Kara-Khanid
Kara-Khanid
|
|||||||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
840–1212 | |||||||||||||||
Quốc kỳ | |||||||||||||||
Kara Khanid, khoảng 1000. | |||||||||||||||
Tổng quan | |||||||||||||||
Vị thế | Đế quốc | ||||||||||||||
Thủ đô | Kashgar | ||||||||||||||
Tôn giáo chính | Hồi giáo | ||||||||||||||
Chính trị | |||||||||||||||
Chính phủ | Quân chủ | ||||||||||||||
Kara Khan | |||||||||||||||
Lịch sử | |||||||||||||||
• Thành lập | 840 | ||||||||||||||
• Giải thể | 1212 | ||||||||||||||
Địa lý | |||||||||||||||
Diện tích | |||||||||||||||
• ước tính 1025. | 3.000.000 km2 (1.158.306 mi2) | ||||||||||||||
|
Hãn quốc Kara-Khanid hay Khách Lạt Hãn quốc là một liên minh của các bộ lạc Đột Quyết được một triều đại cai trị, triều đại này trong sử sách được gọi là Karakhanid (cũng viết Qarakhanid) hay Ilek Khanid, (tiếng Ba Tư: قَراخانيان, Qarākhānīyān hay خاقانيه, Khakānīya, Hắc Hãn tiếng Trung: 黑汗, Đào Hoa Thạch 桃花石).[1] Tất cả các tên gọi đều đại diện cho tước hiệu của Kara Kağan (Khách Lạt khả hãn), một tước hiệu quan trọng nhất của người Đột Quyết cho đến khi kết thúc triều đại.[2]
Hãn quốc đã chinh phục được Transoxiana tại Trung Á và cai trị nơi này từ 999–1211.[3][4] Việc họ đến Transoxiana là dấu hiệu về sự chuyển đổi cuối cùng trong quyền thống trị Trung Á, quyền này từ nay đã được chuyển từ tay người Ba Tư sang người Đột Quyết.[5] Các kinh đô của hãn quốc bao gồm Kashgar, Balasagun, Uzgen và Samarkand. Lịch sử hãn quốc được xây dựng trên cơ sở các văn bản rời rạc và thường mâu thuẫn với nhau, cũng như các nghiên cứu về tiền xu.[6]
Nguồn gốc
[sửa | sửa mã nguồn]Kara-Khanid là một liên minh được thành lập vào thế kỷ thứ 9 giữa Cát La Lộc (Karluk), Dạng Ma (Yagma), Xử Nguyệt (Chigil), và các bộ lạc khác sinh sống tại Semirechye, Tây Thiên Sơn (nay là Kyrgyzstan), và phía tây Tân Cương (Kashgar).[5] Người ta không rõ về tên gọi của gia tộc khả hãn; thuật ngữ Karakhanid là được tạo ra - nó bắt nguồn từ Qara Khan (Hắc hãn) hay Qara Khaqan (Hắc khả hãn) (từ "Qara" nghĩa là "đen") là tước hiệu quan trọng nhất của những người cai trị vương triều này,[7] và được các nhà Đông phương học châu Âu đưa ra vào thế kỷ 19 để mô tả cả triều đại và hãn quốc Đột Quyết mà họ cai trị.[5] Các nguồn Hồi giáo Ả Rập gọi triều đại này là al-Khaqaniya ("Đó là của các Khả hãn"), trong khi các nguồn Ba Tư thường dùng thuật ngữ Al-i Afrasiyab ("Gia tộc của Afrasiab") trên cơ sở các vị quốc vương thần thoại (mặc dù thực sự không liên quan đến các Kara-Khanid) của Transoxania thời kỳ tiền Hồi giáo.[5]
Lịch sử ban đầu
[sửa | sửa mã nguồn]Người Cát La Lộc là một dân tộc du mục đến từ phía tây dãy núi Altai và di chuyển đến Semirechye. Vào năm 742, người Cát La Lộc là tham gia một liên minh bao gồm cả người Bạt Tất Mật (Basmyl) và người Duy Ngô Nhĩ, liên minh này đã nổi dậy lật đổ ách thống trị của Đông Đột Quyết (Göktürk).