Pomacentrus amboinensis

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Pomacentrus amboinensis
Cá trưởng thành
Cá con
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Animalia
Ngành (phylum)Chordata
Lớp (class)Actinopterygii
Nhánh Ovalentaria
Họ (familia)Pomacentridae
Chi (genus)Pomacentrus
Loài (species)P. amboinensis
Danh pháp hai phần
Pomacentrus amboinensis
Bleeker, 1868
Danh pháp đồng nghĩa
  • Pomacentrus dimidiatus Bleeker, 1877

Pomacentrus amboinensis là một loài cá biển thuộc chi Pomacentrus trong họ Cá thia. Loài này được mô tả lần đầu tiên vào năm 1868.

Từ nguyên[sửa | sửa mã nguồn]

Từ định danh trong danh pháp được đặt theo tên gọi của đảo Ambon (thuộc quần đảo Maluku, Indonesia), nơi mà mẫu định danh của loài cá này được thu thập (–ensis: hậu tố biểu thị nơi chốn).[1]

Phạm vi phân bố và môi trường sống[sửa | sửa mã nguồn]

Phạm vi của P. amboinensis trải dài từ vùng biển các nước Đông Nam Á đến các đảo quốc thuộc Melanesia ở phía đông, giới hạn ở phía bắc đến quần đảo Ryukyu (Nhật Bản),[2] xa hơn ở phía nam đến Úc (từ quần đảo Dampier vòng qua phía bắc đến rạn san hô Great Barrier[3]). Những quần thể trước đây được xem là những biến dị kiểu hình của P. amboinensis tại vùng Micronesiabiển Andaman đã được công nhận là những loài hợp lệ, là Pomacentrus bipunctatusPomacentrus andamanensis, tất cả cùng được xếp vào phức hợp loài P. amboinensis.[4]

Tại Việt Nam, P. amboinensis được ghi nhận dọc theo vùng bờ biển Khánh HòaNinh Thuận,[5] Phú Yên,[6] cù lao Chàm,[7] Côn Đảoquần đảo Trường Sa.[8]

P. amboinensis sinh sống tập trung trên nền đáy cát, gần những rạn san hô viền bờ hoặc trong các đầm phá ở độ sâu đến 40 m.[9]

Mô tả[sửa | sửa mã nguồn]

Chiều dài lớn nhất được ghi nhận ở P. amboinensis là 11 cm.[3] Cơ thể của P. amboinensismàu vàng kem (đôi khi phớt màu tím nhạt), có một đốm nhỏ trên nắp mang và một đốm lớn hơn ở gốc vây ngực. Đầu có nhiều vệt đốm màu hồng tím. Cá con có một đốm đen lớn viền trắng xanh ở ngay sau vây lưng; đốm này sẽ tiêu biến khi trưởng thành.[10]

Trong một nghiên cứu thực địa, người ta nhận thấy những cá thể trưởng thành còn mang đốm đen trên vây lưng đều là cá đực đã thuần thục sinh dục. Kiểu hình của những con đực này lại giống với những con cá cái chưa trưởng thành hơn là những con đực đã trưởng thành hoàn toàn. Bằng cách đội lốt cá con, những con cá đực này có thể qua mắt được những con cá đực có lãnh thổ riêng để giao phối "lén lút" với những con cá cái trong lãnh thổ của con đực kia.[11]

Số gai ở vây lưng: 13; Số tia vây ở vây lưng: 14–16; Số gai ở vây hậu môn: 2; Số tia vây ở vây hậu môn: 14–16; Số tia vây ở vây ngực: 17; Số gai ở vây bụng: 1; Số tia vây ở vây bụng: 5.[12]

Một loài có kiểu hình khá giống với P. amboinensis, và cũng có phạm vi chồng lấn lên nhau ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, là Pomacentrus moluccensis. P. moluccensis có thể dễ dàng phân biệt với P. amboinensis bởi màu vàng tươi đặc trưng của chúng.

