Bước tới nội dung

Wikipedia:Ai viết Wikipedia?

Trang hạn chế sửa đổi (bán khóa)
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Trợ giúp:Mục lục

Ai viết Wikipedia


Chính là bạn! Ai cũng có thể mạnh dạn sửa bài đã có sẵn hoặc tạo một bài mới, và những người như vậy không cần theo một "khóa học" nào cả. Những người tạo và sửa bài trên Wikipedia đến từ khắp nơi trên thế giới, trong nhiều độ tuổi khác nhau, có kiến thức khác nhau. Bất kỳ người nào đóng góp cho bách khoa toàn thư này, dù là người dùng không đăng ký hay đã đăng ký, đều được gọi là một "Wikipedian" (theo tiếng Anh), hay biết đến nhiều hơn với tên "biên tập viên".

Khi một nhóm người cùng biên soạn thông tin về một chủ đề, những tranh luận có thể sẽ xảy ra. Wikipedia cho phép người dùng đánh dấu một bài, hoặc một đoạn trong bài, là nội dung đó không thể hiện thái độ trung lập. Việc này đặc biệt thường thấy ở các chủ đề dễ gây tranh cãi, những chủ đề liên quan đến sự việc đang diễn ra hoặc ở những chủ đề mà có nhiều thái độ, ý kiến trái chiều. Để giải quyết tranh chấp, những biên tập viên có thể nêu ý kiến của họ ở trang thảo luận. Họ sẽ tìm cách đi đến đồng thuận, theo đó những khía cạnh hợp lý của vấn đề sẽ được thể hiện. Điều này khiến Wikipedia không những là một nơi của thông tin mà còn là nơi của sự hợp tác.

Nhiều thành viên Wikipedia thường quan tâm đến trang lịch sử của một bài viết để đánh giá số lượng và quan điểm của những người đã đóng góp cho bài viết đó. Bạn cũng có thể xem trang thảo luận của một bài để xem những người đọc hay biên tập viên khác nói gì về nó.

Những bài viết tốt của Wikipedia được thể hiện tại danh sách các bài viết chọn lọc. Những bài viết này được công nhận là "bài viết chọn lọc" bởi vì nó được đánh giá theo các tiêu chuẩn bài viết chọn lọc bởi các biên tập viên khác. (Nếu sau này việc sửa đổi làm chất lượng bài giảm đi, một người dùng có thể đề cử rút sao chọn lọc của bài.)

Làm cách nào để phát triển các bài viết

Khi một bài viết chưa hoàn chỉnh hoặc chưa chính xác, bạn có thể chỉnh sửa bài viết để nó chính xác hơn và/hoặc hữu dụng hơn. Một người dùng có thể đặt một thông báo trên đầu của một bài viết, chỉ ra rằng nó cần phải được dọn dẹp lại. Bạn cũng có thể tạo một bài viết mới để chia sẻ thông tin hiện chưa có trên Wikipedia.

Cách tốt nhất để xác định một câu văn có đúng hay không, là tìm một nguồn độc lập đáng tin cậy, như sách, bài tạp chí, tin tức truyền hình, hoặc trên các trang web khác. Để xem thêm hướng dẫn về việc đánh giá mức độ chính xác của bài viết tại Wikipedia, xem Wikipedia:Nghiên cứu bằng Wikipedia. Quy định của Wikipedia là chỉ được thêm vào bách khoa thư những nội dung kiểm chứng được, không thêm vào các nghiên cứu chưa công bố. Phong cách biên soạn của Wikipedia còn hướng dẫn người dùng chú thích nguồn gốc. Các chú thích chi tiết cho phép người đọc dễ dàng kiểm chứng thông tin trong bài, khi họ có nghi vấn.