Tĩnh Gia

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Tĩnh Gia là một địa danh cũ thuộc tỉnh Thanh Hóa,[1][2][3] xưa là tên một phủ, sau đó là tên một huyện và một thị trấn.

Lịch sử[sửa | sửa mã nguồn]

Phủ Tĩnh Gia[sửa | sửa mã nguồn]

Năm Thiệu Bình thứ 2 (năm 1435) nhà Hậu Lê, Tĩnh Gia là một trong 6 phủ của đạo Hải Tây (cùng với các phủ Thiệu Thiên, Hà Trung, Thanh Đô, Trường Yên, Thiên Quan)[4].

Năm Quang Thuận thứ 7 (năm 1466) đời Lê Thánh Tông, phủ Tĩnh Gia đổi làm phủ Tĩnh Ninh, thuộc Thừa tuyên Thanh Hóa[5].

Thời Lê trung hưng, phủ Tĩnh Ninh đổi thành phủ Tĩnh Giang do kị húy vua Lê Trang Tông (Lê Ninh), sau lại đổi làm phủ Tĩnh Gia[6].

Năm 1838, vua Minh Mạng nhà Nguyễn thành lập phủ Tĩnh Gia thuộc tỉnh Thanh Hóa.

Phủ Tĩnh Gia có ba huyện là Nông Cống, Ngọc Sơn[7]Quảng Xương:[3]

  • Nông Cống: một huyện tại thượng du, có nhiều núi ở phía Tây Nam, có 15 xã, 24 sách, 3 sở, 1 trang và 1 phường,[3] liền với huyện Đông Sơn thuộc phủ Thiệu Thiên.[8]
  • Ngọc Sơn: một huyện gần biển, có 54 xã, 4 phường, 1 trang và 1 vạn.[3]
  • Quảng Xương: có 51 xã,[3] là một huyện gần biển.[9]

Tĩnh Gia có một số núi như Na Sơn (Nông Cống),[3] Yểm Sơn (Ngọc Sơn) và Văn Trinh, Tượng Sơn (Quảng Xương).[9]

Huyện Ngọc Sơn có một cửa biển tên là Du Xuyên hay cửa Bạng, bên trái là đá, bên phải là cát, khá nông và hẹp.[10] Quảng Xương có cửa biển Hội Trào, được Phan Huy Chú đánh giá là "sâu hẹp quanh co", tàu thuyền dễ vào nhưng khó ra[9] và cửa Hiếu Hiền, tại đây thuyền bè di chuyển rất khó khăn do cửa biển to, nông, cửa này cũng có nhiều bãi cát ngầm.[10]

Theo Lịch triều hiến chương loại chí, huyện Nông Cống có 28 người đỗ đại khoa, huyện Ngọc Sơn và Quảng Xương đều có bảy người đỗ.[10] Phan Huy Chú nhận định:

Cuối thời Nguyễn, phủ Tĩnh Gia chỉ bao gồm địa giới huyện Ngọc Sơn. Đến trước Cách mạng tháng Tám, tổng Văn Trinh được nhập về Quảng Xương, phủ Tĩnh Gia còn 5 tổng là Văn Trường, Yên Thái, Sen Trì, Văn Trai và Tuần La với 206 làng, thôn.

Sau Cách mạng tháng Tám, phủ Tĩnh Gia được đổi thành huyện Tĩnh Gia[11].

Huyện Tĩnh Gia[sửa | sửa mã nguồn]

Từ tháng 3 năm 1948, các cấp hành chính phủ, châu, quận được bãi bỏ[12], phủ Tĩnh Gia được đổi thành huyện Tĩnh Gia, là một trong 21 đơn vị hành chính thuộc tỉnh Thanh Hóa.

Huyện Tĩnh Gia có địa giới hành chính: phía đông giáp Biển Đông, phía tây giáp huyện Như Xuân và huyện Nông Cống, phía nam giáp tỉnh Nghệ An, phía bắc giáp huyện Quảng Xương.