Sinh thái học[sửa | sửa mã nguồn]

Thức ăn của P. amboinensis bao gồm tảo và các loài động vật phù du.[9]

Loài lưỡng tính[sửa | sửa mã nguồn]

P. amboinensis sống theo chế độ đa thê, gồm một con đực thống trị và khoảng 1–7 con cá cái trong hậu cung của nó, cũng có thể bao gồm một số con non trong bầy. Khi cá đực được loại bỏ khỏi bầy trong thí nghiệm, cá cái lớn nhất hậu cung sẽ chuyển đổi giới tính trở thành cá đực, thể hiện sự lưỡng tính ở P. amboinensis.[13]

Sinh sản[sửa | sửa mã nguồn]

Cá cái đẻ trứng trên nền tổ đã được cá đực chuẩn bị từ trước, thường là trên các mẩu san hô chết hoặc vỏ sò.[13] Cá đực có nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc đám trứng này cho đến khi chúng nở. Trứng đã được thụ tinh nở sau khoảng 5 ngày ở nhiệt độ 28 °C.[14] P. amboinensis có thể sống được đến hơn 6 năm tuổi.[13]

Giao tiếp[sửa | sửa mã nguồn]

Nhiều loài cá rạn san hô không nhìn thấy được tia cực tím vì đây là tia vô hình đối với mắt của chúng, cũng như đối với con người. Qua các thí nghiệm nghiên cứu, P. amboinensis được chứng minh là có thể nhìn thấy loại tia này.[15] P. amboinensis nhận dạng các loài đối phương dựa vào kiểu hình của khuôn mặt dưới ánh sáng của tia cực tím, cho phép chúng "liên lạc" với nhau mà không bị những kẻ săn mồi không nhìn được tia cực tím phát hiện.[16] Ngoài ra, một nghiên cứu cho thấy, P. amboinensis còn có thêm khả năng phân biệt màu sắc trong phổ nhìn thấy được, cung cấp bằng chứng hành vi đầu tiên cho thấy cá rạn san hô có thể nhìn màu.[17]

