Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2009/05

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014
2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022 2023 2024
Bài viết chọn lọc
tháng 5 năm 2009
Tháng
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12

Paris Saint-Germain

PSG ăn mừng chiến thắng Cúp quốc gia Pháp 2006

Paris Saint-Germain là một câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp tại Paris, thủ đô nước Pháp. Tiền thân là câu lạc bộ đa thể thao Stade Saint-Germain, Paris Saint-Germain chính thức được thành lập năm 1970 và hầu như liên tục thi đấu tại Giải vô địch bóng đá quốc gia Pháp. Câu lạc bộ của “kinh đô ánh sáng” này còn được gọi phổ biến bằng những cái tên PSG hay Paris SG.

Từ khi tham dự giải Hạng nhất nước Pháp, Paris Saint-Germain đã hai lần giành ngôi vô địch vào những năm 1986 và 1994. Câu lạc bộ cũng 6 lần giữ vị trí á quân, trong đó có mùa bóng 1992–1993, Paris Saint-Germain từ chối chức vô địch sau khi Olympique Marseille bị tước danh hiệu vì scandal. Với các giải đá cúp, câu lạc bộ có nhiều thành tích hơn với 7 lần đoạt cúp Quốc gia, 3 lần giành cúp Liên hoàn và 2 Siêu cúp nước Pháp. Trên đấu trường châu Âu, thành tích lớn nhất mà Paris Saint-Germain đạt được là chiếc cúp C2 vào năm 1996, cũng là chiếc cúp C2 duy nhất mà bóng đá Pháp có được trong lịch sử.

Đại diện cho “kinh đô ánh sáng”, trang phục thi đấu của Paris Saint-Germain mang hai màu xanh, đỏ chủ đạo, cũng chính là màu cờ của thành phố Paris. Sân nhà của câu lạc bộ có cái tên Công viên các Hoàng tử nằm tại Quận 16, kế bên khu rừng Boulogne, với sức chứa 48.712 chỗ ngồi. Hiện nay, Paris Saint-Germain thuộc sở hữu của hai quỹ đầu tư Colony Capital và Butler Capital Partners cùng ngân hàng Hoa Kỳ Morgan Stanley. Sébastien Bazin, đại diện cho quỹ đầu tư Colony Capital, giữ cương vị chủ tịch câu lạc bộ từ tháng 2 năm 2009. Mùa giải 2008–2009, Paris Saint-Germain tham gia giải Vô địch nước Pháp dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Paul Le Guen.

Vệ tinh Io

Vệ tinh Io

Iovệ tinh tự nhiên nằm phía trong cùng trong số bốn vệ tinh Galileo của Sao Mộc và với đường kính 3.642 kilômét, là vệ tinh lớn thứ tư bên trong hệ Mặt Trời. Nó được đặt theo tên Io, người nữ tư tế của Hera và sau đó trở thành tình nhân của thần Zeus.

Được Galileo Galilei phát hiện năm 1610, cùng với các vệ tinh loại Galile khác, Io đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của thiên văn học ở thế kỷ 17 và 18. Sự khám phá này đã khiến mô hình Copernicus về hệ Mặt Trời được chấp nhận rộng hơn, sự phát triển các định luật chuyển động của Kepler và việc đo lần đầu tiên vận tốc ánh sáng. Trước kia, từ Trái Đất, Io chỉ được quan sát là một chấm ánh sáng nhỏ, cho tới tận cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 con người mới xác định các đặc điểm bề mặt của nó ở tỷ lệ lớn, như vùng cực đỏ sẫm và các vùng xích đạo sáng. Năm 1979, hai tàu vũ trụ Voyager đã phát hiện Io là một thế giới hoạt động địa chất mạnh, với nhiều đặc trưng núi lửa, nhiều ngọn núi lớn, và một bề mặt trẻ không có dấu hiệu hố va chạm rõ rệt. Tàu vũ trụ Galileo đã thực hiện nhiều chuyến bay ngang ở cự ly gần trong thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, thu thập dữ liệu về kết cấu bên trong và thành phần bề mặt của Io. Những chuyến phi hành đó đã phát hiện ra mối quan hệ giữa quyển từ của Sao Mộc và vệ tinh Io cũng như sự tồn tại của một vành đai bức xạ có trung tâm trên quỹ đạo Io. Việc khám phá Io vẫn tiếp tục trong những tháng đầu năm 2007 với chuyến bay ngang qua ở cự ly xa của tàu vũ trụ hướng tới Sao Diêm Vương là New Horizons.

Indonesia

Quốc kỳ Indonesia

Cộng hòa Indonesia là một quốc gia nằm trên hai lục địa ở Đông Nam ÁChâu Đại Dương. Indonesia gồm 17.508 hòn đảo, và với dân số ước tính khoảng 237 triệu người, đứng thứ tư trên thế giới về dân số.

Indonesia là quốc gia có số dân theo Hồi giáo đông nhất thế giới; tuy nhiên trong Hiến pháp Indonesia không hề đề cập tới tôn giáo này. Indonesia là một quốc gia theo thể chế cộng hòa với một bộ máy lập pháp và tổng thống do dân bầu. Indonesia có chung biên giới trên đất liền với Papua New Guinea, Đông TimorMalaysia. Các nước láng giềng khác là Singapore, Philippines, Úc, và lãnh thổ Ấn Độ Đảo Andaman và Nicobar. Thủ đô Jakarta cũng đồng thời là thành phố lớn nhất của quốc gia này.

