Cổng thông tin:Chiến tranh Napoléon/Các trận chiến
Trận Waterloo diễn ra vào chủ nhật 18 tháng 6 năm 1815 tại một địa điểm gần Waterloo, thuộc Bỉ ngày nay. Đây là một trong những trận đánh nổi tiểng nhất và cũng là dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh Napoléon. Quân đội Đế chế Pháp dưới sự chỉ huy của Napoléon Bonaparte đã bị đánh bại bởi liên quân của Liên minh thứ bảy, bao gồm quân Anh và đồng minh do Arthur Wellesley, Công tước thứ 1 xứ Wellington chỉ huy và quân Phổ do Thống chế Gebhard von Blücher chỉ huy. Đây là trận đánh kết thúc chiến dịch Waterloo và cũng là trận đánh cuối cùng của Napoléon. Thất bại ở trận đánh này đã đặt dấu chấm hết cho ngôi vị Hoàng đế Pháp của Napoléon và vương triều một trăm ngày của ông. Sau khi Napoléon trở lại nắm quyền vào năm 1815, các nước chống lại ông đã cùng nhau thành lập Liên minh thứ bảy, và bắt đầu điều động quân đội. Hai lực lượng lớn dưới quyền chỉ huy của Wellington và Blücher tiến sát biên giới phía đông bắc nước Pháp. Napoléon quyết định tấn công để tiêu diệt họ trước khi họ kết hợp cùng các thành viên khác trong Liên minh để tiến hành một cuộc xâm lăng vào nước Pháp. Trận Waterloo chính là cuộc chiến quyết định trong chiến dịch Waterloo 3 ngày (từ 16 đến 19 tháng 6 năm 1815) này. Trước đó, vài trận đánh đẫm máu đã kết thúc với thất bại của Napoléon trong việc ngăn cách các kẻ thù của ông - sự lặp lại của chiến bại của ông hồi chiến tranh Liên minh thứ sáu. [ Đọc tiếp ]
Trận Austerlitz là một trong những chiến thắng lớn nhất của Napoléon Bonaparte, tại đó Đệ Nhất Đế chế Pháp đã đánh bại hoàn toàn Liên minh thứ ba. Trong trận chiến diễn ra vào ngày 2 tháng 12 năm 1805 tại một địa điểm gần thành phố Austerlitz (lúc đó thuộc Áo, ngày nay là Slavkov u Brna thuộc Cộng hoà Séc), Hoàng đế Napoléon I đã chỉ huy quân Pháp đánh tan tác liên quân Nga-Áo dưới quyền Hoàng đế Franz II của Thánh chế La Mã và Sa hoàng Aleksandr I.
Chiến thắng của Pháp tại Austerlitz như là một cú đấm vào mặt Liên minh thứ ba, khiến liên minh tan rã. Vào ngày 26 tháng 12 năm 1805, Pháp và Áo ngồi vào bàn đàm phán với Hiệp ước Pressburg, qua đó Áo rút khỏi chiến tranh, củng cố lại các Hiệp ước Campo Formio và Campo Formio trước đó, buộc Áo buông bỏ quyền kiểm soát một số vùng ở Đức cho các đồng minh của Napoléon, và buộc vương triều Habsburg phải giao nộp 40 triệu franc chiến phí. Quân đội Nga được phép quay trở về quê nhà. Chiến thắng cũng đã đưa đến việc thành lập Liên minh sông Rhine, bao gồm các bang của Đức có nhiệm vụ làm tấm đệm giữa Pháp và Trung Âu. Vào năm 1806, Đế quốc La Mã thần thánh buộc phải cáo chung khi Hoàng đế của Đế chế là Franz II từ bỏ ngôi vị và chỉ còn giữ lại danh hiệu Franz I của Áo. Mặc dù vậy nhưng hòa bình không kéo dài khi mà nước Phổ nhanh chóng tham chiến trong Liên minh thứ tư vào năm 1806. [ Đọc tiếp ]
