Bước tới nội dung

Chuối xiêm

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Chuối xiêm
Buồng chuối xiêm chưa chín tại Thoại Sơn, An Giang, Việt Nam
Nguồn gốc lai ghépMusa acuminata × Musa balbisiana
Nhóm giống cây trồngnhóm ABB[1][2][3][4][5][6][7]
Giống cây trồngChuối xiêm
Nguồn gốc xuất xứThái Lan[1]

Chuối xiêm (còn gọi là chuối sứ) là một giống chuối trồng nông nghiệp có nguồn gốc từ Thái Lan,[1] thuộc nhóm chuối tam bội ABB.[1][2][3][4][5][6][7] Giống chuối này là một trong những loại cây ăn quả và cây trồng quan trọng nhất ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên toàn thế giới. Quả chuối xiêm chứa nhiều chất dinh dưỡng thường được ăn lúc chín vàng tươi hoặc chế biến thành nhiều món ăn khác. Hầu như tất cả bộ phận của cây chuối xiêm đều có công dụng hữu ích với người.

Tên gọi

[sửa | sửa mã nguồn]
Buồng chuối xiêm ở Bến Tre

Chuối xiêm có tên gọi địa phương tại Úc là 'Ducasse',[6] tại Uganda là 'Kayinja'.[8] Tên gọi pisang awak theo tiếng Malaysia được sử dụng phổ biến trong viện nghiên cứu.[9][2]Thái Lan, chúng được gọi là kluai nam wa (กล้วยน้ำว้า).[10] Thuật ngữ nam wa được chuyển sang tiếng Khmer, theo đó chuối xiêm tại Campuchia có tên gọi chek nam va (ចេកណាំវ៉ា).[11] Nhưng tại tỉnh Surin nói tiếng Khmer của Thái Lan, chuối xiêm có tên chek sâ (ចេកស) hoặc chuối trắng.[12] Giống chuối này có nhiều cách viết La tinh bao gồm 'Namwah Tall' (với chữ 'h' thừa). Trong tiếng Việt, chúng được gọi là chuối sứ hoặc chuối xiêm. Ở Philippines, chúng thường được gọi là lagkitan ở vùng Nam Tagalog hoặc botolan ở vùng Palawan.[13]

Là một dạng đột biến chắc khỏe, 'chuối xiêm lùn' được biết đến ở Mỹ với tên gọi Musa 'Dwarf Namwa' do công ty Agri-Starts phát triển;[14] và trong tiếng Thái là kluai nam wa khom (กล้วยน้ำว้าค่อม).[3]

Phân loại

[sửa | sửa mã nguồn]

Chuối xiêm có nguồn gốc từ Thái Lan,[1] là giống lai giữa Musa acuminataMusa balbisiana. Đa số các tài liệu đều cho rằng chuối xiêm thuộc nhóm giống chuối mang bộ gen ABB tam bội.[1][2][3][4][5][6][7] Nhưng vẫn có tài liệu cho rằng giống này thuộc nhóm bộ gen AABB tứ bội.[15] Danh pháp khoa học là Musa (ABB) 'Pisang Awak'.[5] Danh pháp đồng nghĩa là: Musa paradisiaca var. awak.[16]

Tổng quan

[sửa | sửa mã nguồn]

Quả chuối xiêm có hình dáng hai đầu thon và nhỏ, không dài, phần giữa to, trên vỏ có ba gờ và cuống dài. Khi chín vỏ vàng, mùi thơm, phần thịt trắng nõn và có vị ngọt nhẹ vừa phải và hơi chát.[17] Chuối xiêm cho quả nhiều hạt khi nguồn phấn hoa dồi dào.[18]

Cây mọc cao 3 đến 5,2 m (9,8 đến 17,1 ft).[2] Trồng ven theo bờ kinh, mương, sông rạch... Chuối xiêm trồng từ 8 tháng đến 1 năm sẽ ra quả. Bụi chuối cách nhau khoảng 1 m. Mỗi năm bón phân cho chuối từ 1 - 2 lần. Tùy theo cây con khi trồng nhỏ hay lớn, từ ngày trổ quả đến chín khoảng 100 ngày. Sau khi thu hoạch buồng chuối sẽ tiến hành tỉa cây, lá cho thoáng để cây con dễ mọc lên.[19]

