Khác biệt giữa bản sửa đổi của “Nguyễn Văn Lập”

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Nội dung được xóa Nội dung được thêm vào
Không có tóm lược sửa đổi
Thẻ: Sửa đổi di động Sửa đổi từ trang di động Sửa đổi di động nâng cao
Dòng 1: Dòng 1:
{{mới qua đời}}
{{Viên chức
{{Viên chức
| tên = Kostas Sarantidis<br>Κώστας Σαραντίδης<br>Nguyễn Văn Lập
| tên = Kostas Sarantidis<br>Κώστας Σαραντίδης<br>Nguyễn Văn Lập

Phiên bản lúc 02:26, ngày 28 tháng 6 năm 2021

Kostas Sarantidis
Κώστας Σαραντίδης
Nguyễn Văn Lập
Chức vụ
Thông tin chung
Quốc tịch Việt Nam
 Hy Lạp
Sinh1927
Thessaloniki,  Hy Lạp
Mất25 tháng 6, 2021(2021-06-25) (93–94 tuổi)
Athens,  Hy Lạp
Dân tộcngười Hy Lạp
Đảng chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam
Đảng Cộng sản Hy Lạp
VợĐỗ Thị Chung
Con cáiNguyễn Văn Thành
Nguyễn Thị Bạch Tuyết
Nguyễn Thị Bạch Nga
Nguyễn Thị Tự Do
Binh nghiệp
Thuộc Binh đoàn Lê dương Pháp (1/1946 - 6/1946)
Quân đội Nhân dân Việt Nam (6/1946 - 1965)
Cấp bậcTập tin:Vietnam People's Army Captain.jpg Đại úy
Tham chiếnChiến tranh Đông Dương
Khen thưởngTập tin:Feat Order.png Huân chương Chiến công hạng nhất
Tập tin:Friendship Order.png Huân chương Hữu nghị
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân

Nguyễn Văn Lập (1927 - 25 tháng 6 năm 2021), tên khai sinh Kostas Sarantidis (tiếng Hy Lạp: Κώστας Σαραντίδης), là một chiến sĩ người Hy Lạp–Việt Nam. Ông là người nước ngoài duy nhất từ trước tới nay được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân của Việt Nam. Ông là chiến sĩ "Việt Nam mới", người Hy Lạp duy nhất từng sát cánh bên cạnh lực lượng Việt Minh thời kháng chiến chống Pháp. Ông đã từng nói: "Tôi coi Việt Nam như quê hương tổ quốc của tôi."

Tiểu sử

Thuở nhỏ

Kostas Sarantidis (có tài liệu chép là Costas[1]) sinh năm 1927 trong một gia đình công nhân ở Thessaloniki, Hy Lạp.[2] Khi 16 tuổi, ông bị Đức Quốc xã bắt đi lính và đưa sang Đức. Ông trốn thoát và sống tạm trên những chuyến tàu qua lại biên giới Nam Tư - Hy Lạp.

Sau khi chấm dứt Thế chiến thứ hai, vì không có giấy tờ tùy thân nên ông không thể trở về Hy Lạp. Bị đưa vào trại tập trung tại Ý, đầu năm 1946[2] ông xin gia nhập lê dương Pháp và được đưa sang Đông Dương theo "sứ mệnh" giải phóng các dân tộc tại đây, giải giáp quân Nhật.

Tham chiến tại Việt Nam

Đơn vị ông được tàu chiến đưa đến Sài Gòn rồi sau đó lên xe lửa đi ra miền Trung. Ngay những ngày đầu đến Việt Nam ông đã chứng kiến nhiều hành động tàn ác của quân Pháp đối với người dân bản xứ khiến ông nảy sinh ý định đào ngũ sang phe Việt Minh. Đóng quân Bình Hòa, Mũi Né, Bình Thuận, người trực tiếp giúp Kostas Sarantidis về với Việt Minh là nữ tình báo Mai Lê. Bố mẹ Mai Lê là những người yêu nước, tham gia kháng chiến và đã hy sinh. Mặc dù còn rất trẻ, nhưng Mai Lê và một số bạn học đã rời thành phố, tham gia kháng chiến. Kostas Sarantidis gặp Mai Lê khi cô đang là vợ của thiếu úy Christianis - một đồn trưởng tại Phan Thiết. Ông đã được Mai Lê móc nối với cơ sở của Việt Minh (sau đó, nữ tình báo này bị lộ và bị giặc hành quyết vào tháng 7 năm 1946). Sự hy sinh thầm lặng của Mai Lê khiến Kostas Sarantidis khâm phục.[3]

Khi thời cơ đến, ngày 4 tháng 6 năm 1946, ông đã thoát khỏi đội quân lê dương để ra vùng tự do ở Bình Thuận, rủ thêm một lính lê dương khác là Merinos cùng đi. Ông còn giải thoát cho 26 người tù khác, mang theo một khẩu súng máy và hai khẩu súng trường. Tại khu kháng chiến, ông được đặt tên Việt Nam là Nguyễn Văn Lập và chính thức gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam, là một trong những chiến sĩ "Việt Nam mới".[4]

