Thành viên:TUIBAJAVE/Thống nhất Việt Nam

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Thống nhất Việt Nam là sự hợp nhất về chế độ chính trị và quản lý hành chính đối với các lãnh thổ của người Việt. Việt Nam từ khi giành độc lập thoát khỏi ách thống trị của Trung Quốc vào thế kỷ thứ 10 đã không ngừng diễn ra việc mở rộng, phân chia và thống nhất. Lần thống nhất gần nhất là vào năm 1975.

Những ý tưởng đầu tiên liên quan thống nhất của người Việt xuất phát từ thời kỳ cổ đại, 15 bộ lạc đã liên kết lại với nhau dưới quyền lực của Hùng Vương để hợp lực trị thủy trên vùng đồng bằng sông Hồng và chống xâm lấn.[1][2] Sau đó là sự thống nhất giữa người Âu Việt của nước Tây Âu với người Lạc Việt của nước Văn Lang để tạo thành Âu Lạc.[1] Kể từ thế kỷ 10 khi thoát li khỏi Trung Quốc, có một thời gian ngắn Đại Việt độc lập đã tan vỡ thành 12 vùng cát cứ của các sứ quân, sau đó được Đinh Bộ Lĩnh thống nhất, người sau này trở thành hoàng đế đầu tiên của Việt Nam. Đầu thế kỷ 16, Đại Việt bị chia đôi bởi nhà Mạc và nhà Lê, đến cuối thế kỷ thì thống nhất dưới quyền lực của họ Trịnh.

Trong nhiều thế kỷ, những di dân người Việt đã đi về phía Nam kiến tạo nên Đàng Trong và tồn tại bên cạnh lãnh thổ Đại Việt ban đầu. Thống nhất miền Bắc Việt Nam và miền Nam Việt Nam đã dẫn đến hình dạng lãnh thổ của Việt Nam như ngày nay; quá trình thống nhất này liên quan đến quá trình mở rộng lãnh thổ về phía Nam của người Việt và sự kết hợp giữa hai miền vào làm một.[a] Đã có ba lần miền Bắc Việt Nam và miền Nam Việt Nam thống nhất với nhau. Lần thứ nhất khi phong trào Tây Sơn dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ đánh đổ chúa Nguyễn ở miền Nam và đánh đổ chúa Trịnh ở miền Bắc, chấm dứt Trịnh – Nguyễn phân tranh. Lần thứ hai, vào năm 1802, khi Gia Long hoàng đế - vua nhà Nguyễn[b] mang 25 vạn quân ra Bắc tiêu diệt tàn quân Tây Sơn nhất thống lãnh thổ. Lần thứ ba, lần này Việt Nam không thống nhất từ các lực lượng phía Nam mà từ các lực lượng phía Bắc. Phong trào Cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành công trong việc thống nhất hai miền vào năm 1975.

Thống nhất Đại Việt[sửa | sửa mã nguồn]

Trong giai đoạn lịch sử "Tiền Đại Việt", bao gồm thời Bắc thuộcVăn Lang-Âu Lạc trước đó không có nhiều tài liệu liên quan về tính "thống nhất".[c] Thời Bắc thuộc, chính quyền Trung Quốc đô hộ Việt Nam không phải là chính quyền quản lý thống nhất. Họ chỉ thể hiện quyền lực cao nhất thông qua thu thuế và bắt lao dịch, còn mỗi vùng thì chính quyền địa phương quản lý một kiểu.[d]

Quá trình thống nhất đất nước thời kỳ tự chủ Đại Việt diễn ra vào cuối thế kỷ 10 khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp Loạn 12 sứ quân[e] và diễn ra vào cuối thế kỷ 16 khi nhà Mạc bị chúa Trịnh đánh bại chấm dứt cục diện Nam – Bắc triều.[6] Hai lần thống nhất này diễn ra trên phạm vi lãnh thổ của người Việt chủ yếu ở miền Bắc Việt Nam ngày nay, đó là phần lãnh thổ Đại Việt lâu đời.[f] Cả hai lần thống nhất đều liên quan các vấn đề nội chiến giữa các thế lực cầm quyền người Việt, hầu như không có yếu tố can thiệp của nước ngoài.[g]