Quần đảo Indonesia đã từng là một vùng thương mại quan trọng ít nhất từ thế kỷ 7, khi Vương quốc Srivijaya có hoạt động thương mại với Trung QuốcẤn Độ. Những vị vua cai trị địa phương dần tiếp thu văn hóa, tôn giáo và các mô hình chính trị Ấn Độ từ những thế kỷ đầu tiên sau Công Nguyên, và các vương quốc Hindu giáo và Phật giáo đã bắt đầu phát triển. Lịch sử Indonesia bị ảnh hưởng bởi các cường quốc nước ngoài muốn nhòm ngó các nguồn tài nguyên thiên nhiên của họ. Các nhà buôn Hồi giáo đã đưa tới Đạo Hồi, và các cường quốc Châu Âu đã tranh giành để độc chiếm lĩnh vực thương mại trên các hòn đảo Hương liệu Maluku trong Thời đại Khám phá. Sau ba thế kỷ rưỡi dưới ách thực dân Hà Lan, Indonesia đã giành được độc lập sau Thế chiến thứ hai. Từ đó lịch sử Indonesia rơi vào cảnh biến động với các nguy cơ từ các thảm hoạ thiên nhiên, nạn tham nhũng và chia rẽ cũng như một quá trình dân chủ hóa, và các giai đoạn thay đổi kinh tế nhanh chóng.

Đồng 2 euro kỷ niệm

2 euro kỷ niệm là những tiền kỷ niệm euro đặc biệt được các quốc gia thành viên của khu vực đồng euro đúc và phát hành từ năm 2004 dùng làm tiền pháp định tại tất cả các quốc gia thành viên khu vực đồng euro. Những đồng xu này thường để kỷ niệm các sự kiện lịch sử hoặc để thu hút sự chú ý vào những sự kiện quan trọng đặc biệt đang diễn ra.

Vào năm 2009, đã có 69 mẫu thiết kế (phiên bản) của đồng kỷ niệm 2 được đúc—sáu phiên bản vào năm 2004, tám phiên bản vào năm 2005, bảy phiên bản vào năm 2006, 20 loại năm 2007 (gồm mười ba phiên bản của đồng thông thường), 10 vào năm 2008, 18 vào năm 2009 (gồm cả 16 phiên bản của đồng thông thường). Người ta đã lên kế hoạch đúc thêm ít nhất 6 mẫu thiết kế nữa vào năm 2009. Những đồng kỷ niệm 2 € đã trở thành vật sưu tập. Không nên nhầm lẫn tiền kỷ niệm 2 € với các tiền kỷ niệm (giá trị in trên mặt lớn hơn 2 €), được quy định chính thức là “tiền sưu tập” và thường được làm từ kim loại quý.

Vệ tinh Callisto

Vệ tinh Callisto

Callisto là vệ tinh lớn thứ hai của Sao Mộc, được Galileo Galilei phát hiện năm 1610. Trong hệ Mặt Trời, Callisto là vệ tinh lớn thứ ba, sau Ganymede cũng của Sao Mộc và vệ tinh Titan của Sao Thổ. Tuy kích thước bằng 99% Sao Thủy nhưng do có khối lượng riêng nhỏ, khối lượng của Callisto chỉ bằng một phần so với Sao Thủy. Trong số 4 vệ tinh lớn của Sao Mộc mà Galilei đã phát hiện từ thế kỉ 17, Callisto có khoảng cách với Sao Mộc xa nhất, trung bình 1.880.000 km. Callisto cũng không tạo ra với 3 vệ tinh lớn còn lại hệ quỹ đạo cộng hưởng. Dưới sức hút cực lớn của một “hành tinh khí khổng lồ” như Sao Mộc, một mặt của Callisto luôn luôn hướng về phía Sao Mộc, giống như Mặt Trăng luôn chỉ quay một mặt về phía Trái Đất. Tàu thám hiểm Galileo khi nghiên cứu Sao Mộc và các vệ tinh của nó đã chỉ ra rằng, rất có thể ớ phía dưới lớp bề mặt băng đá 1.000 km là một đại dương.

Callisto có một bầu khí quyển rất mỏng với sự xuất hiện của CO2, các nguyên tử oxy, và một tầng điện ly khá dày. Ngày nay, người ta cho rằng Callisto được hình thành từ sự tích tụ rất chậm chạp các vật chất trong vành đai của Sao Mộc vào buổi đầu của hệ Mặt Trời. Tốc độ hình thành thấp và thiếu đi năng lượng sinh ra do ma sát giữa các lớp vật chất, Callisto không bị phân lớp một cách hoàn toàn mà chỉ bị phân lớp một phần. Chính sự phân lớp một phần đó có thể đã tạo ra cho Callisto một lõi đá nhỏ và một lớp nước dày từ 100 đến 150 km dưới lớp bề mặt.

Với sự tồn tại của một đại dương, mặc dù ở sâu dưới lớp bề mặt, Callisto có thể có sự sống. Một số tàu thám hiểm đã nghiên cứu vệ tinh này, từ Pioneer 10Pioneer 11 tới GalileoCassini. Trong tương quan với Sao Mộc và các vệ tinh của nó, Callisto có thể là nơi thích hợp nhất cho những chuyến thám hiểm và khai phá trong tương lai của con người.