Thảo luận:Trận Stalingrad

Nội dung trang không được hỗ trợ ở ngôn ngữ khác.
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Dự án Chiến tranh thế giới thứ hai
Trang này được thực hiện với sự phối hợp của các thành viên thuộc dự án Chiến tranh thế giới thứ hai, một dự án hợp tác giữa các thành viên nhằm nâng cao chất lượng các bài viết về Chiến tranh thế giới thứ hai. Nếu bạn muốn tham gia, xin hãy đến thăm trang của dự án! Bạn cũng có thể ghé qua trang thảo luận để trao đổi hoặc đề xuất ý kiến.
BBài viết đạt chất lượng B.
Đặc biệtBài viết được đánh giá đặc biệt quan trọng.

Thiếu tên đề mục[sửa mã nguồn]

Bạn 58.187.23.29 thân mến! Phần bạn đưa vào từ trang Web về chiến tranh giữ nước vĩ đại của Người Việt tại Nga là có rất nhiều thông tin quý báu, chúng ta có thể dựa vào đó để biên tập một bài viết rất tốt có đầy ắp các thông tin phong phú. Nhưng xin lưu ý bạn như sau:

  • lý do bản quyền nên chúng ta không thể đưa nguyên nội dung từ nguồn khác vào được, xin bạn hãy biên tập lại, dùng các thông tin đó nhưng viết lại bằng văn phong của mình như thế thì tốt biết bao nhiêu.
  • Bài trên trang Web của người Việt tại Nga là một bài phong phú thông tin, có thể nói là bài tốt, nhưng đối tượng đọc của nó khác với từ điển bách khoa mà một nguyên tắc của từ điển bách khoa Wiki là tính khách quan trung lập, trung lập không những đối với người Việt tại hai chiến tuyến mà khách quan trung lập với mọi quốc gia, mọi dân tộc khác, mọi vấn đề đều phải xem xét trên quan điểm khách quan: ở đây không có "quân ta" hay "bọn giặc" và tránh những đánh giá đề cao một phía có tính tuyên truyền, tránh lối viết dành riêng tình cảm cho một phía, điều này trang Web trên không đáp ứng được (vì đối tượng phục vụ của nó là khác). Do đó rất mong sự đóng góp của bạn biên tập lại sao cho đáp ứng được giá trị trung lập khách quan trên.
Tô Linh Giang 00:55, ngày 03 tháng 10 năm 2005 (UTC)User:Tô Linh Giang

Xin các bạn giúp đỡ[sửa mã nguồn]

Cảm ơn Mekong Bluesman đã ghi chú các phiên âm tên nước ngoài. Quả thật việc phiên âm các tên tiếng nước ngoài là đòi hỏi phải có thời gian tra cứu các văn bản. Đề nghị bạn nào biết nhiều ngoại ngữ thì giúp đỡ thêm cho. Trong bài này có tên: Thống chế Đức tư lệnh cụm tập đoàn quân B: Von Boc (hoặc Bok) tôi chỉ biết trong tiếng Nga người ta viết là Фон Бок. Thống chế Đức Kleist tôi cũng chỉ tham khảo được trong bản tiếng Anh còn tiếng Đức thì tôi không đọc được, còn tiếng Nga thì quá xa với kiểu đọc đúng (Лист). Ngoài ra còn một số địa danh khác có thể cần hiệu chỉnh ví dụ núi Capcaz, riêng tên "Sông Đông" (tiếng Nga: Дон, tiếng Anh: Don) Theo tôi nghĩ là nên vẫn để là "sông Đông" vì nó đã rất quen thuộc với độc giả người Việt (nhất là ở miền Bắc). Đã có tác phẩm của Solokhov dịch ra tiếng Việt "Sông Đông êm đềm". Tô Linh Giang 01:30, ngày 04 tháng 10 năm 2005 (UTC)User:Tô Linh Giang

en:Fedor von Bock. Tôi tìm ra tên này bằng cách tìm Google cho chữ "Фон Бок" và "von" [1], không chắc là đúng. Nguyễn Hữu Dng 04:57, ngày 04 tháng 10 năm 2005 (UTC)[trả lời]
Đúng! Và tôi đã sửa. Mekong Bluesman 06:48, ngày 04 tháng 10 năm 2005 (UTC)[trả lời]

"Blitzkrieg" Vs "tiêu hao"[sửa mã nguồn]

Có bạn đã thêm vào phần kết quả một dòng như sau: Trận Stalingrad đã khiến quân Đức phải từ bỏ chiến thuật Blitzkrieg mà chuyển sang cách đánh tiêu hao. Tôi thấy đoạn cho thêm vào đây không đúng chỗ và rất đáng bàn:

  1. Chiến lược "Chiến tranh đánh nhanh thắng nhanh" (chứ không phải là chiến thuật) đã thất bại từ sau trận Moskva rồi. Từ đó Đức đã phải thi hành "chiến tranh tiêu hao" rồi và chính trận Stalingrad là để phục vụ mục đích của chiến lược chiến tranh tiêu hao nhằm cắt nguồn vận tải cung cấp theo sông Volga, chiếm thành phố công nghiệp quan trọng Stalingrad, chặn tiếp tế dầu mỏ, viện trợ từ phía nam theo sông Volga, chiếm nguồn lúa mỳ của đồng bằng sông Volga... Đó là đặc trưng của chiến tranh tiêu hao. Như vậy không thể nói là sau trận Stalingrad Đức phải bỏ "chiến thuật Blitzkrieg" để chuyển sang chiến tranh tiêu hao. Việc đó đã sảy ra rồi.
  2. Dòng trên rất dễ dẫn người đọc đến một sự hiểu sai: "chiến thuật Blitzkrieg" bị quân Đức từ bỏ khác với "cách đánh chiến tranh tiêu hao" như thế nào?. Chiến tranh Blitzkrieg của Đức đặc trưng bởi chiến thuật tấn công thọc sâu cơ động bằng xe tăng thiết giáp. Và sau này quân Đức không lúc nào từ bỏ chiến thuật con đẻ sở trường này của mình. Hãy xem trận phản công tại khu vực hồ Balaton và trận đánh giành thành phố Budapest của Hungary chỉ ngay trước khi Berlin thất thủ. Ở đây khái niệm chiến tranh đánh nhanh thắng nhanh hay chiến tranh tiêu hao phải được hiểu đó là chiến lược: "chiến lược dánh nhanh thắng nhanh", "chiến lược chiến tranh tiêu hao". Nó thể hiện ở chỗ trong chiến lược Blitzkrieg kế hoạch chiến tranh được hoạch định để kết thúc chiến tranh sớm kéo theo việc xây dựng kinh tế, huy động nguồn nhân lực, kế hoạch triển khai quân lực là để phục vụ mục tiêu ngắn hạn. Về mặt quân sự mục tiêu số 1 của Blitzkrieg là phải đánh đòn tiêu diệt xương sống lực lượng quân sự của đối phương và đánh chiếm trung tâm đầu não chính trị (thủ đô) của đối phương, buộc đối phương phải đầu hàng khi mà chưa suy kiệt về kinh tế, nguồn lực. Là kiểu đánh "chiếu tướng hết cờ" khi mà đối phương còn đầy đủ xe, pháo, mã...Còn chiến lược chiến tranh tiêu hao là khi phải huy động nguồn lực đất nước cho chiến tranh lâu dài kéo theo suy kiệt về kinh tế. Về mặt quân sự chiến tranh tiêu hao ngoài việc đánh tiêu diệt quân lực đối phương còn phải phá hoại các nguồn lực vật chất kinh tế để không cho đối phương tái bổ sung thiệt hại dần dần suy yếu đi và cuối cùng thất bại. Như vậy hai khái niệm chiến lược chiến tranh này được thể hiện ở tầm hoạch định chiến lược quân sự của quốc gia chứ không nên hiểu là "chiến thuật" là khái niệm gắn liền với thực tế hình thức tác chiến của đơn vị quân đội chiến thuật phụ thuộc khách quan vào trình độ binh lính, sỹ quan, trang bị vũ khí, chứ không phụ thuộc mấy vào kế hoạch chiến lược của cấp lãnh đạo quân đội và quốc gia.--Tô Linh Giang 05:44, 4 tháng 12 2006 (UTC)