Loạn 12 sứ quân là tình trạng cát cứ của Đại Việt sau khi triều đại đầu tiên của thời kỳ tự chủnhà Ngô sụp đổ. Thời gian cát cứ không dài, và Đinh Bộ Lĩnh đã dẹp hết các lực lượng cát cứ địa phương vào năm 968, lập ra một triều đại mới thống nhất.[5] Mục tiêu thống nhất mang yếu tố tái thống nhất, khắc phục tính phân tán của nội bộ dân tộc.[10] Cục diện Nam – Bắc triều vào đầu thế kỷ 16 sau đó liên quan một cuộc binh biến lật đổ một triều đại và dựng lên một triều đại khác. Lực lượng họ Mạc nổi lên đã tiếm quyền vua Lê.[11] Với sự hỗ trợ của những người trung thành, nhà Lê tái dựng và chiến tranh hai bên kéo dài trong nửa thế kỷ để cố gắng khôi phục hoàn toàn chủ quyền của vua Lê.[12] Trong nửa thế kỷ chiến tranh, nhà Mạc ở phía Bắc gọi là Bắc triều, nhà Lê ở phía Nam gọi là Nam triều.[11] Mục tiêu thống nhất mang yếu tố hoàn nguyên, chống sự tranh giành, cát cứ.[13] Vào năm 1592, nhà Mạc sụp đổ,[h] Đại Việt về căn bản thống nhất.[15] Tuy nhiên, quyền lực nằm trong tay các chúa Trịnh chứ không còn là vua Lê.[11]

Thống nhất Bắc Việt Nam – Nam Việt Nam[sửa | sửa mã nguồn]

Nền tảng của Nam Việt Nam[sửa | sửa mã nguồn]

Miền Nam Việt Nam vốn dĩ không phải là lãnh thổ phân tách từ Đại Việt.[16] Đây là phần lãnh thổ có thêm của người Việt, được mở rộng qua quá trình bành trướng lâu dài về phía Nam.[17][18] Kể từ thế kỷ 11, người Việt đã bắt đầu di dân về phía Nam đến các phần đất của Chăm Pa.[19] Giữa Đại Việt và láng giềng Chăm Pa phía Nam đã có những cuộc chiến tranh với nhau qua nhiều thế kỷ. Vào năm 1471, Lê Thánh Tông của Đại Việt tiêu diệt Chăm Pa.[20] Nhà Lê đã đặt những nền tảng ban đầu và chúa Nguyễn Nguyễn Hoàng cùng các chúa Nguyễn sau đó đã thừa hưởng thành quả này, nhà nước Chăm Pa đã không còn tồn tại để cản trở việc mở rộng hơn nữa về phía Nam.[21][22] Từ những năm 1600, lãnh thổ Việt dưới quyền chúa Nguyễn đã mở rộng không ngừng,[23][21] năm 1698 đạt đến một địa điểm ngày nay gọi là Sài Gòn.[24] Như thế, Nam Việt Nam hoàn toàn dưới quyền quản lý của người Việt có lịch sử chỉ vài thế kỷ. Hoàn toàn ngắn hơn nhiều về mặt thời gian so với lãnh thổ Bắc Việt Nam của Đại Việt vốn có lịch sử ngàn năm.[25] Đồng thời, lãnh thổ chủ quyền của chúa Nguyễn - nhà cầm quyền miền Nam Việt Nam tách biệt với các nhà cầm quyền chúa Trịnh ở miền Bắc. Di dân Việt là bộ phận quan trọng của dân cư Nam Việt Nam, và vua cai trị thực tế là chúa Nguyễn, với lịch sử hình thành như thế Nam Việt Nam có thể xem là một Đại Việt thứ hai.[23][21]

Tây Sơn thống nhất Bắc Hà – Nam Hà[sửa | sửa mã nguồn]