Ngày 14 tháng 12 năm 1984, thành lập thị trấn Tĩnh Gia, thị trấn huyện lỵ huyện Tĩnh Gia.[13]

Ngày 15 tháng 5 năm 2006, Chính phủ ban hành Quyết định 102/2006/QĐ-TTg thành lập khu kinh tế Nghi Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa trên địa bàn huyện Tĩnh Gia.[14]

Ngày 7 tháng 12 năm 2016, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 1300/QĐ-BXD công nhận thị trấn Tĩnh Gia mở rộng là đô thị loại III.

Ngày 23 tháng 9 năm 2019, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 788/QĐ-BXD công nhận huyện Tĩnh Gia đạt tiêu chí đô thị loại IV.[15]

Ngày 22 tháng 4 năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 933/NQ-UBTVQH14[16]. Theo đó, thành lập thị xã Nghi Sơn trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của huyện Tĩnh Gia, thành lập phường Hải Hòa thuộc thị xã Nghi Sơn trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị trấn Tĩnh Gia.

Từ đó, địa danh Tĩnh Gia không còn tồn tại. Tuy nhiên, địa danh này vẫn được đặt cho một trường THPT ở phường Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Duy Thanh; Nguyệt Ngân (ngày 11 tháng 2 năm 2017). “Kỷ niệm 445 năm năm sinh danh nhân Đào Duy Từ”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 23 tháng 5 năm 2017.
  2. ^ “Chiếc mâm hai đáy và bài thơ bí hiểm của Đào Duy Từ”. news.zing.vn. ngày 30 tháng 1 năm 2017. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 2 năm 2017. Truy cập ngày 23 tháng 5 năm 2017.
  3. ^ a b c d e f Phan Huy Chú 2014, tr. 91
  4. ^ Đào Duy Anh, sách đã dẫn, tr 193.
  5. ^ Đào Duy Anh, sách đã dẫn, tr 195.
  6. ^ Đào Duy Anh, sách đã dẫn, tr 194.
  7. ^ Ban nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hóa 2000, tr. 122, 190.
  8. ^ Phan Huy Chú 2014, tr. 70.
  9. ^ a b c Phan Huy Chú 2014, tr. 92
  10. ^ a b c d Phan Huy Chú 2014, tr. 93
  11. ^ Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia (Việt Nam) 2003, tr. 1462.
  12. ^ Sắc lệnh số 148/SL ngày 25/03/1948 về việc bãi bỏ danh từ phủ, châu, quận do Chủ tịch Chính phủ Việt nam dân chủ cộng hoà ban hành.
  13. ^ “Quyết định 163-HĐBT năm 1984 về việc phân vạch địa giới một số xã và thị trấn thuộc tỉnh Thanh Hóa”.
  14. ^ “Quyết định 102/2006/QĐ-TTg về việc thành lập và ban hành quy chế hoạt động của khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa”.
  15. ^ “Huyện Tĩnh Gia được công nhận là đô thị loại IV”. Báo Thanh Hóa.
  16. ^ “Nghị quyết số 933/NQ-UBTVQH14 năm 2020 về việc thành lập thị xã Nghi Sơn và các phường thuộc thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa”.

Thư mục[sửa | sửa mã nguồn]

  1. Ban nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hóa (2000), Tên làng xã Thanh Hóa, tập 1, Nhà xuất bản Thanh Hóa
  2. Đào Duy Anh (2005). Đất nước Việt Nam qua các đời. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin.
  3. Phan Huy Chú (2014), Nguyễn Minh Nhựt; Nguyễn Thế Truật; Trần Đình Việt; Đào Thị Tú Uyên; Võ Thị Ngọc Phượng (biên tập), Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Dư địa chí, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam: Nhà xuất bản Trẻ, ISBN 978-604-1-03014-5
  4. Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia (Việt Nam) (2003), Tác phẩm được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Khoa học xã hội