[8] Trong hoạt động tổ chức lại quyền lực sau đó, người Cát La Lộc được nâng từ một bộ lạc dưới quyền một el teber thành một thế lực do diệp hộ (yabghu) lãnh đạo; diệp hộ trở thành một trong các chức tước cao nhất của người Đột Quyết, cũng có ngụ ý là thành viên của gia tộc Ashina, những người được "thượng đế ủy nhiệm" quyền cai trị dân cư. Người Cát La Lộc và người Duy Ngô Nhĩ sau đó liên minh với nhau để chống lại người Bạt Tất Mật, và trong vòng hai năm, liên minh đã lật đổ được khả hãn của người Bạt Tất Mật. Diệp hộ của người Duy Ngô Nhĩ trở thành khả hãn là lãnh đạo người Cát La Lộc là diệp hộ. Sự sắp xếp này kéo dài chưa đến một năm. Thù địch giữa hai sắc dân đã buộc người Cát La Lộc phải thiên di về phía tây đến miền tây của Turgesh.[7]
Năm 766, người Cát La Lộc The Karluks đã khuất phục được phía tây của Turgesh (Đột Kị Thi) và lập đô tại Suyab ven sông Chuy. Liên minh Cát La Lộc lúc này còn bao gồm các bộ lạc Chigil và Tukshi, những người này có thể là các bộ lạc Türgesh đã hợp nhất vào liên minh của người Cát La Lộc. Vào giữa thế kỷ 9, liên minh Cát La Lộc giành quyền kiểm soát các vùng đất thiêng của người Tây Đột Quyết sau khi Hồi Cốt bị người Kyrgyz xâm chiếm. Việc kiểm soát các vùng đất thiêng cùng với việc được nhận làm thành viên của gia tộc Ashina, đã cho phép người Cát La Lộc giành lấy tước hiệu khả hãn cùng với quyền thống trị các thảo nguyên sau khi khả hãn Turgesh trước đó bị giết trong một cuộc nổi dậy.[9]
Vào thế kỷ thứ 9, miền nam của Trung Á nằm dưới quyền kiểm soát của triều Samanid, trong khi thảo nguyên Trung Á do những người du mục gốc Đột Quyết thống trị, như Pecheneg, Oghuz, và Cát La Lộc (Karluk). Lãnh địa của người Cát La Lộc về phía bắc xa bằng liên minh Irtysh và Kimek, với các ngôi lều kéo dài đến các sông Chi và Ili, nơi các bộ lạc Chigil và Tukshi sinh sống, về phía đông đạt đến thung lũng Ferghana và xa hơn nữa. Phía nam và phía đông của lãnh địa là nơi người Yaghma định cư.[10] Trung tâm của liên minh Cát La Lộc vào thế kỷ 9 và 10 xuất hiện tại Balasagun trên sông Chu (hay sông Chuy). Vào cuối thế kỷ 9, triều Samanid hành quân đến thảo nguyên và chiếm được Taraz, một trong những đại bản doanh của khả hãn Cát La Lộc, và một nhà thờ lớn đã được chuyển thành một nhà thờ Hồi giáo.
Thành lập Hãn quốc Kara-Khanid
[sửa | sửa mã nguồn]Vào thế kỷ thứ 9, liên minh Cát La Lộc (bao gồm các bộ lạc Chigil và Tukshi có nguồn gốc Türgesh) và Yaghma, có thể là hậu duệ của người Toquz Oghuz, đã tập hợp lực lượng và lập nên Hãn quốc Karluk-Kara-Khanid. Người Chigils hình thành đội quân nòng cốt của hãn quốc. Các nguồn sử liệu đưa ra các thời điểm khác nhau về ngày thành lập và tên của vị hãn đầu tiên, song những người cai trị Kara-Khanid có khả năng xuất thân từ các bộ lạc Chigil và Yaghma - các khả hãn phía Đông mang tước hiệu Arslan Qara Khaqan (Arslan "sư tử" và vật tổ của người Chigil) và các Khả hãn phía Tây mang tước hiệu Bughra Qara Khaqan (Bughra "lạc đà đực" là vật tổ của người Yaghma). Tên của các loài động vật là một yếu tố thường xuyên trong tước hiệu Đột Quyết của Kara-Khanid: Aslan (sư tử), Bughra (lạc đà), Toghan (chim ưng), Böri (sói), Toghrul hay Toghrïl (một loài chim săn mồi)...[6] Có bốn lãnh đạo có các tước hiệu Arslan Ilig, Bughra Ilig, Arslan Tegin và Bughra Tegin.[11] Tước hiệu của các thành viên trong vương triều thay đổi theo vị trí của họ.