Sau gần hai thế kỷ tồn tại tách biệt, miền Bắc dưới thẩm quyền chúa Trịnh (Bắc Hà) và miền Nam dưới thẩm quyền chúa Nguyễn (Nam Hà), người Việt lần đầu tiên kết hợp hai phần lãnh thổ với nhau. Nhân vật hàng đầu của Tây Sơn là Nguyễn Huệ đã lật đổ nhà cầm quyền cả hai miền, tại miền Bắc ông trao quyền lực lại cho vua Lê. Một thời gian sau đó thì chiến tranh giữa Tây Sơn với Mãn Thanh và nhà Lê diễn ra, nhà Lê chính thức bị Tây Sơn xóa sổ. Tây Sơn đã dọn dẹp mọi cản ngăn thống nhất hai miền. Quá trình thống nhất của Tây Sơn liên quan việc dẹp bỏ tình trạng chiến tranh Nam - Bắc suốt hai thế kỷ và liên quan yếu tố can thiệp của nước ngoài. Ở phía Bắc, Lê Chiêu Thống cầu viện Mãn Thanh, một đạo quân 29 vạn người đã tràn vào miền Bắc; ở phía Nam, Nguyễn Ánh cầu viện Campuchia và Xiêm La. Các cuộc can thiệp đều bị Nguyễn Huệ đánh bại.

An Nam đại quốc họa đồ do giáo sĩ Jean-Louis Taberd vẽ vào triều vua Minh Mạng, in lại trong sách Dictionarium Latino-Annamiticum completum et novo ordine dispositum (Từ điển Việt-La) năm 1838.

Tuy nhiên sau đó, Tây Sơn tranh chấp nội bộ, họ đã chuyển sang tình trạng phân liệt, phía Bắc là những người trung thành với Nguyễn Huệ, phía Nam là những người theo chi nhánh Nguyễn Nhạc. Phần lãnh thổ đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa xác lập hoàn toàn chủ quyền, nhiều phần vẫn do các vua Khmer và gia tộc Mạc Cửu quản lý. Khi Quang Trung - Nguyễn Huệ mất, Nguyễn Ánh dưới sự hỗ trợ của Pháp đã quật khởi trở lại.

Gia Long thống nhất đất nước[sửa | sửa mã nguồn]

Nguyễn Ánh, người của gia tộc chúa Nguyễn đã chiến thắng cuối cùng cuộc nội chiến nhiều thập niên. Các lực lượng Tây Sơn ở phía Nam bị đánh bại, vua Cảnh Thịnh bị bắt. Năm 1802, Gia Long mang đại quân ra miền Bắc tiêu diệt tàn quân Tây Sơn tại đây. Hai miền thống nhất và được cai trị dưới quyền lực của nhà cầm quyền từ miền Nam Việt Nam. Phần lãnh thổ đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn bị nhà Nguyễn kiểm soát.

Mặc dù, hành động cầu viện ngoại bang bị các nhà sử học sau này chỉ trích nặng nề, không phải Quang Trung mà Gia Long mới là người đã thống nhất hoàn toàn và định hình lãnh thổ Việt Nam như ngày nay. Quá trình thống nhất của lực lượng chúa Nguyễn liên quan việc dẹp bỏ phong trào Tây Sơn, một phong trào nổi loạn của những người nông dân đã xác lập một triều đại ngắn ngủi; và quá trình này liên quan yếu tố can thiệp của nước ngoài. Nhờ vào sự hỗ trợ của người Pháp, Nguyễn Ánh đã chiến thắng. Sự thống nhất hai miền mang yếu tố sáp nhập lãnh thổ.

Thống nhất hai miền năm 1975[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 23 tháng 9 năm 1945, Pháp mang quân tái chiếm Việt Nam, họ nổ súng tại Sài Gòn. Pháp bắt đầu kế hoạch trao trả độc lập cho Việt Nam nhưng là một nước Việt Nam không cộng sản. Người Pháp sẽ trả độc lập và chính phủ Việt Nam mới sẽ tập hợp những người Việt làm việc cho chế độ hành chính Đông Dương thuộc Pháp trước đây. Điều này giúp Pháp bảo lưu các quyền lợi kinh tế của mình. Lực lượng của Đảng Cộng sản Việt Nam không được thừa nhận, và các cuộc đàm phán thất bại. Ngày 19 tháng 12 năm 1946, cuộc chiến tranh toàn diện của Việt Minh chống Pháp bắt đầu. Việt Nam là vùng đất chiến tranh không còn nhận dạng rõ phân định lãnh thổ ngoài hai khái niệm vùng địch tạm chiếmvùng giải phóng của ta. Sau 8 năm chiến tranh, Pháp chấp nhận ra đi, chấm dứt thời kỳ thuộc địa của mình.

