Thành viên:Nguyenmy2302/T.T.Kh.

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
T.T.Kh
Quốc tịchViệt Nam
Thể loạiThơ lãng mạn
Trào lưuThơ mới
Tác phẩm nổi bậtHai sắc hoa Ti-gôn

T.T.Kh là bút danh của một nhà thơ ẩn danh trong phong trào Thơ mới (19301945), hiện vẫn chưa rõ lai lịch, giới tính cụ thể. Nhiều nhà văn và nhà thơ cho rằng đây là Trần Thị Khánh, tác giả bài thơ "Hai sắc hoa Ti-gôn", một số khác cho rằng tác giả tên thật là Phạm Thị Sứ, một nữ sinh trường Đồng Khánh tại Hà Nội. Một giả thuyết khác chỉ ra nhà thơ Thâm Tâm đã sáng tác ra bài thơ, nhờ một người em gái đến tòa soạn đăng với tên T.T.K.H. và người phụ nữ đó là Trần Thị Khánh.

Xuất hiện[sửa | sửa mã nguồn]

Tháng 7 năm 1937, tuần báo Tiểu thuyết thứ bảyHà Nội đã đăng một truyện ngắn của nhà văn Thanh Châu có tên Hoa Ti gôn, kể về chuyện tình buồn giữa một cô gái với chàng họa sĩ nghèo mới ra trường.[1][2] Theo tác giả, nội dung tác phẩm này chính là chuyện tình của họa sĩ nổi tiếng Lê Phổ, sinh viên thế hệ đầu tiên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.[a][4] Tới tháng 9 cùng năm, tòa soạn của tuần báo đã nhận được một bài thơ của tác giả ký tên là T.T.Kh. với tựa đề Hai sắc hoa Ti-gôn,[1] sau đó được đăng lên số báo thứ 179 ra ngày 30 tháng 10 năm 1937.[5] Nội dung bài thơ được cho là có liên hệ với truyện ngắn của Thanh Châu.[6] Trước đó, nhà văn Ngọc Giàu, nguyên là thư ký của tờ Tiểu thuyết thứ bảy, đã vô tình nhặt được một mẩu giấy bị vo tròn ném trong sọt rác chứa Hai sắc hoa Ti-gôn. Bài thơ – được viết trên giấy học trò khổ nhỏ với nét bút chì nguệch ngoạc, viết trên cả hai mặt giấy – đã không thông qua sự chấp nhận của tòa báo. Tuy nhiên nội dung bài thơ đã gây xúc động mạnh cho ông và cả đồng nghiệp lúc ấy là Trúc Khê, sau đó nhanh chóng được cho sắp chữ ngay lên số mới nhất của tờ.[7][8]

Chưa đầy một tháng sau, một bài thơ khác với tựa Bài thơ thứ nhất tiếp tục được gửi đến, cũng với nét chữ run run,[9] xuất hiện trên số báo thứ 182 ngày 20 tháng 11 năm 1937.[5][10] Cả hai bài thơ sau khi ra mắt đã nhanh chóng gây được sự chú ý từ giới văn đàn và những người yêu thơ bởi những câu thơ da diết.[1][11][12] Năm 1938, T.T.Kh. đã được cho là viết một bài thơ khác mà sau đó bị đăng trên báo Phụ nữ thời đàm ngày 23 tháng 7 có tên Đan áo cho chồng.[10] T.T.Kh. đã gửi cho tòa soạn báo Bài thơ cuối cùng, được giới thiệu trên số 217 ra ngày 30 tháng 10. Sau khi bài thơ này được đăng thì không còn bài thơ nào do T.T.Kh. được gửi đến tòa soạn nữa.[1][10]

Phân tích[sửa | sửa mã nguồn]

Hoa ti-gôn, loài hoa được sử dụng trong bài thơ Hai sắc hoa Ti-gôn của T.T.Kh., là một hình ảnh hiện đại đặc trưng xuất hiện trong các bài thơ tác giả đã viết[6]

Gia thế và phong cách sáng tác[sửa | sửa mã nguồn]