Vaog giữa thế kỷ 10, Kara-Khanid cải sang Hồi giáo và tiếp nhận tên và các kính ngữ Hồi giáo, song vẫn duy trì các tước hiệu triều đại Đột Quyết như Hãn, Khả hãn, Ilek (Ilig) và Tegin (đặc cần).[6] Về sau họ chấp nhận tước hiệu Ả Rập là sultan và sultān al-salātīn (sultan của các sultan). Theo sử gia Ottoman được gọi là Munajjim-bashi, một hoàng tử Kara-Khanid tên là Satuk Bughra Khan là vị hãn đầu tiên chuyển đổi tước hiệu. Sau khi chuyển đổi, ông đưa ra một fatwa (phán quyết dựa theo đức tin Hồi giáo), cho phép ông có quyền lực để giết chết người cha có lẽ vẫn là ngoại giáo của mình sau khi ông chinh phục Kashgar.[12] Sau đó đến năm 960, theo các sử gia Hồi giáo Ibn Miskawaih và Ibn al-Athir, người Đột Quyết đã có sự biến đổi to lớn (ghi nhận "200.000 lều của người Đột Quyết"), bằng chứng gián tiếp khẳng định đó là Kara-Khanid.[7]
Chinh phục Transoxiana
[sửa | sửa mã nguồn]Vào thập niên cuối cùng của thế kỷ 10, Kara-Khanid bắt đầu chiến đấu chống lại triều Samanid nhằm kiểm soát Transoxiana, chiến dịch đầu tiên do cháu nội của Satuk Bughra Khan, Hasan (hay Harun) b. Sulayman (tước hiệu: Bughra Khan) lãnh đạo. Trong các năm 990-992, Kara-Khanid dần nắm được Isfijab, Ferghana, Ilaq, Samarkand, và kinh đô của Samanid là Bukhara. Tuy nhiên, Hasan Bughra Khan mất vào năm 992 do một căn bệnh, và Samanid trở về Bukhara. Người anh em họ của Hasan là Ali b. Musa (tước hiệu: Kara Khan hay Arslan Khan) tiếp tục chiến dịch chống lại Samanid, và vào năm 999, con trai của Ali là Nasr đã lấy lại Bukhara mà chỉ gặp phải sự kháng cự nhỏ.[6] Các lãnh địa của Samanid bị phân chia giữa Ghaznavid, thế lực này có được Khorasan và Afghanistan, còn Kara-Khanid thì nhận được Transoxiana; sông Oxus trở thành đường biên giới giữa hai đế quốc đối thủ.
Kara-Khanid được chia thành các thái ấp giống như các dân tộc du mục Đột Quyết và Mông Cổ. Các thái ấp Kara-Khanid liên kết với bốn đô thị trung tâm Balasaghun (về sau là kinh đô của Kara-Khanid) tại Semirechye, Kashgar tại Tân Cương (Kashgar), Uzgen tại Fergana, và Samarkand tại Transoxiana. Các lãnh địa ban đầu của triều đại ở Semirechye và Kashgaria được bảo tồn thanh thế bên trong nhà nước Kara-Khanid, và các khả hãn của các lãnh địa này duy trì một vị thế được ngầm hiểu là cao hơn so với những người cai trị tại Transoxiana và Fergana.[5] Bố người con trai của Ali (Ahmad, Nasr, Mansur, Muhammad) mỗi người giữ một vùng đất phụ thuộc riêng bên trong nhà nước Kara-Khanid. Nasr, người chinh phục Transoxiana, được giữ phần trung tâm rộng lớn của Transoxiana (Samarkand và Bukhara), Fergana (Uzgen) và các khu vực khác, mặc dù vậy, sau khi ông chết, vùng đất của ông bị phân chia. Ahmad giữ Semirechye và Chach, và trở thành người đứng đầu triều đại sau cái chết của Ali. Kết vị ông ta là Mansur.[6]
Sau cái chết của Mansur, nhánh Hasan Bughra Khan của Kara-Khanid trở nên chiếm ưu thế. Các con trai của Hasan là Muhammad Toghan Khan II, và Yusuf Kadir Khan giữ Kashgar, lần lượt trở thành người đứng đầu triều đại Kara-Khanid. Hai gia tộc, tức các hậu duệ của Ali Arslan Khan và Hasan Bughra Khan, cuối cùng đã phân chia Hãn quốc Kara-Khanid thành hai phần.