Sửa thiệt hại:http://en.wikipedia.org/wiki/Battle_of_Stalingrad220.231.124.6 03:22, ngày 20 tháng 11 năm 2007 (UTC)[trả lời]

Nhiều hình Nga và quá ít hình Đức. Đề nghị bỏ bớt hình Nga cho cânKesseling (thảo luận) 12:44, ngày 27 tháng 9 năm 2008 (UTC)[trả lời]

Xe tăng là do Mỹ viện trợ theo luật Lend-lease, Nga không có mua mà Mỹ cũng không có đánh ở đâyKesseling (thảo luận) 12:50, ngày 27 tháng 9 năm 2008 (UTC)[trả lời]

Quá giống những gì Khangkhang và Yonai đã làm tại bài Chiến tranh Việt Nam và các bài tương tự.Tmct (thảo luận) 13:16, ngày 27 tháng 9 năm 2008 (UTC)[trả lời]

Lưu từ bài Paulus[sửa mã nguồn]

Chiến sự mào đầu quanh Stalingrad[sửa mã nguồn]

Sau chiến dịch đánh Liên Xô không thành công trong năm 1941, Hitler không còn đặt ra nhiều tham vọng cho năm 1942, mà muốn tập trung phần lớn lực lượng ở miền nam, chiếm lấy các mỏ dầu Kavkaz, vùng công nghiệp lưu vực sông Donets, vùng trồng lúa mỳ ở Kuban, và chiếm lấy thành phố Stalingrad. Làm như thế để đạt được vài mục đích chính: cắt đứt nguồn xăng dầu, một phần nguồn thực phẩm và một phần tiềm lực công nghiệp của Liên Xô vốn thiết yếu cho nhu cầu chiến tranh, trong khi cung ứng cho Đức tài nguyên xăng dầu và thực phẩm đang thiếu hụt. Hitler nói với tướng Paulus: “Nếu tôi không lấy được dầu của Maikop và Grozny thì tôi phải chấm dứt cuộc chiến này.”

Josef Stalin hẳn cũng nói câu tương tự. Ông cũng phải giữ lấy dầu hỏa của Kavkaz để tiếp tục chiến đấu. Do vậy, thành phố Stalingrad có tầm quan trọng đặc biệt. Nếu Đức chiếm được thành phố này, họ sẽ cắt đứt tuyến đường huyết mạch cuối cùng để vận chuyển dầu qua biển Caspisông Volga.

Vì thế, thành phố Stalingrad là chiến trường chủ chốt cho cả Đức và Liên Xô trong năm 1942, và Tập đoàn quân VI dưới quyền Paulus giữ vị trí chủ chốt. Đích thân Hitler ra lệnh Tập đoàn quân VI và Tập đoàn quân thiết giáp IV tiến quân dọc sông Volga thành một vòng cung rộng để sau cùng ép vùng trung nước Nga và Moskva giữa hai gọng kìm phía đông và phía tây.

Ngày 23 tháng 8 năm 1942, Tập đoàn quân VI đã tiến đến sông Volga, kế cận phía bắc Stalingrad. Hitler không hề ngờ vực tin tức quân báo của Đức ngày 9 tháng 9 cho rằng Liên Xô đã tung ra hết lực lượng dự phòng trên toàn mặt trận.

Tuy thế, như Đại tướng (Generaloberst) Kurt Zeitzler, Tham mưu trưởng Lục quân Đức, sau này thuật lại, mọi vẻ bề ngoài tốt đẹp đều đánh lừa sự thật bên dưới. Hầu như tất cả tướng lĩnh trên chiến trường cũng như trong Bộ Tổng tham mưu Đức đều nhận thấy những khuyết điểm trong hình ảnh tươi đẹp. Có thể tóm tắt: đơn giản là quân Đức không có đủ nguồn lực – quân số hoặc pháo hoặc tăng hoặc máy bay hoặc phương tiện vận chuyển – để tiến đến những mục tiêu mà Hitler luôn thúc giục.

Sườn bắc của Tập đoàn quân VI bị phơi bày một cách nguy hiểm dọc phòng tuyến sông Đông kéo dài hơn 560 kilômét từ Stalingrad đến Voronezh. Dọc phòng tuyến này, Hitler đã đặt ba Tập đoàn quân của quân chư hầu: Tập đoàn quân II Hungari phía nam Voronezh, Tập đoàn quân VIII của Ý xa hơn về phía đông-nam, và Tập đoàn quân III Rumani phía tây Stalingrad. Ngoài năng lực tác chiến đáng nghi ngờ, tất cả các đơn vị này đều thiếu trang bị, thiếu hỏa lực thiết giáp và đại pháo, thiếu cả phương tiện vận chuyển. Thêm nữa, họ bị trải mỏng trên phòng tuyến quá dài. Tập đoàn quân III Rumani trấn giữ phòng tuyến dài gần 170 kilômét mà chỉ có 69 tiểu đoàn. Nhưng Hitler chỉ có thể huy động những đơn vị quân chư hầu đến thế. Quân Đức không có đủ cơ số để trám vào các lỗ hỗng. Và vì lẽ ông tin rằng đã “xử lý xong” Liên Xô như ông bảo các tướng lĩnh, Hitler không tỏ ra lo lằng về phòng tuyến dài và sơ hở như thế dọc sông Đông.

Nhưng chính phòng tuyến này là mấu chốt cho cả Tập đoàn quân VI cùng Tập đoàn quân thiết giáp IV ở Stalingrad cũng như Cụm Tập đoàn quân[1] A ở Kavkaz. Nếu sườn sông Đông bị xuyên thủng, các lực lượng Đức ở Stalingrad sẽ bị bao vây và quân Đức ở Kavkaz sẽ bị cắt đứt đường tiếp vận hoặc đường về. Một lần nữa, Hitler đã đánh ván bài liều. Đây không phải là ván bài liều đầu tiên trong chiến dịch mùa hè.

