Bước tới nội dung

Kazoku

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Kazoku (華族 (Hoa tộc)?) là các quý tộc cha truyền con nối ở Đế quốc Nhật Bản tồn tại từ năm 1869 đến năm 1947.

Nội sảnh Câu lạc bộ Quý tộc, Tokyo 1912

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau cuộc Minh Trị Duy Tân năm 1868, các công gia (公家, kuge) - tức những gia đình công khanh triều đình Thiên hoàng ở kinh đô Kyoto - đã lấy lại được phần nào địa vị đã mất do sự thống trị của các dòng họ Mạc phủ suốt nhiều thập kỷ. Một số lớn công khanh trong triều đình đóng vai trò quyết định trong việc lật đổ Mạc phủ Tokugawa, và chính quyền Minh Trị non trẻ đã bổ nhiệm những công khanh này đứng đầu cả bảy cơ quan hành chính mới thành lập.

Các phiên phiệt nhanh chóng tiến hành các cải cách theo lối Âu hóa, họ gộp chung địa vị của các công gia với các lãnh chúa đại danh cũ thành một giai cấp quý tộc mang tên là Hoa tộc vào ngày 25 tháng 7 năm 1869, công nhận rằng các công gia và các cựu đại danh là một tầng lớp xã hội khác biệt so với các tầng lớp xã hội khác như sĩ tộc (võ sĩ) và bình dân (heimin). Itō Hirobumi (Y Đằng Bác Văn), một trong những tác giả chính của bản Hiến pháp Đế quốc Nhật Bản dự định lấy các quý tộc mới này làm bức tường chính trị và xã hội cho việc "phục hồi" uy quyền của Hoàng gia và thể chế triều đình Nhật Bản. Vào lúc đó, tổng cộng các công gia và cựu lãnh chúa đại danh bao gồm 427 gia đình.

Tất cả các thành viên của hoa tộc không nhậm chức tại các tỉnh ban đầu có nghĩa vụ phải ở lại thủ đô Tokyo. Cho đến hết năm 1869, hệ thống lương hưu được áp dụng, dần dần thay thế các hoa tộc khỏi vị trí thống đốc các tỉnh và lãnh đạo chính phủ. Nguồn thu nhập được chính quyền đảm bảo này cuối cùng được thay thế bằng trái phiếu chính phủ

Phát triển

[sửa | sửa mã nguồn]
Kazoku, ảnh nhóm

Dưới Đạo luật Quý tộc ngày 7 tháng 7 1884, do Ito Hirobumi làm trọn sau chuyến viếng thăm châu Âu, triều đình Minh Trị mở rộng giai cấp quý tộc truyền đời như một phần thưởng cho những người có đóng góp quan trọng cho quốc gia. Triều đình cũng chia Kazoku thành 5 bậc rõ ràng là dựa trên hệ thống quý tộc Anh, nhưng với tên hiệu từ quý tộc Trung Quốc cổ đại:

  1. Công tước (公爵 kōshaku?)
  2. Hầu tước (侯爵 kōshaku?)
  3. Bá tước (伯爵 hakushaku?)
  4. Tử tước (子爵 shishaku?)
  5. Nam tước (男爵 danshaku?)

Tước hiệu ban đầu cho các gia đình hoa tộc phụ thuộc vào vị trí cao nhất mà tổ tiên họ đã được nhận từ triều đình. Do đó, con cháu của 5 gia tộc nhiếp chính (ngũ nhiếp gia, 五摂家, go-seike): nhà Gia tộc Fujiwara (Konoe, Takatsukasa, Kujo, Ichijo, và Nijo) tất cả đều trở thành Công tước. Những người đứng đầu của các gia tộc công khanh triều đình khác (bao gồm Daigo, Hamuro, Hirohata, Kazan'in, Kikutei, Koga, Nakamikado, Nakayama, Oinomikado, Saga, Sanjo, Saionji, Shijo, và Tokudaiji) trở thành Hầu tước. Tộc trưởng Gia tộc Thượng, Vương gia cũ của Ryūkyū (Okinawa), được nhận tước Hầu. Năm 1910 Triều Tiên sáp nhập vào Nhật Bản và hoàng đế họ Lý bị giáng xuống tước vương.

Trừ nhà Tokugawa, việc ban các tước hiệu hoa tộc ban đầu cho các cựu lãnh chúa đại danh dựa trên sản lượng gạo của họ: những người từ 150 vạn thạch gạo trở lên trở thành Hầu tước, từ 5 vạn thạch trở lên trở thành bá tước,… Cựu Tướng quân của Mạc phủTokugawa Keiki trở thành Công tước, chi trưởng các chi của nhà Tokugawa ban đầu (shinpan daimyo) trở thành Hầu tước, và chi trưởng các chi thứ trở thành Bá tước.

Như trong hệ thống quý tộc Anh, chỉ có người thực sự nắm giữ tước hiệu và phu nhân mới được coi là một thành viên của hoa tộc. Người nắm giữ hai tước hiệu đầu, Công tước và Hầu tước, tự động trở thành thành viên của Quý tộc Viện trong Nghị viện Nhật Bản theo thừa kế hay đến tuổi trưởng thành (trong trường hợp quý tộc này còn nhỏ tuổi). Bá tước, Tử tước và Nam tước được bầu 150 đại diện từ tước hiệu của mình vào Viện Quý tộc.

Các tước hiệu và thu nhập tài chính cha truyền con nối được truyền cho con trưởng, mặc dù các gia đình hoa tộc thường nhận con trai nuôi từ các chi phụ của nhà mình và các nhà hoa tộc khác để tránh dòng họ bị tuyệt tự. Sửa đổi năm 1904 của Luật Hoàng gia năm 1889 cho phép các Hoàng tử nhỏ tuổi (ō) của Hoàng tộc từ bỏ địa vị Hoàng gia và trở thành quý tộc (dựa trên quyền của chính họ hay người thừa kế các quý tộc không có con. Ban đầu có 11 Vương Công không phải người Hoàng tộc, 24 Hầu tước, 76 Bá tước, 324 Tử tước và 74 Nam tước, tổng cộng có 509 quý tộc.[1] Cho đến năm 1928, qua việc ban thưởng và mới tạo ra, có 954 quý tộc: 18 Vương Công không mang quốc tính, 40 Hầu tước, 108 Bá tước, 379 Tủ tước, và 409 Nam tước. Hoa tộc lên đến đỉnh cao là 1016 gia đình vào năm 1944.[2]

Hiến pháp Nhật Bản hủy bỏ hệ thống hoa tộc và chấm dứt việc sử dụng tất cả các tước hiệu quý tộc ngoài Hoàng gia hiện thời. Tuy vậy, nhiều hậu duệ của các gia đình hoa tộc vẫn tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong công nghiệp và xã hội Nhật Bản.[3]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Jansen, Marius B. (2000). The Making of Modern Japan. Belknap Press. ISBN 0674009916.
  • Lebra, Sugiyama Takie (1993). Above the Clouds: Status Culture of the Modern Japanese Nobility. Berkeley, California: University of California Press. ISBN 978-0-520-07602-0.
  • Wakabayashi, Bob Tadashi. "In Name Only: Imperial Sovereignty in Early Modern Japan", The Journal of Japanese Studies, Vol. 17, No. 1 (Winter 1991), pp 25–57.
[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Jansen, The Making of Modern Japan, page 391
  2. ^ Kodansha Encyclopedia of Japan, page 1194
  3. ^ Lebra, Above the Clouds: Status Culture of the Modern Japanese Nobility