Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2009/02

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014
2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022 2023 2024
Bài viết chọn lọc
tháng 2 năm 2009
Tháng
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12

Kế hoạch Marshall

Bích chương cổ động Kế hoạch Marshall tại châu Âu

Kế hoạch Marshall (Marshall Plan) là một kế hoạch trọng yếu của Hoa Kỳ nhằm tái thiết và thiết lập một nền móng vững chắc hơn cho các quốc gia Tây Âu, đẩy lui chủ nghĩa cộng sản sau Thế chiến thứ hai. Mang tên chính thức “Kế hoạch phục hưng Châu Âu”, nhưng Kế hoạch Marshall thường được gọi theo tên của Ngoại trưởng Mỹ George Marshall, người đã khởi xướng và ban hành kế hoạch. Kế hoạch Marshall là thành quả lao động của các quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, trong đó ghi nhận sự đóng góp đặc biệt của William L. ClaytonGeorge F. Kennan.

Kế hoạch tái thiết được phát triển tại cuộc họp mặt của các quốc gia Châu Âu ngày 12 tháng 7 năm 1947. Kế hoạch Marshall đề ra việc viện trợ tương đương cho Liên Xô và đồng minh của họ, nhưng không được chấp nhận. Kế hoạch được thực thi trong vòng 4 năm, kể từ tháng 7 năm 1947. Trong thời gian đó, có khoảng 17 tỷ đô la Mỹ viện trợ kinh tế và hỗ trợ kỹ thuật để giúp khôi phục các quốc gia châu Âu tham gia Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Nhiều quốc gia châu Âu đã nhận được viện trợ trước khi có Kế hoạch Marshall, kể từ năm 1945, cùng với các điều kiện chính trị kèm theo.

Cho tới khi kết thúc dự án, nền kinh tế của các quốc gia nằm trong Kế hoạch, ngoại trừ Tây Đức, đã phát triển vượt mức trước chiến tranh. Trong vòng hai thập kỷ tiếp đó, nhiều vùng ở Tây Âu tiếp tục đạt được mức tăng trưởng và phồn vinh chưa từng có trước đó. Kế hoạch Marshall cũng được xem là một trong các thành tố của quá trình hội nhập Châu Âu, vì nó xóa bỏ hàng rào thuế quan và thiết lập các cơ quan điều phối kinh tế tầm cỡ lục địa.

William III của Anh

Chân dung William III của Sir Godfrey Kneller

William III hoặc William xứ Orange (14 tháng 11 năm 16508 tháng 3 năm 1702) là Hoàng thân Orange, từ năm 1672 là Tổng đốc các tỉnh lớn của Cộng hòa Hà Lan, rồi được tôn làm Vua Anh, Scotland, và Ireland kể từ năm 1689. Là một thành viên của Nhà Orange-Nassau, William III trị vì Anh, Scotland, và Ireland sau cuộc Cách mạng Ving quang, khi nhạc phụ của ông, James II của Anh, bị phế truất. William đồng trị vì với vợ, Mary II, cho đến khi Mary băng hà ngày 28 tháng 12 năm 1694. Ông là “William II” ở Scotland, và là “William III” ở Anh và Ireland. Tại Bắc Ireland và Scotland, người ta còn gọi ông là “Vua Billy”.

Là tín hữu Kháng Cách, William tham gia các cuộc chiến chống Louis XIV của Pháp, một quân vương Công giáo đầy quyền lực, trong bối cảnh châu Âu đang bị chia cắt bởi các thế lực Công giáo và Kháng Cách. Phần lớn là nhờ thanh danh ấy mà William được tôn làm vua nước Anh nơi có nhiều người luôn e sợ một sự phục hồi ảnh hưởng Công giáo do những nỗ lực của James đem cựu giáo trở lại vương quốc này. Chiến thắng của William III tại mặt trận Boyne khi ông đánh bại James II năm 1690 vẫn được Hội Orange ở Bắc Ireland kỷ niệm cho đến ngày nay. Thời trị vì của William nổi bật với sự khởi đầu của giai đoạn chuyển đổi quyền lực từ thể chế cai trị độc đoán của dòng họ Stuart sang thể chế tập trung nhiều quyền lực hơn cho Quốc hội dưới triều Hanover.

Giấc mơ danh vọng

Giấc mơ danh vọng (tên gốc: Dreamgirls) là một bộ phim ca nhạc Mỹ của đạo diễn Bill Condon được công chiếu lần đầu vào năm 2006, do hai hãng DreamWorks Pictures cùng Paramount Pictures hợp tác sản xuất và phát hành. Bộ phim được chiếu ra mắt tại ba roadshow đặc biệt bắt đầu vào ngày 15 tháng 12 năm 2006, phát hành chính thức trên toàn nước Mỹ vào 25 tháng 12 năm 2006. Dreamgirls đã giành tổng cộng 3 giải Quả cầu vàng năm 2007, trong đó có giải Phim xuất sắc nhất thuộc thể loại Hài kịch hay Nhạc kịch, đồng thời cũng chiến thắng ở hai hạng mục tại lễ trao giải Oscar lần thứ 79.