Dưới thời trị vì của Ahmad b. Ali, Kara-Khanid tham gia các cuộc chiến chống lại những người phi Hồi giáo ở đông bắc và đông. Năm 1006, Yusuf Kadr Khan của Kashgar chinh phục Vu Điền.[13] Năm 1017-1018, Kara-Khanid đã đẩy lùi một cuộc tấn công của một lực lượng đông đảo các bộ lạc Đột Quyết du mục, điều này được mô tả trong các nguồn Hồi giáo như một chiến thắng vĩ đại.[14] Các anh em Ahmad và Nasr đã tiến hành các chính sách khác nhau với Ghaznavid ở phía nam - trong khi Ahmad cố lập liên minh với Mahmud của Ghazna thì Nasr lại cố gắng chiếm các lãnh thổ của Ghazvanid song không thành công.[6]
Phân liệt
[sửa | sửa mã nguồn]Đầu thế kỷ 11, tính thống nhất của triều đại Kara-Khanid đã chấm dứt do thường xuyên xảy ra các cuộc chiến tranh nội bộ và kết cục dẫn đến dự hình thành của hai nhà nước Kara-Khanid. Một người con trai của Hasan Bughra Khan là Ali Tegin, đã nắm quyền kiểm soát Bukhara và các đô thị khác. Ông mở rộng lãnh địa của mình hơn nữa sau cái chết của Mansur. Người con trai của Nasr là Ibrahim Tamghach Bughra Khan, về sau tiến hành chiến tranh chống lại những người con trai của Ali Tegin, ông đã giành chiến thắng và nắm quyền quản lý phần lớn Transoxania, biến Samarkand thành kinh đô. Vào năm 1041, một người con trai khác của Nasr b. Ali là Muhammad 'Ayn ad-Dawlah (trị vì1041–52) đã tiếp quản quyền lý nhánh phía tây của gia tộc khả hãn và cuối cùng đã dẫn đến việc Hãn quốc Kara-Khanid chính thức bị chia đôi. Ibrahim Tamghach Khan được các sử gia Hồi giáo coi là người cai trị vĩ đại, và ông đã đem lại một số ổn định cho Hãn quốc Tây Kara-Khanid bằng cách hạn chế hệ thống thái ấp, nguyên nhân gây ra nhiều xung đột nội bộ tại Kara-Khanid thống nhất trước đó.[6]
Hậu duệ của Hasan tiếp tục kiểm soát phía đông của Hãn quốc. Hãn quốc Đông Kara-Khanid lập đô tại Balasaghun và sau đó chuyển tới Kashgar. Khu vực Ferghana-Semirechye trở thành biên giới giữa hai nhà nước và thường xuyên diễn ra giao tranh. Khi hai hãn quốc mới được hình thành, Ferghana rơi vào tay Hãn quốc phía đông, song về sau lại bị Ibrahim chiếm và trở thành một phần của Hãn quốc phía tây.
Sự thống trị của Seljuk
[sửa | sửa mã nguồn]Thế kỷ 11 đã chứng kiến sự nổi lên của người Seljuk. Ban đầu họ đánh bại Ghazvanid trong trận Dandanaqan, sau đó tiến vào Iran. Kara-Khanid lúc đầu có thể chống lại người Seljuks, và kiểm soát trong một thời gian ngắn các đô thị của Seljuk tại Khurasan. Tuy nhiên, tại Kara-Khanid đã diễn ra các cuộc xung đột nghiêm trọng với các tăng lữ (ulama). Năm 1089, khi cháu nội của Ibrahim là Ahmad b. Khidr đăng cơ, theo yêu cầu của ulama của Transoxiana, người Seljuk đã tiến đến và kiểm soát Samarkand cùng với các lãnh địa thuộc Hãn quốc phía Tây. Hãn quốc Tây Kara-Khanid trở thành một chư hầu của triều Seljuk trong gần một thế kỷ, và những người trị vì phần lớn là bất cứ ai được Seljuk lựa chọn. Ahmad b. Khidr được người Seljuk cho phục vị, song vào năm 1095, ulama cáo buộc Ahmad là dị giáo và ông ta bị hành quyết.[6]
Hãn quốc Đông Kara-Khanid ở Kashgar cũng khuất phục sau một chiến dịch của Seljuk vào Talas và Semirechye, song Hãn quốc phía Đông chỉ là chư hầu của Seljuk trong một thời gian ngắn. Bắt đầu thế kỷ 12, họ đã xâm lược Transoxiana và thậm chí đã chiếm được đô thị của Seljuk là Termez trong một thời gian.[6]
Tây Liêu xâm lược
[sửa | sửa mã nguồn]Người Khiết Đan của nhà Liêu đã thiên di về phía tây từ miền bắc Trung Quốc sau khi vương quốc của họ bị người Nữ Chân xâm lược vào năm 1125. Lãnh đạo họ là Da Luật Đại Thạch, ông ta cũng tiến hành tuyển mộ các chiến binh từ các bộ lạc khác nhau và tây tiến. Da Luật Đại Thạch chiếm Balasagun ven sông Chuy, về sau đánh bại Hãn quốc Tây Kara-Khanid tại Khujand vào năm 1137.[15] Năm 1141 Tây Liêu trở thành thế lực thống trị trong khu vực sau khi họ đánh bại Sultan Sanjar, vị Đại đế cuối cùng của Seljuk trong trận Qatwan gần Samarkand.[5] Một số tướng lĩnh thuộc dòng dõi Kara-Khani như cha của Osman của Khwarezm, đã đào thoát khỏi vùng đất của Kara-Khanid trong cuộc xâm lược của Tây Liêu.