Trận chiến cứ mãi dằng dai cho đến tháng 9 năm 1942, với hai mũi tiến công của quân Đức đến Stalingrad và Kavkaz đều phải dừng lại vì Liên Xô chống cự mãnh liệt. Suốt tháng 10 năm 1942, nhiều trận đánh ác liệt diễn ra trên đường phố Stalingrad. Quân Đức đạt được vài thành công, tiến đánh từ tòa nhà này sang tòa nhà khác, nhưng chịu thiệt hại nặng nề. Nhiều vùng đổ nát của thành phố vĩ đại này tạo cơ hội mà quân Nga khai thác cho việc phòng thủ kiên cường và dằng dai. Dù Đại tướng Franz Halder (bị Hitler cách chức ngày 24 tháng 9) và người kế nhiệm Zeitzler cảnh báo Hitler rằng binh sĩ ở Stalingrad đã kiệt sức, Hitler vẫn thúc đẩy họ phải tiến. Từng sư đoàn còn nguyên vẹn được tung vào rồi bị nghiền nát trong chiến trường địa ngục.

Thay vì là phương tiện cho cứu cánh – cứu cánh đã đạt được khi quân Đức tiến đến bờ tây của sông Volga phía bắc và nam của thành phố và cắt đứt giao thông đường thủy trên sông này – Stalingrad tự nó trở thành cứu cánh. Đối với Hitler, bây giờ việc chiếm lấy Stalingrad là vấn đề uy tín cá nhân của riêng ông. Khi ngay cả Zeitzler thu đủ can đảm để đề xuất với Lãnh tụ là nên rút Tập đoàn quân VI từ Stalingrad về khúc ngoặt của sông Đông (phía nam thành phố) xét qua mối hiểm nguy ở mạn sườn nam dọc dài theo sông Đông, Hitler nổi cơn giận dữ: Người lính Đức đặt chân đến nơi nào thì phải trụ ở nơi ấy!

Dù bước tiến khó khăn và thiệt hại nặng nghiêm trọng, ngày 25 tháng 10 năm 1942 tướng Paulus gọi vô tuyến về thông báo với Hitler rằng ông hy vọng sẽ chiếm được hoàn toàn Stalingrad chậm lắm là vào ngày 10 tháng 11. Phấn khích với lời trấn an này, Hitler ra lệnh Tập đoàn quân VI và Tập đoàn quân Thiết giáp IV, lúc này đang giao chiến ở phía nam thành phố, phải chuẩn bị để tiến công theo hướng bắc và nam dọc sông Volga sau khi chiếm được Stalingrad.

Không phải là Hitler phớt lờ mối đe dọa cạnh sườn dọc sông Đông. Nhật ký chiến trường của Bộ Tổng tham mưu ghi rõ là ông có lo lắng về việc này. Vấn đề là ông không xem đây là việc nghiêm trọng và vì thế không làm gì để ngăn chặn. Ông tỏ ra tự tin rằng tình hình nằm trong tay Đức, đến nỗi ông cùng Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh Lục quân rời tổng hành dinh vùng Ukraina.

Liên Xô phản công quanh Stalingrad[sửa mã nguồn]

Trong khi Hitler và các tướng lĩnh chủ chốt của Bộ Tổng tham mưu còn nán lại biệt điện nghỉ dưỡng của Hitler trên vùng núi Alps dễ chịu quanh Berchtesgaden, tin tức về đợt phản công của Liên Xô rạng sáng ngày 19 tháng 11 đi đến.

Dù Bộ Tổng tham mưu đã nghĩ Liên Xô sẽ phản công, họ không cho là quan trọng nên không cảnh báo Hitler cùng Thống chế Wilhelm Keitel (Tham mưu trưởng Bộ Tổng tham mưu Quân lực) và Đại tướng Alfred Jodl (Tham mưu phó Hành quân của Bộ Tổng tham mưu Quân lực). Hai người này vội vã quay về tổng hành dinh ở Đông Phổ, để lại Lãnh tụ cùng chiến hữu cũ tiếp tục sum vầy trong không khí núi rừng.

Sự yên bình của họ bị khuấy động bởi cuộc gọi của tướng Zeitzler, đã ở lại tổng hành dinh, đưa đến “tin đáng báo động”. Trong vòng vài tiếng đồng hồ, một lực lượng thiết giáp có hỏa lực vượt trội đã đánh xuyên qua Tập đoàn quân III Rumani dọc sông Đông, tây-bắc Stalingrad. Về phía nam thành phố, một lực lượng Liên Xô khác đang tấn công mãnh liệt Tập đoàn quân Thiết giáp IV của Đức và Tập đoàn quân IV Rumani.

Mục đích của Liên Xô là rõ ràng đối với những ai nhìn vào bản đồ và cũng rõ ràng đối với Zeitzler. Để phản công trên mặt trận quanh Stalingrad, Liên Xô đã tập trung một lực lượng mạnh mẽ dưới sự chỉ huy của tướng Georgi Konstantinovich Zhukov gồm có Tập đoàn quân (thứ 1, 5 và 21) gồm tổng cộng 18 sư đoàn bộ binh, thêm 8 lữ đoàn thiết giáp, 2 lữ đoàn cơ giới, 6 lữ đoàn kỵ binh và 1 lữ đoàn chống tăng, tổng cộng có hàng nghìn xe tăng. Quân Liên Xô đang tiến từ hướng bắc và nam để cắt đứt Stalingrad và ép Tập đoàn quân VI của Đức hoặc phải vội vã rút về hướng tây hoặc chịu bao vây. Ngay khi nhìn thấy những gì đang diễn ra, Zeitzler thúc giục Hitler cho phép Tập đoàn quân VI rút ra khỏi Stalingrad để quay về khúc rẽ của sông Đông rồi tái lập phòng tuyến ở đây. Chỉ lời đề xuất ấy đủ để Lãnh tụ nổi cơn giận dữ.

Ông thét lên Tôi sẽ không rời khỏi Volga. Tôi không rút lui từ Volga! và thế là hết. Được đưa ra trong nỗi cuồng nộ, quyết định này lập tức dẫn đến thảm họa. Đích thân Lãnh tụ ra lệnh cho Tập đoàn quân VI trụ lại quanh Stalingrad.

Hitler và đoàn tùy tùng về đến tổng hành dinh ngày 22 tháng 11. Lúc này, ngày thứ tư của cuộc phản công, tin đại họa đưa về. Hai lực lượng Liên Xô từ hướng bắc và nam đã bắt tay nhau ở Kalach, cách Stalingrad 60 kilômét về hướng tây trên khúc rẽ của sông Đông. Vào buổi tối, tướng Tư lệnh Tập đoàn quân VI Paulus gửi điện về xác nhận đơn vị của ông đã bị bao vây. Hitler lập tức ra lệnh Paulus dời tổng hành dinh vào thành phố và lập cứ điểm phòng vệ. Tập đoàn quân VI sẽ được tiếp tế bằng máy bay cho đến khi được giải cứu.

