Trần Anh Hùng
Trần Anh Hùng | |||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|
![]() Trần Anh Hùng tại Liên hoan phim quốc tế Tokyo lần thứ 28 vào năm 2015 | |||||||
Tên khai sinh | Trần Anh Hùng | ||||||
Sinh | 23 tháng 12, 1962 Mỹ Tho, Việt Nam Cộng hòa | ||||||
Năm hoạt động | 1989-nay | ||||||
Hôn nhân | Trần Nữ Yên Khê | ||||||
|
Trần Anh Hùng (sinh ngày 23 tháng 12 năm 1962) là một đạo diễn điện ảnh người Pháp gốc Việt. Trần Anh Hùng được biết tới nhiều nhất qua các tác phẩm về chủ đề Việt Nam với phong cách thực hiện đương đại. Ông là đạo diễn của Mùi đu đủ xanh (L'Odeur de la papaye verte), bộ phim duy nhất cho đến nay của điện ảnh Việt Nam lọt vào danh sách đề cử vòng cuối cùng của Giải Oscar cho phim ngoại ngữ hay nhất. Ngoài ra, Trần Anh Hùng cũng đoạt nhiều giải thưởng điện ảnh khác.
Tiểu sử[sửa | sửa mã nguồn]
Trần Anh Hùng sinh năm 1962 tại Mỹ Tho (một số nguồn ghi là tại Đà Nẵng[1]), Việt Nam. Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, gia đình Anh Hùng đi sang Lào, sau đó di cư đến Pháp.[2]
Sự nghiệp[sửa | sửa mã nguồn]
Tại Pháp, Trần Anh Hùng theo học tại trường điện ảnh danh tiếng École Louis-Lumière và thực hiện đề tài tốt nghiệp năm 1987 bằng việc đạo diễn bộ phim ngắn, Người thiếu phụ Nam Xương (La Femme Mariée de Nam Xuong) năm 1987, tác phẩm này cũng do Anh Hùng viết kịch bản lấy cảm hứng từ Truyền kỳ mạn lục, một tác phẩm văn học Việt Nam cổ do Nguyễn Dữ sáng tác.
Sau Người thiếu phụ Nam Xương, Anh Hùng còn thực hiện một bộ phim ngắn khác là Hòn vọng phu (La Pierre de l'Attente, 1991) trước khi bắt tay vào đạo diễn bộ phim điện ảnh Mùi đu đủ xanh (L'Odeur de la papaye verte). Tác phẩm sau khi công chiếu đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi về phong cách thực hiện cũng như những cảnh quay rất đẹp về Việt Nam, riêng Trần Anh Hùng đã được trao giải Caméra d'Or (Máy quay vàng) cho quay phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes 1993 và Giải César cho phim đầu tay xuất sắc nhất (César de la meilleure première œuvre) tại lễ trao giải César của Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Kỹ thuật Điện ảnh Pháp. Mùi đu đủ xanh cũng là tác phẩm duy nhất đại diện cho điện ảnh Việt Nam cho đến nay lọt vào danh sách đề cử rút gọn của Giải Oscar cho phim ngoại ngữ hay nhất.[3]
Thành công của Mùi đu đủ xanh đã giúp Trần Anh Hùng có kinh phí để thực hiện bộ phim lớn Xích lô (Cyclo). Bộ phim nói về cuộc sống khó khăn của những người dân nghèo Thành phố Hồ Chí Minh có sự tham gia của ngôi sao Hồng Kông Lương Triều Vỹ, hai diễn viên đã xuất hiện trong Mùi đu đủ xanh, đó là nghệ sĩ Như Quỳnh và Trần Nữ Yên Khê, vợ của Anh Hùng, một diễn viên không chuyên người Việt tên là Lê Văn Lộc, và một nhóm làm phim đa quốc tịch.[4] Bộ phim được quay tại Thành phố Hồ Chí Minh dưới sự cho phép của chính quyền sở tại.[3] Xích lô cũng thành công không kém Mùi đu đủ xanh khi giành giải thưởng danh giá Sư tử vàng cho phim hay nhất tại Liên hoan phim Venezia 1995, ở tuổi 33, Anh Hùng trở thành một trong những đạo diễn trẻ nhất chiến thắng ở liên hoan phim này. Cả ba phim Hòn vọng phu, Mùi đu đủ xanh, và Xích lô đều được thực hiện bằng vốn tài trợ của Christophe Rossignon (hãng phim Lazenecs).[4]
Sau thành phố Hồ Chí Minh, Trần Anh Hùng chuyển sang miêu tả vẻ đẹp cổ kính của Hà Nội qua Mùa hè chiều thẳng đứng (À la verticale de l'été, 2000). Bộ phim là câu chuyện về ba chị em gái thần tượng cuộc sống gia đình của bố mẹ họ để rồi cuối cùng phát hiện ra sự thật sau cái chết của người mẹ. Các diễn viên thủ vai ba chị em gái là Như Quỳnh, Lê Khanh và Trần Nữ Yên Khê.