Hải chiến Trafalgar (21 tháng 10 năm 1805) là một trận thủy chiến giữa Hải quân Hoàng gia Anh và đội tàu hỗn hợp của Hải quân Pháp và Hải quân Tây Ban Nha, là một phần của cuộc chiến tranh Liên minh thứ ba, trong các cuộc chiến tranh của Napoléon (1803-1815). Trận chiến này là chiến thắng quan trọng nhất của Đế quốc Anh trong những cuộc chiến tranh chống Napoléon. Vốn từ Mùa Xuân năm 1805, thủy binh Pháp đã mưu đồ phá sự phong tỏa của nước Anh tại Toulon để mà kéo đến Tây Ấn. Giờ đây, 27 tàu của Anh được chỉ huy bởi Đô đốc Horatio Nelson đã đánh bại đội tàu của Hải quân Pháp và Hải quân Tây Ban Nha dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Pháp Pierre Charles Silvestre de Villeneuve tại bờ biển phía Tây Nam của Tây Ban Nha về phía Tây của mũi Trafalgar. Hạm đội Pháp và Tây Ban Nha mất 22 tàu trong khi ấy chẳng có một tàu nào của Anh bị đánh chìm cả. Cho dù chiến đấu dũng cảm, thủy binh Đồng minh Pháp - Tây Ban Nha đã suy sụp nhuệ khí và bị tổn thất rất nhiều binh lính. Chiến thắnng lừng lẫy trong trận thủy chiến ở Trafalgar đã mở ra thời kỳ bá quyền của nước Anh trên biển cả, và mở đường cho cả dân tộc lên đỉnh cao vinh quang dưới triều Nữ hoàng Victoria sau này. Do đó, chiến thắng chói lọi này có ý nghĩa huyền thoại đối với chiều dài lịch sử nước Anh. Đại thắng tại mũi Trafalgar là chiến thắng nổi trội nhất của Đô đốc Nelson, khắc họa thiên tài đánh biển của ông. Thực chất, coi như hỉa quân Đồng minh Pháp - Tây Ban Nha đã bị hủy diệt với thất bại này. Do đó, đại thắng trong trận thủy chiến Trafalgar đã thôi thúc nước Anh sục sôi khí thế giữa những thời khắc đen tối trong cuộc chiến tranh Napoléon, và cũng truyền cảm cho các thế hệ người Anh sau này. [ Đọc tiếp ]
Trận Friedland là một trận đánh ở Đông Phổ trong cuộc Chiến tranh Liên minh thứ tư (một phần của những cuộc chiến tranh của Napoléon), diễn ra vào ngày 14 tháng 6 năm 1807. Trong trận chiến này, quân đội Đế chế Pháp do Hoàng đế Napoléon Bonaparte chỉ huy đã giành thắng lợi quyết định trước quân đội Đế quốc Nga do Bá tước L. L. Bennigsen chỉ huy. Dù là một trong những chiến thắng đắt giá và khó nhọc nhất của Napoléon, trận Friedland đã buộc Nga hoàng Aleksandr I phải ký kết Hiệp ước Tilsit với Hoàng đế Pháp vào tháng 7 năm 1807, chấm dứt cuộc chiến tranh giữa Pháp với Nga và Phổ. Diễn ra trong kỷ niệm lần thứ 7 ngày Napoléon thắng trận Marengo, trận Friedland đã trở thành một thắng lợi toàn diện hơn hẳn trận Marengo, và bất chấp sự chiến đấu kiên cường của quân Nga, nguyên nhân thắng lợi của Napoléon được xem là do Bennigsen đã phân rẽ lực lượng của mình và hình thành thế trận dựa lưng vào sông Alle. Ngoài ra, trận Friedland cũng thể hiện khả năng làm chủ tình hình của Napoléon, cũng như sự biến đổi các chiến thuật của ông để giành lợi thế.Trong khi thiệt hại của quân Pháp là không đáng kể, quân Nga bị thiệt hại nặng nề (trong số đó có những binh sĩ bị chôn