Theo phân tích từ nhà nghiên cứu Trần Đình Thu dựa trên nội dung bài thơ, T.T.Kh. là một người con gái khuê các, từ nhỏ tới lớn đều không phải vướng bận điều gì.[13] Trong lời lược thuật về tác giả trong cuốn sách Việt Nam thi nhân tiền chiến, T.T.Kh. đã từng đến tòa soạn Tiểu thuyết thứ bảy để gửi bài thơ Hai sắc hoa Ti-gôn; đây là lần đầu tiên và cuối cùng người phụ nữ xuất hiện, các bài thơ còn lại được gửi qua đường bưu cục.[14] Cô được miêu tả là "một thiếu phụ trạc 20 tuổi, dáng bé nhỏ, thuỳ mị, nét mặt u buồn"...[15] Dựa trên bài thơ, cô từng có mối tình với một nghệ sỹ không cùng quê ("người ấy") nhưng sau đó đã thành hôn với người chồng "luống tuổi" và có một cuộc hôn nhân không hạnh phúc.[16] Người chồng này được cho là có họ Nghiêm.[b][15]

T.T.Kh. có thói quen "nhìn gió ngắm trăng" và sở thích đọc tiểu thuyết. Trong các bài thơ của mình, cô đều sử dụng từ ngữ thuần Việt, và không nhiều những từ ngữ địa phương hay từ Hán-Việt. Điều này có thể khẳng định cô đã được cho đi học ở trường Tây và được đào tạo bằng chữ quốc ngữ.[13][17] Thơ T.T.Kh. nghiêng về ảnh hưởng từ dòng thơ Pháp với các tác giả nổi bật như Xuân Diệu, Thế Lữ, hiện đại từ ngôn ngữ cho đến hình ảnh.[13] Chính vì phong cách sáng tác này mà T.T.Kh. cũng gây nên sự phân vân cho các nhà nghiên cứu đương thời trong việc xếp hẳn cô vào dòng thơ Việt Nam.[17] Dù vậy, nội dung các bài thơ này vẫn chịu sự ảnh hưởng từ lễ giáo phong kiến và vì vậy không thể có cái kết đẹp.[10][18] Ba trong số các bài thơ được T.T.Kh. viết theo lối thơ mới 7 chữ nhưng phân khổ theo phong cách thơ tứ tuyệt, giai điệu phảng phất Đường thi, đều được viết ở ngôi kể thứ nhất là tác giả ("tôi").[16]

Tác phẩm[sửa | sửa mã nguồn]

Có tổng cộng 3 tác phẩm của T.T.Kh. đăng trên tờ Tiểu thuyết thứ bảy:

  • Hai sắc hoa Ti-gôn (1937): gồm 11 khổ, 44 câu tổng với mỗi khổ 4 câu. Bài thơ là tâm sự của một cô gái, hoài niệm về mối tình xưa cũ với chàng trai mà cô đem lòng yêu và bi kịch khi không thể được với nhau và phải lấy chồng với người đàn ông khác, cũng như băn khoăn về phản ứng của "người ấy" khi biết tin cô đã sang sông.[19]
  • Bài thơ thứ nhất (1937): nói về nỗi cô đơn tâm hồn của cô gái bên người chồng hiện tại của mình.[16] Gồm 10 khổ 40 câu.[20]
  • Bài thơ cuối cùng (1938): bài thơ cuối mà T.T.Kh. viết. Là lời trách móc, "oán hờn" của cô gái về việc bị đăng bài thơ mà cô không hề muốn, là thông điệp cuối cùng về sự chia tay.[21]

