Chùa Đẩu Long
Chùa Đẩu Long | |
---|---|
Vị trí | |
Quốc gia | Việt Nam |
Địa chỉ | Phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình |
Thông tin | |
Tôn giáo | Phật giáo |
Tông phái | Phật giáo Đại thừa |
Khởi lập | Năm 984 (năm Thiên Phúc thứ 5) Dựng lại 1944 Trùng tu 1992 |
Người sáng lập | Vua Lê Đại Hành |
Quản lý | Giáo hội Phật giáo Việt Nam |
Trụ trì | Trần Thái Tông |
Trang web | http://www.phattuvietnam.net |
Cổng thông tin Phật giáo | |
Chùa Đẩu Long là ngôi chùa cổ, có lịch sử hình thành từ thời Đinh - Lê thế kỷ X. Chùa đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Mặc dù là kiến trúc chùa nhưng nơi đây cũng đồng thời là một đền thờ 9 vị thần của các làng xung quanh. Chùa Đẩu Long tọa lạc ở trung tâm thành phố Ninh Bình.
Vị trí
[sửa | sửa mã nguồn]Chùa Đẩu Long hiện nay thuộc phố Đẩu Long, phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình. Chùa nằm trong địa bàn thành phố, trong khu đất thuộc di tích hiện nay vào loại rộng so với nhiều di tích khác ở trong tỉnh Ninh Bình (khoảng hơn 3ha). Khu đất rộng, bằng phẳng, có cảnh quan đẹp. Chùa đã được xếp hạng di tích lịch sử, văn hoá cấp quốc gia theo quyết định ngày 25/4/1994 của Bộ Văn hoá thông tin.
Tên gọi
[sửa | sửa mã nguồn]Trong tên chữ của Chùa Đẩu Long, chữ Đẩu có nghĩa là sao Đẩu, vì chùa nằm ở phía Bắc xã Phúc Am thời xưa, phía có sao Đẩu chiếu, chữ Long có nghĩa là Rồng, là nơi Vua đã từng đến.
Tại di tích hiện còn một vế câu đối chạm đá: "Thiên Đẩu Ngưu Quang Lâm Phạm Vũ" dịch: Sao Đẩu sao Ngưu chiếu sáng chùa vì vậy kết hợp chữ Đẩu và Long mà gọi là chùa Đẩu Long. Nhân dân thành phố Ninh Bình thường gọi tắt là Chùa Đẩu.
Sự tích có liên quan đến vua Lê Hoàn, năm 981 khi đánh Tống thắng trận, khải hoàn trở về ông đã cho khao quân và ăn mừng trên đất Phúc Thành này mà có. Do đó Đẩu Long là một ngôi chùa có di tích được hình thành từ khá lâu đời, về niên đại đến nay đã trên 1000 năm lịch sử. Tương truyền rằng, ở trên địa bàn giáp danh giữa kinh thành Hoa Lư và đất Phúc Thành có nhiều ngôi chùa đều lấy tên là "Long" đó là: chùa Đẩu Long, chùa Bát Long, chùa Hưng Long đều thuộc thành phố Ninh Bình, chùa Bàn Long ở huyện Hoa Lư, và một ngôi chùa nữa có tên là chùa Phúc Long tự. Các ngôi chùa này đều chỉ cho rồng hoặc các bộ phận của con rồng, đó là những ngôi chùa do vua Lê Hoàn xây dựng, hoặc đã được khởi dựng từ thời gian đó.[1]
Các đối tượng suy tôn
[sửa | sửa mã nguồn]Chùa Đẩu Long ngoài thờ phật còn thờ 9 vị thần ở nhiều giai đoạn lịch sử. Các vị thần này đều được thờ ở các di tích khác ở các làng xung quanh chùa nên được rước về thờ sở ở ngôi chùa hữu chung. Chùa Đẩu Long thờ Phật đã nghiễm nhiên trở thành một toà đền thờ các vị anh hùng dân tộc và các vị nhiên thần, những linh khí của núi sông núi Tràng An nước Việt hùng vĩ.[2]
- Thần Quý Minh: là vị thần trấn nam Hoa Lư tứ trấn.
