Nguyễn Lân

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Nguyễn Lân
Sinh(1906-06-14)14 tháng 6, 1906
Ngọc Lập, Mỹ Hào, Hưng Yên
Mất7 tháng 8, 2003(2003-08-07) (97 tuổi)
Hà Nội
Học vịCao đẳng thời Pháp thuộc
Nghề nghiệpGiáo viên, Nhà văn, Nhà biên soạn sách giáo khoa và từ điển.
Nổi tiếng vìCậu bé nhà quê (1925), Nguyễn Trường Tộ (1943), Ngữ pháp Việt Nam (1956), Lịch sử giáo dục học thế giới (1958), Công tác chủ nhiệm lớp (1962), Rèn giũa học sinh thói quen nói lời hay, tránh lời tục (1981), Thuật ngữ tâm lý và giáo dục Nga-Pháp-Việt (1986), Từ điển tiếng Việt (1986), Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (1989)
Phối ngẫuNguyễn Thị Tề
Con cáibảy con trai, một con gái
Danh hiệuNhà giáo nhân dân (1988)

Nguyễn Lân (14 tháng 6 năm 19067 tháng 8 năm 2003) là một giáo viên[1], người biên soạn từ điển, nhà văn và nhà nghiên cứu người Việt Nam. Ông là người có công trong việc xây dựng bộ môn và khoa tâm lý học, giáo dục học của hệ thống các trường sư phạm ở Việt Nam. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Nguyễn Lân cũng là một nhân vật gây tranh cãi khi ông tham gia đấu tố Giáo sư Trương Tửu và Giáo sư Trần Đức Thảo -sự kiện mà sau này ông nói ân hận, và các thiếu sót khi soạn từ điển tiếng Việt.[2][3][4]

Tiểu sử và quá trình công tác[sửa | sửa mã nguồn]

Nguyễn Lân sinh ngày 14 tháng 6 năm 1906 trong một gia đình nhà nông nghèo, hiếu học ở làng Ngọc Lập, Phùng Chí Kiên, Mỹ Hào, Hưng Yên. Năm 1929, ông thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương. Năm 1932, ông dạy tại Trường Hồng Bàng, sau đó làm giám học và dạy 2 môn văn, sử tại Trường Thăng Long. Từ năm 1935 đến năm 1945, ông sinh sống tại Huế.

Năm 1945: Ông được Chính phủ Trần Trọng Kim mời làm Đốc lý ở Huế, ông đã chấp thuận với 2 yêu cầu:[5] 1. tuy làm đốc lý nhưng vẫn ăn lương giáo viên và có giờ dạy học, 2. không giao thiệp với người Nhật đang có mặt ở Huế lúc ấy. Thời gian này ông đã mở một lớp sư phạm, đồng thời tiến hành một số hoạt động hướng về cách mạng Việt Nam, ông đã mời các nhân sĩ ở Huế đến họp để đổi tên các đường phố từ tên tiếng Pháp sang tên tiếng Việt.

Năm 1946: Ông trở ra Hà Nội và dạy học tại Trường Bưởi. Được một thời gian, kháng chiến bùng nổ, Ông đưa vợ con lên vùng Việt Bắc và được cử làm Giám đốc giáo dục Liên khu 10 gồm 6 tỉnh: Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Yên (nay là Vĩnh Phúc), Tuyên Quang, Lào CaiHà Giang.

Năm 1951: Ông được cử đi học ở khu học xã Trung Quốc tại tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc.

Năm 1956: Ông về dạy tại khoa tâm lý giáo dục của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Năm 1971: Ông về nghỉ hưu ở tuổi 67. Từ đó cho đến khi qua đời, ông đã dành trọn thời gian cho việc biên soạn từ điển và nghiên cứu nhằm gìn giữ, phát triển tiếng Việt. Các cuốn từ điển do ông biên soạn như: Từ điển Việt-Pháp (1989), Từ điển Hán-Việt, Từ điển thành ngữ, tục ngữ Pháp-Việt (1993), Từ điển từ và ngữ Việt Nam (2000)... Tuy vậy hiện nay đang có nhiều nhà nghiên cứu đã cho công bố nhiều sai sót trong các quyển từ điển này.[6]

Năm 1988: Ông được nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân.