Bài thơ Đan áo cho chồng, được viết ở thể thơ lục bát, là lời tâm sự của cô gái về nỗi đau đớn xót xa nước mắt trong cuộc sống gia đình không hạnh phúc.[16] Về bài thơ này, đã có những nghi vấn khác nhau về liệu T.T.Kh. có thực sự là tác giả. Trước đó, việc viết bài này từng được cô đề cập đến trong Bài thơ cuối cùng, trong đó cho biết sáng tác này ban đầu chỉ không định đăng báo nhưng sau đó có người đã đem đi "rao bán" và "Cho khắp người đời thóc mách xem".[c][24][23] Tuy nhiên theo Thanh Châu, bài này có thể không phải của T.T.Kh. mà là bị giả mạo, dựa trên các đặc điểm tương đồng, và chỉ có ba bài thơ chắc chắn do T.T.Kh. sáng tác.[25] Trần Đình Thu thì cho rằng tuy không giống về hình thức, nhưng phong cách sáng tác bài thơ này mang sự nhất quán với những bài còn lại và "rất T.T.Kh."[23] Cũng theo ông, bài thơ này có thể được viết trước ba bài thơ kia từ rất lâu, và lý do việc khác biệt trong lối viết là vì T.T.Kh. chỉ viết bài này để gửi cho "người chị nào đó" của mình nên sẽ không cảm xúc bằng viết về/cho "người yêu".[23] Sau khi Thâm Tâm qua đời vào 1950, T.T.Kh. được cho là đã viết thêm một bài thơ nữa có tên Trả lại cho đời cánh hoa tim để bày tỏ sự thương tiếc.[26]

Ngoài hai tờ báo là Tiểu thuyết thứ bảyPhụ nữ thời đàm có đăng bài của T.T.Kh., cũng có những bài thơ khác xuất hiện trên các mặt báo đương thời, với tác giả tự xưng là T.T.Kh., trong đó có Thu ngục thất (1959), đăng trên báo Phổ thông số 16 và Tan vỡ đăng trên báo Tiến thủ năm 1958. Tuy nhiên có quan điểm đã nhận định rằng hai bài thơ này sau đó không phải của T.T.Kh., xét trên ý thơ và kỹ thuật chưa đạt đến mức độ cảm xúc như tác giả.[27]

Danh tính[sửa | sửa mã nguồn]

Câu hỏi về tác giả thực sự đứng sau bút danh T.T.Kh. đã gây nên những tranh luận và xôn xao lớn trong giới học thuật và xã hội, kéo dài từ khoảng giữa thế kỉ 20 đến thế kỉ 21.[5] Sau sự kiện các bài thơ được đăng tải, đã có mấy người nhất quyết nói T.T.Kh. là người yêu của mình.[11] Năm 1942, tác giả lần đầu được bộ đôi nhà phê bình văn học Hoài Thanh – Hoài Chân đưa vào Thi nhân Việt Nam, cuốn sách tổng hợp nói về những nhà thơ nổi bật trong phong trào Thơ mới 1932 đến 1945. Trong cuốn sách, người viết đã bày tỏ sự tò mò về cuộc sống của T.T.Kh. sau ba năm kể từ các bài thơ cuối của mình.[28] Song song khoảng thời gian này, đã có nhiều thông tin về cuộc sống và thân phận thực sự của T.T.Kh. liên tiếp được tung ra.[1] Nhiều tài liệu, sách báo khác nhau đã viết về T.T.Kh., nhưng nhiều trong số đó đã bị thất lạc do chiến tranh đạn lạc.[29]

Thâm Tâm và các nhà thơ nam khác[sửa | sửa mã nguồn]

Thâm Tâm được xem là tác giả của những bài thơ dưới tên T.T.Kh.

