Bước tới nội dung

Trung Kiên (nghệ sĩ)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Nghệ sĩ Nhân dân
Trung Kiên

Thứ trưởng
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch
Nhiệm kỳ1992 – 2001
Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam
Nhiệm kỳ1990 – 1991
Tiền nhiệmĐoàn Long
Kế nhiệmBùi Gia Tường
Thông tin cá nhân
Sinh
Tên khai sinh
Nguyễn Trung Kiên
Ngày sinh
5 tháng 11, 1939
Nơi sinh
Kiến Xương, Thái Bình, Liên bang Đông Dương
Mất
Ngày mất
27 tháng 1, 2021(2021-01-27) (81 tuổi)
Nơi mất
Hà Nội, Việt Nam
Giới tínhnam
Quốc tịch Việt Nam
Đảng chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam
Nghề nghiệpCa sĩ
Gia đình
Bố mẹ
Nguyễn Danh Đới
Vợ
Thanh Nga (trước 2000)
Trần Bạch Thu Hà
Con cái
Nguyễn Quốc Trung
Học hàmGiáo sư
Lĩnh vực
Khen thưởngHuân chương Độc lập Huân chương Độc lập hạng Ba
Huân chương Lao động Huân chương Lao động hạng Nhì
Huân chương Lao động Huân chương Lao động hạng Ba
Danh hiệuNghệ sĩ ưu tú (1984)
Nghệ sĩ nhân dân (2001)
Sự nghiệp âm nhạc
Đào tạoHọc viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Dòng nhạc
Ca khúc

Trung Kiên (5 tháng 11 năm 1939 – 27 tháng 1 năm 2021) là một ca sĩ nhạc đỏ kiêm chính trị gia người Việt Nam, từng giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin và Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.[1] Ông đã được nhà nước Việt Nam phong học hàm Giáo sư, danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 1984 và Nghệ sĩ nhân dân năm 2001.

Tiểu sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Nguyễn Trung Kiên sinh ngày 5 tháng 11 năm 1939 tại huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, là con của nhà cách mạng Nguyễn Danh Đới (1905–1943).[2] Vì cha mất sớm trong tù nên Trung Kiên mồ côi từ nhỏ. Học hết lớp 12, ông thi đỗ vào Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), nhưng mẹ ông không đồng ý cho ông theo nghiệp ca hát, vì là người thân của nhà cách mạng nổi tiếng nên đích thân ông Trường Chinh đã ghé thăm nơi làm việc của bà và biết về hoàn cảnh gia đình. Chính ông đã động viên bà và giúp Trung Kiên nhận được sự đồng ý của mẹ về việc cho ông theo học thanh nhạc. Năm 1960, khi đang là sinh viên năm ba, ông được cử đi học ở Ukraina.

Ông qua đời vào ngày 27 tháng 1 năm 2021 tại nhà riêng ở Hà Nội, không lâu sau sinh nhật 81 tuổi.[3]

Sự nghiệp

[sửa | sửa mã nguồn]

Những năm 1956, Trung Kiên tham gia vào dàn đồng ca của Thành Đoàn thanh niên Hà Nội, Đài Phát thanh thuộc Sở Văn hóa Hà Nội, Đài Tiếng nói Hà Nội.[4]

Ông đã 3 lần được cử sang Liên Xô học tập, vào những năm học đại học (1960–1942), cao học (1970) và trường Đảng. Các năm sau đó, ông và các nghệ sĩ lập đoàn văn công đi biểu diễn khắp các chiến trường.[4]

Ông sang Liên Xô học đại học và tốt nghiệp ra trường năm 1970 (lớp cao học),[5] ông và vợ tiếp tục tham gia biểu diễn ở chiến trường rồi Đài tiếng nói Việt Nam, sau chiến tranh vợ chồng ông là thành viên trong các đoàn văn công vào miền Nam biểu diễn.[4] Ông từng tham gia biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới, đoạt huy chương vàng trong các cuộc thi hát ở Đức, Bulgaria,... Sau này, ông giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, cố vấn cho Trung tâm âm nhạc Serenade và viết sách.[5]

Từ năm 1992 ông làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, phụ trách mảng Văn hóa - Nghệ thuật, đến 2001 thì nghỉ hưu.[2]

Trong thời gian học tập tại Liên Xô, ông đã xin phép tác giả Raimonds Pauls phổ thơ của nhà thơ lớn Andrey Voznesensky, việt hóa thành công ca khúc "Triệu đóa hồng" - bài hát làm nên tên tuổi của ca sĩ Ái Vân.[6] Ông từng là ca sĩ đầu tiên trình diễn 5 bản Romance của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc vào năm 1978. Ông là người đã đặt lời Việt cho 300 ca khúc Nga.

Trung Kiên được nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân vào năm 2001. Ngoài ra, ông còn được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Độc lập hạng Ba.[7][8]

Trung Kiên là giọng ca nam cao (tenor), khỏe, vang, chuyên hát dòng nhạc cách mạng với các bài hát như:

Đời tư

[sửa | sửa mã nguồn]

Ông kết hôn với ca sĩ Thanh Nga, sau này là giảng viên Nhạc viện Hà Nội, khi ông là thành viên ban nhạc đồng ca Rạng Đông, còn bà trong ban nhạc Tuổi Xanh. Sau đó, hai ban nhạc này sáp nhập thành ban đồng ca của Thành Đoàn thanh niên Hà Nội. Hai người kết hôn và có một con trai là nhạc sĩ Quốc Trung, năm 2000 nghệ sĩ Thanh Nga qua đời sau 7 năm chống chọi với căn bệnh ung thư.[9]

Về cuối đời, ông sống với người vợ thứ hai là nghệ sĩ piano Trần Bạch Thu Hà - Nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, con gái của nghệ sĩ piano Thái Thị Liên và là chị gái của nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Viet Nam social sciences: Issues 1-3 Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam - 2002 "The whole art performance session was directed by People's Artist Nguyen Trung Kien a famous singer of Viet Nam
  2. ^ a b MEDIATECH. “Nghệ sĩ tài hoaTrung Kiên- Người con của quê lúa Thái Bình”. thaibinhtv.vn. Truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2022.
  3. ^ Cẩm Loan - Hàn Triệt (27 tháng 1 năm 2021). “NSND Trung Kiên qua đời”. VietNamNet. Truy cập 2 tháng 10 năm 2021.
  4. ^ a b c cand.com.vn. “Nghệ sĩ nhân dân Trung Kiên: 80 năm đi trong ánh sáng sao vàng”. Báo Công an Nhân dân điện tử. Truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2022.
  5. ^ a b “NSND Trung Kiên - giọng ca hàng đầu của âm nhạc Việt Nam”. Đảng Cộng Sản (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2022.
  6. ^ “Chuyện NSND Trung Kiên đặt lời Việt cho ca khúc Triệu đóa hồng”. Báo Thanh Niên. 27 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2022.
  7. ^ HN (27 tháng 1 năm 2021). “NSND Trung Kiên - giọng ca hàng đầu của âm nhạc Việt Nam”. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2024.
  8. ^ Tiến Minh (30 tháng 1 năm 2021). “Đám tang trang trọng của NSND Trung Kiên”. Eva. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2024.
  9. ^ Eva.vn. “Rơi nước mắt khi nhạc sĩ Quốc Trung kể về cái chết chủ động của mẹ”. eva.vn. Truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2022.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]