Nguyễn Văn Thái (thám hoa)
Nguyễn Văn Thái (chữ Hán: 阮 文 泰)(1479-?), người làng Tiền Liệt huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng (nay là thôn Tiền Liệt, xã Tân Phong, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương).
Nguyễn Văn Thái 阮 文 泰 | |
---|---|
Đạo Xuyên Bá | |
Thông tin cá nhân | |
Sinh | |
Ngày sinh | 1479 |
Nơi sinh | làng Tiền Liệt, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng (nay là thôn Tiền Liệt, xã Tân Phong, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) |
Học vấn | Đệ nhất tiến sĩ cập đệ (Thám Hoa), Đông các đại học sĩ. |
Chức quan | Thượng thư |
Tước hiệu | Đạo Xuyên Bá |
Quốc gia | Đại Việt |
Thời kỳ | Lê Sơ, Mạc |
Tiểu sử
[sửa | sửa mã nguồn]Năm 24 tuổi, ông thi đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, tức Thám hoa, khoa thi Nhâm Tuất, niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 (1502), thời vua Lê Hiến Tông.[1]
Ông làm quan tới chức Đông các Đại học sĩ, tước Đạo Xuyên bá và từng được cử làm Phó sứ sang nhà Minh (Trung Quốc). Khi Mạc Đăng Dung chiếm ngôi nhà Lê, ông ra làm quan cho nhà Mạc đến chức Thượng thư, tước hầu. Ông từng được cử đi sứ phương Bắc ba lần. Ông lấy vợ người Trung Quốc, sinh con là Ngạn Xán, theo họ mẹ là họ Trương. Trương Ngạn Xán sau này thi đỗ Tiến sĩ. Ông còn có tên là Nguyễn Trí Thái.
Đi sứ nhà Minh lần 1
[sửa | sửa mã nguồn]Tháng 2, Năm Hồng Thuận thứ 2 (1510), thời vua Lê Tương Dực, ông cùng Hình bộ thượng thư Đàm Thận Huy, Binh khoa cấp sự trung Lê Thừa Hưu, Thông sự Nguyễn Phong, hành nhân 3 người, tòng nhân 8 người, [2]được vua sai đi sứ sang nhà Minh xin phong tước.[3]
Thảo chiếu nhường ngôi
[sửa | sửa mã nguồn]Tháng 4 năm 1527, Lê Cung Hoàng sai đình thần cầm cờ tiết đem kim sách, áo mão thêu rồng đen, đai dát ngọc, kiệu tía, quạt vẽ, lọng tía đến Cổ Trai, tấn phong Mạc Đăng Dung làm An Hưng vương, gia thêm cửu tích. Tháng 6 năm 1527, Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai trở lại kinh đô ép Lê Cung Hoàng nhường ngôi. Sử gia Lê Quý Đôn chép: "lúc này thần dân phần nhiều xu hướng về Đăng Dung, đều ra đón về kinh đô".
Bấy giờ ban thứ trăm quan để yên chỗ, nhưng chưa có tờ chiếu nhường ngôi. Đăng Dung hạ lệnh cho Lại bộ thượng thư Trương Phu Duyệt đứng thảo. Nhưng Phu Duyệt quắt mắt, mắng Đăng Dung: "Thế nghĩa là gì! "[4]
Đăng Dung bèn sai Đông các đại học sĩ Nguyễn Văn Thái phải làm cho xong tờ chiếu, nội dung như sau:
- "Nghĩ Thái Tổ ta, thừa thời cách mệnh, có được thiên hạ, các vua truyền nhau, nối giữ cơ đồ, là do mệnh trời lòng người cùng hợp, cùng ứng nên mới được thế. Cuối đời Hồng Thuận, gặp nhiều tai hoạ, Trần Cảo đầu têu gây mầm loạn ly, Trịnh Tuy giả trá lập kế phản nghịch. Lòng người đã lìa, mệnh trời không giúp. Khi ấy thiên hạ đã không phải là của nhà ta. Ta không có đức, lạm giữ ngôi trời, việc gánh vác không kham nổi. Mệnh trời lòng người đều theo về người có đức. Xét Thái sư An Hưng vương Mạc Đăng Dung nhà ngươi, bẩm tính thông minh, sáng suốt, có tài lược văn võ. Bên ngoài đánh dẹp bốn phương, các nơi đều phục tùng; bên trong coi sóc trăm quan, mọi việc đều tốt đẹp. Công to đức lớn, trời cho người theo. Nay ta cân nhắc lẽ phải, nên nhường ngôi cho. Hãy gắng sửa đức lớn, giữ mãi mệnh trời để ức triệu dân lành được yên vui. Mong kính theo đó."
Đi sứ nhà Minh lần 2
[sửa | sửa mã nguồn]Năm 1533, khi Nguyễn Kim tìm được một người tên là Lê Duy Ninh, con của vua Lê Chiêu Tông đưa lên ngôi trên đất Sầm Châu, Ai Lao tức là vua Lê Trang Tông, sau đó chuẩn bị binh lực cho việc đánh nhà Mạc.