Sinh thái

[sửa | sửa mã nguồn]

Cây chịu được khí hậu nắng nóng, chịu hạn tốt, thích hợp trồng ở vùng khô hạn.[2][19] Chuối xiêm ưa ẩm và ưa sáng, thích nghi với điều kiện nhiệt đới nóng và ẩm. Lượng mưa trong năm cần phân bổ đều, khoảng 200–220 mm/tháng. Nhiệt độ lý tưởng khoảng từ 15-35 °C.[20] Chuối có thể trồng trên nhiều loại đất, nhưng tốt nhất vẫn là đất phù sa có tầng mặt dày, tơi xốp, nhiều mùn, giàu dinh dưỡng, giữ ẩm và thoát nước tốt. Nếu đất có tầng canh tác mỏng, nhiều cát, nghèo chất hữu cơ hoặc nhiễm mặn sẽ khiến cây chuối sinh trưởng kém. Độ pH đất trồng chuối xiêm từ 5.0 - 7.0. Nếu đất quá chua hoặc kiềm quá sẽ khiến chất lượng quả ảnh hưởng, không ngọt và không thơm.[20]

Công dụng

[sửa | sửa mã nguồn]

Uganda, chuối xiêm (được người dân địa phương gọi là kayinja) được trồng để nấu bia chuối.[8][21]

Campuchia, chuối xiêm (tiếng địa phương là chek nam va) được ưa chuộng hơn số khác vì có nhiều công dụng trong khi các giống chuối khác chỉ có giá trị về quả.[22] Hoa chuối (ở giai đoạn ra hoa đực) và thân giả tuy có tính se nhưng được dùng làm rau ăn. Lá gấp lại được dùng làm hộp chứa các món cà ri hấp, ví dụ: cá hấp amokansom chek để hương thơm của lá chuối lan tỏa vào thức ăn đang nấu.[22][23]