sống hoặc chết đuối khi phải rút chạy qua sông Alle). Quân đội của Bennigsen đã trở nên rệu rã sau thất bại của mình. Napoléon I đã mất 2 tiếng đồng hồ để đánh bại quân Nga, và xóa đi bất lợi mà ông vướng phải trong trận Eylau. Được xem là một trong những thắng lợi lớn nhất của ông (mà bản thân ông cũng đánh giá cao), chiến thắng đẫm máu của quân đội Pháp tại Friedland đã khiến cho Nga hoàng Aleksandr I tiến hành đàm phán với Napoléon và từ bỏ đồng minh của mình là Phổ. Không những là thành công của ông trong chiến lược tiêu hao sinh lực địch, trận Friedland là trận đánh đầu tiên mà phần lớn quân đội của ông không phải là người Pháp. Chiến dịch đến đây coi như là chấm dứt. Sau khi chiếm giữ Tilsitz, Napoléon đã chấp nhận lời cầu hòa của người Nga và Hiệp ước Tilsitz vào tháng 7 năm 1807 đã trở thành đỉnh cao của chế độ Napoléon. Ông đã trở thành bá chủ của châu Âu lục địa, trong khi Hệ thống phong tỏa Lục địa của ông đã được lan truyền đến Nga. [ Đọc tiếp ]
Trận Borodino giữa quân đội Pháp do Napoléon I chỉ huy và quân đội Nga dưới sự chỉ huy của Nguyên soái Kutuzov diễn ra tại vùng Borodino - ngoại ô Moskva vào ngày 7 tháng 9 năm 1812 (hay 26 tháng 8 năm 1812 theo lịch Nga cổ). Đây được coi là trận chiến lớn thứ 3 và đẫm máu nhất trong các cuộc chiến tranh xâm lược của Napoléon Bonaparte, với sự tham gia của trên 25 vạn quân từ cả hai phía và số thương vong ít nhất trên 7 vạn người. Để bảo vệ đất nước, những chiến binh Nga đã chiến đấu ngoan cường. Trận đánh lịch sử kéo dài chỉ vỏn vẹn trong một ngày trời với thiệt hại nặng nề cho cả đôi bên, nhưng vì những lý do chiến thuật quân đội Nga - sau khi tuyên bố thắng trận - đã tự động rút lui để nhường đường cho quân Pháp tiến vào thành phố Moskva. Tuy vậy, Napoléon đã thất bại trong mục đích tiêu diệt Quân đội Nga trong trận đánh lớn một ngày. Và, sau trận đánh này quân xâm lược tinh nhuệ của Pháp đã bị tiêu hao sinh lực đáng kể, không đủ khả năng để tiếp tục đánh chiếm các vùng đất khác của Đế quốc Nga. Trong khi đó các nguồn tiếp tế lương thực thuốc men từ hậu phương đều bị quân Nga đánh phá. Kết cục mùa đông năm 1812 quân Pháp đã phải tháo chạy khỏi nước Nga và chiến dịch quân sự đánh chiếm nước Nga của Napoleon I hoàn toàn phá sản, mà nguyên nhân chủ chốt là nhờ sự sống còn của lực lượng Quân đội Nga sau trận đánh Borodino này. Cuộc đại chiến Borodino có tầm quan trọng đặc biệt lớn trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc Nga, là cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của họ, đưa nước Nga cận đại trở nên vinh quang trên võ đài quốc tế. Trận đánh ác liệt này luôn lôi cuốn giới sử học. Nhờ tài nghệ chỉ huy nhân dân Nga đấu tranh chống những kẻ xâm lăng, Nguyên soái Mikhail Illarionovich Kutuzov - vị Tổng tư lệnh Quân đội Nga trong cuộc đại chiến này - được tôn vinh làm anh hùng thiên cổ. Hàng triệu người biết đến trận đánh lớn này thông qua cuốn tiểu thuyết "Chiến tranh và Hòa bình của đại văn hào nước Nga Lev Nikolayevich Tolstoy. [ Đọc tiếp ]
