Trong lòng đất

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Trong lòng đất
Áp phích của phim tại Liên hoan phim Cannes
Đạo diễnTrương Minh Quý
Sản xuất
  • Bradley Liew
  • Bianca Balbuena
Hãng sản xuất
EpicMedia Productions
Phát hànhLiên hoan phim Cannes
Công chiếu
  • 22 tháng 5 năm 2024 (2024-05-22) (Cannes)
Thời lượng
129 phút
Quốc gia
Ngôn ngữ
Kinh phí800.000 euro (tương đương 22 tỷ VNĐ)

Trong lòng đất (tên tiếng Anh: Viet and Nam, được hiểu: Việt và Nam) là một bộ phim điện ảnh chính kịch – tâm lý của Việt NamPhilippines mang chủ đề đồng tính năm 2024 do Trương Minh Quý làm đạo diễn. Đây là tác phẩm điện ảnh thứ ba và là tác phẩm hư cấu đầu tiên của anh. Phim được ghi hình bằng phim nhựa 16 mm và được xây dựng từ sự kiện 39 người Việt vượt biên, nhập cảnh trái phép vào Anh. Bộ phim được sản xuất chính bởi Epicmedia Productions cùng sự tham gia của Bradley Liew và Bianca Balbuena trong vai trò nhà sản xuất. Ngoài ra, phim còn có sự góp mặt của các nhà đồng sản xuất như E&W Films (Singapore), Deuxième Ligne Films (Pháp), An Original Picture (Hà Lan), Volos Films Italia (Ý), Scarlet Visions (Đức), Lagi Limited (Việt Nam) & Cinema Inutile (Hoa Kỳ). Theo Purin Pictures, phim có thời lượng kéo dài khoảng 100 phút.

Vào tháng 4 năm 2024, phim được công bố xác nhận tranh giải trong hạng mục Un Certain Regard tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 77 được diễn ra từ ngày 14 đến ngày 25 tháng 5 năm 2024. Đây là bộ phim Việt Nam đầu tiên được lọt vào vòng chọn chính thức của Cannes. Tuy nhiên, vào ngày 9 tháng 5, phim được Cục Điện ảnh Việt Nam công bố "không cấp phép phổ biến" trong nước.

Nội dung[sửa | sửa mã nguồn]

Phim bắt đầu bằng cảnh quay giữa nhân vật có tên Việt (do Duy Bao Dinh Dao thủ vai) và Nam (do Thanh Hai Pham thủ vai) đang khai thác than trong điều kiện ngột ngạt nằm sâu trong lòng đất 300 m. Tại đây, cả hai người bắt đầu có những hành động ân ái nhưng sau đó nhanh chóng chuyển sang kế hoạch của Nam. Anh kể với người yêu của mình về việc mong muốn thoát khỏi cuộc sống ảm đạm của mình bằng cách nhờ những kẻ buôn người đưa mình sang phương Tây. Tại hầm mỏ sâu hơn 100 mét, hình ảnh được mô tả như Tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới, nơi đã xảy ra vụ tấn công khủng bố 11 tháng 9. Trước hành trình bắt đầu tìm sự tự do, Nam đã cùng mẹ mình đi tìm thi thể cha của Nam, một người lính của Quân đội nhân dân Việt Nam, được báo mộng trong giấc mơ của mẹ anh.[1][2][3][4]

Sản xuất[sửa | sửa mã nguồn]

Phát triển[sửa | sửa mã nguồn]

Trong chia sẻ vào tháng 12 năm 2020 tại Liên hoan phim quốc tế Rotterdam, đạo diễn Trương Minh Quý đã chia sẻ thảm kịch về 39 người Việt Nam cố gắng di cư vào châu Âu và những hoàn cảnh khó khăn của họ chính là một trong các nguyên nhân để anh đã ra đời một tác phẩm mang đậm lịch sử, văn hóa và thuộc về Việt Nam. Anh khẳng định trong lúc vụ tại nạn xảy ra, bản thân anh cũng đang sinh sống tại châu Âu và một sự trùng hợp khác là chiếc container chứa 39 người Việt đã từng bị mắc kẹt tại Bỉ trước khi được vận chuyển sang Anh thì anh cũng từng sinh sống tại Bỉ trước khi đến Pháp. Anh cho rằng, cảm giác khi biết được chuyện này "rất phức tạp".[5] Đạo diễn Quý khẳng định, Nam trong bộ phim chính là chàng trai trẻ có mong muốn đi ra nước ngoài, và trước đó anh phải đi tìm hiểu về người cha của mình là một người lính của Quân đội nhân dân Việt Nam[1] bị tử nạn trong chiến tranh Việt Nam. Anh cho biết, mình đã liên kết giữa quá khứ và hiện tại, cùng chiều sâu của mỏ than và mối tình của anh cùng với người yêu cùng làm thợ mỏ. Phim cũng chính là giải đáp thắc mắc của anh và câu trả lời từ góc nhìn của những người di cư Việt.[5]

