Cổng thông tin:Chăm Pa/Văn hóa/Lưu trữ/0

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
| Trang 0/0 |

Thánh địa Mỹ Sơn

là nơi tổ chức cúng tế của vương triều Chăm Pa. Thánh địa Mỹ Sơn được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam.

Thông thường người ta hay so sánh Thánh địa này với các tổ hợp đền đài chính khác ở Đông Nam Á như Borobudur (Java, Indonesia), Pagan (Myanmar), Angkor Wat (Campuchia) và Ayutthaya (Thái Lan). Từ năm 1999, Thánh địa Mỹ Sơn đã được UNESCO chọn là một trong các di sản thế giới tân thời và hiện đại tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban di sản thế giới theo tiêu chuẩn C (II) như là một ví dụ điển hình về trao đổi văn hoá và theo tiêu chuẩn C (III) như là bằng chứng duy nhất của nền văn minh châu Á đã biến mất. Hiện nay, nơi đây đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng.

Tháp Bằng An

là một trong những tháp Chăm cổ còn sót lại ở tỉnh Quảng Nam. Tháp có kiến trúc độc đáo mang hình một linga thẳng đứng được xây dựng theo hình bát giác, mỗi cạnh rộng 4 m. Tháp cao 21,5m (gồm phần thân và mái tháp); thân cao 12,7 m được bọc kín chỉ có một lối đi vào qua tiền sảnh dài 6 m, rộng 1,55 m. Chóp tháp nhọn, thon, bên trong thờ một linga bằng đá - biểu tượng của thần Siva tượng trưng cho sức mạnh.

Phía trước tháp có hai con vật bằng đá là sư tửvoi. Theo sự đánh giá của các nhà nghiên cứu văn hóa Chăm thì tháp Bằng An là một di tích có giá trị cao về mặt lịch sử liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng của người Chăm.

Tháp Chiên Đàn

là một trong những ngôi tháp cổ của Champa, hiện còn tồn tại ở làng Chiên Đàn, xã Tam An, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam. Các tháp Chiên Đàn có dáng vẻ trang nhã và cổ điển như các ngôi tháp tiêu biểu của phong cách Mỹ Sơn A1, được đánh giá là phong cách đẹp nhất của nghệ thuật kiến trúc cổ Chăm Pa, gần tương tự như các tháp Khương Mỹ, tháp Mỹ Sơn A1.

Thân tháp dong dỏng cao, các tầng phía trên tỷ lệ cân đối và hài hòa, các khối dọc của các cột ốp nhô ra vừa phải đủ để tạo ra những đường nét vừa kín đáo vừa trang nhã, các vòm cửa giả không bè ra mà co lại rồi vuốt nhọn lên phía trên như hình mũi giáo

Mặc dù tháp Chiên Đàn mang ảnh hưởng của phong cách Mỹ Sơn A1, nhưng các yếu tố điển hình của phong cách này đã bắt đầu mờ nhạt dần, chỉ có tháp Nam còn giống bởi các đường kẻ hở của cột ốp chạy từ chân lên tới hết phần đầu cột, còn tháp Trung tâm và tháp Bắc kẻ hở chỉ nằm gọn trong phần thân của cột ốp, ngoài ra vòm của giả và cửa ra vào tháp đã co lại và nhô cao như hình mũi giáo

Tháp Khương Mỹ

là một trong những di tích tháp Chăm của tỉnh Quảng Nam. Nhóm tháp Khương Mỹ gồm có 3 tháp, cửa ra vào ở hướng Đông, là kiểu tháp Champa truyền thống với mặt bằng gần vuông, mái tháp gồm 3 tầng, tầng trên là hình ảnh thu nhỏ của tầng dưới, trên cùng có chóp tháp bằng sa thạch.

Tại Khương Mỹ, vào năm 1918, các nhà khảo cổ người Pháp đã tìm thấy một thành bậc cấp bằng sa thạch có chạm cảnh hai người đang đấu vật, trong đó gương mặt của người ở bên phải rất dữ tợn, miệng có răng nanh; một số nhà nghiên cứu cho rằng đây là trích đoạn cảnh chiến đấu của Rama và quỷ vương Ravana trong trường ca Ramayana.

Tháp Phú Lốc

là một trong những di tích tháp Chăm của tỉnh Bình Định. Tháp Phú Lốc được xây dựng trên một đỉnh đồi, so với mặt nước biển thì đỉnh đồi này có độ cao là 76 m. Đồi của tháp Phú Lốc cao hơn tất cả các đồi có tháp ở Bình Định, vì thế tháp Phú Lốc nổi bật lên giữa vùng đồng bằng tỉnh Bình Định như một ngọn hải đăng khổng lồ.

Ngôi tháp này hiện đã bị hư hại nặng, tầng nền bằng đá cao và cả phần nền sảnh ở phía đông đã bị đổ nát hết, tuy nhiên phần tháp chính vẫn hiện rõ.