Một trong những giả thiết nổi bật nhất cho rằng tác giả của những bài thơ này chính là Thâm Tâm.[1][30] Trong các bài thơ trả lời T.T.Kh., Thâm Tâm đã tự nhận mình là người yêu của tác giả.[16][31] Cũng có người cho rằng đây là một sản phẩm tưởng tượng của nhà thơ.[32] Theo lời bạn của ông Nguyễn Vỹ, trong một lần rủ Thâm Tâm về nhà sau khi ông bắt gặp nhà thơ đang say rượu, ông đã nghe được chuyện tình của Thâm Tâm với một người con gái có tên Trần Thị Khánh, sống ở cuối đường Sinh Từ, bên cạnh vườn Thanh Giám (hay "vườn Thanh" đề cập trong bài thơ, một công viên nhỏ bên cạnh đền thờ Khổng Tử). Hai từng hẹn ra nhau đây hai lần. Sau khi từ chối ra mắt bố mẹ cô gái này vì sự nghiệp chưa có gì, một thời gian sau Thâm Tâm đã nhận được tin người yêu sắp kết hôn với một nhà buôn giàu có góa vợ ở phố Hàng Ngang. Để không bị bạn bè chế nhạo, ông quyết định thức trắng một đêm viết nên bài Hai sắc hoa Ti-gôn rồi ký tên là T.T.Kh., ý chỉ tên bạn gái,[d] để không mang tiếng bị phụ tình. Sau đó, ông nhờ cô em họ chép lại thơ bằng nét chữ của mình và mang bản viết này đến tòa báo để giấu danh tính. Sau khi hai bài thơ đầu được đăng tải, Trần Thị Khánh đã viết một bức thư tới Thâm Tâm, dùng ngôn ngữ xưng hô "tôi" thay vì "em" để tỏ ý không bằng lòng việc ông dùng tên của cô để làm thơ, điều có thể gây ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. Thâm Tâm đã dựa trên lá thư này viết nên Bài thơ cuối cùng, đăng vào 1938, rồi sau đó tự viết bài Dang dở đăng cùng năm để trả lời bài thơ.[34] Cũng theo Nguyễn Vỹ, những bài thơ của T.T.Kh không hề gợi một dư luận xôn xao nào trong dư luận đương thời, và chỉ đến thời hậu chiến (tức sau Chiến tranh Đông Dương), câu chuyện về T.T.Kh mới được biết đến, được "tôn sùng [...] thành một thảm kịch của tình yêu!"[35]

Tuy vậy, trong một bài viết trên tờ Phổ thông số 28 ra ngày 15 tháng 2 năm 1960, một người từng thân quen với Thâm Tâm thời gian đáng kể đã phủ nhận rằng Thâm Tâm là tác giả của T.T.Kh. do chưa từng nghe Thâm Tâm đề cập đến T.T.Kh. bao giờ.[29] Các ý kiến khác thì thiên về tác giả là một cá nhân khác, như người yêu của Thâm Tâm (Thâm Tâm kể lại, theo Anh Đào),[36] cụ thể hơn là em họ nhà thơ Tế Hanh (do ông tự nhận),[22] Phạm Thị Sứ (hay Phạm Thị Lý[37]) nữ sinh trường Đồng Khánh,[16][38] Nguyễn Bính,[1] Thẩm Thệ Hà (tên thật Tạ Thanh Kỉnh; theo nhà văn Thế Nguyên)...[39] Tuy nhiên, khi so sánh với hai tác giả bị cho là T.T.Kh. là Nguyễn Bính và Thâm Tâm trong phong trào Thơ Mới thì cả hai đều có phong cách, cách dùng từ, giọng thơ khác nhau hoàn toàn, quá "cựu" trong khi T.T.Kh. thì rất "tân".[1]

Trần Thị Vân Chung[sửa | sửa mã nguồn]

Có ý kiến đã liên hệ T.T.Kh. với Thanh Châu và rằng cả hai có quan hệ với nhau ngoài đời thực, với sự trùng hợp giữa truyện ngắn và bài thơ trong cách nhìn đối với loài hoa ti-gôn, một hình ảnh tiêu biểu xuất hiện trong cả hai tác phẩm của hai tác giả. Tuy nhiên, thông qua lời thơ, T.T.Kh. đã giải thích rằng đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.[6][23] Vào năm 1994, bộ đôi tác giả Thế Phong đã ra mắt cuốn sách T.T.Kh., nàng là ai?, trong đó khẳng định Trần Thị Vân Chung, một thành viên của nhóm thơ Quỳnh Dao, chính là T.T.Kh., dựa trên thông tin được tiết lộ từ một người quen của bà Vân Chung là Thư Linh và những thông tin trùng hợp khi so với các mốc thời gian trong bài thơ với bà Vân Chung ngoài đời. Các tác giả cũng cho rằng Vân Chung và Thanh Châu có quan hệ tình cảm nhau.[18][3] Trần Đình Thu, tác giả của loạt bài báo đăng trên báo Thanh Niên, sau này tập thành cuốn Giải mã nghi án văn học T.T.Kh., cũng cho rằng T.T.Kh. là người yêu cũ của Thanh Châu ở ngoài đời, dựa theo lời "trách móc" của cô gái, tác giả bài thơ, với Thanh Châu, người mà T.T.Kh. bảo là không quen biết, cùng với đó là những chi tiết liên hệ với nhau trong Bài thơ cuối cùngĐan áo cho chồng.[6][23] Điều này được cho khá tương đồng với hoàn cảnh bài thơ[cần dẫn nguồn] và giải quyết được nhiều khúc mắc trong thông tin.[18][40]

