham gia Tấn công Trân Châu Cảng và trong cuộc tấn công tàu bè Đồng Minh tại Diego-Suarez, Madagascar, rồi tham gia tuần tra càn quét tàu bè trong Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, cũng như tham gia các chiến dịch Guadalcanal và New Guinea trước khi mất tích từ ngày 31 tháng 8, 1943. tàu khu trục USS Fletcher đánh chìm trong biển Coral vào ngày 11 tháng 2, 1943.
Thiết kế và chế tạo
[sửa | sửa mã nguồn]Thiết kế
[sửa | sửa mã nguồn]Tàu ngầm Type C được thiết kế dựa trên phân lớp KD6 của lớp Kaidai dẫn trước, nhưng trang bị vũ khí ngư lôi mạnh hơn để tấn công tầm xa. Chúng có trọng lượng choán nước 2.595 tấn (2.554 tấn Anh) khi nổi và 3.618 tấn (3.561 tấn Anh) khi lặn, lườn tàu có chiều dài 109,3 m (358 ft 7 in), mạn tàu rộng 9,1 m (29 ft 10 in) và mớn nước sâu 5,3 m (17 ft 5 in). Con tàu có thể lặn sâu đến 100 m (328 ft).[3]
Tàu ngầm Type C được trang bị hai động cơ diesel công suất 6.200 mã lực phanh (4.623 kW), mỗi chiếc vận hành một trục chân vịt. Khi lặn, mỗi trục được vận hành bởi một động cơ điện công suất 1.000 mã lực (746 kW). Khi di chuyển trên mặt nước nó đạt tốc độ tối đa 23,6 hải lý trên giờ (43,7 km/h; 27,2 mph) và 8 hải lý trên giờ (15 km/h; 9,2 mph) khi lặn dưới nước,[4] tầm xa hoạt động của Type C là 14.000 hải lý (26.000 km; 16.000 mi) ở tốc độ 16 hải lý trên giờ (30 km/h; 18 mph), và có thể lặn xa 60 nmi (110 km; 69 mi) ở tốc độ 3 hải lý trên giờ (5,6 km/h; 3,5 mph).[5]
Các con tàu có tám ống phóng ngư lôi 53,3 cm (21,0 in), tất cả được bố trí trước mũi, và mang theo tổng cộng 20 quả ngư lôi. Vũ khí trên boong tàu bao gồm khẩu hải pháo 14 cm (5,5 in), cùng hai pháo phòng không 25 mm Type 96 nòng đơn hoặc nòng đôi. Các bộ gá trên boong tàu phía sau tháp chỉ huy cho phép nó vận chuyển và phóng một tàu ngầm bỏ túi Type A (Kō-hyōteki).[5]
Chế tạo
[sửa | sửa mã nguồn]Được đặt hàng trong Chương trình Maru 3 năm 1937, I-16 được đặt lườn như là chiếc Tàu ngầm số 46 tại xưởng tàu của hãng Mitsubishi tại Kobe vào ngày 16 tháng 11, 1937.[6][7] Nó được đổi tên thành I-20 vào ngày 1 tháng 6, 1938[6][7] trước khi được hạ thủy vào ngày 25 tháng 1, 1939.[6][7] Con tàu hoàn tất và nhập biên chế vào ngày 26 tháng 9, 1940,[6][7] dưới quyền chỉ huy của Trung tá Hải quân Yamada Takashi.[7]
Lịch sử hoạt động
[sửa | sửa mã nguồn]1940 - 1941
[sửa | sửa mã nguồn]Sau khi nhập biên chế, I-20 được phối thuộc cùng Quân khu Hải quân Yokosuka.[6][7] Vào mùa Thu năm 1940, nó tham gia thử nghiệm sonar thụ động Atlas Werke Periphon A do Đức chế tạo.[7] Nó cùng các tàu ngầm I-18 và I-19 được điều về Đội tàu ngầm 2 thuộc Hải đội Tàu ngầm 1, trực thuộc Đệ Lục hạm đội vào ngày 15 tháng 11, 1940.[6][7] Đến mùa Thu năm 1941, I-20 cùng các tàu ngầm chị em I-16, I-18, I-22 và I-24 được cải biến thành tàu ngầm mẹ để mang tàu ngầm bỏ túi Type A (Kō-hyōteki).[8][9]
Tại Căn cứ Hải quân Kure vào ngày 17 tháng 11, I-20 được phân về Đơn vị Tấn công Đặc biệt dưới quyền Tư lệnh Đội tàu ngầm 3, Đại tá Hải quân Sasaki Hankyu, vốn bao gồm các tàu ngầm chị em I-16, I-18, I-22 và I-24, do I-22 đảm trách vai trò soái hạm.[7] Các hạm trưởng được thông báo chi tiết về Chiến dịch Z và vai trò của tàu ngầm mẹ mang tàu ngầm bỏ túi trong kế hoạch tấn công Trân Châu Cảng sắp diễn ra.[7][8]