Bên cạnh việc nhận diện dựa vào màu sắc, P. amboinensis còn tạo ra âm thanh để giao tiếp với nhau như những loài cá thia trong họ. Thông thường, những loài cá thia sẽ tạo ra âm thanh của tiếng nổ "bốp bốp", và ở một số ít loài, âm thanh này lại nghe như tiếng rúc của chim. Nhưng ở P. amboinensis, âm thanh do loài này tạo ra khác hoàn toàn so với hai âm thanh đã biết trước đó, và được so sánh như tiếng của "cần gạt nước xe hơi lau trên bề mặt của tấm kính khô".[18][19]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Scharpf, Christopher; Lazara, Kenneth J. (2021). “Series Ovalentaria (Incertae sedis): Family Pomacentridae”. The ETYFish Project Fish Name Etymology Database. Truy cập ngày 26 tháng 11 năm 2021.[liên kết hỏng]
  2. ^ Paolo Parenti (2021). “An annotated checklist of damselfishes, Family Pomacentridae Bonaparte, 1831” (PDF). Journal of Animal Diversity. 3 (1): 37–109.
  3. ^ a b Bray, D. J. (2018). “Ambon Damsel, Pomacentrus amboinensis Bleeker 1868”. Fishes of Australia. Truy cập ngày 26 tháng 11 năm 2021.
  4. ^ Allen, Gerald R.; Erdmann, Mark V.; Ningsih, Enex Y. (2020). Pomacentrus andamanensis, a new species of damselfish (Teleostei: Pomacentridae) from the Andaman Sea, Indian Ocean” (PDF). Journal of the Ocean Science Foundation. 36: 38–48. doi:10.5281/ZENODO.4340748.
  5. ^ Nguyễn Văn Long (2009). “Cá rạn san hô ở vùng biển ven bờ Nam Trung Bộ”. Tạp chí Khoa học và Công nghệ biển T9. 3: 38–66.
  6. ^ Nguyễn Văn Long (2013). “Nguồn lợi cá rạn san hô vùng biển ven bờ Phú Yên”. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Biển. 13 (1): 31–40. ISSN 1859-3097.
  7. ^ Nguyễn Văn Long; Mai Xuân Đạt (2020). “Đặc trưng nguồn lợi cá trong các hệ sinh thái ở khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An” (PDF). Vietnam Journal of Marine Science and Technology. 20 (1): 105–120. doi:10.15625/1859-3097/13553. ISSN 1859-3097.
  8. ^ Capuli, Estelita Emily; Luna, Susan M. (biên tập). Pomacentrus amboinensis Bleeker, 1868”. FishBase. Truy cập ngày 26 tháng 11 năm 2021.
  9. ^ a b Ranier Froese và Daniel Pauly (chủ biên). Thông tin Pomacentrus amboinensis trên FishBase. Phiên bản tháng 10 năm 2023.
  10. ^ Pomacentrus amboinensis Pomacentridae”. Reef Life Survey. Truy cập ngày 26 tháng 11 năm 2021.
  11. ^ Gagliano, Monica; Depczynski, Martial (2013). “Spot the Difference: Mimicry in a Coral Reef Fish”. PLoS ONE. 8 (2): e55938. doi:10.1371/journal.pone.0055938. ISSN 1932-6203. PMC 3572176. PMID 23418480.
  12. ^ John E. Randall; Gerald R. Allen; Roger C. Steene (1998). The Fishes of the Great Barrier Reef and Coral Sea. Nhà xuất bản Đại học Hawaii. tr. 275. ISBN 978-0824818951.
  13. ^ a b c McCormick, Mark I. (2016). “Protogyny in a tropical damselfish: females queue for future benefit”. PeerJ. 4: e2198. doi:10.7717/peerj.2198. ISSN 2167-8359. PMC 4933090. PMID 27413641.
  14. ^ Maddams, Jessica Claire; McCormick, Mark Ian (2012). “Not All Offspring Are Created Equal: Variation in Larval Characteristics in a Serially Spawning Damselfish”. PLOS ONE. 7 (11): e48525. doi:10.1371/journal.pone.0048525. ISSN 1932-6203. PMC 3498294. PMID 23155389.
  15. ^ Siebeck, Ulrike E. (2004). “Communication in coral reef fish: the role of ultraviolet colour patterns in damselfish territorial behaviour”. Animal Behaviour. 68 (2): 273–282. doi:10.1016/j.anbehav.2003.11.010. ISSN 0003-3472.
  16. ^ Siebeck, Ulrike E.; Parker, Amira N.; Sprenger, Dennis; Mäthger, Lydia M.; Wallis, Guy (2010). “A Species of Reef Fish that Uses Ultraviolet Patterns for Covert Face Recognition”. Current Biology. 20 (5): 407–410. doi:10.1016/j.cub.2009.12.047. ISSN 0960-9822.
  17. ^ Siebeck, U. E.; Wallis, G. M.; Litherland, L. (2008). “Colour vision in coral reef fish”. Journal of Experimental Biology. 211 (3): 354–360. doi:10.1242/jeb.012880. ISSN 0022-0949.
  18. ^ Parmentier, E.; Frédérich, B. (2016). “Broadening of acoustic repertoire in Pomacentridae: tonal sounds in the Ambon damselfish Pomacentrus amboinensis (PDF). Journal of Zoology. 300 (4): 241–246. doi:10.1111/jzo.12382. ISSN 1469-7998.
  19. ^ Greta Keenan (7 tháng 9 năm 2016). “This fish has a love song and it sounds like a windshield wiper”. New Scientist. Truy cập ngày 26 tháng 11 năm 2021.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]