Nhưng đấy chỉ là động thái vô vọng. Hiện giờ có 20 sư đoàn Đức và 2 sư đoàn Rumani bị cắt đứt tại Stalingrad. Paulus cho biết họ cần tối thiểu 750 tấn hàng hậu cần mỗi ngày. Số lượng này vượt quá khả năng của Không quân vì thiếu máy bay vận tải. Ngay cả nếu có đủ máy bay, họ bị trở ngại vì bão tuyết và phải bay trên vùng trời mà không quân Liên Xô đã chiếm ưu thế. Tuy thế, Tư lệnh Không quân Hermann Göring trấn an Hitler rằng Không quân sẽ thực hiện nhiệm vụ. Có sách ghi Không quân Đức không hề thực hiện nhiệm vụ này, và có tài liệu cho biết Không quân Đức thật sự tiến hành đưa hàng tiếp tế đến, nhưng chỉ thỏa mãn được khoảng 10% nhu cầu của 500 tấn hàng tiếp tế mỗi ngày, vì lý do súng phòng không và chiến đấu cơ Nga ngăn chặn, thời tiết xấu....

Giải cứu Tập đoàn quân VI[sửa mã nguồn]

Việc giải cứu Tập đoàn quân VI là biện pháp thực tế hơn. Ngày 25 tháng 11, Hitler triệu hồi Thống chế Erich von Manstein, vị tư lệnh chiến trường tài ba nhất, từ mặt trận Leningrad xuống và giao cho ông chỉ huy một đơn vị được thành lập mới: Cụm Tập đoàn quân Don. Nhiệm vụ của Manstein là đánh lên từ phía tây-nam để giải cứu Tập đoàn quân VI tại Stalingrad.

Nhưng bây giờ Hitler đặt cho người tư lệnh mới của ông những điều kiện bất khả thi. Manstein cố gắng giải thích cho Hitler hiểu rằng cơ hội duy nhất để thành công là cho Tập đoàn quân VI rút ra khỏi Stalingrad đi về hướng tây trong khi Cụm Tập đoàn quân Don do Tập đoàn quân Thiết giáp IV dẫn đầu tiến lên hướng đông-bắc, đánh xuyên qua quân Liên Xô đang ở giữa hai lực lượng của Đức. Nhưng một lần nữa, Hitler từ khước việc rút khỏi sông Volga. Tập đoàn quân VI phải trụ lại Stalingrad và Manstein phải tiến công đến đấy.

Không thể làm được việc này, như Manstein đã cố biện luận. Quân Liên Xô quá mạnh. Tuy nhiên, với con tim nặng trĩu, ngày 12 tháng 12 Manstein mở cuộc tấn công. Đây là “Chiến dịch Bão mùa Đông,” một cái tên thích hợp vì lẽ mùa đông Nga đang bao trùm vùng thảo nguyên, phủ lớp tuyết dầy và hạ nhiệt độ xuống dưới không độ. Khởi đầu, cuộc tiến công đạt tiến bộ; Tập đoàn quân Thiết giáp IV dưới quyền Thượng tướng Hermann Hoth mở đường tiến lên hướng đông-bắc theo hai bên tuyến đường sắt hướng đến Stalingrad cách xa 120 kilômét. Ngày 19 tháng 12, họ tiến đến cách chu vi phía nam của thành phố hơn 60 kilômét; ngày 21 còn cách 50 kilômét, và qua vùng thảo nguyên phủ tuyết vào ban đêm binh sĩ của Tập đoàn quân VI có thể nhìn thấy ánh sáng của hỏa châu do quân bạn đến giải cứu bắn lên.

Theo lời khai sau này của tướng lĩnh Đức, lúc ấy Tập đoàn quân VI có thể đánh ra hướng về phía Tập đoàn quân Thiết giáp IV đang tiến đến họ. Nhưng một lần nữa, Hitler lại ngăn cấm. Ngày 21 tháng 12, Zeitzler cố thúc giục, rồi Hitler đồng ý cho binh sĩ của Paulus đánh ra miễn là họ vẫn giữ được Stalingrad. Lệnh điên rồ này khiến cho Zeitzler gần nổi khùng. Ông kể lại:

Buổi tối kế tiếp, tôi van nài Hitler cho phép việc đánh ra. Tôi vạch rõ rằng đây thật sự là cơ hội cuối cùng để giải cứu hai trăm nghìn binh sĩ của Paulus.
Hitler không chịu. Trong nỗi vô vọng, tôi mô tả cho ông ấy biết tình cảnh bên trong: binh sĩ đói khát đang tuyệt vọng, họ mất tin tưởng nơi Bộ Chỉ huy Tối cao, thương binh mong ước được chiếu cố đúng mức trong khi hàng nghìn người bị tê cóng mà chết. Ông ấy vẫn không tiếp thu những luận cứ này cũng như những lý do khác mà tôi đưa ra.

Khi gặp sức kháng cự càng lúc càng mạnh của quân Liên Xô phía trước và hai bên sườn, Tướng Hoth không có đủ lực lượng để tiến thêm 50 kilômét còn lại. Ông tin rằng nếu Tập đoàn quân VI đánh ra, ông vẫn có thể bắt tay với họ rồi cả hai lực lượng cùng rút về. Trong quyển hồi ký sau chiến tranh, Thống chế von Manstein nói rằng vào ngày 19 tháng 12, ông trái lệnh Hitler mà thật sự chỉ đạo cho Tập đoàn quân VI đánh ra khỏi Stalingrad về hướng đông-nam để bắt tay với Tập đoàn quân Thiết giáp IV. Có lẽ họ làm được việc này trong một hoặc hai ngày – giữa 21 và 22 tháng 12 – nhưng sau đấy là bất khả thi. Vì lẽ, Hoth không biết rằng Hồng quân đã đánh về hướng bắc và bây giờ đang đe dọa sườn trái của cả Cụm Tập đoàn quân Don dưới quyền Manstein. Ngày 23 tháng 12, Manstein ra lệnh Hoth dỡ bỏ bước tiến, điều một trong số ba sư đoàn thiết giáp về phòng tuyến phía bắc, và tự bảo vệ tại chỗ với lực lượng còn lại.

Nỗ lực giải cứu đã thất bại.

Quân Đức sụp đổ[sửa mã nguồn]

Manstein ra lệnh mới sau khi nhận được tin đáng lo ngại vào ngày 17 tháng 12. Sáng hôm ấy, quân Liên Xô đã xuyên thủng phòng tuyến của Tập đoàn quân VIII của Ý phía thượng nguồn sông Đông, và đến tối đã mở ra một khoảng hở rộng hơn 40 kilômét. Trong vòng ba ngày, khoảng hở rộng hơn 140 kilômét, quân Ý đang hoảng hốt tháo chạy, còn Tập đoàn quân III Rumani về phía nam cũng tan rã sau khi đã bị đánh vùi dập từ ngày đầu 19 tháng 11 của cuộc phản công từ Liên Xô. Không lạ gì mà Manstein phải lấy về một phần lực lượng thiết giáp của Hoth để lấp vào khoảng hở. Tiếp theo đấy là phản ứng dây chuyền.