Phim không chỉ xoay quanh vấn đề vượt biên mà anh cho biết mình còn đưa yếu tố lịch sử Việt Nam vào điện ảnh để câu chuyện tình phụ tử được đẩy mạnh xen kẻ với lòng yêu nước. Anh cho biết, "Nam chưa từng gặp cha mình, một người lính tử nhân, nhưng xã hội lại bảo anh phải yêu quý người đó, nhưng làm sao để có thể yêu quý một người cha mà mình chưa từng gặp?". Đạo diễn Quý chia sẻ, việc này có thể gây ra tranh cãi nhưng nó lại là thắc mắc chính đáng của một cá nhân.[5]

Đây chính là dự án điện ảnh thứ 3 của đạo diễn Trương Minh Quý.[6] Đây đồng thời cũng là tác phẩm hư cấu đầu tiên của anh.[7] Phim sau đó cũng đã được Quỹ Hubert Bals cam kết hỗ trợ phát triển.[5] Theo đăng tải trên Cinéfondation, kinh phí thực hiện bộ phim dao động khoảng 800.000 euro.[8]

Ghi hình[sửa | sửa mã nguồn]

Phim được thực hiện ghi hình bằng phim nhựa 16 mm và được tài trợ bởi hàng loạt Quỹ điện ảnh trên thế giới như Quỹ tiếng nói và phát triển dự án Hubert Bals, Quỹ sản xuất hình ảnh Purin, Quỹ điện ảnh Học viện MPA APSA, Quỹ phát triển chương trình hỗ trợ Talents Tokyo Next Masters, Hỗ trợ sản xuất Visions Sud Est, Quỹ Điện ảnh Thế giới, Quỹ hợp tác Sản xuất Đông Nam Á IMDA, Quỹ Hợp tác Phát triển Sản xuất Quốc tế & Hỗ trợ Công ty Normandy, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), Hỗ trợ Điện ảnh Thế giới CNC, Chương trình Hợp tác Sản xuất NFF + HBF, Quỹ Hợp tác sản xuất FDCP Asean (ACOF) và Quỹ Hợp tác Sản xuất TFL.[2] Phim được sản xuất bởi Epicmedia Productions (Philippines). Ngoài ra, phim còn có sự tham gia của nhiều nhà đồng sản xuất đến từ các quốc gia khác nhau như E&W Films (Singapore), Deuxième Ligne Films (Pháp), An Original Picture (Hà Lan), Volos Films Italia (Ý), Scarlet Visions (Đức), Lagi Limited (Việt Nam) & Cinema Inutile (Hoa Kỳ). Như vậy, phim đã có sự tham gia sản xuất của tổng cộng 8 quốc gia khác nhau.[6] Các cảnh quay của phim được cho là ghi hình tại Bắc Bộ, Tây Nguyên rồi khu vực Nam Bộ của Việt Nam[6] và tại Philippines.[7]

Quá trình hậu kỳ của phim được xây dựng tại Hà Lan, Singapore, PhápCampuchia và quá trình xử lý diễn ra tại Kho phim Kodak Cinelab Bucharest của România.[2]

Phát hành[sửa | sửa mã nguồn]

Theo trên trang thông tin phim của Liên hoan phim Cannes, phim có thời lượng kéo dài khoảng 129 phút.[9] Đây là bộ phim Việt Nam đầu tiên lọt vào vòng chọn chính thức tại Cannes.[10] Khi ra mắt tại Cannes, Trương Minh Quý cũng sẽ trở thành đạo diễn có quốc tịch Việt Nam đầu tiên có phim được chính thức chọn tranh giải tại Liên hoan phim Cannes.[6][a] Pyramide International, một nhà phân phối phim tại Pháp có đưa ra thông cáo về việc sở hữu quyền phát hành bộ phim trên toàn cầu trừ Pháp.[11] Phim được dự kiến khởi chiếu trên thế giới vào ngày 22 tháng 5.[12] Tuy nhiên, theo Cục Điện ảnh, bộ phim đã bị cấm phổ biến tại Việt Nam.[13] Lý do không được nêu ra cụ thể.[13][14] Tuy nhiên, trên Screen International lại cho rằng bộ phim bị cấm chiếu vì "cái nhìn u ám, bế tắc" về đất nước và con người Việt Nam.[15]