Năm 1954, Hiệp định Genève ký kết, tạm thời phân Việt Nam thành hai miền, các lực lượng Pháp và Quốc gia Việt Nam tập kết vào Nam, lực lượng cộng sản tập kết ra miền Bắc; hai bên sẽ tiến hành tổng tuyển cử để thống nhất vào năm 1956. Như thế, hai miền đã bị chia cắt tạm thời như là hậu quả của cuộc chiến tranh giành độc lập. Lực lượng của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đạt được thành quả chính trị là đánh đuổi sự thống trị của Pháp. Lực lượng cai trị Pháp đã ra đi nhưng sự can thiệp của các cường quốc lúc đó đã dẫn đến sự chia cắt Bắc - Nam. Miền Bắc là phạm vi của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, những người đã nổi dậy đấu tranh giành độc lập. Miền Nam là nơi tập hợp của những người Việt thân Pháp trong chính phủ thuộc địa, với danh xưng từ năm 1949 là Quốc gia Việt Nam và từ năm 1955 là Việt Nam Cộng hòa. Đảng Cộng sản Việt Nam nhìn nhận rằng công cuộc giải phóng dân tộc chỉ đạt được một nửa thành quả khi giải phóng hoàn toàn miền Bắc, và do đó việc giải phóng miền Nam là nhiệm vụ dang dở chưa hoàn thành.

Hoa Kỳ từ năm 1949 đã viện trợ cho Pháp trong chiến tranh ở Đông Dương, cho đến năm 1954 đã trả ~80% chi phí chiến tranh. Nhưng cả Hoa Kỳ, Pháp và Quốc gia Việt Nam đã thua trong cuộc chiến tiêu diệt cộng sản (Việt Minh). Khi việc phân vùng sau Hiệp định Genève hình thành, chính sách của Hoa Kỳ đã giảm xuống chỉ còn mục tiêu ngăn chặn, Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam sẽ là thành trì ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản. Và do đó, chính sách của Hoa Kỳ là ngăn Việt Nam thống nhất. Một cuộc chiến chống lại quân đội Hoa Kỳ từ năm 1965 đến 1972 là nỗ lực mạnh mẽ nhất trong lịch sử Việt Nam trong việc theo đuổi mục tiêu thống nhất đất nước. Để ngăn chặn quân đội miền Bắc và lực lượng Giải phóng miền Nam, Hoa Kỳ đã triển khai vào thời điểm cao điểm 500.000 quân, ném hàng triệu tấn bom lên khắp Việt Nam để ngăn chặn đất nước này thống nhất. Năm 1973, Hoa Kỳ rút quân, năm 1975 cuộc tấn công cuối cùng của các lực lượng cộng sản Việt Nam đã dẫn đến Việt Nam Cộng hòa sụp đổ. Việt Nam hoàn toàn thống nhất.

Quan điểm[sửa | sửa mã nguồn]

Miền Nam của người Miền Nam[sửa | sửa mã nguồn]

Kể từ sau Ngày Thống nhất năm 1975, vẫn luôn tồn tại quan điểm chống đối thống nhất ở một bộ phận người Việt Nam. Bộ phận này chủ yếu là những người Việt sống lưu vong bên ngoài Việt Nam. Trong quan điểm của họ, Nam Việt Nam là của người miền Nam Việt Nam, chứ không phải của người miền Bắc. Việc miền Bắc tiến công vào Nam với quan điểm chính trị là giải phóng bị họ xem là xâm lược, cưỡng chiếm,...Họ không quan tâm tính thống nhất dân tộc và thống nhất quốc gia, phớt lờ hay xem nhẹ các yếu tố này. Điều này có liên hệ đến bản sắc riêng của miền Nam Việt Nam và hậu quả của chính sách chia để trị của thực dân Pháp.

