Vương Xử Trực
Vương Xử Trực 王處直 | |
---|---|
Tên chữ | Doãn Minh |
Tiết độ sứ Nghĩa Vũ | |
Nhiệm kỳ 900-910 | |
Tiền nhiệm | Vương Cáo |
Kế nhiệm | Vương Đô |
Thông tin cá nhân | |
Sinh | |
Ngày sinh | 862 |
Nơi sinh | Thái Nguyên |
Mất | String Module Error: String subset indices out of order tháng String Module Error: String subset indices out of order, 922 |
Giới tính | nam |
Gia quyến | |
Hậu duệ | Vương Đô, Wang Yu |
Nghề nghiệp | quân nhân |
Quốc tịch | nhà Đường |
Vương Xử Trực (giản thể: 王处直; phồn thể: 王處直, 862-922), tên tự Doãn Minh (允明), là một quân phiệt vào cuối thời nhà Đường và đầu thời Ngũ Đại Thập Quốc. Ông giữ chức Nghĩa Vũ[chú 1] tiết độ sứ từ năm 900, đến năm 910 thì ly khai triều Hậu Lương, và đến năm 921 thì bị con nuôi là Vương Đô lật đổ.
Thân thế
[sửa | sửa mã nguồn]Vương Xử Trực sinh năm 862, dưới triều đại của Đường Ý Tông. Ông là người Vạn Niên, Kinh Triệu, và tổ tiên của ông từng nhiều đời làm các sĩ quan trong Thần Sách quân, là một phú tộc ở kinh sư. Cha ông là Vương Tông (王宗), từng giữ chức kiểm hiệu tư không, kim ngô đại tướng quân, tả nhai sứ, tiết độ sứ tại Diêu Lĩnh và Hưng Nguyên. Vương Tông đồng thời cũng hoạt động mậu dịch và trở nên giàu có, theo ghi chép thì ông có thể phung phí lương thực và có cả vạn nô bộc. Vương Xử Trực có lẽ theo anh là Vương Xử Tồn đến Nghĩa Vũ quân khi Vương Xử Tồn được Đường Hy Tông bổ nhiệm giữ chức Nghĩa Vũ tiết độ sứ vào năm 879, và trở thành một sĩ quan tại đây.[1]
Vương Xử Trực là người ưa thích pháp thuật, ông trở nên thân thiết với phương sĩ Lý Ứng Chi (李應之). Lý Ứng Chi kiếm được một cậu bé tên là Lưu Vân Lang đến từ Hình Ấp[chú 2] và nhận làm con của mình, song vì thấy Vương Xử Trực lúc này vẫn chưa có con trai nên Lý Ứng Chi giao cậu bé cho Vương Xử Trực, Vương Xử Trực nhận nuôi cậu bé và cải danh thành Vương Đô. Mặc dù sau đó Vương Xử Trực có một con tên là Vương Úc (王郁) với một tiểu thiếp, song người ông yêu mến là Vương Đô.[2][3]
Giao chiến với Chu Toàn Trung
[sửa | sửa mã nguồn]Năm 900, bộ tướng của Tuyên Vũ[chú 3] tiết độ sứ Chu Toàn Trung là Trương Tồn Kính (張存敬) đem quân tiến đánh Nghĩa Vũ. Con và người kế nhiệm của Vương Xử Tồn là Vương Cáo đang cai quản Nghĩa Vũ, Vương Cáo khiển Hậu viện đô tri binh mã sứ Vương Xử Trực đem vài vạn binh lính chống cự lại quân của Trương Tồn Kính. Vương Xử Trực đề xuất không giao chiến ngay lập tức với quân Tuyên Vũ, mà nên khiến cho quân Tuyên Vũ mệt mỏi trước rồi mới giao chiến sau, tuy nhiên Vương Cáo lại không nghe theo ý của thúc phụ. Vương Cáo theo ý của quan khổng mục Lương Vấn (梁汶) và lệnh cho Vương Xử Trực phải lập tức giao chiến. Trương Tồn Kính đánh bại Vương Xử Trực, quân Nghĩa Vũ tổn thất nặng nề, song Vương Xử Trực chạy thoát được về thủ phủ Định châu của Nghĩa Vũ. Vương Cáo hoảng sợ và bỏ chạy đến lãnh địa của Hà Đông[chú 4] tiết độ sứ Lý Khắc Dụng- đồng minh của Nghĩa Vũ.[4] (Vốn đã khó chịu trước việc cha không yêu mến mình, Vương Úc cũng quyết định chạy đến Hà Đông và sau đó kết hôn với một con gái của Lý Khắc Dụng.)[2][3]
Quân Nghĩa Vũ ủng hộ Vương Xử Trực làm lưu hậu, sau đó, ông đàm phán hòa bình với Chu Toàn Trung, hứa từ nay sẽ quy phục Chu Toàn Trung và không còn liên minh với Lý Khắc Dụng, cống nộp tơ lụa cho Chu Toàn Trung. Do đó, Chu Toàn Trung triệt thoái, và theo tiến cử của ông ta, Đường Chiêu Tông bổ nhiệm Vương Xử Tồn làm Nghĩa Vũ tiết độ sứ.[4]