Tuy nhiên, Tây Liêu đã không tiêu diệt triều đại Kara-Khanid. Thay vào đó, người Khiết Đan ở tại Semirech'e với đại bản doanh ở gần Balasaghun, và cho phép một số thành viên của dòng dõi Kara-Khanid cai trị như những chư hầu tại Samarkand và Kashgar, các Kara-Khanid đóng vai trò thu thuế và quản lý số dân Hồi giáo (Kim Trướng hãn quốc cũng tiến hành điều tương tự trên thảo nguyên Nga). Tây Liêu là một triều đại Phật giáo và Shaman giáo, trong khi họ lại cai trị một lãnh địa Kara-Khanid Hồi giáo rộng lớn, mặc dù vậy họ được coi là những người lãnh đạo có tinh thần công bằng khi đã thực hiện khoan dung tôn giáo.[5] Đời sống tôn giáo của Hồi giáo tiếp tục mà không bị gián đoạn và uy quyền của Hồi giáo được bảo tồn, trong khi Kashgar là một đô thị Cảnh giáo và các bia mộ của các Ki-tô hữu tại thung lũng sông Chuy đã bắt đầu xuất hiện từ thời kỳ này,.[15] Tuy nhiên, Khuất Xuất Luật, một người Nãi Man đã cướp ngôi vua của triều đại Tây Liêu, đã đưa ra các chính sách chống Hồi giáo đối với cư dân địa phương dưới thời ông trị vì.[16]
Sụp đổ
[sửa | sửa mã nguồn]Sự sụp đổ của Seljuk sau khi bị Tây Liêu đánh bại đã cho phép Khwarezmid, trước đây vốn là chư hầu của Tây Liêu, đã mở rộng lãnh thổ ra các lãnh địa trước đó của Seljuk. Năm 1207, các cư dân của Bukhara nổi dậy chống lại sadrs (các lãnh đạo tăng lữ), điều này được 'Ala' ad-Din Muhammad của nhà Khwarezm-Shah sử dụng làm cái cớ để đánh chiếm Bukhara. Muhammad sau đó lập liên minh với người cai trị của Đông Kara-Khanid là Uthman (về sau cưới con gái của Muhammad) để chống lại Tây Liêu. Năm 1210, nhà Khwarezm-Shah chiếm Samarkand sau khi quân Tây Liêu rút lui để đối phó với cuộc nổi loạn của Khuất Xuất Luật, người này đã chiếm được kho ngân khố của Tây Liêu tại Uzgen.[6] Khwarezm-Shah sau đó đã đánh bại Tây Liêu ở Talas. Muhammad và Khuất Xuất Luật rõ ràng đã đồng ý với nhau để phân chia đế quốc Tây Liêu.[17] Năm 1212, cư dân Samarkand tổ chức một cuộc nổi dậy chống lại Khwarezmia với sự trợ giúp từ Uthman. Quân Khwarezm-Shah trở lại, tái chiếm Samarkand và hành quyết Uthman. Ông yêu cầu tất cả các lãnh đạo Kara-Khanid chịu khuất phục, và cuối cùng tiêu diệt nhà nước Tây Kara-Khanid.
Năm 1211, Khuất Xuất Luật chiếm giữ ngai vàng Tây Liêu. Cùng năm đó, người lãnh đạo cuối cùng của nhà nước Đông Kara-Khanid bị giết chết trong một cuộc nổi dậy tại Kashgar, đặt dầu chấm hết cho Hãn quốc Kara-Khanid.[18] Năm 1218, Khuất Xuất Luật bị quân Mông Cổ giết chết, và lãnh thổ Tây Liêu trở thành một phần của đế quốc Mông Cổ. Đế quốc Khwarezmia cũng sụp đổ sau đó.