Năm 1538, Mạc Thái Tông sai Nguyễn Văn Thái và tùy tùng sang trấn Nam Quan ở Quảng Tây để dâng biểu cầu hòa nhà Minh và cho rằng Lê Duy Ninh là con của Nguyễn Kim được dựng lên, không phải dòng dõi nhà Hậu Lê. Nhà Minh vì muốn hai bên đánh nhau nhằm ngư ông đắc lợi nên án binh bất động không tiến quân nữa. Trên danh nghĩa là vị nghĩa nhưng thực chất chỉ vì vị lợi mà thôi.
Đi sứ nhà Minh lần 3
[sửa | sửa mã nguồn]Năm Canh Tý, 1540, Mạc Thái Tông chết, con trưởng Mạc Phúc Hải nối ngôi, xưng niên hiệu là Quảng Hòa. Thái tổ Mạc Đăng Dung lại sai Mạc Văn Minh và Nguyễn Văn Thái đem tờ biểu sang Yên Kinh để cầu hòa.
Gia đình
[sửa | sửa mã nguồn]Ông là em trai[5] Tiến sĩ Nguyễn Đoan Kính (chữ Hán: 阮端敬), người làng Tiền Liệt – Vĩnh Lại, thi đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ, tức Hoàng giáp, khoa thi Kỷ Mùi 1499, niên hiệu Cảnh Thống thứ 2 . Ông làm quan tới chức Phủ Doãn phủ Phụng Thiên thời Lê Sơ, là chức quan đứng đầu của phủ Phụng Thiên tức Kinh đô Thăng Long của thời Lê, là người có uy tín và thực tài, đứng đầu kinh đô. [6] Cùng khoa thi Kỷ Mùi còn có Trạng nguyên Đỗ Lý Khiêm người Vũ Thư -Thái Bình làm Phó đô Ngự sử, Bảng nhãn Lương Đắc Bằng người Hoằng Hóa-Thanh Hóa làm Tả Thị Lang bộ Lễ..[7]
Cháu của ông, Tiến sĩ Nguyễn Tự Cường (chữ Hán: 阮自強) (1570-?), người làng Tiền Liệt huyện Vĩnh Lại. Ông là cháu nội của Nguyễn Đoan Kính, thi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ năm 35 tuổi, khoa thi Giáp Thìn 1604, đời vua Lê Kính Tông, niên hiệu Hoằng Định thứ 5. Ông làm quan Hữu Thị lang Bộ Lễ, tước Xuân Quận công và từng được cử đi sứ sang nhà Minh. Khi mất, ông được tặng chức Thượng thư, Thiếu bảo.[8]
Ghi nhận
[sửa | sửa mã nguồn]Tên ông được khắc trên văn bia số 10 đặt tại Văn miếu Quốc Tử Giám[9]. Bia dựng ngày 10 tháng 11 niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 (1502). Qua bốn trường lấy trúng cách được 61 người, đưa tên dâng lên. Hoàng thượng đích thân hỏi thi ở sân rồng.
Cùng đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ với ông còn có Trạng nguyên Lê Ích Mộc (chữ Hán: 黎 益 沐) người xã Thanh Lãng huyện Thuỷ Đường phủ Kinh Môn, và Bảng nhãn Lê Sạn (chữ Hán: 黎 棧) người xã Vạn Phúc huyện Thanh Trì phủ Thường Tín.
Chú thích và nguồn dẫn
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Trang 63 sách Đỉnh khiết Đại Việt Lịch triều Đăng khoa lục, quyển 1.
- ^ Đại Việt Sử ký Toàn Thư
- ^ “Khâm Ðinh Viêt Sư Thông Giám Cương Muc” (PDF). Chú thích journal cần
|journal=
(trợ giúp) - ^ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục - Chính Biên - Quyển XXVII, trang 625,626
- ^ baohaiduong.vn (17 tháng 8 năm 2022). “3 tiến sĩ Nho học họ Nguyễn làng Tiền Liệt”. baohaiduong.vn. Truy cập ngày 13 tháng 8 năm 2024.
- ^ Trang 59 sách Đỉnh khiết Đại Việt Lịch triều Đăng khoa lục, quyển 1
- ^ “Lương Đắc Bằng”, Wikipedia tiếng Việt, 30 tháng 1 năm 2023, truy cập ngày 13 tháng 8 năm 2024
- ^ Đỉnh khiết Đại Việt lịch triều đăng khoa lục, trang số 3, quyển 3
- ^ “82 Văn bia tại Văn Miếu Hà Nội, từ Khoa thi 1442 đến Khoa thi 1779 - Website chính thức của dòng họ Ninh tại Việt Nam”. honinh.com. 18 tháng 11 năm 2018. Truy cập ngày 13 tháng 8 năm 2024.
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]https://bvhttdl.gov.vn/hai-duong-ton-vinh-3-vi-tien-si-nho-hoc-ho-nguyen-20200724094019869.htm[1]