Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2009/01

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014
2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022 2023 2024
Bài viết chọn lọc
tháng 1 năm 2009
Tháng
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12

Thích Quảng Đức

Xe Austin mà Thích Quảng Đức dùng để đến nơi tự thiêu nay được trưng bày tại chùa Thiên Mụ ở Huế

Thích Quảng Đức, thế danh Lâm Văn Tức, (1897 - 11 tháng 6 năm 1963) là một hòa thượng phái Đại thừa, người đã tẩm xăng tự thiêu tại một ngã tư đông đúc ở Sài Gòn vào ngày 11 tháng 6 năm 1963 nhằm phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm. Tấm ảnh chụp hòa thượng tự thiêu đã được truyền đi khắp thế giới và gây nên sự chú ý đặc biệt tới chính sách của chế độ Ngô Đình Diệm. Phóng viên Malcolm Browne đã giành Giải thưởng Ảnh Báo chí Thế giới năm 1963 nhờ một bức hình chụp cảnh Thích Quảng Đức tự thiêu, và nhà báo David Halberstam, một người sau được trao giải Pulitzer, cũng đã có bản tường thuật sự kiện. Sau khi chết, thi hài của Thích Quảng Đức đã được hỏa táng lại, nhưng trái tim của ông thì vẫn còn nguyên. Đây được coi là biểu tượng của lòng trắc ẩn, dẫn đến việc giới Phật tử suy tôn ông thành một vị Bồ tát, làm tăng sức ảnh hưởng của vụ tự thiêu lên dư luận.

Hành động của Thích Quảng Đức đã làm tăng sức ép của quốc tế đối với chính quyền Ngô Đình Diệm, dẫn tới việc tổng thống Diệm phải tuyên bố đưa ra một số cải cách nhằm xoa dịu giới Phật tử. Tuy nhiên, những cải cách như đã hứa đó lại được thực hiện một cách chậm chạp hoặc không hề được thực hiện, khiến tình hình càng trở nên xấu hơn. Khi phong trào phản kháng vẫn tiếp tục dâng cao, Lực lượng đặc biệt trung thành với cố vấn Ngô Đình Nhu, em trai tổng thống, đã tiến hành nhiều cuộc tấn công bố ráp chùa chiền trên cả nước. Lực lượng này đã lấy được trái tim của Thích Quảng Đức, gây thiệt hại ở diện rộng cùng chết chóc. Một số nhà sư khác cũng đã tự thiêu theo gương Thích Quảng Đức. Cuối cùng, cuộc đảo chính quân sự vào tháng 11 đã lật đổ chính quyền và giết chết anh em Ngô Đình Diệm. Hành động tự thiêu của Thích Quảng Đức được coi như một bước ngoặt trong cuộc khủng hoảng Phật giáo Việt Nam, dẫn tới việc xóa bỏ nền Đệ nhất Cộng hòa tại miền Nam Việt Nam.

Bóng đá

Hai cầu thủ Cesc Fàbregas và Anderson đang tranh bóng trong một trận đấu thuộc Giải bóng đá ngoại hạng Anh.

Bóng đá, còn gọi là túc cầu hay đá banh, là môn thể thao đồng đội được chơi giữa hai đội với nhau, mỗi đội có 11 cầu thủ trên sân. Trò chơi này dùng một quả bóng và thường được chơi trên sân cỏ hình chữ nhật với hai khung thành ở hai đầu sân. Mục tiêu của trò chơi là ghi điểm bằng cách đưa bóng vào khung thành của đội đối địch. Ngoại trừ thủ môn, các cầu thủ khác đều không được cố ý dùng tay hoặc cánh tay để chơi bóng. Đội chiến thắng là đội ghi được nhiều bàn thắng hơn khi kết thúc trận đấu.

Bóng đá được chơi ở đẳng cấp chuyên nghiệp trên thế giới. Hàng triệu người đến sân vận động để xem các trận thi đấu có đội bóng mà họ yêu thích, và hàng triệu người khác theo dõi qua tivi nếu không thể đến sân vận động. Ngoài ra, còn rất nhiều người chơi môn thể thao này ở đẳng cấp nghiệp dư.