Năm 2001: Ông được nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng nhà nước về khoa học và công nghệ cho "Cụm công trình về giáo dục học từ điển tiếng Việt".

Ngày 7 tháng 8 năm 2003, ông qua đời ở tuổi 97 tại Hà Nội vì mắc bệnh ung thư.[7]

Hoạt động gây tranh cãi[sửa | sửa mã nguồn]

Phê phán Giáo sư Trần Đức Thảo và Giáo sư Trương Tửu.[sửa | sửa mã nguồn]

Sau vụ Nhân văn Giai phẩm, Trần Đức Thảo bị mất chức Phó Giám đốc trường ĐHSP Hà Nội, chức Trưởng khoa Lịch sử chung cho cả ĐHSP và ĐHTH Hà Nội, Trần Đức Thảo bị cấm giảng dạy, phải dịch thuật lặt vặt để sống, cuộc sống bị cô lập. Trương Tửu bị buộc phải thôi việc.[9][10]:

  • Về sau, Nguyễn Lân tỏ ra ân hận về những phê phán của mình đối với Giáo sư Trần Đức Thảo, sau khi ông Trần Đức Thảo nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng cấp cao nhất của nhà nước Việt Nam. Ông không xin lỗi Trương Tửu.[cần dẫn nguồn]

Cả đời tôi sống thanh bạch, không làm điều gì để trái với lương tâm, chỉ có hai điều tôi cứ ân hận mãi. Một là tôi được các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đến tận nhà thăm hỏi, những do tuổi cao, đi lại không thuận tiện nên chưa lần nào đến nhà đáp lễ được. Điều thứ hai là, năm 1957, hồi tôi là Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục, được tổ chức phân công cuộc họp phê phán ông Trần Đức Thảo, một nhà triết học rất uyên bác. Là nhiệm vụ trên giao, tôi không thể không thực hiện, mà trong lòng thấy ân hận vô cùng. Rất mừng, năm 2000 các công trình nghiên cứu của GS Trần Đức Thảo được Đảng và Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh”.[2]

Những sai lầm khi biên soạn từ điển[sửa | sửa mã nguồn]

Nguyễn Lân nghỉ hưu năm 1967, từ đó ông dành tâm huyết cho việc biên soạn từ điển. Các cuốn từ điển do ông biên soạn như: Từ điển Việt-Pháp (1989), Từ điển Hán-Việt, Từ điển thành ngữ, tục ngữ Pháp-Việt (1993), Từ điển từ và ngữ Việt Nam (2000)... Tuy vậy hiện nay đang có nhiều nhà nghiên cứu đã cho công bố nhiều sai sót trong các quyển từ điển này.

  • Tác giả Huệ Thiên đã đăng trên Tạp chí Văn (bộ mới), số 6, tháng 9-2000 bài viết nhiều kỳ " Đọc lướt "Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân"[11].Bài viết đã phân tích những sai lầm cơ bản về giải thích từ và ngữ của Nguyễn Lân.

Sau đó Nguyễn Lân gửi thư cho Tạp chí Văn, tạp chí này đã đăng bức thư đó.[12]. Nội dung bức thư, Nguyễn Lân cho rằng mình tuổi già sức yếu nên có thể có những sai sót và cho rằng ông Huệ Thiên nhận xét sai lệch.

  • Tác giả Lê Mạnh Chiến đã đăng trên tạp chí Thế giới Mới từ số 582 đến số 587 (26/4 đến 31/5/2004) với nhan đề là “170 sai lầm trong một cuốn từ điển", chỉ ra những sai lầm của Nguyễn Lân trong việc biên soạn từ điển.[13]