Ngoài Liên hoan phim Cannes, phim cũng được xác nhận sẽ trình chiếu tại Liên hoan phim Sydney năm 2024 trong ngày 9 và 10 tháng 6.[16]

Quảng bá[sửa | sửa mã nguồn]

Vào ngày 11 tháng 5, Pyramide International chính thức công bố một đoạn video ngắn giới thiệu về bộ phim.[12]

Đón nhận[sửa | sửa mã nguồn]

Đánh giá[sửa | sửa mã nguồn]

Đăng tải trên Sortiraparis, bộ phim được cho là táo bạo khi khám phá mối liên kết giữa một cá nhân và một lịch sử chưa giải quyết, giữa hiện thực và dư âm của nó kéo dài đến ngày nay. Đạo diễn Thierry Frémaux – giám đốc Institut Lumière của Liên hoan phim Cannes đã ca ngợi và cho biết Liên hoan phim sẽ chào đón bộ phim của Quý.[17] Đăng tải trên South China Morning Post, nhà báo James Mottram đã ca ngợi sự đặt tên kết hợp giữa "Việt" và "Nam" như một sự đồng cảm, đại diện cho sự tàn phá của chiến tranh mà người Việt Nam phải gánh chịu. Mottram đã ca ngợi anh áp dụng cách mô tả tâm linh như đạo diễn người Thái Apichatpong Weerasethakul như cảnh tượng hai người yêu nhau trần truồng trên đống than; cảnh tượng tàn thuốc dựng đứng cạnh một ngôi mộ; người tị nạn đi qua sông cùng tài sản họ nằm trôi nổi trong túi nhựa;... Anh ca ngợi phim đã thành công thể hiện sự dũng cảm về nỗi thống khổ mà một dân tộc phải chịu đựng.[4]

Giải thưởng[sửa | sửa mã nguồn]

Danh sách giải thưởng và đề cử
Năm Giải thưởng Hạng mục Đề cử Kết quả Nguồn
2024 Liên hoan phim Cannes Nhãn quan độc đáo Trong lòng đất Chưa có kết quả [13]

Tranh cãi[sửa | sửa mã nguồn]

Bị cấm phát hành[sửa | sửa mã nguồn]

Theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phim Việt Nam phải xin phép để được dự thi quốc tế.[14] Vì vậy, sau khi phim được xác nhận công bố lọt vào vòng tranh giải tại Liên hoan phim Cannes vào tháng 4 năm 2024, nhà sản xuất bộ phim đã gửi đơn xin cấp phép đến Cục Điện ảnh nhưng sau đó phía Cục khẳng định "chưa xem" do bản phim bị lỗi.[18] Đến ngày 9 tháng 5, ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Điện ảnh ra thông cáo tuyên bố từ chối cấp phép cho bộ phim.[13] Lý do từ chối cũng không được nêu ra cụ thể.[13][14] Tuy nhiên, trên Screen International lại cho rằng bộ phim bị cấm chiếu vì "cái nhìn u ám, bế tắc" về đất nước và con người Việt Nam. Tạp chí này cũng khẳng định chủ đề LGBT không phải là lý do mà bộ phim này bị cấm do chính sách cởi mở về xu hướng tính dục gần đây của chính phủ Việt Nam.[15] Sau khi bị từ chối phát hành, tờ báo Giáo dục & Thời đại cho rằng, tên nhân vật trong phim và màu sắc phim đã khẳng định nhiều chi tiết ẩn dụ của đạo diễn "đụng chạm" tới lòng yêu nướctự tôn dân tộc của Việt Nam. Đồng thời cũng cho biết việc "phản biện tích cực (lịch sử)" sẽ được ủng hộ, tuy nhiên, bộ phim đã "đặt lại lịch sử [...] cực đoan". Trong tiêu đề bài viết cũng cho rằng nhiều người Việt đã ủng hộ lệnh cấm.[19]

