Bước tới nội dung

Phan Văn Khỏe

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Phan Văn Khỏe
Chức vụ
Nhiệm kỳTháng 4, 1940 – Tháng 7, 1941
Vị trí Việt Nam
Nhiệm kỳTháng 1, 1941 – Tháng 7, 1941
Tiền nhiệmTạ Uyên
Kế nhiệmDương Quang Đông (Xứ ủy Tiền Phong)
Trần Văn Vi (Xứ ủy Giải Phóng)
Vị trí Việt Nam
Nhiệm kỳ23 tháng 11, 1940 – 12 tháng 1, 1941
Tiền nhiệmđầu tiên
Kế nhiệmTrần Văn Hiển
Vị trí Việt Nam
Thông tin cá nhân
Sinh1901
Cai Lậy, Mỹ Tho
Mất7 tháng 3, 1946
Cai Lậy, Mỹ Tho
Dân tộcKinh
Đảng chính trịĐảng Cộng sản Việt Nam

Phan Văn Khỏe (1901–1946), bí danh Tư Mỹ, là một nhà cách mạng Việt Nam, từng đảm nhiệm vai trò Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho trong Khởi nghĩa Nam Kỳ.

Thân thế

[sửa | sửa mã nguồn]

Phan Văn Khỏe sinh năm 1901 trong một gia đình nông dân nghèo ở xóm Cống Huế, làng Mỹ Hạnh Đông, quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho, nay là xã Mỹ Hạnh Đông, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Dù xuất thân không được khá giả, lại là đứa con thứ tư trong gia đình, nhưng ông vẫn được lo học hành đầy đủ.[1][2][3]

Cuộc đời

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1928, ông gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, sau đó là Đảng viên của An Nam Cộng sản Đảng (1929), rồi là Đảng Cộng sản Việt Nam (tức Đảng Cộng sản Đông Dương, 1930).[3][4]

Tháng 4 năm 1930, ông được Tỉnh ủy Mỹ Tho phân công phụ trách quận Cai Lậy. Năm 1933, ông được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho, rồi Phó Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho. Cuối năm 1936, ông được bầu làm Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ, phụ trách các tỉnh Tân An, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Sa Đéc.[2] Tháng 4 năm 1940, Xứ ủy Nam Kỳ họp ở Bến Lức (Tân An), thông qua "Đề cương chuẩn bị bạo động", Phan Văn Khỏe được chỉ định làm Ủy viên Thường vụ Xứ ủy kiêm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho để chuẩn bị khởi nghĩa.[5]

Tháng 7 năm 1940, Hội nghị toàn xứ tổ chức ở Tân Hương (Châu Thành, Mỹ Tho) đã bầu Tạ Uyên làm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, Phan Văn Khỏe và Lê Văn Khương làm Ủy viên Thường vụ Xứ ủy, Phan Văn Bảy, Quản Trọng Hoàng, Phạm Thái Bường, Dương Công Nữ, Thái Văn Đẩu, Phạm Hồng Thám làm Xứ ủy viên.[6]

Tháng 11 năm 1940, khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ, với tư cách là Trưởng ban Khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho, Phan Văn Khỏe đã trực tiếp chỉ huy cuộc khởi nghĩa ở quận Cai Lậy. Khởi nghĩa ở Mỹ Tho thành công, thành lập được chính quyền nhân dân, Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho được thành lập do Trưởng ban Khởi nghĩa làm Chủ tịch.[7][8]

Ngay sau đó, thực dân Pháp tập trung đàn áp, cuộc khởi nghĩa thất bại. Các cơ sở Đảng và quần chúng bị khủng bố dã man, từ Xứ ủy Nam Kỳ cho đến hầu hết các Tỉnh ủy, Quận ủy, Chi bộ đều bị vỡ. Tháng 1 năm 1941, các Xứ ủy viên chưa bị bắt đã mở hội nghị Xứ ủy mở rộng tại làng Đa Phước (Cần Giuộc, Chợ Lớn), tổ chức lại Xứ ủy Nam Kỳ gồm 11 người: Phan Văn Khỏe, Phan Văn Bảy, Phạm Thái Bường, Dương Công Nữ, Nguyễn Văn Tiếp, Nguyễn Văn Kỉnh, Phạm Hồng Thám, Phạm Văn Sàng, Ngô Tám, Nguyễn Văn Trọng, Lưu Ngân Sâm. Phan Văn Khỏe được bầu làm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ. Xứ ủy ra báo Giải Phóng để dẫn dắt phong trào, khôi phục lại lực lượng.[1] Không lâu sau, trên đường đi Bến Tre công tác, ông bị Pháp bắt và lưu đày ở Côn Đảo.[2][3][5]

Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, ông cùng các tù chính trị Côn Đảo được chính quyền cách mạng đón về đất liền.[5] Ông tiếp tục đảm nhận vai trò đặc phái viên của Xứ ủy Nam Bộ và Liên Tỉnh ủy Trung Nam Bộ, liên lạc với Trần Văn Trà, Nguyễn Văn Vịnh xây dựng chiến khu Đồng Tháp Mười. Tháng 3 năm 1946, ông bị quân Pháp bắt giữ ở quận Cái Bè, giải về Cai Lậy tra khảo. Cuối cùng, quân Pháp thủ tiêu ông ở bãi tha ma gò Bà Đội Phận phía đông chợ Cai Lậy (nay là Khu phố 1, phường 4, Cai Lậy, Tiền Giang).[3][1] Di hài của ông đã được cải táng về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Tiền Giang.[5]

Gia đình

[sửa | sửa mã nguồn]

Em trai ông là Út Nam cũng tham gia hoạt động cách mạng, bị bắt đi đày Côn Đảo và chết ở đó. Con trai ông là Phan Văn Lữ cũng bị thực dân Pháp bắt giữ và tra tấn đến chết trong bót Catinat (Sài Gòn).[2]

Ngày 30 tháng 5 năm 1998, Phan Văn Khỏe được Chủ tịch nước Việt Nam truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.[9][10][11]

Tên của ông được đặt cho một con đường ở quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.[12][13]

Ngày 24 tháng 11 năm 2021, Khu tưởng niệm đồng chí Phan Văn Khỏe (ấp Mỹ Bình, xã Mỹ Hạnh Đông, thị xã Cai Lậy) được Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.[14]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Khởi nghĩa Nam Kỳ (2002). Lịch sử Khởi nghĩa Nam Kỳ. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (22 tháng 6 năm 2021). “Đồng chí Phan Văn Khỏe - Niềm tự hào của nhân dân Nam Bộ”. Trang tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 4 năm 2022. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2022.
  2. ^ a b c d Lê Văn Tý (9 tháng 3 năm 2021). “Đồng chí Phan Văn Khỏe - Người chiến sĩ cộng sản tiêu biểu của quê hương Tiền Giang”. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 4 năm 2022. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2022.
  3. ^ a b c d Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang (10 tháng 3 năm 2021). “Đề cương tuyên truyền tưởng niệm 75 năm Ngày mất của đồng chí Phan Văn Khỏe, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam kỳ (07/3/1946 - 07/3/2021)”. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 4 năm 2022. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2022.
  4. ^ Từ Anh Tuấn (26 tháng 5 năm 2017). “Đồng chí Phan Văn Khỏe - Người chiến sĩ cộng sản kiên cường của Nam Kỳ”. Báo Nhân Dân. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 4 năm 2022. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2022.
  5. ^ a b c d Trần Kim Trát (24 tháng 5 năm 2017). “Phan Văn Khỏe - người chiến sĩ cộng sản kiên cường”. Báo Ấp Bắc. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 4 năm 2022. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2022.
  6. ^ Gia Tuệ (11 tháng 6 năm 2020). “Nhà ông, bà Năm Dẹm: Nơi diễn ra Hội nghị Xứ Ủy Nam kỳ mở rộng năm 1940”. Báo Ấp Bắc. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 4 năm 2022. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2022.
  7. ^ Lê Văn Tý (16 tháng 11 năm 2020). “5 thành tựu của cuộc khởi nghĩa tháng 11-1940 ở tỉnh Mỹ Tho”. Báo Ấp Bắc. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 4 năm 2022. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2022.
  8. ^ Nguyễn Sự (23 tháng 11 năm 2020). “Tiền Giang tổ chức kỷ niệm 80 năm Nam Kỳ Khởi Nghĩa”. Báo Nhân Dân. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 4 năm 2022. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2022.
  9. ^ Trần Lương (26 tháng 5 năm 2017). “Hội thảo khoa học đồng chí Phan Văn Khỏe – Người chiến sĩ cộng sản kiên cường của Nam Kỳ”. Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 4 năm 2022. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2022.
  10. ^ Trúc Quỳnh (26 tháng 5 năm 2017). “Hội thảo khoa học: Đồng chí Phan Văn Khỏe - Người chiến sĩ cộng sản kiên cường của Nam kỳ”. Trang thông tin điện tử Tuyên giáo An Giang. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 4 năm 2022. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2022.
  11. ^ Trúc Quỳnh (9 tháng 5 năm 2017). “Sáng ngời cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Phan Văn Khỏe”. Trang thông tin điện tử thị xã Cai Lậy. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2022.
  12. ^ “Đường Phan Văn Khỏe”. Ủy ban nhân dân Quận 5 Thành phố Hồ Chí Minh. 19 tháng 6 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 4 năm 2022. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2022.
  13. ^ Phạm Ngôn (14 tháng 11 năm 2021). “Đường Phan Văn Khỏe - Bãi Sậy nhếch nhác vì dự án treo nhiều năm”. Báo Xây dựng. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2022.
  14. ^ Đức Trí (1 tháng 12 năm 2021). “Khu tưởng niệm đồng chí Phan Văn Khỏe và Đìa Trâm Ba được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh”. Cổng thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 4 năm 2022. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2022.