Không những Cụm Tập đoàn quân Don mà cả lực lượng của Hoth cũng phải rút lui sau khi đã tiến gần Stalingrad đến thế. Những cuộc rút lui này gây nguy hiểm cho quân Đức ở Kavkaz: họ sẽ bị cắt đứt nếu quân Nga tiến đến Rostov trên bờ biển Azov. Một hoặc hai ngày sau Giáng sinh, Zeitzler vạch rõ với Hitler: “Nếu ông không ra lệnh rút lui từ Kavkaz, chẳng bao lâu ta sẽ có một Stalingrad thứ hai”. Ngày 29 tháng 12, Hitler đành phải ra lệnh cho Cụm Tập đoàn quân A của Thống chế Paul von Kleist, gồm Tập đoàn quân Thiết giáp I và Tập đoàn quân XVII đã thất bại trong việc tiến chiếm các mỏ dầu Grozny, phải rút về.

Quân Đức ở Kavkaz và bên sông Đông không tháo chạy, nhưng đang rút lui càng nhanh càng tốt để tránh bị cắt đứt. Mỗi ngày khi năm 1943 bắt đầu, họ càng rời xa Stalingrad hơn một chút. Giờ đã đến lúc quân Nga xử lý quân Đức còn lại ở đây. Nhưng trước nhất, họ cho binh sĩ của Tập đoàn quân VI một cơ hội để tự cứu mạng sống.

Vào buổi sáng 8 tháng 1 năm 1943, ba sĩ quan trẻ của Hồng quân, với một lá cờ trắng, đi vào phòng tuyến của quân Đức trên chu vi phía bắc của Stalingrad, trao cho tướng Paulus tối hậu thư của tướng Rokossovski, tư lệnh các lực lượng Liên Xô trên mặt trận sông Đông.

Tình trạng của binh sĩ ông là tuyệt vọng. Họ đang khổ sở vì thiếu ăn, bệnh tật và giá lạnh. Mùa đông Nga khắc nghiệt chỉ mới bắt đầu... Binh sĩ của ông không được cung cấp quần áo mùa đông và đang sống trong điều kiện vệ sinh tồi tệ... Tình trạng của ông là tuyệt vọng, chống cự thêm là vô nghĩa.
Xét qua điều này và để tránh đổ máu vô ích, chúng tôi đề nghị ông chấp nhận những điều kiện đầu hàng dưới đây...

Đấy là những điều kiện danh dự. Tất cả tù binh sẽ được cung cấp “khẩu phần bình thường”. Người bị thương, bị bệnh và cóng lạnh sẽ được điều trị. Tất cả tù binh có thể giữ lại quân phù, huy chương và vật dụng cá nhân. Paulus có 24 tiếng đồng hồ để trả lời.

Ông lập tức gọi cho Hitler về nội dung tối hậu thư và yêu cầu được tự do hành động. Hitler bác bỏ yêu cầu của ông. Buổi sáng ngày 10 tháng 1, 24 giờ sau khi thời hạn đầu hàng đã hết, quân Liên Xô mở đợt tấn công cuối bằng trận địa pháo với 5.000 đại bác.

Trận chiến diễn ra dữ dội và đẫm máu. Cả hai bên chiến đấu với lòng dũng cảm và liều lĩnh khó tin trên vùng không người lạnh giá của đống gạch vụn của thành phố – nhưng không được lâu. Trong vòng 6 ngày, quân Đức co cụm lại còn phân nửa diện tích với phòng tuyến dài 24 kilômét và rộng 15 kilômét. Đến ngày 24 tháng 1 năm 1943, quân Đức bị cắt ra làm hai khu vực và mất quyền kiểm soát đường băng khẩn cấp cuối cùng. Máy bay Đức không còn có thể hạ cánh để mang đến hàng hậu cần, nhất là thuốc men cho thương bệnh binh.

Một lần nữa, quân Liên Xô cho kẻ thù dũng cảm của họ một cơ hội để đầu hàng. Đại diện phía Nga đi đến phòng tuyến của Đức ngày 24 tháng 1 với lời đề nghị mới. Một lần nữa, bị dằng co giữa nghĩa vụ phải tuân lệnh Lãnh tụ điên rồ và trách nhiệm cứu vớt các binh sĩ còn lại để tránh cho họ bị tiêu diệt, Paulus kêu gọi đến Hitler:

Binh sĩ không còn đạn hoặc thức ăn... Không còn có thể chỉ huy được hiệu quả... 18.000 thương binh không có đồ tiếp tế hoặc bông băng hoặc dược phẩm... Tiếp tục phòng thủ là vô nghĩa. Sụp đổ là không tránh khỏi. Đại đoàn yêu cầu được phép đầu hàng ngay để cứu vớt số binh sĩ còn lại.

Câu trả lời của Hitler vẫn là bảo lưu:

Cấm đầu hàng! Tập đoàn quân VI phải giữ vững vị trí cho đến người cuối cùng và viên đạn cuối cùng, sự chịu đựng anh hùng sẽ có một đóng góp khó quên cho việc thành lập phòng tuyến bảo vệ và cứu nguy thế giới phương Tây.

Thế giới phương Tây! Đấy là liều thuốc đắng cho những người lính của Tập đoàn quân VI đã xâm lăng thế giới này ở Hà Lan và Bỉ không lâu trước đây.

Paulus đầu hàng[sửa mã nguồn]

Chống cự thêm không những là vô nghĩa, vô vọng mà còn bất khả thi. Đến ngày 28 tháng 1, một Tập đoàn quân có thời hùng mạnh bị cắt ra làm 3 mảnh nhỏ, mảnh phía nam là nơi Paulus đặt tổng hành dinh trong một trung tâm bách hóa một thời phát đạt Univermag. Theo một nhân chứng, vị tư lệnh hay ngồi trên chiếc giường dã chiến đặt ở một góc tối trong tình trạng thần kinh gần như sụp đổ.

Ông cũng như các binh sĩ không còn lòng dạ nào mà đón nhận những cuộc gọi vô tuyến tới tấp chúc mừng họ. Sau khi đã vui hưởng mùa đông trên nước Ý ấm áp và khệnh khạng đây đó trong chiếc áo choàng lông thú và phô bày các món trang sức bằng đá quý, ngày 29 tháng 1 Hermann Göring gọi vô tuyến đến, dùng những từ ngữ “kiên cường”, “gan lì”, “dũng cảm” và “tự xả thân.”

Cũng không ai lấy làm phấn khởi vào buổi tối 30 tháng 1 năm 1943, kỷ niệm 10 năm Quốc xã lên cầm quyền, khi họ nghe giọng của Göring trên sóng vô tuyến:

Một nghìn năm sau, người Đức sẽ nói đến trận đánh với lòng sùng kính và thán phục, và sẽ nhớ rằng dù sao đi nữa, chiến thắng chung cuộc được quyết định ở đây... Trong nhiều năm người ta sẽ nói đến trận đánh anh hùng bên sông Volga: Khi bạn đi đến Đức, hãy nói bạn đã trông thấy chúng tôi nằm xuống ở Stalingrad, vì danh dự của chúng tôi và những lãnh đạo của chúng tôi đã phong cho chúng tôi vinh dự này, cho vinh quang cao to tát hơn của nước Đức.

Vinh quang và nỗi thống khổ khủng khiếp của Tập đoàn quân VI bây giờ đã đến lúc chấm dứt. Ngày 30 tháng 1, Paulus gọi vô tuyến cho Hitler: Sự sụp đổ cuối cùng sẽ đến trong vòng 24 tiếng đồng hồ.