Không cần biết con người thật của T.T.Kh., tôi chỉ biết rằng đó là người đàn bà đã viết được những vần thơ đẹp. Còn muốn gì hơn? Sao người ta cứ muốn làm nhơ bẩn những gì gọi là trong sạch ở cõi đời này?

Thanh Châu, viết trong cuốn tùy bút Những cánh hoa tim (1939)[41]

Ngay sau khi T.T.Kh., nàng là ai? ra mắt, cuốn sách đã nhanh chóng tạo nên tranh cãi lớn trong giới văn đàn. Trần Thị Vân Chung đã ngay lập tức viết những bài trả lời phủ nhận rằng mình là T.T.Kh. cũng như là người yêu của Thanh Châu và đăng lên các tờ báo lớn tại Việt Nam, đồng thời chỉ trích tác giả cuốn sách là Thư Linh khi không có sự tìm hiểu xác đáng, điều đã khiến người đọc nghi ngờ về tính xác thực của cuốn sách nói trên. Các ý kiến khác cũng nhận xét thơ của Trần Thị Vân Chung "không xứng tầm" với T.T.Kh.[18][3] Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến ủng hộ luận điểm Trần Thị Vân Chung chính là T.T.Kh.. Trả lời với Trần Đình Thu, nhà văn Thanh Châu đã xác nhận ông và Vân Chung từng là người yêu của nhau một thời gian, biết nhau trước đó thông qua mối quan hệ bạn bè với anh ruột bà Vân Chung. Thế nhưng cả hai sau đó đã phải chia tay vì vấn đề môn đăng hộ đối. Một thời gian sau ông được thông báo Vân Chung đã lấy chồng và cả hai phải xa cách sau 1954, ông ra Bắc còn Vân Chung cùng chồng vào Nam. Thế nhưng, Thanh Châu đã nhất mực phủ nhận khi được đặt câu hỏi liệu T.T.Kh có phải là Trần Thị Vân Chung.[3][40]

Trong văn hóa đại chúng[sửa | sửa mã nguồn]

Các thi phẩm của T.T.Kh. đã có được sự đón nhận lâu dài từ người đọc và tạo nên ảnh hưởng tới văn hóa đại chúng. Đã có các nhà thơ sáng tác các bài thơ trả lời hoặc gửi tặng T.T.Kh.,[42] đi xa hơn thì là nhận có quen biết với tác giả,[43] như Màu máu Tigôn, Dang dở, Gửi T.T.Kh. (1940) của Thâm Tâm;[44] Cô gái vườn Thanh, Dòng dư lệ (1940) của Nguyễn Bính,[16]... Nhà thơ J. Leiba cũng từng chép nguyên văn bài thơ này đăng lên tờ Hà Thành ngọ báo, với lời nhắn gửi bằng thơ dành cho T.T.Kh. dài 4 câu.[45] Trong số những bài thơ T.T.Kh., Hai sắc hoa Ti-gôn được nhận định là tác phẩm nổi tiếng nhất và một trong những bài thơ tình hay nhất thi ca Việt Nam.[6][46] Theo nhà phê bình văn học Thụy Khuê, bài thơ Hai sắc hoa Ti-gôn của T.T.Kh. đã mở đường cho một lối lãng mạn khác với các thi sĩ cùng đề tài như Đông Hồ, Tương Phố, khóc cho tình yêu, cho người ngoài hôn phối và là một "giọt lệ tương tư mới". Nhà phê bình cũng ghi nhận đây là lần đầu tiên hai chữ "người ấy" được đưa vào thơ ca Việt Nam, trở nên "cổ điển" và là "ngôn ngữ gối đầu giường của giới trẻ trong nhiều thế hệ". Bài thơ cuối cùng cũng được bà xem như là một tác phẩm "huyền thoại" với những lời trách móc "u uẩn" với nhịp điệu du dương, lời tha thiết và gắn bó.[5]