Chuyển thể từ vở nhạc kịch Broadway cùng tên năm 1981, Dreamgirls kể về cuộc đời của Effie White, Deena Jones và Lorrell Robinson, ba cô gái trẻ đã thành lập một nhóm tam ca ở thành phố Detroit, Michigan mang tên “The Dreamettes”. Nhờ sự giúp đỡ của nhà quản lý thu âm Curtis Taylor, Jr., Dreamettes đã dần trở nên nổi tiếng khi là nhóm hát bè cho ca sĩ nhạc soul James “Thunder” Early. Mâu thuẫn xảy ra giữa các thành viên khi Curtis chuyển nhóm hát này thành một ban nhạc theo xu hướng pop, với tên gọi mới “The Dreams”, và đặc biệt khi đưa Deena lên thay thế Effie ở cả vai trò ca sĩ hát chính lẫn vị trí người tình của Taylor.

Bộ phim có sự tham gia của những ngôi sao như Jamie Foxx, Beyoncé Knowles, Eddie Murphy, và Jennifer Hudson, người đã nhận giải Oscar cho nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất với vai diễn Effie White. Nhà sản xuất của phim là Laurence Mark; kịch bản đã được Bill Condon chuyển thể từ kịch bản gốc của Tom Eyen và các ca khúc do Eyen cùng Henry Krieger sáng tác. Bốn ca khúc mới, do Krieger viết nhạc và nhiều người khác soạn lời, đã được đưa thêm vào trong phim.

Takahashi Rumiko

Takahashi Rumiko (phiên âm Hán Việt: Cao Kiều Lưu Mỹ Tử) là một trong những mangaka (người sáng tác truyện tranh Nhật Bản) xuất sắc cũng như giàu có nhất Nhật Bản hiện nay. Mặc dù là phụ nữ, nhưng bà thừa nhận thích đọc và viết các tác phẩm manga dành cho nam thiếu niên (Shōnen manga) hơn là các tác phẩm dành cho nữ thiếu niên (Shōjo manga), nguyên do từ thuở nhỏ bà đã đọc và làm quen với các shōnen manga thông qua tạp chí Shōnen Sunday. Các shōnen manga của bà như Inu Yasha, Một nửa Ranma, Mezon Ikkoku, Urusei Yatsura… nhanh chóng được nhiều độc giả ưa thích và đã làm nên sự thành công cũng như nổi tiếng của bà. Tính đến năm 2008, đã có hơn 170 triệu ấn phẩm của Takahashi được bán ra trên toàn thế giới. Bà cũng đã đoạt hai Giải thưởng Manga Shogakukan (Shogakukan Manga Award): giải thưởng năm 1981 dành cho Urusei Yatsura và giải thưởng năm 2002 dành cho Inu Yasha.

Với bề dày thành tích như trên, độc giả đã gán tặng Takahashi Rumiko biệt danh “công chúa manga”. Một điều đặc biệt là “Takahashi đã dành trọn cuộc đời mình cho manga” và đến nay bà vẫn chưa lập gia đình.

Washington, D.C.

Điện Capitol

Washington, D.C. là thành phố thủ đô của Hoa Kỳ, được thành lập vào ngày 16 tháng 7 năm 1790. Mang tên chính thức “District of Columbia”, có nghĩa “Đặc khu Columbia”, thành phố này còn thường được gọi là “Washington”, “the District”, hoặc đơn giản hơn “D.C.”

Thành phố Washington ban đầu là một đô thị tự quản riêng biệt bên trong Lãnh thổ Columbia cho đến khi một đạo luật của Quốc hội Hoa Kỳ năm 1871 có hiệu lực kết hợp thành phố và lãnh thổ này thành một thực thể duy nhất được gọi là Đặc khu Columbia. Đó là lý do tại sao thành phố này trong khi có tên gọi chính thức là Đặc khu Columbia lại được biết với tên gọi là Washington, D.C., có nghĩa là thành phố Washington, Đặc khu Columbia. Thành phố nằm bên bờ bắc sông Potomac và có ranh giới với tiểu bang Virginia ở phía tây nam và tiểu bang Maryland ở các phía còn lại. Tuy đặc khu này có dân số 591.833 người nhưng do nhiều người di chuyển ra vào từ các vùng ngoại ô lân cận nên dân số thực tế lên đến trên 1 triệu người trong suốt tuần làm việc. Vùng đô thị Washington, bao gồm cả thành phố, có dân số 5,3 triệu người là vùng đô thị lớn thứ 8 tại Hoa Kỳ.

Điều một trong Hiến pháp Hoa Kỳ có nói đến việc lập ra một đặc khu liên bang, không phụ thuộc vào bất cứ tiểu bang nào, để phục vụ như thủ đô vĩnh viễn của quốc gia. Các trung tâm của ba ngành trong chính phủ liên bang Hoa Kỳ cùng nhiều đài tưởng niệm và bảo tàng quốc gia đều nằm trong đặc khu. Washington, D.C. là nơi tiếp nhận 173 đại sứ quán ngoại quốc cũng như các tổng hành dinh của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS), Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, và Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO). Ngoài ra còn có tổng hành dinh của các cơ quan khác như các liên đoàn lao động, các nhóm vận động hành lang, và các hội đoàn nghiệp vụ cũng đặt tại nơi đây.