Đông Nam (xã)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Đông Nam
Xã Đông Nam
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngBắc Trung Bộ
TỉnhThanh Hóa
HuyệnĐông Sơn
Địa lý
MapBản đồ xã Đông Nam
Diện tích9,33
Dân số
Tổng cộng5.391 người (1999)[1]
Mật độ578
Khác
Mã hành chính16423[2]

Đông Nam là một thuộc huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam.

Thông tin địa lý[sửa | sửa mã nguồn]

Xã Đông Nam có diện tích: 9,33 km²[1]. Theo Tổng điều tra dân số năm 1999, xã Đông Nam có dân số 5.193 người[1]. Đây là xã có mật độ dân cư thấp nhất huyện Đông Sơn.

Xã Đông Nam nằm ở cực nam huyện Đông Sơn, giáp giới với ba huyện: Quảng Xương, Nông Công, Triệu Sơn. Địa giới hành chính:

Đây là địa phương có tuyến Đường cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45 đi qua đang được xây dựng.

Hành chính[sửa | sửa mã nguồn]

Thời nhà Nguyễn, xã Đông Nam thuộc tổng Quang Chiếu, huyện Đông Sơn, phủ Thiệu Hóa, gồm các thôn: Mai Chữ, Phú Yên, Sơn Dương, Hoàng Lạp (xã Phù Lưu cũ), Phú Bật (xã Trường Hựu)[3].

Tên gọi xã Đông Nam có từ năm 1953[3].

Năm 1977, các xã hữu ngạn sông Chu thuộc huyện Thiệu Hóa sáp nhập với huyện Đông Sơn thành huyện Đông Thiệu, xã Đông Nam thuộc huyện Đông Thiệu. Năm 1982 huyện Đông Thiệu đổi lại là huyện Đông Sơn, xã Đông Nam lại thuộc huyện Đông Sơn.

Xã Đông Nam ngày nay gồm các làng: Phú Yên, Tân Chính, Nam Thành, Nam Vinh, Phúc Đoàn, xóm Cộng, Hạnh Phúc, Cần Liêm(Mai Chữ), Chính Kết[3].

Di tích lịch sử, văn hóa[sửa | sửa mã nguồn]

Đình và đền Thượng[sửa | sửa mã nguồn]

Đình và đền Thượng thờ Thành hoàng[3].

Kênh Nhà Lê[sửa | sửa mã nguồn]

Xã Đông Nam nằm bên tuyến kênh Nhà Lê, là tuyến đường thủy đầu tiên trong lịch sử Việt Nam từ kinh đô Hoa Lư đến Đèo Ngang và được xem là tuyến đường Hồ Chí Minh trên sông vì những đóng góp cho các cuộc chiến tranh của người Việt.

Thành Hoàng Nghiêu[sửa | sửa mã nguồn]

Đầu thế kỷ 15, danh tướng Nguyễn Chích đã chọn vùng núi hiểm trở thuộc vùng phía Tây xã Đông Nam huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá để xây thành đắp luỹ, lập nên căn cứ quân sự có tên là thành Hoàng Nghiêu, với diện tích trên 100 ha, để luyện tập quân binh trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nhà Minh. Sau đó nghe danh tướng quân Nguyễn Chích, Lê Lợi đã đích thân viết thư mời Nguyễn Chích về Lam Sơn hội nghĩa, cùng nhau đánh giặc, giữ nước. Cuộc kháng chiến đã thành công, mở ra một kỷ nguyên mới cho nước nhà[4].

Thành Hoàng Nghiêu cách thành phố Thanh Hoá khoảng 15 km về phía Tây nam, nằm trong vùng bao gồm nhiều thung lũng lớn như: Thung Chim, Thung Bò, Thung Khỉ, Thung Khế, Thung Chùa... Quần thể các thung lũng của thành Hoàng Nghiêu nằm gần kề nhau và được ngăn cách với bên ngoài bởi các vách đá cao, dựng đứng. Địa thế hiểm trở này đã được nghĩa quân Nguyễn Chích lợi dụng để xây trại, dựng ấp nhằm kế hoạch kháng chiến lâu dài với giặc Minh. Trải qua thời gian dài, hiện di vật còn lại tại thung Chùa chỉ còn một bia đá cao gần 2 m, rộng 1,25 m với nhiều nét Hán tự đã hoen mờ. Phía đông bắc thung Chùa còn lại ngôi đền nhỏ được xây dựng từ thời Nguyễn Chích. Phía đông còn 2 thành đất, hai thành này nằm cách nhau khoảng 150 m, cao khoảng 1,2 m... tiếp thành đất là Thung Điểu, trong thung khá bằng địa, phía tây nam thành đất có con sông Hoàng uốn lượn sát quanh, tạo địa thế thêm hiểm trở hơn. Tại đây còn có Hang Bến, là nơi cất giấu lương thực, súng đạn của đội dân quân vận tải thuyền nan nổi tiếng, phục vụ chiến trường Miền Nam thời kỳ chống Mỹ. Vùng đất "sơn thủy hữu tình" này còn được đánh giá là rất có tiềm năng để xây dựng thành "Khu du lịch sinh thái và leo núi"[4].

Thành Hoàng Nghiêu đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2004[5] và đang được đề nghị xếp hạng di tích cấp quốc gia. Trước đó, năm 2003 UBND huyện Đông Sơn đã ra lệnh "cấm khai thác đá" tại vùng này để bảo vệ khu di tích lịch sử[4].

Tuy nhiên, ngày 3/3/2009, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định chấp thuận địa điểm xây dựng khu xử lý chất thải sinh hoạt của thành phố Thanh Hóa và các vùng lân cận tại khu vực Thung Chim, núi Vàng, xã Đông Nam, huyện Đông Sơn, diện tích khoảng 30 - 35 ha. Địa điểm này nằm trong khu di tích thành Hoàng Nghiêu. Việc xây dựng khu xử lý rác thải rắn trên địa bàn sẽ làm cho xã Đông Nam bị ngập lụt khi có mưa vì Thung Chim là thung lũng chứa nước chủ yếu của toàn xã. Ngoài ra, vị trí xây dựng khu xử lý rác thải nằm sát sông Hoàng và khu vực dân cư sinh sống.

Giáo dục[sửa | sửa mã nguồn]

Xã Đông Nam có 01 trường tiểu học và 01 trường trung học cơ sở.

Nghề khai thác đá[sửa | sửa mã nguồn]

Được thiên nhiên ưu đãi, xã Đông Nam có nhiều mỏ đá với trữ lượng rất lớn và có giá trị. Một số đơn vị, doanh nghiệp đã được phép khai thác, sản xuất đá ốp lát xuất khẩu, đá xây dựng. Tuy nhiên hiện nay thực trạng khai thác đá trái phép và không đảm bảo an toàn lao động đang diễn ra tại đây[6].

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c Quyết định số 19/2006/QĐ-BTNMT ngày 01/12/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành Danh mục địa danh các đơn vị hành chính Việt Nam thể hiện trên bản đồ
  2. ^ Tổng cục Thống kê
  3. ^ a b c d Ban nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hoá. Tên làng xã Thanh Hoá, tập II. Nhà xuất bản Thanh Hoá, 2001. tr. 47-48.
  4. ^ a b c Có nên xây dựng bãi rác tại khu Di tích Lịch sử - Văn hoá?
  5. ^ Quyết định số 3437/QĐ-CT ngày 01/11/2004 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa
  6. ^ Đông Sơn (Thanh Hóa): "Sơn thần" kêu cứu

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]