Hai sắc hoa Ti-gôn sau này đã đi vào âm nhạc Việt Nam[47] khi được nhiều ca sĩ phổ nhạc lại như nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, Hà Phương,[48] Trần TrịnhAnh Bằng (1958),[16] Song Ngọc,[49]... Phạm Duy từng nhại lại bài thơ trong Tục ca số 2 "Tình Hôi", thu âm trước 1975.[50] Khoảng giữa thập niên 1970, trong Nam Bộ đã rộ lên phong trào in lại những tác phẩm văn học của các tác giả trước 1945 và văn thơ cách mạng. Tên tuổi của T.T.Kh. đã trở nên phổ biến hơn qua phong trào này, với việc thơ của tác giả được in theo loại cánh bướm xếp gọn dễ phổ biến và được bán với giá rẻ.[16]

Vào năm 2010, Trần Đình Thu đã tiết lộ kế hoạch chuyển thể câu chuyện của T.T.Kh. lên phim, dựa theo tìm hiểu của ông theo cuốn sách Giải mã nghi án văn học T.T.Kh. xuất bản năm 2007. Ông đã viết xong một kịch bản điện ảnh dài 110 phút mang tên "Chuyện tình Hai sắc hoa ti gôn", sau đó kịch bản này được Phạm Thùy Nhân biên tập lại suốt nhiều tháng và gửi cho một hãng phim, dự kiến sẽ do Lê Cung Bắc đạo diễn. Tuy nhiên, việc thực hiện phim đã gặp phải khó khăn do phim chỉ chủ yếu thu hút đối tượng là những người trên 40 tuổi và do đó khó đem lại lợi nhuận cho nhà sản xuất.[51][52][53]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