- Trần Quốc Tảng [3] vốn thờ ở đền Lăng, khu vực sân vận động Ninh Bình ngày nay, đền bị phá từ lâu.
- Nguyễn Bặc: Một trong "Tứ trụ" Triều đình thời Đinh Tiên Hoàng.[4] được thờ ở đền Hiềm.
- Hoàng Đế Lê Đại Hành: được thờ ở đền Đồng Bến ở khu vực phía trước Nhà thi đấu tỉnh Ninh Bình.
- Trương Hán Siêu: được thờ ở đền Quan Thái phó; đền bị phá năm 1952, đền mới được dựng ở chân núi Non Nước.
- Trần Hưng Đạo
- Thánh Mẫu được thờ ở chân núi Kỳ Lân
- Phổ Hộ đại vương gia phong Đoan Túc trung đẳng Thần.[5]
- Uy Huệ vương gia phong Đoan Túc tôn thần; Hoặc là đức Khâm Minh Duệ Vũ hoàng đế.[6]
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Lê Đại Hành hoàng đế (黎大行 941 – 1005) ngọc bệ hạ. Đại Hành hoàng đế tên thật là Lê Hoàn (黎桓). Ông là vua khởi lập triều Tiền Lê, sau khi đánh quân Tống năm 981 trở về liền cho khao quân trên đất Phúc Thành và cho dựng chùa ở đây, nên về sau được thờ thành những vị thần anh linh tại chùa Đẩu Long
- ^ “Chùa Đẩu Long- Một trong tứ long của vùng đất trung tâm thành phố Ninh Bình”. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 8 năm 2016. Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2016.
- ^ Căn cứ vào lịch sử địa phương và các chứng tích còn lưu lại ở chùa Đẩu nói rằng ông đã về đây tu tập6 tại chùa và lập căn cứ chống giặc ở vùng Ninh Bình. Trước kia ở phía sau khu vực chùa Đẩu còn có di tích một lăng mộ, người ta cho rằng đó là lăng của Trần Quốc Tảng, nhưng hiện nay đã mất tích. Trong chùa Đẩu bây giờ vẫn còn hòn đá mài gươm của ông và còn có một giếng cổ tương truyền do ông cho đào, đến nay vẫn còn.
- ^ Nguyễn Bặc (阮匐, 924 - 979). Ông là đại thần thuộc một trong tứ trụ triều đình nhà Đinh là: Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú và Lưu Cơ. Nguyễn Bặc có công cùng với Đinh Bộ Lĩnh giẹp loạn 12 sứ quân, đưa giang sơn về một mối. Theo truyền thuyết, khi vua Đinh Bộ Lĩnh mất xong, Nguyễn Bặc vào trấn giữ vùng Ái Châu (xứ Thanh). Đến khi thái hậu Dương Vân Nga trao hoàng bào cho Lê Hoàn và tôn ông lên ngôi vua thì Nguyễn Bặc kéo quân về chống cự. Ông bị quân Lê Hoàn chém gần đứt cổ và đã chạy về vùng đất Kỳ Vĩ giáp danh đất Phúc Thành rồi tử trận. Nhân dân nhớ công ông và lập đền thờ gọi là Đền Hiềm. Ở chùa Đẩu Long vì thế cũng có liệt ông vào hạng chín vị thần anh linh để tôn thờ
- ^ Theo tài liệu của Viện bảo tàng lịch sử Việt Nam, Thông báo khoa học 1988, tr.87.
- ^ Những nhân vật từ phần 1 đến phần 7 đã có lịch sử rõ ràng nên ghi theo thứ tự từ trước đến nay. Còn hai vị sau này hiện chưa tìm ra lịch sử rõ ràng cho nên tạm liệt kê ở phần phía sau.