Trận Eylau là một trận đánh lớn trong cuộc Chiến tranh Liên minh thứ tư trong những cuộc chiến tranh của Napoléon, diễn ra từ ngày 7 cho đến ngày 8 tháng 2 năm 1807. Trong trận chiến này, quân Pháp do đích thân Hoàng đế Napoléon Bonaparte thống lĩnh đã kịch chiến với liên quân Nga - Phổ do Tướng Levin August, Bá tước von Bennigsen và Tướng Anton Wilhelm von L'Estocq chỉ huy, với kết quả là một đòn chặn đứng nặng nề của liên quân Nga - Phổ vào Napoléon I. Tuy Napoléon I làm chủ bãi chiến trường, quân đội của ông chịu thiệt hại hết sức nặng nề mà không đạt được mục tiêu nào, do đó đây là trận đánh đâu tiên mà ông và Đội quân vĩ đại của mình bị chặn đứng. Với trận Eylau, lực lượng Quân đội Phổ đã giữ được niềm huy hoàng của mình. Đây cũng trận đánh bất thành nhất của Napoléon I kể từ sau cuộc xâm lược Ai Cập. Trận Eylau được xem là một chiến công của viên Sĩ quan Tham mưu Phổ là Gerhard von Scharnhorst, đập tan ý đồ chấm dứt nhanh gọn cuộc chiến tranh của Napoléon I. Trận đánh này cũng ghi dấu hiệu quả của các chiến binh Mamluk của Napoléon I. Khác với đại thắng Austerlitz (1805), vận động bước ngoặt của quân Pháp trong trận Eylau đã thất bại. Quân Pháp và quân Nga đều tuyên bố chiến thắng. Trận đánh này đã đem lại thiệt hại rất lớn cho cả hai bên tham chiến (30.6% quân Pháp và 27.7% quân Nga). Napoléon I phải hoảng hốt trước cảnh tượng này. Tuy nhiên, quân Pháp thê thảm hơn do phần lớn các đơn vị của họ đều bị hủy hoại ; trận đánh còn thể hiện hỏa lực khủng khiếp của lực lượng Pháo binh Nga thời bấy giờ. Đến cả những Tuyên cáo hùng hồn của Quân đội Pháp cũng không thể che giấu sự tàn khốc của trận đánh này. Trong khi ấy, sự kiệt quệ của cả hai đoàn quân khiến cho họ không thể tổ chức những chiến dịch lớn trong vòng vài tháng sau đó. Quân sĩ Pháp trở nên đói khát, thiếu chu cấp. Và, thảm kịch của Đội quân vĩ đại trong trận Eylau cũng có chút điểm đáng so sánh với thảm bại của Napoléon I trong cuộc xâm lăng nước Nga vào năm 1812. Ngoài ra, một ý nghĩa của trận chiến đẫm máu này là tầm quan trọng của lực lượng Quân đội Phổ trong những cuộc chiến tranh của Napoléon : sự ứng chiến đúng lúc của họ đã cứu vãn Quân đội Nga khỏi thất bại. Quân đội Phổ thời phong kiến cũ đã thể hiện bản lĩnh của mình ngay cả trong khó khăn, và lập nên chiến công ban đầu cho công cuộc hồi phục của họ kể từ sau trận Jena (1806). [ Đọc tiếp ]