Tin báo này khiến cho Bộ Tư lệnh Tối cao của Hitler ban một cơn mưa thăng thưởng cho các sĩ quan, với hy vọng là những vinh dự như thế sẽ củng cố quyết tâm muốn hy sinh một cách vinh quang ngay tại mặt trận đẫm máu. Hitler nhận xét với Jodl: Lịch sử quân sự chưa từng ghi thống chế Đức nào đã bị bắt làm tù binh. Rồi ông phong cho Paulus, qua sóng vô tuyến, quân hàm thống chế. Khoảng 117 sĩ quan khác cũng được thăng cấp. Đấy là một động thái trong trò ma quỷ: Hitler muốn Paulus chiến đấu cho đến chết.

Cuối ngày 31 tháng 1 năm 1943, Paulus gửi tin cuối cùng đến tổng hành dinh:

Tập đoàn quân VI, theo đúng lời tuyên thệ của họ và ý thức được tầm quan trọng cao cả trong nhiệm vụ của họ, đã giữ vững vị trí cho đến người cuối cùng và viên đạn cuối cùng cho Lãnh tụ và Tổ quốc cho đến phút cuối.

Lúc 19 giờ 45 phút, nhân viên trực vô tuyến của Tập đoàn quân VI gửi bản tin cuối cùng: Quân Nga đang tiến vào cửa boong-ke của chúng tôi. Chúng tôi đang phá hủy máy móc. Anh thêm chữ CL – ký hiệu vô tuyến có nghĩa “Đài này không còn truyền tín hiệu nữa.”

Tại tổng hành dinh không xảy ra cuộc đọ súng nào. Paulus và quân nhân dưới quyền không chiến đấu đến người cuối cùng. Một toán quân Liên Xô do một sĩ quan cấp thấp dẫn đầu ghé mắt nhìn vào khu vực tối tăm của vị tư lệnh dưới tầng hầm. Quân Nga yêu cầu đầu hàng và Tham mưu trưởng Tập đoàn quân VI, Tướng Schmidt, chấp nhận. Paulus ngồi trên giường của ông với vẻ buồn nản. Schmidt nói với ông: Tôi xin hỏi Thống chế có lời nào cần nói thêm không? Paulus không trả lời.

Về phía bắc, một nhóm nhỏ quân Đức – tàn quân của 2 sư đoàn thiết giáp và 3 sư đoàn bộ binh – vẫn còn trụ lại trong đống đổ nát của một xưởng chế tạo máy kéo. Vào đêm 1 tháng 2 năm 1943, họ nhận tin từ Hitler:

Dân tộc Đức mong các anh thi hành nghĩa vụ đúng như binh sĩ đang trụ vững ở pháo đài phía nam. Mỗi ngày và mỗi giờ các anh còn chiến đấu sẽ tạo điều kiện để thiết lập một mặt trận mới.

Ngay trước giữa trưa ngày 2 tháng 2, nhóm quân này cũng đầu hàng sau khi đã gửi bản tin cuối cùng đến Tư lệnh Tối cao:

Đã chiến đấu đến người cuối cùng với những lực lượng ưu thế vượt trội. Nước Đức muôn năm!

Cả bãi chiến trường phủ tuyết, đẫm máu trở nên yên ắng. Lúc 14 giờ 46 phút ngày 2 tháng 2, một máy bay trinh sát của Đức lượn trên thành phố và gọi điện về: Không thấy dấu hiệu giao chiến tại Stalingrad.

Vào lúc này, 91.000 chiến binh Đức – kể cả 24 tướng lĩnh – đói khát, cóng lạnh, nhiều người mang thương tích, tất cả đều mê mụ, đau khổ, níu lấy tấm chăn lấm máu phủ lên đầu chống lại giá lạnh ở -24 °C, đi khập khiễng trên lớp băng tuyết hướng đến các trại tù binh ở Siberi. Trừ 20.000 quân Rumani và 29.000 thương binh đã được đưa về bằng máy bay, đấy là tất cả những gì còn lại của một Tập đoàn quân có quân số 285.000 người chỉ hai tháng trước. Những người khác đã bị tàn sát. Trong số 91.000 người vào ngày mùa đông ấy đi đến chốn giam cầm, chỉ có 5.000 người được trở về Tổ quốc của họ.

Phản ứng của phía Đức[sửa mã nguồn]

Trong lúc ấy, tại tổng hành dinh được sưởi ấm ở Đông Phổ, nhà độc tài Quốc xã Hitler nhiếc móc các tướng lĩnh ở Stalingrad, trong khi chính ông vì ương ngạnh và ngu xuẩn phải nhận trách nhiệm về thảm họa này. Biên bản ghi buổi họp ngày 1 tháng 2 năm 1943 sau này được tìm lại và cho thấy rõ bản chất của Hitler trong giai đoạn thử thách của cuộc đời ông cũng như của Quân đội và đất nước ông:

Họ đã đầu hàng ở đấy – một cách chính thức và hoàn toàn. Đáng lẽ họ phải củng cố hàng ngũ, phân tán mỏng, và tự bắn vào mình với viên đạn cuối cùng... Con người ấy [Paulus] đáng lẽ phải tự kết liễu đời mình như những tư lệnh thuở xưa gieo mình lên thanh gươm của họ khi thấy đã thất bại...

Lời nói của Hitler đối với Paulus càng độc địa hơn khi ông tiếp tục mắng nhiếc:

Các anh phải tưởng tượng: Ông ta được mang đến Moskva... Rồi ông ta sẽ ký vào bất kỳ văn kiện gì. Ông ta sẽ khai nhận, sẽ có lời tuyên bố – các anh sẽ thấy.... Chỉ không đầy một tuần Seydlitz và Schmidt và ngay cả Paulus sẽ phát biểu trên sóng truyền thanh... Làm thế nào người ta có thể hèn nhát như thế? Tôi không hiểu được...
Cuộc sống là gì? Cuộc sống là Đất nước. Cá nhân dù sao cũng chết. Vượt lên cuộc sống của cá nhân là Đất nước. Nhưng làm thế nào người ta lại sợ hãi thời khắc ấy của cái chết, mà theo đấy ông ta có thể tự giải thoát khỏi cơn thống khổ này...
Có quá nhiều người phải chết, và rồi một người như thế làm nhơ nhuốc anh hùng tính của nhiều người khác vào phút cuối. Đáng lẽ ông ta có thể tự giải thoát khỏi mọi nỗi đau khổ và đi lên cõi vĩnh hằng và miền bất diệt của quốc gia, nhưng ông ta lại thích đi Moskva!...
Điều làm cho cá nhân tôi bị xúc phạm nhất là tôi vẫn thăng cấp cho ông ấy lên thống chế. Tôi muốn mang đến cho ông ấy sự mãn nguyện chung cuộc. Đây là thống chế cuối cùng mà tôi phong trong cuộc chiến này...[2]

Hitler đã tiên đoán đúng sự kiện Paulus sẽ phát biểu trên sóng truyền thanh Liên Xô, nhưng sai về thời gian. Vào tháng 7 năm sau, Paulus và Seydlitz lên tiếng trên đài phát thanh Moskva kêu gọi Quân đội Đức loại trừ Hitler.