Tác giả Lê Mạnh Chiến đã phân tích nhà giáo Nguyễn Lân đã giải nghĩa các Từ tố không thỏa đáng; Giảng đúng nghĩa của các từ tố, nhưng giảng sai nghĩa của từ; Dựa theo cảm thức chủ quan để “sáng tác” nghĩa cho các từ tố; Không phân biệt được các từ gốc Hán đã Việt hoá và các từ “thuần Hán”; Giải thích sai lệch các từ ngữ liên quan đến lịch sử và văn hoá. Lê Mạnh Chiến cũng cho rằng nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân: hoàn toàn không đọc được chữ Hán nên không thể ghi các từ bằng chữ Hán được, nhưng ông vẫn muốn tỏ ra hiểu biết sâu sắc về mảng từ Hán Việt nên đã ra sức giải nghĩa từng từ tố. Vì thế, khi giải nghĩa các từ tố, ông ta chỉ có thể đoán mò dựa theo âm Hán-Việt hoặc bịa ra nghĩa cho các từ tố.[14]

  • Đặc biệt, vào năm 2017, nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công đã xuất bản cuốn sách Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu dày hơn 500 trang, trong đó liệt kê hàng trăm (có thể lên đến hàng nghìn) lỗi sai trong các từ điển của Nguyễn Lân, bao gồm:
    • Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam
    • Từ điển từ và ngữ Hán Việt
    • Từ điển từ và ngữ Việt Nam

Trong tác phẩm này, Hoàng Tuấn Công cũng đã chỉ ra những lỗi sai cơ bản mang tính hệ thống, thể hiện sự thiếu kiến thức và cách làm việc thiếu cẩn thận, thiếu khoa học của Nguyễn Lân.[15] [16]

Mạo nhận học hàm Giáo sư và sự nhầm lẫn của truyền thông[sửa | sửa mã nguồn]

  • Lúc sinh thời, trong các tác phẩm của mình viết, Nguyễn Lân luôn đề tên ở bìa sách là Giáo sư Nguyễn Lân. Ví dụ những sách đã xuất bản như Từ điển chính tả phổ thông (1963); Từ điển Tiếng Việt (1967); Từ điển Pháp Việt (1981); Từ điển từ và ngữ Hán Việt (1989); Từ điển Việt Pháp (hợp soạn, 1989); Từ điển thành ngữ và tục ngữ (1989); Từ điển thành ngữ, tục ngữ Pháp Việt (1994); Từ điển từ và ngữ Việt Nam (2002)...đều đề tên là Giáo sư Nguyễn Lân. Tuy nhiên quyết định 162/CP về đợt phong học hàm Giáo sư đầu tiên ở Miền Bắc Việt Nam được ký ngày 11/9/1976 bởi cố thủ tướng Phạm Văn Đồng gồm 29 người không có tên của Nguyễn Lân và các đợt phong sau đó, các năm 1980, 1984, 1988, 1991,...đều không có tên của nhà giáo Nguyễn Lân.[3]
  • Ngày 10 tháng 12 năm 2013, Trường ĐHSP Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học: “Nhà giáo nhân dân, Giáo sư Nguyễn Lân- Cuộc đời và sự nghiệp” nhân kỉ niệm 10 năm ngày mất của ông (2003- 2013)[17]. Hội thảo đã chưng pano đề tên: HỘI THẢO KHOA HỌC - NGND GS NGUYỄN LÂN.
  • Một số tờ báo ở Việt Nam khi viết bài về Nguyễn Lân đã gọi ông là Giáo sư Nguyễn Lân...[18][19][20]

Về việc xây lăng mộ cho ông Nguyễn Trường Tộ[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1942, Nguyễn Lân đã gửi số tiền 133$00 [21] cho cố Laygue, linh mục địa phận Xã Đoài để xây lại mộ Nguyễn Trường Tộ[22][23]. Số tiền đó bao gồm, 110$00 là tiền bán 900 quyển " Nguyễn Trường Tộ" của ông, còn 23p là tiền của những người bạn ông góp vào. Ngôi mộ Nguyễn Trường Tộ hiện nay ở làng Bùi Chu, xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Lăng mộ của Nguyễn Trường Tộ đề 2 câu thơ không ghi tên tác giả:

Nhất thất túc thành thiên cổ hận
Cố đầu hồi thị bách niên cơ.

Dịch ra tiếng Việt có nghĩa là:

Một bước sa chân nghìn đời mang hận
Quay đầu nhìn lại, cơ đồ đã hóa trăm năm.