Trận Aspern-Essling (21 - 22 tháng 5 năm 1809) là một trận đánh giữa quân Pháp do đích thân Hoàng đế Napoléon Bonaparte thống lĩnh và quân Áo do Đại Công tước Karl chỉ huy. Sau khi kinh thành Viên thất thủ, Napoléon Bonaparte quyết tâm đánh một đòn quyết định vào quân chủ lực Áo, buộc Triều đình nhà Habsburg phải thương thuyết. Trên đảo Lobau, ông đã bắc cầu qua sông Donau, và định tung đại quân vào hai ngôi làng Aspern, Essling ven sông, nhưng vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của quân Áo. Trận chiến đã diễn ra ác liệt trong suốt hai ngày, với sức chiến đấu dữ dội của cả hai phía: người Pháp thì nhận ra cuộc vượt sông Donau của mình đã bị đe dọa còn người Áo thì nhận thấy thời cơ để tiêu diệt Napoléon. Song, Karl đã chủ trương không mạo hiểm mà chỉ đánh một trận phòng thủ quyết liệt nhằm tiêu hao binh lực của Pháp. Trái với Karl, Napoléon đã không có kế hoạch tốt cho trận chiến. Lòng dũng cảm của các binh sĩ Áo đã gây bất lợi cho Napoléon, và lực lượng Pháo binh của họ đã gây thiệt hại kinh khủng cho quân Pháp. Cuối cùng, sau hai ngày chiến đấu, Napoléon bại trận và phải rút quân, mặc dù cuộc tấn công cuối cùng của quân Áo bi đánh bật. Tin tức về chiến thắng vang dội của Quân đội Áo đã khiến cho cả châu Âu đều hy vọng Napoléon sẽ bị tận diệt. Do đó, thất bại ở Aspern - Essling cũng có thể được xem là một thất bại chiến lược của Napoléon. [ Đọc tiếp ]
Trận Wagram là một trận đánh đẫm máu trong cuộc Chiến tranh Liên minh thứ năm - một phần của những cuộc chiến tranh của Napoléon. Trận chiến diễn ra từ ngày 5 cho tới ngày 6 tháng 7 năm 1809, là chiến thắng sát nút của Quân đội Pháp và đồng minh do đích thân Hoàng đế Napoléon Bonaparte chỉ huy trước Quân đội Áo do Đại Công tước Karl chỉ huy. Trận đánh này được xem là thắng lợi lớn cuối cùng trên con đường võ nghiệp của Napoléon I. Tính đến thời điểm đó, đây là trận chiến quy mô lớn nhất trong lịch sử châu Âu, trong đó quân Áo ít quân hơn hẳn quân Pháp và các chư quân.Ngoài ra, trận Wagram còn là trận đấu pháo lớn nhất thời đó. Tuy thực sự không quyết định trên chiến trường và hai bên đều chịu tổn thất ngang ngửa, thắng lợi này đã tái lập tiếng tăm của Hoàng đế Pháp sau khi ông thua trận Aspern-Essling cũng vào năm 1809. Tuy nhiên, do Đại Công tước Karl không còn ý chí chiến đấu, trận Wagram đã trở thành một thắng lợi quyết định của Napoléon: nó mang lại cho ông những chiến quả còn lớn hơn đại thắng Austerlitz. Thực chất, Quân đội Áo triệt thoái trong trật tự và sẵn sàng tiếp tục cuộc chiến. Và, thắng lợi khó nhọc cho thấy Đội quân vĩ đại của Napoléon không còn bất bại nữa, tiếp nối trận Baylen tại Tây Ban Nha báo hiệu một sức mạnh mới của các thế lực chống ông, cho dầu Napoléon vẫn cứ khăng khăng muốn làm bá chủ của cả châu Âu. Chiến thắng Wagram cũng không cho thấy tài nghệ thao lược của ông, mà thay vì đó là sự lệ thuộc của ông vào lực lượng Pháo binh và nhân lực - những cái không thể vững tồn mãi mãi. Bản thân ông cũng rất ấn tượng với lòng kiên dũng của Quân đội Áo trong trận này. Trong khi trận Wagram đã chấm dứt võ nghiệp của Đại Công tước Karl, Radetzky đã chứng tỏ khả năng của ông tại Wagram và ông được Hoàng đế Áo bổ nhiệm làm Phó Chỉ huy của Trung đoàn Thiết Kỵ binh số 4. [ Đọc tiếp ]