Miền Nam Việt Nam có lịch sử hình thành và mở rộng riêng và tách biệt với miền Bắc. Thể hiện rõ nét qua sự chống đối và chiến tranh của chúa Nguyễn với chúa Trịnh. Bắc Hà và Nam Hà thực tế là hai nước Việt, Nam Việt Nam thực tế là một Đại Việt thứ hai.[21][26] Tuy nhiên, nó không phải là bản sao của Đại Việt. Trước hết, Nam Việt Nam có yếu tố nhân khẩu học đa dạng hơn, do đó tạo nên sự đa dạng trong bản sắc văn hóa. Miền Bắc tuy có nhiều dân tộc, nhưng người Việt (Kinh) là đông đảo và là chủ thể chính của lịch sử. Trải qua các triều đại phong kiến, họ vẫn chi phối mọi vấn đề chính trị và vận mệnh của Đại Việt. Nhưng ở miền Nam tình trạng dân cư phức tạp hơn. Lãnh thổ này ban đầu là lãnh thổ của một đất nước bản địa, Chăm Pa, và một phần lãnh thổ của các vua Khmer; cả hai dân tộc có trình độ cao ngang bằng với người Việt trong nhiều thế kỷ. Người Việt là di dân đến vùng đất này, sau đó vào cuối thế kỷ 17, người Trung Quốc chạy Mãn Thanh cũng di dân đến. Sự gặp gỡ giữa họ với nhau tạo nên một vùng đất chung sống của 4 sắc dân với trình độ cao gần ngang bằng nhau. Sự chung sống hòa hợp với các dân tộc Khmer, Hoa, Chăm khiến cho người Việt ở phía Nam ít quan trọng tính bản sắc dân tộc của mình quá mức. Về mặt chủ thể dân tộc, dân cư chính là người Việt nhưng Nam Việt Nam rõ ràng đa dạng sắc dân, văn hóa hơn miền Bắc. Sự hòa hợp và tương tác cộng đồng dẫn đến vùng đất này có một bản sắc riêng.

Tư tưởng chống đối thống nhất còn là hậu quả của chính sách chia để trị của Pháp. Từ cuối thế kỷ 19 khi chiếm Việt Nam làm thuộc địa, Pháp đã chia Việt Nam thống nhất của nhà Nguyễn thành 3 vùng chính: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ; tổ chức rất nhiều quân đội khác nhau với quy mô vừa phải dùng đàn áp các cuộc nổi dậy nhưng cũng dùng để khắc chế nhau: quân đội Hòa Hảo, quân đội Cao Đài, quân đội Bình Xuyên,....đều do Pháp trang bị vũ khí. Các tài liệu của Đảng Cộng sản Việt Nam dẫn chứng Pháp chia rẽ đồng bào lương và giáo, chia rẽ cư dân vùng miền, tạo ra nhiều đoàn thể chính trị, tôn giáo khác biệt, rời rạc với nhau. Chia rẽ các dân tộc, người Hoa nhận nhiều đặc quyền đặc lợi hơn người Việt đông đảo.

Nguyên nhân thứ ba, xuất phát từ quan điểm chính trị và lợi ích của phe quốc gia, từ năm 1954 đến 1975, trong giai đoạn tồn tại của chính thể Việt Nam Cộng hòa, giới trí thức Nam Việt Nam bao gồm những người chống cộng sản tập trung đề cao sự nghiệp chính trị của chúa Nguyễn ở phía Nam (của Việt Nam); tuy nhiên sự đề cao này được xem là nhằm mục đích chống lại mục tiêu thống nhất đất nước từ quan điểm chính trị mà miền Bắc đang theo đuổi.[27] Tất cả những điều này đã góp phần hình thành quan điểm Miền Nam của người Miền Nam. Từ sau năm 1975, các chính sách kinh tế của Đảng Cộng sản phương hại đến tầng lớp tư sản và nhiều thành phần khác ở miền Nam khiến quan điểm này bắt đầu phổ biến, đặc biệt trong cộng đồng Việt Nam chống cộng hải ngoại.

Quan điểm thống nhất[sửa | sửa mã nguồn]

"...và họ cũng như tôi, cũng đều mong muốn sẽ có một chiến thắng cuối cùng để mà mình thống nhất được xứ sở chứ, bởi vì đó là nhiệm vụ lịch sử của mỗi người con dân Việt kia mà".