Vào ngày 18 tháng 11, năm chiếc tàu ngầm di chuyển từ Kure đến Khu vực Thực hành Hải quân Kamegakubi, nơi mỗi chiếc nhận lên tàu một tàu ngầm bỏ túi Type A.[7] Đến 02 giờ 15 phút ngày 19 tháng 11, họ khởi hành từ Kamegakubi để hướng sang khu vực quần đảo Hawaii,[7] theo một lộ trình trực tiếp ngang qua phía Nam đảo san hô Midway.[7] Lúc đang trên đường đi, vào ngày 2 tháng 12, họ nhận được thông điệp từ Hạm đội Liên hợp: "Leo núi Niitaka 1208" (tiếng Nhật: Niitakayama nobore 1208), là mật lệnh cho biết chiến sự với Khối Đồng Minh sẽ bắt đầu vào ngày 8 tháng 12 (theo giờ Nhật Bản, tức ngày 7 tháng 12 tại Hawaii bên kia đường đổi ngày).[7]
Trận Trân Châu Cảng
[sửa | sửa mã nguồn]Lúc 02 giờ 57 phút ngày 7 tháng 12, ở phía Nam Oahu I-20 tung ra chiếc tàu ngầm bỏ túi của nó, chiếc Số 20, ở vị trí cách lối ra vào Trân Châu Cảng khoảng 5,3 nmi (9,8 km).[7] Sau khi tàu quét mìn USS Condor (AMc-14) báo cáo phát hiện một tàu ngầm không rõ tung tích tại khu vực cấm của Trân Châu Cảng, tàu khu trục USS Ward (DD-139) bắt đầu tìm kiếm lúc 04 giờ 08 phút nhưng không có kết quả.[7] Tuy nhiên đến 06 giờ 30 phút, Ward nhìn thấy tháp chỉ huy của Số 20 lẫn trong sóng của chiếc tàu kho chứa USS Antares (AKS-3), vốn đang kéo một sà lan tiếp cận lối ra vào cảng;[7] đồng thời một thủy phi cơ PBY Catalina thuộc Liên đội Tuần tra VP-14 cũng phát hiện chiếc tàu ngầm bỏ túi nên thả phao khói đánh dấu vị trí.[7] Ward bắn hải pháo 4 inch (102 mm) nhắm vào mục tiêu lúc 06 giờ 45 phút ở khoảng cách chỉ có 100 yd (91 m), nên đã nổ phát súng đầu tiên từ phía Hoa Kỳ trong Thế Chiến II.[7] Ward rút ngắn khoảng cách còn 50 yd (46 m) và bắn trúng tháp chỉ huy Số 20, rồi băng ngang qua đối phương và tiếp tục thả bốn quả mìn sâu tấn công.[7] Chiếc PBY cũng thả hai quả mìn sâu.[7] Số 20 đắm ở phía ngoài lối ra vào cảng, với tổn thất toàn bộ hai thành viên thủy thủ đoàn.[7] Vào ngày 28 tháng 8, 2002, các thiết bị lặn sâu Pisces IV và Pisces V thuộc Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu Dưới nước Hawaii tìm thấy xác một tàu ngầm bỏ túi ở tư thế gần như thẳng đứng tại độ sâu 1.200 foot (366 m), cách lối ra vào Trân Châu Cảng khoảng 3–4 nmi (5,6–7,4 km). Các sử gia cùng các nhà khảo cổ tin rằng đó là tàu ngầm bỏ túi của I-20.[7]
I-20 cùng bốn tàu ngầm "mẹ" khác sau đó đi đến khu vực thu hồi các tàu ngầm bỏ túi dự định về phía Tây Lanai, nơi họ trải qua đêm 7-8 tháng 12.[9] Đến sáng sớm ngày 9 tháng 12, I-18, I-20 và I-24 được lệnh rời khu vực thu hồi,[9] nhưng I-16 và I-22 tiếp tục ở lại cho đến ngày 11 tháng 12.[8] Không có chiếc nào trong số năm tàu ngầm bỏ túi quay trở lại.[7] I-20 rời vùng biển Hawaii vào ngày 12 tháng 12, cùng với I-16 về đến Kwajalein vào ngày 22 tháng 12.[7]
1942
[sửa | sửa mã nguồn]Chuyến tuần tra thứ nhất