Ghi chú[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Có nguồn ghi chuyện tình của Thanh Châu chính là nguồn cảm hứng để ông viết nên truyện ngắn Hoa Ti-gôn.[3]
  2. ^ Theo Thanh Châu, Anh Đào dựa trên câu thơ Bên cạnh chồng nghiêm luống tuổi rồi (Bài thơ thứ nhất).
  3. ^ Có nguồn ghi người đăng bài thơ này lên báo chính Thâm Tâm,[22] nguồn khác thì ghi là Thanh Châu.[23]
  4. ^ Hoặc có một số người đọc là Thâm Tâm - Khánh hoặc Tuấn Trình - Khánh, giản thể tên của hai người.[16][33]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c d e f g h Trần Đình Thu (23 tháng 10 năm 2005). “Đi tìm tác giả bí ẩn T.T.Kh”. Thanh Niên. Truy cập ngày 25 tháng 2 năm 2023.
  2. ^ Hoài Việt 1991, tr. 139.
  3. ^ a b c d Trần Đình Thu (29 tháng 10 năm 2005). “Đi tìm tác giả bí ẩn T.T.Kh - Kỳ 6: Ai có thể là T.T.Kh?”. Thanh Niên. Truy cập ngày 27 tháng 2 năm 2023.
  4. ^ “Nhà văn Thanh Châu: Hồn muôn năm cũ”. Công an nhân dân. 8 tháng 9 năm 2005. Truy cập ngày 25 tháng 2 năm 2023.
  5. ^ a b c d Thụy Khuê (13 tháng 4 năm 2009). “Huyền thoại TTKH và Hai sắc hoa ty gôn”. RFI. Truy cập ngày 2 tháng 3 năm 2023.
  6. ^ a b c d e Trần Đình Thu (26 tháng 10 năm 2005). “Đi tìm tác giả bí ẩn T.T.Kh - Kỳ 4: Mối quan hệ giữa T.T.Kh và tác giả truyện ngắn”. Thanh Niên. Truy cập ngày 27 tháng 2 năm 2023.
  7. ^ “Trúc Khê là nhân chứng biết về bài thơ "Hai sắc hoa ti-gôn". Báo điện tử Tổ quốc. 11 tháng 9 năm 2007. Truy cập ngày 4 tháng 3 năm 2023.
  8. ^ Anh Chi (27 tháng 8 năm 2008). “Suýt nữa không có Hai sắc hoa ti gôn. Đại biểu nhân dân. Truy cập ngày 4 tháng 3 năm 2023.
  9. ^ “Xứ Thanh - miền đất thơ ca”. khxh.hdu.edu.vn. Trường Đại học Hồng Đức. 26 tháng 2 năm 2013. Truy cập ngày 3 tháng 3 năm 2023.
  10. ^ a b c d Vũ Thanh Hoa (30 tháng 11 năm 2018). “T.T.Kh. và bí ẩn của "Sắc hoa ti gôn". Báo Bà Rịa - Vũng Tàu. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
  11. ^ a b Hoài Thanh & Hoài Chân 1994, tr. 330.
  12. ^ Vương Tâm (8 tháng 12 năm 2022). “Tôi kiếm hồn tôi xưa - Hà Nội”. Công an nhân dân. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
  13. ^ a b c Trần Đình Thu (25 tháng 10 năm 2005). “Đi tìm tác giả bí ẩn T.T.Kh - Kỳ 3: T.T.Kh là "nàng" hay "chàng"?”. Thanh Niên. Truy cập ngày 26 tháng 2 năm 2023.
  14. ^ Nguyễn Tấn Long & Nguyễn Hữu Trọng 1968, tr. 504.
  15. ^ a b Nguyễn Tấn Long & Nguyễn Hữu Trọng 1968, tr. 503.
  16. ^ a b c d e f g h i j "Hai sắc hoa ti-gôn" - Một huyền thoại văn chương”. Báo Văn nghệ. 8 tháng 9 năm 2019. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
  17. ^ a b Trần Đình Thu (24 tháng 10 năm 2005). “Đi tìm tác giả bí ẩn T.T.Kh - Kỳ 2: T.T.Kh có thể là Thâm Tâm hoặc Nguyễn Bính ?”. Thanh Niên. Truy cập ngày 26 tháng 2 năm 2023.
  18. ^ a b c d Trần Đình Thu (29 tháng 10 năm 2005). “Đi tìm tác giả bí ẩn T.T.Kh - Kỳ cuối: Sự phù hợp giữa Trần Thị Vân Chung và T.T.Kh”. Thanh Niên. Truy cập ngày 27 tháng 2 năm 2023.
  19. ^ Nguyễn Tấn Long & Nguyễn Hữu Trọng 1968, tr. 508-515.
  20. ^ Nguyễn Tấn Long & Nguyễn Hữu Trọng 1968, tr. 515-516.
  21. ^ Nguyễn Tấn Long & Nguyễn Hữu Trọng 1968, tr. 517-518.