Văn hóa
[sửa | sửa mã nguồn]Việc Kara-Khanid tiếp quản khu vực đã không thay đổi đặc điểm Ba Tư căn bản tại Trung Á, song nó đã đem đến những biến đổi về nhân khẩu học và dân tộc ngôn ngữ học. Dười thời Kara-Khanid, cư dân địa phương ngày càng nói tiếng Đột Quyết (Turk) - ban đầu chỉ là về mặt ngôn ngữ khi dân bản địa chấp nhận tiếng Đột Quyết, sau đó những người Đột Quyết nghèo khó hơn cũng đến định cư.[19] Trong nhiều thế kỷ Trung Á bị Đột Quyết (Turk) hóa, văn hóa của người Đột Quyết tiến gần đến chỗ bị Ba Tư hóa, và trong một phương diện nào đó là Ả Rập hóa.[5] Những người cai trị Kara-Khanid cũng bị Ba Tư hóa đến mức chấp nhận "Afrasiab", một nhân vật thần thoại Shahnameh là tổ tiên của họ. Tuy nhiên, ngôn ngữ chính thức hay ngôn ngữ triều đình được sử dụng tại Kashgar và các trung tâm Kara-Khanid khác, được gọi là "Khaqani" (hoàng gia) thì vẫn là tiếng Đột Quyết. Ngôn ngữ này một phần dựa trên các phương ngữ của các bộ lạc Đột Quyết đã hình thành nên Kara-Khanid. Chữ viết Đột Quyết cũng được dùng trong tất cả các tài liệu và văn thư của khả hãn.[20]
Dīwānu l-Luġat al-Turk (Từ điển các ngôn ngữ Đột Quyết) được một sử gia nổi tiếng Kara-Khanid là Mahmud al-Kashgari viết, ông có thể đã sống một khoảng thời gian tại Kashgar trong triều đình Kara-Khanid. Ông đã viết cuốn từ điển toàn diện đầu tiên về các ngôn ngữ Đột Quyết bằng tiếng Ả Rập cho khalip của Baghdad từ 1072-76. Nhà văn nổi tiếng khác tại Kara-Khanid là Yusuf Balasaghuni, ông đã viết Kutadgu Bilig (Châm ngôn hạnh phúc), là tác phẩm văn chương duy nhất viết bằng chữ Đột Quyết còn được biết đến trong thời kỳ Kara-Khanid.[20] Kutadgu Bilig là một dạng văn chương khuyên bảo được gọi là "gương cho hoàng tử".[21] Đặc tính Đột Quyết là điều hiển nhiên trong cả hai văn bản trên, song nó cũng cho thấy ảnh hưởng từ văn hóa Ba Tư và Hồi giáo.
Hồi giáo và nền văn minh của nó đã phát triển mạnh mẽ dưới thời Kara-Khanid. Một trong những ví dụ sớm nhất của madrasas (trường Hồi giáo) tại Trung Á đã được Ibrahim Tamghach Khan thành lập ở Samarkand. Ibrahim cũng cho thành lập một bệnh viện để chăm sóc cho bệnh nhân cũng như cung cấp nơi trú ẩn cho người nghèo.[6] Con trai ông là Nasr Shams al-Mulk đã cho xây các ribat (pháo đài nhỏ) cho các chuyến caravan trên tuyến đường giữa Bukhara và Samarkand, và một nơi gần Bukhara. Một số công trình được các lãnh tụ Kara-Khanid cho xây dựng vẫn còn tồn tại cho đến nay - chẳng hạn như tháp Kalyan được Mohammad Aslan Khan cho xây bên cạnh nhaif Hồi giáo chính ở Bukhara, và ba lăng mộ tại Uzgend. Ngững người cai trị Kara-Khanid đầu tiên là những người vẫn quen với lối sống du mục, họ không sống trong thành mà ở một doanh tại bên ngoài kinh đô, đến thời Ibrahim, Kara-Khanid vẫn duy trì truyền thống du cư, các công trình tôn giáo và dân sự trải dài đã cho thấy nền văn hóa và truyền thống của những người định cư tại Transoxiana đã bị đồng hóa.[6]
Di sản
[sửa | sửa mã nguồn]Di sản của Kara-Khanid được cho là di sản văn hóa lâu dài nhất cùng tồn tại ở Trung Á từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 13. Phương ngữ Cát La Lộc-Duy Ngô Nhĩ được các bộ lạc du mục và những cư dân định cư bị Đột Quyết hóa sử dụng dưới thời Kara-Khanid đã phân thành hai nhánh chính của nhóm ngôn ngữ Turk là tiếng Chagatai và Kypchak. Mô hình văn hóa của Kara-Khanid là sự kết hợp giữa văn hóa Đột Quyết du mục với Hồi giáo, lan sang phía đông đến Cao Xương Hồi Cốt và Tây Hạ và về phía tây và phía nam đến tiểu lục địa Ấn Độ, Khorasan (Turkmenistan, Afghanistan và Bắc Iran), lãnh thổ Kim Trướng hãn quốc. Sát Hợp Đài hãn quốc, các nhà nước và xã hội Timur và Uzbek đã kế thừa hầu hết nền văn hóa của Kara-Khanid và Khwarezm mà không bị gián đoạn đáng kể.