Theo một cuộc khảo sát công bố vào năm 2001 của FIFA, tổ chức quản lý bóng đá trên thế giới, có hơn 240 triệu người thường xuyên chơi bóng đá ở hơn 200 quốc gia. Luật chơi đơn giản và dụng cụ thi đấu ít tốn kém giúp cho trò chơi này phát triển mạnh mẽ. Ở nhiều nước, bóng đá có vai trò quan trọng trong cuộc sống của người hâm mộ, trong cộng đồng địa phương hay cả quốc gia; do đó có thể nói đây là môn thể thao phổ biến nhất thế giới.

Chủ nghĩa tự do

Bức tượng Nữ thần Tự do

Chủ nghĩa tự do là một hệ tư tưởng, quan điểm triết học, và truyền thống chính trị cho rằng tự do là giá trị chính trị cơ sở. Chủ nghĩa tự do có nguồn gốc từ phong trào Khai sáng ở phương Tây, nhưng thuật ngữ này mang nhiều nghĩa khác nhau trong các giai đoạn khác nhau. Như tại Mỹ, khái niệm chủ nghĩa tự do có ý nói đến chủ nghĩa tự do mới trong khi ở các nơi khác nó vẫn mang ý nghĩa ban đầu của chủ nghĩa tự do cổ điển.

Một cách khái quát, chủ nghĩa tự do nhấn mạnh đến quyền cá nhân. Nó tìm kiếm một xã hội có đặc điểm là tự do tư tưởng cho mỗi cá nhân, hạn chế quyền lực, pháp trị, tự do trao đổi tư tưởng, một nền kinh tế thị trường hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tự do, và một hệ thống chính phủ minh bạch trong đó các quyền của công dân được bảo vệ. Trong xã hội hiện đại, người theo chủ nghĩa tự do ủng hộ một nền dân chủ tự do có bầu cử công bằng và công khai mà mọi công dân đều được hưởng quyền bình đẳng trước pháp luật và có cơ hội thành công như nhau.

Nhiều người theo chủ nghĩa tự do mới ủng hộ sự can thiệp nhiều hơn của nhà nước đến thị trường tự do, thường dưới hình thức các đạo luật chống phân biệt, phổ cập giáo dụcđánh thuế lũy tiến. Triết lý này thường được mở rộng sang cả niềm tin rằng chính phủ phải có trách nhiệm tạo ra phúc lợi chung, trong đó có cả trợ cấp thất nghiệp, nhà ở cho người không nơi cư trú và chăm sóc y tế cho người ốm. Những hoạt động và sự can thiệp mang tính công cộng như trên không được sự ủng hộ của những người theo chủ nghĩa tự do cổ điển hiện đại, một chủ nghĩa nhấn mạnh đến tự do doanh nghiệp tư nhân, quyền sở hữu tài sản của cá nhân và tự do khế ước; các nhà tự do cổ điển cho rằng bất bình đẳng kinh tế là điều tự nhiên diễn ra từ sự cạnh tranh của thị trường tự do và không phải là lý do để dựa vào đó mà có thể vi phạm quyền sở hữu tài sản cá nhân.