Chính vì lý do bộ phim bị cấm phổ biến, công ty Lagi có trụ sở tại Việt Nam đã rút khỏi danh sách các đơn vị sản xuất để có thể trình chiếu phim tại Liên hoan phim Cannes mà không qua kiểm duyệt tại Việt Nam. Trước thông tin này, đạo diễn Quý có chia sẻ thêm, "Tôi hy vọng một ngày nào đó mọi người có thể thấy bộ phim là sự thể hiện nhẹ nhàng và đầy cảm xúc về những gì đang diễn ra trên đất nước của một nhà làm phim Việt".[15]

Ghi chú[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Phim Bên trong vỏ kén vàng của Phạm Thiên Ân năm trước đó ra mắt trong hạng mục Directors' Fortnight, trong khi Trần Anh Hùng, đạo diễn của phim Mùi đu đủ xanhMuôn vị nhân gian từng tranh giải tại Cannes, có quốc tịch Pháp.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b “Viet and Nam”. Purin Pictures (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 5 năm 2024.
  2. ^ a b c Ramachandran, Patrick Frater,Naman; Frater, Patrick; Ramachandran, Naman (11 tháng 4 năm 2024). “Un Certain Regard Film 'Viet and Nam' Boarded by Pyramide for Sales (EXCLUSIVE)”. Variety (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 5 năm 2024.
  3. ^ VOV (13 tháng 4 năm 2024). “Vietnamese film to compete at 2024 Cannes Film Festival”. VietNamNet (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 13 tháng 5 năm 2024.
  4. ^ a b “Viet and Nam: a brave, abstract expression of a nation's trauma”. South China Morning Post (bằng tiếng Anh). 22 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2024.
  5. ^ a b c d “Interviews: Introducing "Viêt and Nam". International Film Festival Rotterdam. 21 tháng 12 năm 2020. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 5 năm 2024.
  6. ^ a b c d “Việt And Nam”. Epicmedia (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 5 năm 2024.
  7. ^ a b Calnan, Ellie (27 tháng 9 năm 2022). “TorinoFilmLab awards co-production fund award to Truong Minh Quy's 'Viet And Nam' (exclusive)”. Screen (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 5 năm 2024.
  8. ^ “L'ATELIER DU FESTIVAL: VIET AND NAM - Cinéfondation”. Cinéfondation (bằng tiếng Pháp). Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 5 năm 2024.
  9. ^ “VIET AND NAM”. Festival de Cannes (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 14 tháng 5 năm 2024.
  10. ^ Ross, Rafa Sales (9 tháng 5 năm 2024). “On the Cannes Case: nine picks for the 2024 Festival de Cannes • Journal”. Letterboxd (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 13 tháng 5 năm 2024.
  11. ^ Lo Mo (10 tháng 5 năm 2024). “Ngay trước thềm LHP Cannes 2024, phim "Trong lòng đất" của Việt Nam không được cấp phép”. L’Officiel Vietnam. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 5 năm 2024.
  12. ^ a b Frater, Patrick (11 tháng 5 năm 2024). “Touching Teaser Revealed for Un Certain Regard's 'Viet and Nam' (EXCLUSIVE)”. Variety (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 13 tháng 5 năm 2024.
  13. ^ a b c d e Đậu Dung (9 tháng 5 năm 2024). “Không cấp phép cho phim Trong lòng đất của Trương Minh Quý”. Báo Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 5 năm 2024.
  14. ^ a b c N.H.K (10 tháng 5 năm 2024). “Việt Nam chặn phim 'Viet And Nam' đến Đại Hội Phim Cannes 2024”. Báo Người Việt (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 14 tháng 5 năm 2024.
  15. ^ a b c Wong, Silvia (14 tháng 5 năm 2024). “Cannes Un Certain Regard drama 'Viet And Nam' banned in Vietnam (exclusive)”. Screen International (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 16 tháng 5 năm 2024.
  16. ^ “Viet And Nam”. Sydney Film Festival (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 13 tháng 5 năm 2024.
  17. ^ Julie de Sortiraparis (11 tháng 4 năm 2024). “Viet And Nam by Truong Minh Quý, in Un Certain Regard selection at Cannes Festival 2024”. Sortiraparis (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 16 tháng 5 năm 2024.
  18. ^ Duy An (12 tháng 4 năm 2024). “Phim 'Việt và Nam' của Trương Minh Quý góp mặt tại LHP Cannes 2024 dù chưa được cấp phép”. Thể thao & Văn hóa. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 5 năm 2024.
  19. ^ Vũ Anh (14 tháng 5 năm 2024). “Phim 'Viet va Nam' không được cấp phép phổ biến, nhiều khán giả đồng tình”. Báo Giáo dục và Thời đại. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 14 tháng 5 năm 2024.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]