Năm 2008, sau 8 năm ngừng làm phim, Trần Anh Hùng quay trở lại bằng I Come with the Rain, bộ phim tiếng Anh đầu tiên của Anh Hùng. Đây là tác phẩm có sự góp mặt của nhiều diễn viên tên tuổi như Josh Hartnett, Lee Byung-hun, Kimura Takuya và Dư Văn Lạc. Giống như mọi tác phẩm khác, vai nữ chính của phim cũng được giao cho vợ Anh Hùng, Trần Nữ Yên Khê.[1] Và cũng trong năm 2008, Anh Hùng đã được mời đạo diễn chuyển thể điện ảnh của tiểu thuyết nổi tiếng Rừng Na Uy của nhà văn Murakami Haruki.[5]
Phong cách làm phim[sửa | sửa mã nguồn]
Phim của Trần Anh Hùng được làm ra nhằm tạo dựng lại hình ảnh về Việt Nam mà Anh Hùng đã mất khi di cư đến Pháp cũng như cung cấp cho khán giả một cái nhìn khác về Việt Nam khi mà phim về đề tài này của điện ảnh Pháp và điện ảnh Mỹ đang chiếm ưu thế. Chúng được xây dựng trên kiến thức của Anh Hùng về ngôn ngữ, văn hóa Việt và (ở bộ phim thứ hai và thứ ba) là từ kinh nghiệm của Anh Hùng trong những lần viếng thăm Việt Nam.[2][4]
Anh Hùng chịu ảnh hưởng rất lớn từ các kiến thức học tập được của nền điện ảnh Pháp và từ một số nghệ sĩ điện ảnh châu Âu và Nhật Bản như Bergman, Bresson, Kurosawa, Trakovsky và Ozu.[4]
Phong cách làm phim của Anh Hùng có thể gói gọn trong câu: Nghệ thuật là sự thật được đeo mặt nạ. Ông khước từ cách làm phim kể chuyện, lối mòn kiểu truyền thống, đi theo kiểm làm phim mới với ngôn ngữ điện ảnh mới: đánh mạnh vào cảm giác của người xem khiến họ thưởng thức chúng không phải bằng cái đầu duy lý nữa mà bằng cảm giác của ngôn ngữ cơ thể.[6]
Đời tư[sửa | sửa mã nguồn]
Vợ của Trần Anh Hùng là nữ diễn viên Trần Nữ Yên Khê. Đây là diễn viên thủ vai chính trong tất cả các phim mà ông đã thực hiện cho đến nay. Vì điều này, có người đã so sánh vợ chồng Anh Hùng-Yên Khê với Củng Lợi và Trương Nghệ Mưu.[6]
Phim thực hiện[sửa | sửa mã nguồn]
- 1987: Người thiếu phụ Nam Xương (La femme mariée de Nam Xuong), đạo diễn và biên kịch
- 1991: Hòn vọng phu (La pierre de l'Attente), đạo diễn và biên kịch
- 1993: Mùi đu đủ xanh (L'Odeur de la papaye verte), đạo diễn và biên kịch
- 1995: Xích lô (Cyclo), đạo diễn và biên kịch
- 2000: Mùa hè chiếu thẳng đứng (À la verticale de l'été), đạo diễn và biên kịch
- 2009: Và anh đến trong cơn mưa (I Come with the Rain), đạo diễn và biên kịch
- 2010: Rừng Na Uy (Noruwei no mori), đạo diễn và biên kịch
- 2016: Vĩnh cửu (Eternité), đạo diễn và biên kịch
Giải thưởng[sửa | sửa mã nguồn]
- Liên hoan phim Cannes - Giải quay phim
1993 Mùi đu đủ xanh - Giải César - Phim mới
1994 Mùi đu đủ xanh - Liên hoan phim Venezia - Phim hay nhất
1995 Xích lô.
Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]
- ^ a b Mi Vân - Châu Sa (ngày 22 tháng 5 năm 2007). “Lee Byung Heon tham gia phim của đạo diễn Trần Anh Hùng”. Dân Trí Điện tử. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2008.
- ^ a b Robson, Tr. 153
- ^ a b Olds, tr.247
- ^ a b c d Robson, Tr. 154
- ^ Thanh Hương. “http://vnexpress.net/GL/Van-hoa/San-khau-Dien-anh/2008/08/3BA050AF/”. VNExpress. Truy cập ngày 25 tháng 8 năm 2008. Liên kết ngoài trong
|title=
(trợ giúp) - ^ a b Lâm Phố (ngày 19 tháng 5 năm 2004). “Trần Anh Hùng: Nghệ thuật là sự thật được đeo mặt nạ”. Talawas. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2008.
Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]
- Robson, Kathryn (2005). France and "Indochina": Cultural Representations. Jennifer Yee. Lexington Books. ISBN 0739108409.
- Blum-Reid, Sylvie (2003). East-West encounters: Franco-Asian cinema and literature. Wallflower Press. ISBN 1903364671.
- Olds, Kris (1999). Globalisation and the Asia Pacific: Contested Territories. Asia: Routledge. ISBN 0415199190.
Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]
![]() |
Wikimedia Commons có thêm hình ảnh và phương tiện truyền tải về Trần Anh Hùng. |
- Tran Anh Hung trên IMDb
- Gary W. Tooze. “Anh Hung Tran”. Dvdbeaver.com.
- “Interview à Tran Anh Hung”. Septimovicio.com. ngày 19 tháng 5 năm 2008.