Lãnh đạo
[sửa | sửa mã nguồn]- Bilge Kul Qadir Khan (840–893)
- Bazir Arslan Khan (893–920)
- Oghulcak Khan (893–940)
- Satuk Bughra Khan 920–958, năm 932 chấp nhận Hồi giáo, năm 940 tiếp quản quyền lực từ người Cát La Lộc
- Musa Bughra Khan 956–958
- Suleyman Arslan Khan 958–970
- Ali Arslan Khan – Đại khả hãn 970–998
- Lật đổ Samanid 999
- Ahmad Arslan Qara Khan 998–1017
- Mansur Arslan Khan 1017–1024
- Muhammad Toghan Khan 1024–1026
- Yusuf Qadir Khan 1026–32
- Ali Tigin Bughra Khan – Đại khả hãn tại Samarkand, khoảng 1020–1034
- Ebu Shuca Sulayman 1034–1042
- Kara-Khanid phân thành hai nhánh phía Đông và Tây
Tây Kara-Khanid
- Muhammad Arslan Qara Khan khoảng 1042–khoảng 1052
- Ibrâhîm Tamghach Bughra Khan khoảng 1052–1068
- Nasr Shams al-Mulk 1068–1080
- Khidr 1080–1081
- Ahmad 1081–1089
- Ya'qub Qadir Khan 1089–1095
- Mas'ud 1095–1097
- Sulayman Qadir Tamghach 1097
- Mahmud Arslan Khan 1097–1099
- Jibrail Arslan Khan 1099–1102
- Muhammad Arslan Khan 1102–1129
- Nasr 1129
- Ahmad Qadir Khan 1129–1130
- Hasan Jalal ad-Dunya 1130–1132
- Ibrahim Rukn ad-Dunya 1132
- Mahmud 1132–1141
- Thất bại của triều Seljuk, Tây Liêu chiếm đóng, 1141
- Ibrahim Tabghach Khan 1141–1156
- Ali Chaghri Khan 1156–1161
- Mas'ud Tabghach Khan 1161–1171
- Muhammad Tabghach Khan 1171–1178
- Ibrahim Arslan Khan 1178–1204
- Uthman Ulugh Sultan 1204–1212
- Khwarazm xâm chiếm, 1212
Đông Kara-Khanid
- Ebu Shuca Sulayman 1042–1056
- Muhammad bin Yusuph 1056–1057
- İbrahim bin Muhammad Khan 1057–1059
- Mahmud 1059–1075
- Umar 1075
- Ebu Ali el-Hasan 1075–1102
- Ahmad Khan 1102–1128
- İbrahim bin Ahmad 1128–1158
- Muhammad bin İbrahim 1158–?
- Yusuph bin Muhammad ?–1205
- Ebul Feth Muhammad 1205–1211
- Tây Liêu xâm chiếm, 1211
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Encyclopedia of the Peoples of Africa and the Middle East, Vol.1, Ed. Jamie Stokes, (Infobase Publishing, 2009), 578.
- ^ Davidovich, E. A. (1998), “The Karakhanids”, trong Bosworth, C.E. (biên tập), History of Civilisations of Central Asia, 4 part I, UNESCO Publishing, tr. 120, ISBN 92-3-103467-7
- ^ Encyclopædia Britannica
- ^ Grousset, Rene (2004). The Empire of the Steppes. Rutgers University Press. ISBN 0-8135-1304-9.
- ^ a b c d e f g h Svatopluk Soucek (2000). “Chapter 5 - The Qarakhanids”. A history of Inner Asia. Cambridge University Press. ISBN 0-521-65704-0.
- ^ a b c d e f g h i j k l Davidovich, E. A. (1998), “Chapter 6 The Karakhanids”, trong Bosworth, C.E. (biên tập), History of Civilisations of Central Asia, 4 part I, UNESCO Publishing, tr. 119–144, ISBN 92-3-103467-7 Đã định rõ hơn một tham số trong
|contribution=
và|chapter=
(trợ giúp) - ^ a b c Golden, Peter. B. (1990), “The Karakhanids and Early Islam”, trong Sinor, Denis (biên tập), The Cambridge History of Early Inner Asia, Cambridge University Press, tr. 354, ISBN 0 521 2,4304 1 Kiểm tra giá trị
|isbn=
: ký tự không hợp lệ (trợ giúp) Lỗi chú thích: Thẻ<ref>
không hợp lệ: tên “sinor” được định rõ nhiều lần, mỗi lần có nội dung khác - ^ Christopher I. Beckwith, Empires of the Silk Road, (Princeton University Press, 2009), 142.