Trước đây bia lăng mộ cũ đã bị sứt mẻ mất chữ cuối cùng, khi là người đứng ra xây lại mộ, nhà giáo Nguyễn Lân đã không có ý kiến gì khi người xây mộ khắc hai câu thơ đó.[24]. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chữ cuối cùng là chữ "thân" mới đúng, vì đó là 2 câu thơ cổ của danh tướng Lý Lăng, đời Hán Vũ Đế, Trung Quốc:

Nhất thất túc thành thiên cổ hận
Cố hồi đầu thị bách niên thân

Dịch ra tiếng Việt có nghĩa là:

Một lần sẩy chân, trở thành mối hận ngàn đời
Quay đầu nhìn lại, đã là cái thân trăm năm.

Gia đình[sửa | sửa mã nguồn]

Ông lập gia đình với bà Nguyễn Thị Tề, nữ sinh trường Sainte Marie ở Hà Nội, là con gái nhà đại điền chủ Nguyễn Hữu Tiệp, người có công chính thành lập trường tiểu học Bạch Hạc - Việt Trì. Ông bà có tám người con: 7 trai và 1 gái, dù sinh ra và lớn lên trong Chiến tranh Việt Nam nhưng 8 người con của ông đều không tham gia vào cuộc chiến và không bị tổn thất. Tất cả đều là giảng viên đại học, bảy con ông có học vị tiến sĩ, trong đó có bốn giáo sư, ba phó giáo sư:[25]

Tác phẩm[sửa | sửa mã nguồn]

Tác phẩm viết về chủ đề giáo dục:

  • Ngữ pháp Việt Nam từ lớp 1 đến lớp 7(Nhà xuất bản Giáo dục - 1956)
  • Lịch sử giáo dục học thế giới (Nhà xuất bản Giáo dục 1958)
  • Giáo trình giáo dục học (Nhà xuất bản Giáo dục 1961, viết chung)
  • Giảng dạy trên lớp (Nhà xuất bản Giáo dục 1961)
  • Công tác chủ nhiệm lớp (Nhà xuất bản Giáo dục 1962)
  • Thuật ngữ tâm lý - giáo dục (1967, viết chung)[27]

Biên soạn Từ điển:

  • Từ điển chính tả phổ thông (1963, viết chung)
  • Từ điển tiếng Việt (1967, viết chung)
  • Từ điển Pháp - Việt (Tổ chức Hợp tác văn hóa và kỹ thuật ACCT xuất bản tai Paris năm 1981, viết chung)
  • Từ điển từ và ngữ Hán - Việt(1989)
  • Từ điển Việt - Pháp(viết chung, 1989)
  • Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (1989)
  • Từ điển thành ngữ và tục ngữ Pháp - Việt(1993, Nhà xuất bản Giáo dục)
  • Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt - Pháp (1994, Nhà xuất bản Văn học)
  • Từ điển từ và ngữ Việt Nam (2002) [28]

Nghiên cứu:

  • Nguyễn Trường Tộ (1943)
  • Khảo thích truyện Trê Cóc (1959)[29]

Tiểu thuyết:

  • Cậu bé nhà quê (1925)[30]

Truyện ngắn:

  • Khói hương (1935)[31]
  • Ngược dòng(1936)[31]
  • Hai ngả (1938)[32]

Vinh danh[sửa | sửa mã nguồn]

Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân đợt đầu tiên. Hiện nay, tên của ông được đặt tên cho một tuyến phố ở Hà Nội, đi từ đường Trường Chinh (cạnh bảo tàng Phòng không - Không quân) dọc theo bờ tây sông Lừ đến cuối phố Lê Trọng Tấn ở cạnh sân bay Bạch Mai. Ở quê nhà của ông ở tỉnh Hưng Yên, huyện Mỹ Hào, Bần Yên Nhân năm 2019 cũng có một đường phố mang tên ông. Năm 2019, một ngôi trường công lập trung học cơ sở nằm trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội cũng được mang tên ông, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân.[cần dẫn nguồn]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Giáo sư: trước 1945, những người làm nghề dạy học từ cấp trung học trở lên đều được gọi là giáo sư, tức thầy giáo.
  2. ^ a b [1] Chuyện giờ mới kể về GS NGND Nguyễn Lân
  3. ^ a b Giáo sư Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2004
  4. ^ TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT CỦA GS NGUYÊN LÂN - PHÊ BÌNH VÀ KHẢO CỨU, Tác giả Hoàng Tuấn Công, Nhà xuất bản hội nhà văn, 2017
  5. ^ [2] Lưu trữ 2007-08-31 tại Wayback Machine Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân, sắp tròn một thế kỷ số vì sự nghiệp giáo dục
  6. ^ Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt, Lê Mạnh Chiến, Talawas, 18.3.2005
  7. ^ Nguyễn Lân Dũng (ngày 30 tháng 5 năm 2020). “Tiền đâu chữa ung thư?”. VnExpress. Truy cập ngày 1 tháng 6 năm 2020.
  8. ^ TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM ĐÃ NHỔ ĐƯỢC HAI CÁI GAI Báo NHÂN DÂN, Chủ nhật, ngày ngày 18 tháng 5 năm 1958, trang 3
  9. ^ TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM ĐÃ NHỔ ĐƯỢC HAI CÁI GAI
  10. ^ Nguyễn Lân (18 tháng 5 năm 1958). “TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM ĐÃ NHỔ ĐƯỢC HAI CÁI GAI”. Báo Nhân dân. tr. 3.
  11. ^ [3] Đọc lướt "Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân
  12. ^ [4] Văn, số 8-2000, tr. 100-1
  13. ^ 170 sai lầm trong một cuốn từ điển
  14. ^ trích dẫn bài 170 sai lầm trong một cuốn từ điển
  15. ^ https://cuoituan.tuoitre.vn/tu-tac-pham-bien-chinh-cua-hoang-tuan-cong-cho-nhieu-cau-tra-loi-1378204.htm
  16. ^ https://www.phunuonline.com.vn/gs-nguyen-lan-va-tac-gia-hoang-tuan-cong-mot-tre-mot-gia-va-mot-cau-hoi-a50033.html
  17. ^ [5] Hội thảo khoa học "NGND.GS Nguyễn Lân - Cuộc đời và sự nghiệp"
  18. ^ [6] Lưu trữ 2015-05-31 tại Wayback Machine Huyền thoại một gia đình
  19. ^ [7] Những gia đình danh tiếng nhất Việt Nam
  20. ^ [8] Người thầy của các giáo sư
  21. ^ trích số tiền theo nguyên văn bài báo "Về việc xây mộ cụ Nguyễn Trường Tộ", đăng trên báo Tràng An
  22. ^ [9], Về việc xây mộ cụ Nguyễn Trường Tộ, Báo Tràng An, ngày 21/05.1942
  23. ^ [10] Lưu trữ 2016-03-12 tại Wayback Machine Ký ức về người cha suốt một đời học tập để con cháu noi theo của Chuyên gia Nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng
  24. ^ [11] Lưu trữ 2017-01-01 tại Wayback Machine VỀ HAI CÂU THƠ ĐỀ TRÊN MỘ NGUYỄN TRƯỜNG TỘ
  25. ^ http://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/Nguoi-me-cua-nhung-tai-nang-476154/
  26. ^ https://tuoitre.vn/nguyen-lan-thang-lanh-6-nam-tu-vi-toi-chong-chinh-quyen-20230412164618586.htm
  27. ^ [12] Hồi ký những năm tháng không quên, Giáo sư Nguyễn Đình Chú
  28. ^ Hồi ký giáo dục của cố giáo sư Nguyễn Lân
  29. ^ Hồi ký Những năm tháng không quên, giáo sư Nguyễn Đình Chú
  30. ^ Với bút danh Từ Ngọc, Cậu bé nhà quê đã được Anphơrét Butsê dịch ra tiếng Pháp vào năm 1934, được đưa vào nhà trường làm sách giáo khoa, Hồi ký Những năm tháng không quên, Giáo sư Nguyễn Đình Chú
  31. ^ a b Bút danh Từ Ngọc
  32. ^ Bút danh từ Ngọc

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]