Tháp Cánh Tiên

là một ngôi tháp Chăm nằm chính giữa kinh đô Vijaya của Vương quốc Chăm Pa. Tháp Cánh Tiên là một trong những ngôi tháp thuộc phong cách Bình Định, hiện lên với một kiến trúc hoành tráng với những khối hình lớn gây ấn tượng từ xa: các cột ốp, những khung dọc trên mặt tường nằm giữa các cột ốp nổi lên thành những mảng lớn khoẻ khoắn, các vòm của các cửa giả vút cao vương lên như hình những mũi giáo khổng lồ, các tháp trang trí góc các tầng cuộn lại thành những khối chắc nịch, những phiến đá trang trí các góc tường phía trên của các tầng hình hoa lá nhô mạnh ra như những cánh tiên.

Tháp Bánh Ít

là một cụm di tích tháp Chăm của tỉnh Bình Định. Ngôi tháp chính có vẻ đường bệ và hoành tráng của các kiến trúc: các cột ốp, các đường gồ nhô ra dọc các mặt tường, các của vòm và của giả hình mũi lao nhọn đồ sộ, có những nét thanh tú của đường nét, những nét hoa là trên các diềm mái, những cảnh ca múa trên các mặt vòm các cửa giả làm cả khối kiến trúc như đang tiếp xúc với người xem.

Tháp Bình Lâm

là một trong những di tích tháp Chăm của tỉnh Bình Định. Đây là một ngôi tháp tương đối đặc biệt ở Bình Định, vì khác với các tháp khác nằm trên đồi thì tháp Bình Lâm nằm ngay trên đồng bằng và như hoà mình vào thiên nhiên và khu dân cư bao quanh.

Tháp Thủ Thiện

là một trong những di tích tháp Chăm của tỉnh Bình Định. Không như một số cụm tháp Chăm Pa khác, tháp Thủ Thiện là di tích chỉ có một ngôi tháp. Trước năm 1985, trên đỉnh tháp Thủ Thiện bị một cây đa đồ sộ mọc trên đỉnh tháp phủ kín, vào những năm 1980 cả ngôi tháp Thủ Thiệm như biến thành một gốc cây đa cổ thụ, không ai dám chặt cây đa này vì cả tháp và cây đều như đã trở thành linh thiêng, điều cũng tương tự với các tháp khác có cây mọc trên.

Tuy nhiên trận bão năm 1985 đổ bộ vào tỉnh Bình Định đã thổi bay cây đa khổng lồ khỏi đỉnh tháp, nhưng rất kỳ lạ là cây đa đổ xuống mà không hề làm hư hại lớn cho tòa tháp cổ này

Tháp Dương Long

là một trong những di tích tháp Chăm của tỉnh Bình Định. Tháp ở trong tình trạng đe dọa vì đã nhiều lần bị phá hoại bởi những nhóm người đi tìm vàng, một số hộ dân quanh đấy cũng đã lấy gạch của tháp về xây nhà trong quá khứ.

Tháp Đôi

là một trong những di tích tháp Chăm của tỉnh Bình Định. Theo truyền thống các cụm tháp Chăm Pa cổ thường có ba tháp, nhưng hiện tại chỉ có hai tháp, theo các nhà nghiên cứu, ngôi tháp thứ ba chuẩn bị xây dựng thì có nguyên nhân chưa biết được làm cho việc xây dựng tháp thứ ba bị gián đoạn.

Tháp Nhạn

là một trong những di tích tháp Chăm của tỉnh Phú Yên, được người Chăm sinh sống ở lưu vực châu thổ sông Ba xây dựng nên vào khoảng thế kỷ 12. Tháp cao khoảng 23,5 m có hình tứ giác với 4 tầng, càng lên cao càng thu nhỏ lại nhưng vẫn theo phong cách tầng dưới.

Tháp Yang Prong

là một trong những di tích tháp Chăm của tỉnh Đắk Lắk. Tháp rất đặc biệt bởi đây là ngôi tháp Chăm duy nhất không được xây dựng trên những ngọn đồi cao, không bóng cây như những ngọn tháp khác mà lại nằm chìm lấp dưới những tán cổ thụ của rừng già Ea Súp và bên dong sông Ea H'leo. Đây cũng chính là ngọn tháp Chàm duy nhất được tìm thấy trên Tây Nguyên.

Tháp Po Nagar

ngôi đền Chăm Pa nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ ở cửa sông Cái tại Nha Trang. Tên gọi "Tháp Po Nagar" được dùng để chỉ chung cả công trình kiến trúc này, nhưng thực ra nó là tên của ngọn tháp lớn nhất cao khoảng 23 mét. Ngôi đền này được xây dựng trong thời kỳ đạo Hindu đang cường thịnh khi Chăm Pa trong giai đoạn có tên gọi là Hoàn Vương quốc, vì thế tượng nữ thần có hình dạng của Uma, vợ của Shiva.