- ^ Golden, Peter. B. (1990), “The Karakhanids and Early Islam”, trong Sinor, Denis (biên tập), The Cambridge History of Early Inner Asia, Cambridge University Press, tr. 350–351, ISBN 0 521 2,4304 1 Kiểm tra giá trị
|isbn=
: ký tự không hợp lệ (trợ giúp) - ^ Golden, Peter. B. (1990), “The Karakhanids and Early Islam”, trong Sinor, Denis (biên tập), The Cambridge History of Early Inner Asia, Cambridge University Press, tr. 348, ISBN 0 521 2,4304 1 Kiểm tra giá trị
|isbn=
: ký tự không hợp lệ (trợ giúp) - ^ Golden, Peter. B. (1990), “The Karakhanids and Early Islam”, trong Sinor, Denis (biên tập), The Cambridge History of Early Inner Asia, Cambridge University Press, tr. 355–356, ISBN 0 521 2,4304 1 Kiểm tra giá trị
|isbn=
: ký tự không hợp lệ (trợ giúp) - ^ Golden, Peter. B. (1990), “The Karakhanids and Early Islam”, trong Sinor, Denis (biên tập), The Cambridge History of Early Inner Asia, Cambridge University Press, tr. 357, ISBN 0 521 2,4304 1 Kiểm tra giá trị
|isbn=
: ký tự không hợp lệ (trợ giúp) - ^ Aurel Stein, Ancient Khotan, Clarendon Press, pg 181.
- ^ Golden, Peter. B. (1990), “The Karakhanids and Early Islam”, trong Sinor, Denis (biên tập), The Cambridge History of Early Inner Asia, Cambridge University Press, tr. 363, ISBN 0 521 2,4304 1 Kiểm tra giá trị
|isbn=
: ký tự không hợp lệ (trợ giúp) - ^ a b Sinor, D. (1998), “Chapter 11 - The Kitan and the Kara Kitay”, trong Bosworth, C.E. (biên tập), History of Civilisations of Central Asia, 4 part I, UNESCO Publishing, ISBN 92-3-103467-7
- ^ Biran, Michal. (2005). The Empire of the Qara Khitai in Eurasian History: Between China and the Islamic World. Cambridge University Press. tr. 194–196. ISBN 0-521-84226-3.
- ^ Golden, Peter. B. (1990), “The Karakhanids and Early Islam”, trong Sinor, Denis (biên tập), The Cambridge History of Early Inner Asia, Cambridge University Press, tr. 370, ISBN 0 521 2,4304 1 Kiểm tra giá trị
|isbn=
: ký tự không hợp lệ (trợ giúp) - ^ Biran, Michal. (2005). The Empire of the Qara Khitai in Eurasian History: Between China and the Islamic World. Cambridge University Press. tr. 81. ISBN 0-521-84226-3.
- ^ Peter B Golden (2011). “Chapter 5 - Crescent over the Steppe: Islam and the Turkic People”. Central Asia in World History. Oxford University Press. ISBN 978-0-19-533819-5.
- ^ a b Larry Clark (2010), “The Turkic script and Kutadgu Bilig”, Turkology in Mainz, Otto Harrasowitz GmbH & Co, tr. 96, ISBN 978-3-447-06113-1
- ^ Scott Cameron Levi, Ron Sela (2010). “Chapter 13 - Yusuf Hass Hajib: Advice to the Qarakhanid Rulers”. Islamic Central Asia: An Anthology of Historical Sources. Đại học Indiana Press. tr. 76–81. ISBN 978-0-253-35385-6.
Đọc thêm
[sửa | sửa mã nguồn]- Davidovich, E. A. (1998), “The Karakhanids”, trong Bosworth, C.E. (biên tập), History of Civilisations of Central Asia, 4 part I, UNESCO Publishing, tr. 120, ISBN 92-3-103467-7
- Golden, Peter. B. (1990), “The Karakhanids and Early Islam”, trong Sinor, Denis (biên tập), The Cambridge History of Early Inner Asia, Cambridge University Press, ISBN 0 521 2,4304 1 Kiểm tra giá trị
|isbn=
: ký tự không hợp lệ (trợ giúp) - Svatopluk Soucek (2000). A history of Inner Asia. Cambridge University Press. ISBN 0-521-65704-0.