Việt Nam, chuối xiêm được ăn cả lúc chín vàng lẫn ăn sống lúc quả còn xanh.[24] Quả còn dùng để chế biến rất nhiều món ăn như kem chuối, chè chuối, chuối chiên, chuối nướng, chuối luộc...[19] Món "chuối nếp nướng" chế biến từ chuối xiêm, là một trong 9 món được CNN nhắc đến trong danh sách "Những món tráng miệng ngon nhất thế giới".[25] Quả chuối xanh còn sống có thể được dùng trong các món rau ghém, ăn kèm món cuốn.[17][19] Tại miền Tây Nam Bộ, hầu như tất cả bộ phận của cây chuối xiêm đều được người dân tận dụng để phục vụ cho đời sống.[26] Ngoài quả chuối để ăn thì lá chuối được dùng để gói các món bánh truyền thống (bánh tét, bánh ít,...), cuống lá khô dùng làm dây buộc. Bắp chuối xiêm (tức hoa chuối theo cách gọi ở miền Tây Nam) sau khi đã trổ xong buồng được tận dụng để chế biến món ăn như trộn món gỏi bắp chuối,[27][28] thái sợi ăn kèm các món bún (như bún bò Huế, bún riêu cua, bún nước lèo, bún mắm, ...). Đặc biệt, người dân miền này cho rằng chỉ bắp chuối xiêm và chuối hột là ăn được, còn lại của các giống chuối khác thì không thể ăn do vị đắng, nhiều mủ.[26]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c d e f Ortiz, Amil (2016). MUSA TAXONOMIC REFERENCE COLLECTION (PDF). Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ: Agricultural Research Service - United States Department of Agriculture. tr. 105–108.
  2. ^ a b c d e f Wang, Koon-Hui; Angela K. Kepler & Cerruti R.R. Hooks (2009). “Brief Description of Banana Cultivars Available from the University of Hawaii Seed Program”. College of Tropical Agriculture and Human Resources. University of Hawai'i at Manoa: 7. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2024 – qua Docplayer.
  3. ^ a b c d “แปลงรวบรวมพันธุ์กล้วยพื้นเมืองภาคใต้เพื่อการเรียนรู้” [Sơ đồ sưu tập các giống chuối bản địa miền nam để học tập] (PDF). r12.ldd.go.th (bằng tiếng Thái). Kaluwo Nuea, Mueang, Narathiwat, Thái Lan: ศูนย์ศึกษา การพัฒนาพิกุลทองฯ (Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Phikunthong). Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2024.
  4. ^ a b c Wang, Xiaoyi; Wang, Anbang; Li, Yujia; Xu, Yi; Wei, Qing; Wang, Jiashui; Lin, Fei; Gong, Deyong; Liu, Fei (2021). “A Novel Banana Mutant "RF 1" (Musa spp. ABB, Pisang Awak Subgroup) for Improved Agronomic Traits and Enhanced Cold Tolerance and Disease Resistance”. Frontiers in Plant Science. 12: 730718. doi:10.3389/fpls.2021.730718. ISSN 1664-462X. PMC 8496975. PMID 34630479.
  5. ^ a b c d Porcher, Michel (27 tháng 3 năm 2011). “Sorting Musa cultivars”. Đại học Melbourne. Truy cập ngày 18 tháng 3 năm 2024.
  6. ^ a b c d Robert Williams. “Australian banana industry: Status and R&D update”. Advancing Banana and Plantain R&D in Asia and the Pacific. 13: 19–36. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  7. ^ a b c Molina, A. B.; Roa, V. N. (2000). Advancing Banana and Plantain R and D in Asia and the Pacific (bằng tiếng Anh). Italy: International Plant Genetic Resources Institute - Bioversity International. tr. 59. ISBN 978-971-91751-3-1.
  8. ^ a b Rietveld, A. M.; Mpiira, S.; Jogo, W.; Staver, C.; Karamura, E. B. (29 tháng 7 năm 2013). “The beer banana value chain in central Uganda.”. Trong Blomme, G.; Asten, P. van; Vanlauwe, B. (biên tập). Banana systems in the humid highlands of sub-Saharan Africa: enhancing resilience and productivity (bằng tiếng Anh) (ấn bản thứ 1). UK: CABI. tr. 191–201. doi:10.1079/9781780642314.0191. ISBN 978-1-78064-231-4. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.Quản lý CS1: ngày tháng và năm (liên kết)
  9. ^ Musa Malay Names”. Germplasm Resources Information Network. 1999. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 5 năm 2010. Truy cập ngày 29 tháng 6 năm 2011.