[sửa | sửa mã nguồn]Vào ngày 4 tháng 1, 1942, I-20 khởi hành từ Kwajalein cho chuyến tuần tra đầu tiên trong chiến tranh, đi đến khu vực tuần tra được chỉ định ở Fiji và quần đảo Samoa.[7] Nó trồi lên mặt nước ở vị trí 15.000 yd (14 km) ngoài khơi cảng Pago-Pago tại đảo Tutuila, Samoa thuộc Mỹ lúc trước bình minh ngày 11 tháng 1, và bắn 12 phát đạn pháo 14 cm (5,5 in) nhắm vào căn cứ hải quân tại đây. Hầu hết các phát đạn pháo đã không trúng đích, và chúng chỉ làm bị thương một sĩ quan Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ cùng một binh lính người bản địa.[7]
Di chuyển đến vùng biển Fiji sau đó, I-20 tấn công chiếc HMNZS Monoeai vào ngày 16 tháng 1, khi chiếc tàu buôn tuần dương vũ trang New Zealand vừa mới rời cảng Suva; nhưng các quả ngư lôi nó phóng ra bị kích nổ sớm lúc 16 giờ 03 phút.[7] Tin rằng đang đối đầu với một tàu buôn, I-20 trồi lên mặt nước cách Monowai 7.400 yd (6,8 km) lúc 16 giờ 08 phút và tấn công con tàu New Zealand bằng hải pháo;[7] tuy nhiên đối phương đã phản công với những khẩu pháo 6 in (150 mm) bên mạn trái.[7] I-20 kết thúc cuộc đấu pháo lúc 16 giờ 14 phút và lặn xuống, tự nhận đã bắn trúng cầu tàu đối phương, nhưng thực ra cả hai đối thủ đều không bị hư hại.[7] Monowai báo cáo sự hiện diện của tàu ngầm đối phương tại khu vực và rời đi với tốc độ cao.[7] I-20 quay trở về Kwajalein vào ngày 24 tháng 1, rồi tiếp tục lên đường quay trở về Nhật Bản, đi đến Yokosuka vào ngày 1 tháng 2.[7]
Trong khi I-20 ở lại vùng biển nhà, Hải quân Đức Quốc Xã chính thức yêu cầu Hải quân Nhật Bản tấn công tàu bè Đồng Minh tại Ấn Độ Dương,[7] nên vào ngày 8 tháng 4, Hải quân Nhật Bản quyết định phái Đội tàu ngầm 1 đến hoạt động ngoài khơi bờ biển Đông Phi,[7] nên rút đơn vị này từ Kwajalein để quay trở về Nhật Bản.[10] Đến ngày 16 tháng 4, I-20 được điều sang Đơn vị "A" mới được thành lập trong biên chế Hải đội Tàu ngầm 8, bao gồm I-10, I-16, I-18, I-30, các tàu ngầm bỏ túi cùng các tàu tuần dương phụ trợ Aikoku Maru và Hōkoku Maru, vốn sẽ hoạt động như những tàu tiếp liệu cho tàu ngầm.[7] Đơn vị "A" lên đường lúc 11 giờ 00 ngày hôm đó để hướng sang Penang, Malaya thuộc Anh đã bị Nhật chiếm đóng. [7]
Đơn vị "A" chỉ vừa mới khởi hành được hai ngày khi xảy ra vụ Không kích Doolittle vào ngày 18 tháng 4, khi 16 máy bay ném bom B-25 Mitchell của Không lực Lục quân quân Hoa Kỳ xuất phát từ tàu sân bay USS Hornet (CV-8) đã ném bom xuống các mục tiêu trên đảo Honshū.[10] Bộ tư lệnh Đệ Lục hạm đội ra lệnh cho Đơn vị "A" lập tức chuyển hướng sang phía Đông Bắc, đi đến phía Bắc quần đảo Bonin để đánh chặn lực lượng đặc nhiệm Hoa Kỳ vốn đã tung ra cuộc không kích. Đơn vị đã không tìm thấy đôi phương, nên tiếp tục hành trình sau đó.[10]
I-30 cùng Aikoku Maru ghé lại cảng Penang từ ngày 20 đến ngày 22 tháng 4, trước khi tiến vào Ấn Độ Dương và hoạt động trinh sát tiền trạm tại khu vực dự định hoạt động của Đơn vị "A".[11] Phần còn lại của Đơn vị "A" đi đến Penang vào ngày 27 tháng 4, nơi họ gặp gỡ tàu chở thủy phi cơ Nisshin,vốn được cải biến để vận chuyển tàu ngầm bỏ túi Type A.[7] I-16, I-18 và I-20 mỗi chiếc nhận một tàu ngầm bỏ túi tại Penang.[7]
Tuần tra tại Ấn Độ Dương
[sửa | sửa mã nguồn]Bị mất
[sửa | sửa mã nguồn]Hoàn cảnh chính xác khiến I-20 bị mất hiện vẫn không rõ. Nó cùng tàu ngầm I-182 đều đang tuần tra tại khu vực phụ cận quần đảo New Hebrides vào lúc đó, và cả hai đều đã không quay trở về căn cứ sau đó.[7][12] Hải quân Hoa Kỳ ghi nhận hai hoạt động chống tàu ngầm thành công ngoài khơi Espiritu Santo trong tháng 9, 1943, có thể đã khiến I-20 và I-182 bị mất.[7][12]