Barack Obama‎

Tân Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama

Barack Obama (sinh ngày 4 tháng 8 năm 1961 tại Honolulu, Hawaii, Hoa Kỳ) là tổng thống thứ 44 và đương nhiệm của Hoa Kỳ. Ông đánh bại Thượng nghị sĩ John McCain trong kỳ tổng tuyển cử ngày 4 tháng 11 năm 2008 để trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên thắng cử chức vụ này. Trước đó, Obama là Thượng nghị sĩ đại diện cho Illinois đến khi ông từ chức.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Columbia và Trường Luật của Đại học Harvard, nơi ông từng là chủ nhiệm của tờ tạp chí Harvard Law Review, Obama nhận công việc của một chuyên viên tổ chức cộng đồng và luật sư tập sự chuyên ngành luật nhân quyền, trước khi đắc cử vào Thượng viện của Tiểu bang Ilinois và phục vụ tại đây từ năm 1997 đến 2004. Sau thất bại khi tranh cử vào Viện Dân biểu Hoa Kỳ trong năm 2000, Obama tuyên bố chiến dịch tranh cử cho Thượng viện vào tháng 1 năm 2003. Sau chiến thắng vang dội trong kỳ bầu cử sơ bộ trong tháng 3 năm 2004, ông được mời đọc diễn văn tại Đại hội Đảng Dân chủ Toàn quốc vào tháng 7 năm 2004. Tháng 11 năm 2004, Obama đắc cử vào Thượng viện Hoa Kỳ với 70% phiếu bầu, trở thành thượng nghị sĩ người Mỹ gốc Phi thứ năm trong lịch sử Hoa Kỳ và là người Mỹ gốc Phi duy nhất phục vụ trong Thượng viện vào lúc đó.

Obama tuyên bố tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008 từ tháng 2 năm 2007 và được Đảng Dân chủ chọn làm ứng cử viên đại diện với ứng cử viên phó tổng thống liên danh Joe Biden tại Đại hội Đảng Dân chủ Toàn quốc. Ông là người Mỹ gốc Phi đầu tiên được một chính đảng quan trọng tại Hoa Kỳ chọn lựa cho cuộc đua vào Nhà Trắng. Thắng cử với 53% số phiếu phổ thông và 365 phiếu đại cử tri, Obama đánh bại đối thủ chính là ứng cử viên Cộng hòa John McCain, người nhận 46% số phiếu phổ thông và 163 phiếu đại cử tri. Ông nhậm chức vào ngày 20 tháng 1 năm 2009.

Kế hoạch Marshall

Bích chương cổ động Kế hoạch Marshall tại châu Âu

Kế hoạch Marshall (Marshall Plan) là một kế hoạch trọng yếu của Hoa Kỳ nhằm tái thiết và thiết lập một nền móng vững chắc hơn cho các quốc gia Tây Âu, đẩy lui chủ nghĩa cộng sản sau Thế chiến thứ hai. Mang tên chính thức “Kế hoạch phục hưng Châu Âu”, nhưng Kế hoạch Marshall thường được gọi theo tên của Ngoại trưởng Mỹ George Marshall, người đã khởi xướng và ban hành kế hoạch. Kế hoạch Marshall là thành quả lao động của các quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, trong đó ghi nhận sự đóng góp đặc biệt của William L. ClaytonGeorge F. Kennan.

Kế hoạch tái thiết được phát triển tại cuộc họp mặt của các quốc gia Châu Âu ngày 12 tháng 7 năm 1947. Kế hoạch Marshall đề ra việc viện trợ tương đương cho Liên Xô và đồng minh của họ, nhưng không được chấp nhận. Kế hoạch được thực thi trong vòng 4 năm, kể từ tháng 7 năm 1947. Trong thời gian đó, có khoảng 17 tỷ đô la Mỹ viện trợ kinh tế và hỗ trợ kỹ thuật để giúp khôi phục các quốc gia châu Âu tham gia Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Nhiều quốc gia châu Âu đã nhận được viện trợ trước khi có Kế hoạch Marshall, kể từ năm 1945, cùng với các điều kiện chính trị kèm theo.

Cho tới khi kết thúc dự án, nền kinh tế của các quốc gia nằm trong Kế hoạch, ngoại trừ Tây Đức, đã phát triển vượt mức trước chiến tranh. Trong vòng hai thập kỷ tiếp đó, nhiều vùng ở Tây Âu tiếp tục đạt được mức tăng trưởng và phồn vinh chưa từng có trước đó. Kế hoạch Marshall cũng được xem là một trong các thành tố của quá trình hội nhập Châu Âu, vì nó xóa bỏ hàng rào thuế quan và thiết lập các cơ quan điều phối kinh tế tầm cỡ lục địa.