Cựu phó tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ trong chuyến thăm Việt Nam 2005 đã nói, [28]

Theo quan điểm lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam, Cục diện Nam – Bắc triều giữa nhà Lê và nhà Mạc là phân liệt, nhưng cũng theo quan điểm của họ Cục diện Nam Hà – Bắc Hà giữa chúa Nguyễn và chúa Trịnh có tính tương tự, đó là phân tranh.[6] Nghĩa là không nhìn nhận Nam Việt Nam như một nước tách biệt. Giới tri thức sau này cũng dẫn chứng thêm, ngay trong giai đoạn Trịnh – Nguyễn phân tranh, Đàng Ngoài và Đàng Trong tồn tại tách biệt với nhau, vẫn có quan điểm đương thời chống đối tư tưởng phân biệt, chẳng hạn Lê Quý Đôn (1726-1784).[29] Ông nhìn nhận cả Đàng Ngoài và Đàng Trong đều là bộ phận của một Đại Việt thống nhất.[29]

Trong hàng trăm năm Trịnh - Nguyễn chiến tranh với nhau, cách gọi tên hai vùng đất đã cho thấy tâm lý người Việt không có sự phân biệt, ngụ ý về sự thống nhất của đất nước. Các nhà nho gọi là Bắc hà và Nam hà, người trong dân gian gọi là Đàng Trong và Đàng Ngoài.[30]

Từ sau Ngày Thống nhất, giới tri thức hạ thấp việc đánh giá quá mức công lao của chúa Nguyễn mà nhấn mạnh sự hình thành và phát triển của Đàng Trong là từ công sức của giới bình dân, bao gồm người Việt và các dân tộc thiểu số khác.[i] Họ cũng mô tả nước Việt vào cuối thế kỷ 18 là một "đất nước bị chia cắt": "...xã hội phong kiến Đại Việt mục nát, hỗn loạn. Đất nước bị chia cắt, nhân dân chịu mọi nỗi thống khổ, cơ cực", và phong trào Tây Sơn đã nổi lên tiến hành thống nhất lãnh thổ dân tộc.[32] Dân tộc Việt Nam được xem là một dân tộc: "...liền mạch, toàn diện, đa dạng nhưng thống nhất về thời gian và không gian từ cổ xưa đến ngày nay".[33] Sự thống nhất của dân tộc Việt Nam được đánh giá là có từ thời điểm thoát khỏi ách thống trị của thời kỳ Bắc thuộc, chính sự thống nhất đã làm nâng cao và càng làm phát huy ý thức dân tộc, quá trình hình thành ý thức dân tộc cũng hoàn thiện từ sự thống nhất; và cuối cùng để lại một nền tảng mãi mãi cho dân tộc Việt, trong bất cứ thời kỳ nào cũng đều hướng đến độc lập và thống nhất cho đất nước.[34]

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi".[35] Thống nhất là mục tiêu không tách rời của cuộc cách mạng vô sản, bao gồm độc lập - thống nhất - xã hội chủ nghĩa.

Tư tưởng và chính sách[sửa | sửa mã nguồn]

Tư tưởng thống nhất trước 1802[sửa | sửa mã nguồn]

Thống nhất Cách mạng Việt Nam[sửa | sửa mã nguồn]

Cách mạng Việt Nam theo đường lối vô sản đã bắt đầu từ năm 1925 khi các tài liệu tư tưởng liên quan truyền bá vào Việt Nam. Tại ba vùng Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, đã hình thành các tổ chức đảng. Đến năm 1930, ba đảng cộng sản quyết định tập hợp lại thống nhất thành một đảng cộng sản duy nhất. Sự kiện diễn ra vào ngày 3 tháng 2, ba đảng là Đông Dương cộng sản đảng, An Nam cộng sản đảng, Đông Dương cộng sản liên đoàn. Cả ba đã kết hợp thành Đảng Cộng sản Việt Nam để thống nhất cách mạng Việt Nam. Mục tiêu thống nhất sức mạnh cho công cuộc đấu tranh chống Pháp giải phóng dân tộc.[36]

Các chính sách của Ngô Đình Diệm[sửa | sửa mã nguồn]

Thống nhất các đoàn thể của Đệ nhị Việt Nam Cộng hòa[sửa | sửa mã nguồn]