Tháp Hòa Lai

là một di tích tháp Chăm nằm tại tỉnh Ninh Thuận, được đánh giá là một trong những di tích cổ nhất và đẹp nhất còn tồn tại. Yếu tố đặc trưng tiêu biểu nhất của tháp Hoà Lai là những vòm cửa tò vò trùm lên trên cửa ra vào, các cửa giả và các ô khám của các tầng, vành của cửa vòm được phủ kín bằng những hoa văn hình là cuộn, vọt ra từ miệng của quái vật Kala trên đỉnh. Khoảng tường giữa hai trụ ốp cũng được phủ bằng các hình chạm khắc hoa lá. Phần trên của từng và bộ diềm mái là một hoa văn tràng hoa chạy dài và hình các thần điểu Garuda đang xoè cánh.

Tháp Po Klong Garai

tên gọi chung cho một cụm tháp Chăm hùng vĩ và đẹp nhất còn lại ở Việt Nam, phụng thờ vua Po Klong Garai. Tháp Pô Klong Garai là một tổng thể gồm ba tháp: tháp chính, tháp lửa, tháp cổng.

Tháp Po Rome

là một di tích tháp Chăm nằm tại tỉnh Ninh Thuận. Tháp Po Rome là một trong những tháp xây dựng muộn nhất của người Chăm, tháp được xây dựng vào thế kỷ 17 thuộc phong cách muộn, cũng như tháp Po Klong Garai, đây là ngôi tháp không phải thờ thần như phần lớn các tháp Chăm khác mà là thờ vị vua Po Rome, một trong những vị vua được người Chăm hóa thần.

Tháp Po Dam

là một di tích tháp Chăm nằm tại tỉnh Bình Thuận. Tháp này xây để thờ vua Po Dam của người Chăm. Po Dam cũng là nhóm tháp khác biệt hơn so với các nhóm tháp Chăm thông thường vì nó được xây dưới chân đồi thay vì trên đỉnh đồi, các cửa chính quay về hướng Nam thay vì hướng Đông.

Tháp Po Sah Inư

là một di tích tháp Chăm nằm tại tỉnh Bình Thuận. Nhóm tháp này có phong cách kiến trúc Hòa Lai - một trong những phong cách nghệ thuật cổ của Chămpa. Tuy chỉ có kích thước vừa và nhỏ, nhưng nó chắt lọc được những tinh hoa kỹ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí của người Chăm xưa tạo nên vẻ uy nghiêm và kỳ bí.

Tháp Liễu Cốc

là một di tích tháp Chăm nằm tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Tháp Đôi Liễu Cốc là một công trình đặc trưng của văn hóa Chăm Pa, hiện đã không còn nguyên vẹn.

Tháp Mỹ Khánh

là một di tích tháp Chăm nằm tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Tháp Mỹ Khánh nằm ở độ sâu 5m so với mặt đất, lọt thỏm giữa vùng cát trắng ven biển, một vị trí rất hiếm đối với các tháp Chăm được phát hiện và còn tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, tháp Chăm Mỹ Khánh có niên đại sớm nhất trong những tháp Chăm hiện nay, được xây dựng vào thế kỷ 8.

Phật viện Đồng Dương

là một di tích quan trọng vào bậc nhất của Chăm Pa, gồm có hệ thống các tháp nằm gần nhau, nằm ở tỉnh Quảng Nam. Tháp được xây dựng vào thời kỳ Chăm Pa còn bị ảnh hưởng của Phật giáo, nên có tính chất đặc biệt so với các tháp khác trong hệ thống tháp Chăm, nó được mệnh danh là "tòa tu viện Phật giáo giữa đô thành". Hệ thống tháp Đồng Dương nằm ngay chính trung tâm đô thành Indrapura trong thời kỳ vương triều Indrapura.

Tháp Chánh Lộ

là một thánh đường Chăm Pa lớn nằm ở châu Amaravati và là tên một phong cách nghệ thuật Chăm Pa hay nói cách khác là tên dùng để chỉ trình độ xây dựng công trình của người Chăm thời bấy giờ đạt đến một mức độ tinh xảo đó.

Tháp Mắm

là một quần thể kiến trúc Chăm nằm tại tỉnh Bình Định. Khu vực Tháp Mắm được học giả người Pháp là J. Y. Claeys phát hiện năm 1934. Lúc bấy giờ tháp đã đổ, chỉ còn phế tích nhưng các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều tác phẩm điêu khắc với các đề tài môn thần và thú vật huyền thoại. Đáng chú ý trong đó là các hình nữ thần đầu người mình chim - kinnara, thần điểu - garuda, thủy quái - makara, linh thú kết hợp đầu voi mình sư tử - Gajasimha.