Khi tham gia Việt Minh, ông hoạt động trong các đơn vị chính quy Khu 5.[5] Ở chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, ông được giao công tác địch vận, phát thanh vào đồn quân Pháp, thu phục được 40 lính lê dương bỏ hàng ngũ của Pháp và cứu sống được 120 người bị địch bắt.[2] Ông cũng từng cùng đồng đội bắn rơi máy bay Morane và bắt sống 3 phi công Pháp ở gần ga Phú Cang (Quảng Nam). Ngày 13 tháng 4 năm 1948, đơn vị ông chống càn tại Hương An - Bà Rén, tiêu diệt 200 quân đối phương.[2]

Nguyễn Văn Lập cũng từng làm tổng giám thị trại tù binh Âu Phi số 3 ở Quảng Ngãi, ông đã làm tốt công tác giáo dục, làm cho họ hiểu rõ chính nghĩa của Việt Nam chống xâm lược, và chính sách nhân đạo của chính phủ kháng chiến.[4]

Năm 1949, ông được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam.

Trở về cố quốc và duyên nợ với Việt Nam

Sau Hiệp định Genève, 1954 ông tập kết ra Bắc và tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Việt Nam. Ông từng lái xe tải ở các mỏ than Na Dương, mỏ thiếc Cao Bằng, làm phiên dịch cho chuyên gia Cộng hoà Dân chủ ĐứcNhà máy in Tiến Bộ và nhiều lần đi đóng các vai Pháp, Mỹ trong một số bộ phim truyện Việt Nam.

Năm 1958, ông lấy vợ Hà Nội, sinh được bốn người con, một trai ba gái, tất cả đều lấy tên Việt Nam.[5] Năm 1965, ông cùng gia đình trở về Hy Lạp, nơi ông còn có mẹ già đang sống theo nguyện vọng của mẹ. Tại quê hương, ông vất vả hòa nhập lại cộng đồng. Ông cũng tham gia Đảng Cộng sản Hy Lạp, thành lập Hội người Việt Nam tại Hy Lạp, vận động ủng hộ vật chất cho Việt Nam.[6]

Ông đã nhiều lần trở lại Việt Nam thăm đồng đội cũ, chiến trường xưa và dự Đại hội Liên hoan Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Ông cũng từng tháp tùng Tổng thống Hy Lạp Karolos Papoulias trong chuyến sang thăm chính thức Việt Nam năm 2008 và được nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Minh Triết... tiếp thân mật.

Qua đời

Ông qua đời ngày 25 tháng 6 năm 2021 tại Athens, Hy Lạp, thọ 94 tuổi.[7][8][9]

Gia đình

Ông Lập kết hôn với một cô gái Việt Nam tên là Đỗ Thị Chung năm 1964. Họ có 4 người con: một con trai Nguyễn Văn Thành, ba con gái Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Nguyễn Thị Bạch Nga và em út là Nguyễn Thị Tự Do đều được sinh ra tại Hy Lạp. Ông cho rằng tên người con út cũng chính là một ý nguyện trong suốt cuộc đời ông, đấu tranh không mệt mỏi cho độc lậptự do.[3]

Khen thưởng

Nhà nước Việt Nam đã tặng ông nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Hữu nghị. Ngày 9 tháng 11 năm 2010, chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết có quyết định công nhận ông là công dân Việt Nam, theo nguyện vọng của ông. Tháng 5 năm 2013, chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký quyết định tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam cho ông.[7]

Cuộc đời ông được đạo diễn Yannis Tritsibidas dựng thành bộ phim tài liệu dài 88 phút Viet Costas: Citizenship undefined (tạm dịch: Ông Costas Việt Nam - Quốc tịch chưa xác định) sản xuất năm 2012. Bộ phim được trao giải Nhất tại Liên hoan phim tài liệu lần thứ 6 của Hy Lạp diễn ra tại thành phố Chalkida.[10]

Chú thích

  1. ^ Sarantidis: The Greek Who Fought in Vietnam
  2. ^ a b c d “Chiến sĩ quốc tế anh hùng Nguyễn Văn Lập”. Báo Nhân dân điện tử. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2013.
  3. ^ a b “Ông "Tây" Việt Minh”. Báo Thanh Niên. 4 tháng 2 năm 2011. Truy cập ngày 27 tháng 6 năm 2021.
  4. ^ a b “Anh hùng LLVTND Việt Nam Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập”.
  5. ^ a b “Trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tặng Chiến sĩ quốc tế Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập”. Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng Việt Nam. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2013.
  6. ^ Anh hùng LLVTND Việt Nam Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập
  7. ^ a b “Anh hùng lực lượng vũ trang Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập qua đời”.
  8. ^ “Cuộc đời chiến đấu vì Việt Nam của anh hùng Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập”.
  9. ^ “Anh hùng lực lượng vũ trang Kostas Saratidis-Nguyễn Văn Lập qua đời”.
  10. ^ Phim Viet Costas: Citizenship undefined đoạt giải nhất

Tham khảo