Ngày 3 tháng 2 năm 1943, Bộ Tổng tham mưu Đức ra một bản tin đặc biệt:

Trận đánh Stalingrad đã kết thúc. Theo đúng lời tuyên thệ của họ, Tập đoàn quân VI dưới quyền lãnh đạo gương mẫu của Thống chế Paulus đã bị chế ngự bởi quân địch mạnh áp đảo và bởi những hoàn cảnh không được thuận lợi mà quân ta gặp phải.

Đài truyền thanh Đức phát một loạt trống trận và đoạn thứ hai trong Bản Giao hưởng thứ Năm của Beethoven trước khi đọc bản tin. Hitler tuyên bố bốn ngày quốc tang. Tất cả nhà hát, rạp chiếu phim và nhà văn nghệ tạp lục đều đóng cửa trong thời gian này.


Trận Stalingrad đánh dấu điểm ngoặt quan trọng trong Thế chiến thứ hai. Ngọn triều thôn tính của Quốc xã vốn đã tràn qua phần lớn châu Âu từ biên giới châu Á dọc sông Volga và ở Bắc Phi gần đến sông Nile bây giờ bắt đầu rút xuống và sẽ chẳng bao giờ dâng lên nữa. Thời khoảng cho những cuộc tấn công sấm sét, với hàng nghìn xe tăng và máy bay gieo rắc kinh hoàng trên những đội hình quân địch và bắn phá họ tan tác, đã cáo chung. Đức không còn có thế chủ động được nữa.

Hitler đã có đề nghị với Stalin trao đổi Paulus với Iacov Dzugashvili (con trai của Stalin) nhưng Stalin bác bỏ. Sau chiến tranh Paulus đã ra làm nhân chứng trong Tòa án Nürnberg xử các lãnh tụ Phát xít Đức.

Thông tín viên chiến trường Heinz Schroeter đi theo Tập đoàn quân VI được tiếp cận với nhiều tài liệu của Bộ Tổng Tham mưu Đức và tư liệu của những cá nhân liên quan đến trận Stalingrad. Ông thoát thân được trước khi Paulus đầu hàng rồi được giao nhiệm vụ viết lịch sử chính thức của Tập đoàn quân VI tại Stalingrad, nhưng TS. Paul Joseph Göbbels cấm ông công bố tư liệu đã tổng hợp. Sau chiến tranh, Schroeter thu thập lại bản thảo và tiếp tục nghiên cứu về trận đánh rồi vào năm 1958 cho xuất bản ở New York quyển sách có tựa đề Stalingrad.

Năm 1953, Paulus được thả. 2 năm sau đó, toàn bộ những tù binh Đức còn sống sót (chủ yếu là tù binh sau trận Stalingrad) cũng được phía Liên Xô cho hồi hương. Trong số 91.000 tù binh Đức, chỉ còn khoảng 6.000 người trở về nhà.

Bring Vietnam to the world (thảo luận) 16:36, ngày 24 tháng 5 năm 2009 (UTC)[trả lời]

Thật vớ vẩn. CHỉ riêng trận hợp vây Tập đoàn quân số 6, trong 330.000 quân Đức có 91000 bị bắt, còn lại đều tiêu cả. CHỉ riêng đó thôi số quân Đức chết đã là trên 200.000 rồi. Vậy thì con số 147000 có thể chấp nhận được không? Hơn 1 triệu quân ĐỨc mà chỉ mất ngần đó thì sao lại thua đau thế? Ngoài ra trong 4 link dẫn thì 2 link cũng không nói tới con số 147.000 mà khẳng định con số 850.000. Không phải link nào cũng đúng mà phải biết chọn lọcSaruman89 (thảo luận) 04:13, ngày 10 tháng 6 năm 2009 (UTC)[trả lời]

Một số đơn vị lính bị thương đã được di tản bằng máy bay từ trước, có phải bị tóm cả đâu. Hơn 1 triệu quân đức tham gia là tính luôn cả quân từ ngoài đánh vào của Manstein, các đơn vị này bị LX bắt hết à? Trong vòng vây chỉ có chưa đầy 300.000 thôiAshante (thảo luận) 08:39, ngày 28 tháng 7 năm 2009 (UTC)[trả lời]

Diễn biến của Chiến dịch Stalingrad không chỉ có một hoạt động là bao vây tập đoàn quân 6 (Đức) cùng một phần tập đoàn quân xe tăng 4 (Đức) và bắt đạo quân này làm tù binh. Nó bao gồm cả các trận tấn công từ hai cánh (Kế hoạch Sao Thổ) vào các tập đoàn quân 3, 4 Romania và tập đoàn quân 8 Italia để thiết lập vòng vây bên ngoài tại giai đoạn 1 của chiến dịch; bao gồm các hoạt động tấn công dồn ép khối quân Đức bị bao vây, tiêu diệt và bắt làm tù binh đạo quân này, (các chiến dịch Sao Thổ nhỏ và Cái Vòng); bao gồm các trận phản kích đẩy lùi và đánh bại cuộc tấn công mở vây của Cụm tập đoàn quân Sông Đông (Đức). Không lẽ các đơn vị quân Đức đi mở vây đều an toàn trở về ?! Tổng số quân Đức chết, bị thương, bị bắt tại tất cả các trận đánh trong Chiến dịch Stalingrad là gần 1 triệu, trong đó gần 300.000 bị bắt. Nước Đức Quốc xã phải treo cờ rủ (quốc tang) 3 ngày để ghi nhớ thất bại này. Ngoài ra, đúng là cụm tập đoàn quân A không tham gia chiến dịch này (nó hoạt đọng ở Kuban và Bắc Kavkaz) nhưng tôi cũng không rõ vì sao IP 118.68.31.134 lại cho rằng Cụm tập đoàn quân B và Cụm tập đoàn quân Sông Đông là không trực tiếp tham gia chiến dịch này. Đây là hai Cụm tập đoàn quân Đức đã tham gia chiến dịch Stalingrad. Trong đó, Cụm tập đoàn quân B tham gia từ đầu chí cuối và bị đánh tan, Cụm tập đoàn quân Sông Đông tham gia giai đoạn 2 (mở vây cho Cụm tập đoàn quân B nhưng thất bại). Đến đầu mùa hè năm 1943, Cụm tập đoàn quân Sông Đông đổi thành Cụm tập đoàn quân Bắc Ukraina. Cụm tập đoàn quân A đổi thành Cụm tập đoàn quân Nam Ukraina. --Двина-C75MT 09:00, ngày 8 tháng 2 năm 2010 (UTC)--[trả lời]


Vì sao lại có đoạn viết lịch sử khiến có thể hiểu lầm rất sai trên Wapedia ? Làm gì có sự tham chiến của Hoa Kỳ trong trân Stalingrad và câu viết có thể hiểu là Nga thắng Hoa kỳ và Đức ! "Sự tham chiến của Hoa Kỳ và Đức bị đánh bại năm 1942 ở Trận Stalingrad đã thay đổi cân bằng cuộc chiến với Đức.