Hoạt động thứ nhất diễn ra vào ngày 1 tháng 9, khi tàu khu trục USS Wadsworth (DD-516), hoạt động trong thành phần một đội tìm-diệt tàu ngầm, bắt đầu truy tìm một tàu ngầm Nhật Bản xuất hiện ngoài khơi Espiritu Santo lúc 10 giờ 55 phút.[12] Nó dò được tín hiệu sonar lúc 13 giờ 00, nên thả một lượt mười quả mìn sâu được cài đặt để kích nổ ở độ sâu trung bình 150 ft (46 m).[12] Không có kết quả, nó thả lượt thứ hai cài đặt ở độ sâu 250 ft (76 m).[12] Trong khi đó tàu ngầm liên tục cơ động sang mạn trái, rồi đổi hướng về phía Nam trước khi chuyển sang hướng Đông Bắc, cố ý tạo ra các dòng nhiễu để giảm khả năng phát hiện của sonar.[12] Wadsworth tiến hành mô phỏng các lượt tấn công mà không thả mìn, cho đến khi nó thả lượt mìn sâu được cài đặt ở độ sâu 425 ft (130 m), [12] ghi nhận được một bọt khí lớn trồi lên mặt nước, nhưng không có bất kỳ dấu hiệu nào khác.[12] Chiếc tàu khu trục tiếp tục càn quét trong khi chiếc tàu ngầm tiếp tục chiến thuật gây nhiễu loạn;[12] Wadsworth thả lượt mười quả mìn sâu cuối cùng được cài đặt ở độ sâu 250 ft (76 m) rồi chuyển hướng sang phía Đông và gia tăng khoảng cách.[12] Một thủy phi cơ PBY Catalina báo cáo trông thấy nhiều mảnh vỡ cùng một vệt dầu loang rộng đến 400 yd × 600 yd (370 m × 550 m) ở vị trí về phía Nam nơi Wadsworth tung ra lượt tấn công sau cùng.[12] Nhiều mảnh vỡ cũng được phát hiện tại tọa độ 15°38′N 166°57′Đ / 15,633°N 166,95°Đ.[12]
Hoạt động thứ hai diễn ra vào ngày 3 tháng 9, khi tàu khu trục USS Ellet (DD-398) tiến hành càn quét một khu vực được báo cáo có tàu ngầm Nhật Bản xuất hiện ngoài khơi Espiritu Santo.[7] Ellet bắt được tín hiệu radar một mục tiêu ở khoảng cách 13.000 yd (12 km) lúc 19 giờ 35 phút, nên tiếp cận đến khoảng cách 5.000 yd (4,6 km) để truy vấn nhận diện bằng tín hiệu đèn.[7] Không nhận được phản hồi, chiếc tàu khu trục bắn đạn pháo sáng chiếu sáng mục tiêu, và mục tiêu sau đó biến mất khỏi màn hình radar ở khoảng cách 3.400 yd (3,1 km).[7] Ellet lại bắt được tín hiệu sonar mục tiêu ở khoảng cách 3.000 yd (2,7 km).[7] Từ 20 giờ 12 phút đến 20 giờ 20 giờ 38 phút, Ellet tung ra một loạt các lượt tấn công bằng mìn sâu, và tín hiệu sonar biến mất lúc 20 giờ 59 phút.[7] Đến rạng sáng ngày 4 tháng 9, nó nhìn thấy một vệt dầu loang lớn cùng nhiều mảnh vỡ trên mặt biển tại tọa độ 13°10′N 165°28′Đ / 13,167°N 165,467°Đ.[7]
Định danh chính xác những tàu ngầm bị Wadsworth và Ellet đánh chìm vẫn còn là một bí ẩn.[7][12] Nhiều khả năng một trong hai chiếc này chính là I-20 và chiếc kia là I-182.[7][12]
Vào ngày 18 tháng 11, 1943, Hải quân Nhật Bản công bố I-20 có thể đã bị mất ngoài khơi Espiritu Santo với tổn thất toàn bộ 101 thành viên thủy thủ đoàn trên tàu.[7] Tên nó được cho rút khỏi đăng bạ hải quân vào ngày 1 tháng 12, 1943.[6][7]
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ a b c d e f g h i j k l m n “Type C1”. combinedfleet.com. 2016. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2024.