  10. ^ Sanoppa, Kanokchan; Meesangket, Supatsorn; Aemchalee, Widchayut; Wongwan, Panupong (2021). “Effects of Supplementation with Pigment Powders from Monascus purpureus Fermented with Pisang Awak Banana (Musa sapientum Linn.) Replace Nitrite in Fermented Pork Sausage” ผลของการใช้ผงสีจาก Monascus purpureus หมักกับกล้วยน้ำว้าทดแทนไนไตรท์ในผลิตภัณฑ์แหนม. The journal of King Mongkut's University of Technology North Bangkok (bằng tiếng Thái). 31 (1): 99–108. doi:10.14416/j.kmutnb.2020.08.001. ISSN 2985-2145 – qua kmutnb.
  11. ^ ទិត ស្រ៊ (25 tháng 8 năm 2020). “ចេកណាំវ៉ា ជាដំណាំពេញនិយមរបស់ប្រជាពលរដ្ឋរស់នៅខេត្តព្រះវិហារ និងជួយបង្កើនប្រាក់ចំណូលបានយ៉ាងច្រើនផងដែរ”. information.gov.kh (bằng tiếng Khmer). Phnom Penh, Campuchia: ក្រសួងព័ត៌មាន (Bộ Thông tin Campuchia). Truy cập ngày 30 tháng 1 năm 2024.
  12. ^ Teel, Stephen, Northern Khmer-Thai-English Dictionary, typescript, Surin, July 1988, Vol. I (ก-บ), p. 172.
  13. ^ Dizon, Teodora; Pinili, Marita; Cruz, Filipe dela; Damasco, Olivia; Bergh, Inge Van den; Waele, Dirk De (1 tháng 4 năm 2010). “Response of Philippine banana (Musa spp,) cultivars to radopholus similis (Thorne) and meloidogyne incognita chitwood under greenhouse conditions” (PDF). Philippine Journal of Crop Science. 35 (1): 39.
  14. ^ Musa 'Dwarf Namwa'. agristarts.com. Agri-Starts, Inc. Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 1 năm 2024. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2024.
  15. ^ M. Pillay; E. Ogundiwin; A. Tenkouano & J. Dolezel (2006). “Ploidy and genome composition of Musa germplasm at the International Institute of Tropical Agriculture (IITA)”. African Journal of Biotechnology. 5 (13): 1230. ISSN 1684-5315. Truy cập ngày 29 tháng 6 năm 2011.
  16. ^ Chong, L.; Aziah, A. N. (2008). “Influence of Partial Substitution of Wheat Flour with Banana (Musa paradisiaca var. Awak) Flour on the Physico - Chemical and Sensory Characteristics of Doughnuts” (PDF). International Food Research journal. 15 (2): 119–124 – qua Semantic Scholar.
  17. ^ a b Minh Hoa (4 tháng 11 năm 2021). “Cách phân biệt và giá cả các loại chuối phổ biến hiện nay”. Người Đưa Tin. Truy cập ngày 30 tháng 1 năm 2024.
  18. ^ Nelson, Scot; Ploetz, Randy; Kepler, Angela Kay (2006). “Musa species (banana and plantain)” (PDF). Species Profiles for Pacific Island Agroforestry: 7 – qua Researchgate.
  19. ^ a b c d Hà Đan (12 tháng 10 năm 2023). “Chuối sứ phủ xanh núi đồi An Lão”. Tạp chí Công Thương. Truy cập ngày 30 tháng 1 năm 2024.
  20. ^ a b “Quy trình kỹ thuật trồng chuối Xiêm sinh thái”. nongnghiepcamau.vn. SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH CÀ MAU. 21 tháng 3 năm 2023. Truy cập ngày 30 tháng 1 năm 2024.
  21. ^ Rietveld; Ajambo; Nowakuna; Khakasa; Batte; Jakana; Bwengye; Kikulwe; Stoian (2014). “ENHANCING BANANA JUICE AND BEER PRODUCTION & MARKETING IN UGANDA: A PROPOSED BUSINESS CASE” (PDF). International Fund for Agricultural Development – qua CGIAR.
  22. ^ a b Chiv Lina (14 tháng 9 năm 2009). “Khmer Banana”. Chanbokeo. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2024.
  23. ^ Deborah S. Hartz-Seeley (30 tháng 7 năm 2009). “Learn to make Cambodian-Style Fish Amok Step-by-Step”. Sun Sentinel. South Florida. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2024.
  24. ^ “Giới thiệu các loại chuối hiện nay và cách phân biệt từng loại chuối”. Báo Đắk Nông điện tử. 18 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 30 tháng 1 năm 2024.
  25. ^ Anh Minh (12 tháng 3 năm 2023). “Chuối nếp nướng vào top món tráng miệng ngon nhất thế giới”. Vnexpress. Truy cập ngày 30 tháng 1 năm 2024.
  26. ^ a b Hồng Khuyên (21 tháng 11 năm 2015). “Món gỏi bắp chuối xắt thơm ngon thết đãi khách”. Báo Dân Việt. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2024.
  27. ^ HOÀI VŨ (16 tháng 1 năm 2013). “Gỏi lươn trộn bắp chuối”. TUOI TRE ONLINE. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2024.
  28. ^ Hoàng Lê (21 tháng 7 năm 2016). “Dân dã vịt đồng nấu cháo, trộn gỏi bắp chuối xiêm”. Báo Dân Việt. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2024.