Từ năm 1966, Đoàn lực lượng Quốc gia Thống nhất của chính phủ Việt Nam Cộng hòa thúc đẩy liên kết chính trị tất cả mọi người chống cộng không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị, nhằm tạo nên mặt trận chống cộng thống nhất.[37]

Hợp nhất hai miền 1976[sửa | sửa mã nguồn]

Trục xuất Hoa kiều từ sau năm 1975[sửa | sửa mã nguồn]

Thống nhất trong Tư tưởng Hồ Chí Minh[sửa | sửa mã nguồn]

Chính sách Đại đoàn kết dân tộc[sửa | sửa mã nguồn]

Hòa giải và hòa hợp dân tộc ở Việt Nam[sửa | sửa mã nguồn]

Thống nhất trong đa dạng[sửa | sửa mã nguồn]

Thống nhất và chế độ tập quyền[sửa | sửa mã nguồn]

1

2

3

4

Hành chính[sửa | sửa mã nguồn]

Nhà Nguyễn thống nhất tên gọi đơn vị hành chính và phân chia chúng. ?

Thay đổi hành chính sau 1975: hai miền nhập chung, thay đổi tên và phạm vi các tỉnh.


Ngày 9-11-1946, bản Hiến pháp 1946 chính thức được Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhất trí thông qua. Điều 1, Điều 4, Điều 6 và Điều 10 của Hiến pháp 1946: "Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung Nam Bắc không thể phân chia".

Văn hóa nghệ thuật[sửa | sửa mã nguồn]

Tiếng nói[sửa | sửa mã nguồn]

[1]