- ^ Campbell (1985), tr. 191.
- ^ Bagnasco (1977), tr. 192.
- ^ Chesneau (1980), tr. 201.
- ^ a b Carpenter & Polmar (1986), tr. 104.
- ^ a b c d e f g “I-20 ex No-46”. ijnsubsite.info. 3 tháng 8 năm 2018. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2024.
- ^ a b c d e f g h i j k l m n o p q r s t u v w x y z aa ab ac ad ae af ag ah ai aj ak al am an ao ap aq ar as at au av aw ax ay Hackett, Bob; Kingsepp, Sander (2017). “IJN Submarine I-20: Tabular Record of Movement”. combinedfleet.com. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2024.
- ^ a b c Hackett, Bob; Kingsepp, Sander (2015). “IJN Submarine I-22: Tabular Record of Movement”. combinedfleet.com. Truy cập ngày 5 tháng 8 năm 2024.
- ^ a b c Hackett, Bob; Kingsepp, Sander (2017). “IJN Submarine I-24: Tabular Record of Movement”. combinedfleet.com. Truy cập ngày 5 tháng 8 năm 2024.
- ^ a b c Hackett, Bob; Kingsepp, Sander (2017). “IJN Submarine I-18: Tabular Record of Movement”. combinedfleet.com. Truy cập ngày 5 tháng 8 năm 2024.
- ^ Hackett, Bob; Kingsepp, Sander (2012). “IJN Submarine I-30: Tabular Record of Movement”. combinedfleet.com. Truy cập ngày 5 tháng 8 năm 2024.
- ^ a b c d e f g h i j k l m n Hackett, Bob; Kingsepp, Sander (2004). “IJN Submarine I-182: Tabular Record of Movement”. combinedfleet.com. Truy cập ngày 5 tháng 8 năm 2024.
Thư mục
[sửa | sửa mã nguồn]- Bagnasco, Erminio (1977). Submarines of World War Two. Annapolis, Maryland: Naval Institute Press. ISBN 0-87021-962-6.
- Boyd, Carl & Yoshida, Akikiko (2002). The Japanese Submarine Force and World War II. Annapolis, Maryland: Naval Institute Press. ISBN 1-55750-015-0.
- Campbell, John (1985). Naval Weapons of World War Two. Naval Institute Press. ISBN 978-0870214592.
- Carpenter, Dorr B. & Polmar, Norman (1986). Submarines of the Imperial Japanese Navy 1904–1945. London: Conway Maritime Press. ISBN 0-85177-396-6.
- Chesneau, Roger biên tập (1980). Conway's All the World's Fighting Ships 1922–1946. Greenwich, UK: Conway Maritime Press. ISBN 0-85177-146-7.
- Hashimoto, Mochitsura (1954). Sunk: The Story of the Japanese Submarine Fleet 1942 – 1945. Colegrave, E.H.M. (translator). London: Cassell and Company. ASIN B000QSM3L0.
- Milanovich, Kathrin (2021). “The IJN Submarines of the I 15 Class”. Trong Jordan, John (biên tập). Warship 2021. Oxford, UK: Osprey Publishing. tr. 29–43. ISBN 978-1-4728-4779-9.
- Morison, Samuel Eliot (1949). “The Struggle for Guadalcanal”. The History of United States Naval Operations in World War II. 5. Edison, NJ: Castle Books. tr. 131–134, 233.
- Stille, Mark (2007). Imperial Japanese Navy Submarines 1941-45. New Vanguard. 135. Botley, Oxford, UK: Osprey Publishing. ISBN 978-1-84603-090-1.
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- “I-20 ex No-46”. ijnsubsite.com. 3 tháng 8 năm 2018. Truy cập ngày 5 tháng 8 năm 2024.
- Hackett, Bob; Kingsepp, Sander (2017). “IJN Submarine I-20: Tabular Record of Movement”. Combinedfleet.com. Truy cập ngày 5 tháng 8 năm 2024.