"Sự tham chiến của Hoa Kỳ và Đức bị đánh bại năm 1942 ở Trận Stalingrad đã thay đổi cân bằng cuộc chiến với Đức. Chiến tranh thế giới thứ hai chấm dứt với sự đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện của Đức, sự sụp đổ của Đức quốc xã, và cái chết của Adolf Hitler."123.23.57.181 (thảo luận) 10:08, ngày 29 tháng 6 năm 2010 (UTC)[trả lời]

Tôi chưa từng tham gia viết bài này. Nếu bạn thấy nó vô lý và không nguồn, bạn có thể xóa ngay lập tức. --Двина-C75MT 13:07, ngày 29 tháng 6 năm 2010 (UTC)--[trả lời]

Tham khảo[sửa mã nguồn]

  1. ^ *Cụm Tập đoàn quân: quân số từ dăm bảy trăm ngàn đến 1 triệu vì có thêm binh chủng biệt phái (thiết giáp, không quân...) để đảm trách một mặt trận lớn, thường do thống chế (Anh, Pháp, Đức) và nguyên soái (Liên Xô) nắm quyền tư lệnh.
  2. ^ *Thật ra, sau Paulus có thêm 7 người được phong thống chế, người cuối cùng là Robert von Greim được phong 4 ngày trước khi Hitler tự sát.

Dẫn ý chưa chính xác[sửa mã nguồn]

1.167.835 thương vong trong chiến đấu dẫn từ William Arthur Shirer, The Rise and Fall of the Third Reich, London, 1959 là chưa chính xác. Theo sách này (trang 835) thì đây là thương vong tính tới hết mùa đông 1941 (kể cả bệnh) và vì thiệt hại của quân phát xít Đức nhiều như vậy nên mới phải huy động thêm cả quân các nước khác cùng tham gia chiến dịch nam 1942 chứ không phải là tổng thương vong ở Stalingad.

Thương vong[sửa mã nguồn]

Trong trận Stalingrad thì quân Ý, Rumani và Hungary không phân thành các đơn vị riêng lẻ mà chiến đấu chung với quân Đức trong tập đoàn quân 6 và các Cụm quân A, B và Sông Đông. Do đó thương vong của họ phải được tính vào trong thiệt hại của các đơn vị này. Như vậy trong tổng số 585.000 quân phát xít bị hạ (285.000 của Tập đoàn quân 6 và 300.000 của Cụm quân A, B và Sông Đông kia thì Quân Ý, Hungary và Rumani thiệt 413.000. Các bạn có thể xem thêm danh sách các đơn vị Ý, Rumani và Hungary trong Cụm quân A, B và Sông Đông ở cuốn Stalingrad của Osprey.

Thế chả lẽ Đức chỉ thiệt có hơn 100.000 quân tại đây. Số liệu đã có phân biệt quốc tịch rồi mà.Averruncus (thảo luận) 10:05, ngày 2 tháng 1 năm 2011 (UTC)[trả lời]

Bạn thử nghĩ xem, quân Đức mất trên 1 triệu người chỉ trong năm 1941, phải huy động thêm quân từ các chư hầu để gom góp đủ quân tham chiến ở Stalingrad thì trong quân đương nhiên là có đủ thành phần quốc tịch. Tài liệu của Osprey về các đơn vị Phát xít tham chiến (tấn công và phá vây) chỉ có tập đoàn quân 6, các Cụm quân A, B và Sông Đông. Các đơn vị Ý, Hungary và Rumani đều tham gia trong nhóm này. Không có bất kỳ đơn vị chư hầu nào chiến đấu tách ra khỏi các đại đơn vị tập đoàn quân 6, Cụm quân A, B và Sông Đông trên thì làm sao ngoài 585.000 quân thiệt hại của các đại đơn vị này lại có thêm cả 413.000 chư hầu bị hạ được? Đây là 1 lỗi đếm 2 lần mà Osprey vô tình mắc phải. Nếu các bạn chưa đọc kỹ thì sẽ dễ bỏ qua.

Mà thực ra Osprey chỉ thống kê chứ không hề nói ngoài 285.000 của Tập đoàn quân 6 và 300.000 của Cụm quân A, B và Sông Đông còn thêm 413.000 quân chư hầu bị hạ mà chỉ nói 285.000 của Tập đoàn quân 6 và 300.000 của Cụm quân A, B và Sông Đông và thống kê Quân Ý, Hungary và Rumani tổng cộng thiệt 413.000. Không có đơn vị chư hầu nào chiến đấu riêng lẻ thì 413.000 thương vong của họ nằm ở đơn vị nào? Đúng không bạn.

.................................... Quyển sách ghi nguyên văn như sau: German casualties in the battle for the city... under 300k troops, another 300,000 casualties suffered by the remaining GERMAN forces of Army Groups A, B, and Don

Germany's Axis allied also had high casualties... Italy suffered 110k casualties...

Như vậy không hề có lỗi lặp, cuốn sách đã phân rõ quốc tịch của thương vong. 300k ở Cụm tập đoàn A, B và Don là của riêng người Đức123.18.111.204 (thảo luận) 15:41, ngày 10 tháng 1 năm 2011 (UTC)[trả lời]

Thông tin chưa được xác minh[sửa mã nguồn]

Ai xác minh giùm mình thông tin trong trận Stalingrad các binh sĩ Xô Viết không được rời bỏ trận địa,ai mà đào ngũ hay bỏ trận địa thì sẽ bị chỉ huy xử tử tại chỗ,cho mình biết tin này có chính xác hay không và có phải chính Joseph Stalin ra cái trò độc ác này không.Cảm ơnHoangprs5 (thảo luận) 09:27, ngày 26 tháng 2 năm 2012 (UTC)[trả lời]

Trò này đâu phải do riêng I. V. Stalin đặt ra. Đó là mệnh lệnh số 227 của Đại bản doanh, một tập thể lãnh đạo quân sự Liên Xô trong chiến tranh thế giới thứ hai. I. V. Stalin ký mệnh lệnh này là ký thay mặt Đại bản doanh với tư cách là Tổng tư lệnh, Ủy viên thứ nhất Đại bản doanh. Hoangprs5 nên tìm đọc bản mệnh lệnh này. Nó nói rõ rằng bên kia sông Volga không còn đất nữa. Lùi là chết, không chỉ chết một người mà còn chết cả một dân tộc, chết cả một quốc gia, thậm chí là "chết cả nhân loại". Sao bạn lại cho đó là trò độc ác ? Hoangprs5 hãy thử đặt địa vị bạn vào địa vị người Nga khi bị Hitle dồn đến chân tường. Khi ấy bạn làm gì ? --Двина-C75MT 05:12, ngày 9 tháng 8 năm 2012 (UTC)--[trả lời]

Vũ khí được sử dụng trong trận Stalingrad[sửa mã nguồn]

Vũ khí được sử dụng trong trận Stalingrad đâu phải chỉ có mấy khẩu súng ngắn, tiểu liên, trung liên, đại liên. Còn một loạt các thứ khác như xe tăng, máy bay, đại bác, pháo phản lực Katyusha và rất nhiều thứ khác nữa. Nhoctu2050 viết về những thứ đó cũng tốt thôi. Nhưng bàid dã quá dài, nên đặt thành một bài riêng. --Двина-C75MT 05:12, ngày 9 tháng 8 năm 2012 (UTC)--[trả lời]