Ghi chú[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Trích nội dung: "...đoàn kết nhất trí mọi dân tộc theo tinh thần thống nhất Đại Việt . Sau này , những vùng đất mới từ miền Nam Trung Bộ đến Nam Bộ được mở mang thêm ở các thế kỷ XVI , XVII , XVIII , đại khái như bản đồ ngày nay."[3]
  2. ^ Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu Gia Long.[4] Ngày 2 tháng 5 lên ngôi, tháng 6 xuất binh.
  3. ^ Trích nội dung: "tôn giáo thì thống nhất thành một sức mạnh tinh thần , tư tưởng không phân biệt tôn giáo tín ngưỡng để bảo đảm đoàn kết toàn dân . Dù không đủ tư liệu hơn nữa nhưng như vậy đã có thể minh chứng người Đại Việt đã có trình độ nhận thức và tổ chức cao hơn thời Lạc Việt hay Tiền Đại Việt , họ đã dùng tri thức của kẻ thù chống lại kẻ thù . Về chính sách , nhà Đinh chủ trương thống nhất , phản đối cát cứ".[5]
  4. ^ Trích nội dung: "Trong thời Tiền Đại Việt chính quyền đô hộ Hán - Đường là bộ máy thống nhất từ châu quận đến huyện nhưng thực tế không thống nhất . Ngoài việc thu thuế và bắt lao dịch ra thì chính quyền đô hộ không thể quản lý đến cơ sở và toàn diện như ở nội địa Trung Quốc . Dần dần mới hình thành những thế lực địa phương nhiều lần nổi dậy chống đô hộ".[5]
  5. ^ Trích nội dung: ..."ý thức và sự nghiệp thống nhất nước nhà . Vấn đề lớn này ở triều Đinh được đặt ra lần thứ nhất và Đinh Bộ Lĩnh đã giải quyết bằng cách đánh dẹp Thập nhị sứ quân . Đến thời Lý Trần và Lê sơ , không có vấn đề này".[6]
  6. ^ Cho tới chiến tranh Lê-Mạc thì cương vực chỉ đến địa phận Hà Tĩnh. Phạm vi Nam triều của vua Lê bao gồm Thanh-Nghệ-Tĩnh.[7]
  7. ^ * Đinh Bộ Lĩnh không đối mặt với bất kỳ lực lượng nước ngoài nào trong quá trình dẹp loạn 12 sứ quân. Cuộc xâm lăng đầu tiên vào Đại Việt thời kỳ độc lập là vào năm 981 bởi quân Tống diễn ra thời gian sau đó.[8]
    * Nhà Mạc có chính sách khôn khéo để quân Minh không tiến vào Đại Việt.[9]
  8. ^ Tàn quân chạy đến cát cứ vùng đất Cao Bằng ở phía bắc.[14]
  9. ^ "...không phải chỉ là công lao của tập đoàn phong kiến họ Nguyễn như nhiều cuốn sách ở miền Nam ra đời thời Mỹ - ngụy ngộ nhận , mà là sự nghiệp kinh dinh của nhân dân Đại Việt ở miền Nam đất nước ta , trong đó có người Việt và dân tộc thiểu số ở địa phương cùng làm ăn sinh sống với nhau."[31]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b Đảng Cộng sản Việt Nam 1998, tr. 24.
  2. ^ Vũ Thị Phụng 1993, tr. 6.
  3. ^ Bùi Duy Tân 1999, tr. 596 (trích 2).
  4. ^ Trung tâm lưu trữ Quốc gia IV 2009, tr. xem trang.
  5. ^ a b c Nguyễn Duy Hinh 2005, tr. 398.
  6. ^ a b c Đảng Cộng sản Việt Nam 1998, tr. 14.
  7. ^ Vũ Dương Ninh 2008, tr. 730.
  8. ^ Vương Anh (ngày 22 tháng 4 năm 2018). “Khởi nguồn xây nền độc lập”. báo Nhân Dân. Truy cập ngày 9 tháng 5 năm 2024.
  9. ^ Nguyễn Minh Đức, Lê Đình Sỹ, Nguyễn Danh Phiệt 2014, tr. 37.
  10. ^ Trần Ngọc Vượng 1997, tr. 201.
  11. ^ a b c Trung tâm biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam 1995, tr. 463.
  12. ^ Nguyễn Minh Đức 2011, tr. 195.
  13. ^ Viện văn học 1976, tr. 18.
  14. ^ Hoàng Cao Khải, Lê Xuân Giáo 1971, tr. 385.
  15. ^ Nguyễn Khắc Thuần 2007, tr. 542, 543.
  16. ^ P. Gubry, Nguyễn Hữu Dũng, Phạm Thúy Hương 2004, tr. 41.
  17. ^ Nguyễn Khắc Thuần 2007, tr. 285.
  18. ^ Phan Đăng Thanh 1997, tr. 277.
  19. ^ P. Gubry, Nguyễn Hữu Dũng, Phạm Thúy Hương 2004, tr. 45.
  20. ^ Ngô Văn Doanh 2002, tr. 128.
  21. ^ a b c d Cao Huy Thuần 2005, tr. 157.
  22. ^ Hải Lăng (ngày 2 tháng 12 năm 2018). “Cuộc đào thoát gây dựng cơ nghiệp của Chúa Nguyễn Hoàng”. báo Pháp Luật. Truy cập ngày 9 tháng 5 năm 2024.
  23. ^ a b Nguyên Ngọc 2004, tr. 103.
  24. ^ Đoàn Thanh Hương, Hồ Hữu Nhựt 1999, tr. 26.
  25. ^ Trần Quốc Vượng 2000, tr. 176.
  26. ^ Lê Ngọc Trà 2001, tr. 277.
  27. ^ Quốc sử quán triều Nguyễn 1995, tr. 7.
  28. ^ “Người Việt 30 năm sau ngày tản cư trên đất Mỹ”. Truy cập ngày 8 tháng 5 năm 2024. Thời gian: 7:36
  29. ^ a b Bùi Duy Tân 1999, tr. 596 (trích 1).
  30. ^ Phương Lựu 2002, tr. 91.
  31. ^ Bùi Duy Tân 1999, tr. 596 (trích 3).
  32. ^ Lê Hải Triều 2005, tr. 106.
  33. ^ Đinh Xuân Lâm 2006, tr. 315.
  34. ^ Nguyễn Khánh Toàn 1992, tr. 21.
  35. ^ Viện sử học 1976, tr. 12, 403.
  36. ^ Đảng Cộng sản Việt Nam 1991, tr. 8.
  37. ^ Hạ viện, Quốc hội VNCH 1968, tr. 87.

Sách[sửa | sửa mã nguồn]

Tạp chí[sửa | sửa mã nguồn]