  22. ^ a b Nguyễn Tấn Long & Nguyễn Hữu Trọng 1968, tr. 549.
  23. ^ a b c d e f Trần Đình Thu (27 tháng 10 năm 2005). “Đi tìm tác giả bí ẩn T.T.Kh - Kỳ 5: Ai là người yêu của T.T.Kh?”. Thanh Niên. Truy cập ngày 27 tháng 2 năm 2023.
  24. ^ Nguyễn Tấn Long & Nguyễn Hữu Trọng 1968, tr. 553.
  25. ^ Hoài Việt 1991, tr. 141, 142.
  26. ^ Nguyễn Tấn Long & Nguyễn Hữu Trọng 1968, tr. 553, 554.
  27. ^ Nguyễn Tấn Long & Nguyễn Hữu Trọng 1968, tr. 520-522.
  28. ^ Hoài Thanh & Hoài Chân 1994, tr. 330, 331.
  29. ^ a b Nguyễn Tấn Long & Nguyễn Hữu Trọng 1968, tr. 550.
  30. ^ Nguyễn Tấn Long & Nguyễn Hữu Trọng 1968, tr. 505-508, 550-553.
  31. ^ “Nhà thơ THÂM TÂM (1917 - 1950)”. Bảo tàng Văn học Việt Nam. 12 tháng 9 năm 2022. Truy cập ngày 1 tháng 3 năm 2023.
  32. ^ Nguyễn Tấn Long & Nguyễn Hữu Trọng 1968, tr. 526, 556.
  33. ^ Nguyễn Tấn Long & Nguyễn Hữu Trọng 1968, tr. 502.
  34. ^ Nguyễn Vỹ 1994, tr. 229 – 245.
  35. ^ Nguyễn Vỹ 1994, tr. 2444.
  36. ^ Nguyễn Tấn Long & Nguyễn Hữu Trọng 1968, tr. 552, 553.
  37. ^ “Tác giả bài thơ "Hai sắc hoa ti gôn" là người Phủ Lý?”. Báo Hà Nam. VietNamNet. 4 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 4 tháng 3 năm 2023.
  38. ^ Ngọc Trang, Diệu Bình (3 tháng 6 năm 2017). “Nữ sinh Đồng Khánh nói về bài thơ 'Hai sắc hoa ti gôn'. VietNamNet. Truy cập ngày 4 tháng 3 năm 2023.
  39. ^ Nguyễn Tấn Long & Nguyễn Hữu Trọng 1968, tr. 549-550, 554-555.
  40. ^ a b Trần Đình Thu (13 tháng 5 năm 2007). “Nhà văn Thanh Châu ra đi, T.T.Kh vẫn bí ẩn!”. Người lao động. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2023.
  41. ^ “Nhà văn Thanh Châu: Hồn muôn năm cũ”. Công an nhân dân. 8 tháng 9 năm 2005. Truy cập ngày 4 tháng 3 năm 2023.
  42. ^ Nguyễn Tấn Long & Nguyễn Hữu Trọng 1968, tr. 519-520.
  43. ^ “Bài thơ đan áo”. Người Việt. 31 tháng 12 năm 2012. Truy cập ngày 3 tháng 3 năm 2023.
  44. ^ Nguyễn Tấn Long & Nguyễn Hữu Trọng 1968, tr. 557.
  45. ^ Nguyễn Tấn Long & Nguyễn Hữu Trọng 1968, tr. 514-515.
  46. ^ Sơn Hà (28 tháng 3 năm 2021). “Số phận trớ trêu ít người biết của tuyệt phẩm Hai sắc hoa tigon”. Tri thức & Cuộc sống. Truy cập ngày 3 tháng 3 năm 2023.
  47. ^ Nguyễn Nhật Ánh (27 tháng 7 năm 2014). “Oan ức ti-gôn”. Sài Gòn Giải Phóng. Truy cập ngày 4 tháng 3 năm 2023.
  48. ^ “Hai Sắc Hoa Tigon – Bài thơ bất tử đến từ trong sọt rác”. Nhạc Xưa Thời Báo. 26 tháng 3 năm 2019. Truy cập ngày 4 tháng 3 năm 2023.
  49. ^ Tam Kỳ (26 tháng 12 năm 2018). “Học trò Quang Lê ra MV mô phỏng thơ 'Hai sắc hoa ti gôn'. VnExpress. Truy cập ngày 2 tháng 3 năm 2023.
  50. ^ Nguyễn Ngọc Chính. “Phạm Duy và 10 bài tục ca”. PhamDuy.com. Truy cập ngày 2 tháng 3 năm 2023.
  51. ^ Đăng Bình (13 tháng 2 năm 2011). “Gập ghềnh đường... lên phim của chuyện tình thế kỷ T.T.Kh”. Pháp luật Việt Nam. Truy cập ngày 4 tháng 3 năm 2023.
  52. ^ Trọng Thịnh (24 tháng 4 năm 2011). “Vì tiền, 'Hai sắc hoa ti gôn' chưa thể lên phim”. Tiền phong. Truy cập ngày 4 tháng 3 năm 2023.
  53. ^ Trạc Tuyền (4 tháng 5 năm 2010). “Chuyện tình "Hai sắc hoa ti gôn" lên phim”. Thể thao & Văn hóa. Truy cập ngày 4 tháng 3 năm 2023.

Nguồn[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]