Làm tiết độ sứ của Đường
[sửa | sửa mã nguồn]Năm 901, Chu Toàn Trung phát động một cuộc tiến công năm hướng vào Hà Đông, mục đích là chiếm thành Thái Nguyên. Do là đồng minh của Chu Toàn Trung, Vương Xử Trực chỉ huy quân Nghĩa Vũ là một trong năm hướng tiến công. Chu Toàn Trung cùng các đồng minh bao vây Thái Nguyên, song cuối cùng phải triệt thoái do mưa lớn và bệnh tật.[4] Năm 904, Đường Chiêu Tông ban chức Thái bảo cho Vương Xử Trực, phong cho ông tước hiệu Thái Nguyên vương.[1]
Ly khai Hậu Lương
[sửa | sửa mã nguồn]Năm 907, Chu Toàn Trung buộc Đường Ai Đế phải thiện nhượng cho mình, trở thành Hậu Lương Thái Tổ. Hậu Lương Thái Tổ sau đó ban chức Thị trung cho Vương Xử Trực,[5] và phong cho ông tước hiệu Bắc Bình vương.[2]
Sau khi triều Hậu Lương thành lập, Nghĩa Vũ quân của Vương Xử Trực và Vũ Thuận quân[chú 5] láng giềng của Triệu vương Vương Dung từ chối nộp tô thuế cho triều đình như lúc trước, song thường xuyên nộp cống cho Hậu Lương Thái Tổ. Mặc dù vậy, Hậu Lương Thái Tổ cho rằng cuối cùng thì họ sẽ quay sang làm phản nên dự tính dùng vũ lực để đưa hai quân này nằm dưới quyền cai quản trực tiếp của mình.
Năm 910, Hậu Lương Thái Tổ khiển Đỗ Đình Ẩn (杜廷隱) và Đinh Diên Huy (丁延徽) dùng phương thức gian trá mà chiếm được Thâm châu (深州) và Ký châu (冀州[chú 6] của Vũ Thuận, sau đó chuẩn bị khiển bộ tướng Vương Cảnh Nhân tiến công Trấn châu (鎮州)- thủ phủ của Vũ Thuận. Đáp lại, Vương Dung cắt đứt quan hệ với Hậu Lương (trở thành quân chủ nước Triệu) và cầu viện con- người kế nhiệm của Lý Khắc Dụng là Tấn vương Lý Tồn Úc, cũng như Lô Long[chú 7] tiết độ sứ là Yên vương Lưu Thủ Quang. Biết rằng nếu Triệu bị diệt thì Nghĩa Vũ sẽ là mục tiêu kế tiếp, Vương Xử Trực cũng khiển một sứ giả đến Thái Nguyên, bày tỏ việc ủng hộ Lý Tồn Úc làm lãnh đạo chung.[6]
Lưu Nhân Cung từ chối cứu viện, song Lý Tồn Úc thì chấp thuận, phái bộ tướng Chu Đức Uy làm tiên phong và sau đó đích thân dẫn đại quân Tấn cứu viện Vương Dung. Trong các chiến dịch sau đó giữa liên minh Tấn/Triệu và quân Hậu Lương, Vương Xử Trực cũng hợp binh với phe Tấn/Triệu, họ tiêu diệt quân Hậu Lương của Vương Cảnh Nhân vào mùa xuân năm 911. Từ thời điểm này trở đi, Nghĩa Vũ là đồng minh của Tấn và sử dụng niên hiệu "Thiên Hựu" của triều Đường (do Tấn bề ngoài tuyên bố là muốn khôi phục triều Đường). Sau khi Vương Cảnh Nhân chạy trốn, Lý Tồn Úc truy kích, thậm chí từng bao vây Ngụy châu[chú 8] trong một thời gian ngắn, song vì lo ngại sẽ bị Lưu Thủ Quang tiến công từ phía sau, Lý Tồn Úc lại dẫn quân về Triệu.[6]
Cai trị độc lập
[sửa | sửa mã nguồn]Lưu Nhân Cung hay tin Hậu Lương thua trận thì quay sang tính đến việc xưng đế, ông ta phái sứ giả đến chỗ Vương Dung và Vương Xử Trực, đề xuất họ suy tôn ông ta là Thượng phụ. Khi Vương Dung báo tin này cho Lý Tồn Úc, Lý Tồn Úc cho rằng thực hiện việc này sẽ càng khiến cho Lưu Thủ Quang thêm kiêu ngạo và tự diệt vong, vì thế Lý Tồn Úc cùng với Vương Dung, Vương Xử Trực và ba tiết độ sứ khác dưới quyền Lý Tồn Úc cùng suy tôn Lưu Thủ Quang là Thượng phụ, Lưu Thủ Quang sau đó xưng là hoàng đế của nước Yên.[7]
Vào mùa đông năm 911, Lưu Thủ Quang tiến công Nghĩa Vũ, Vương Xử Trực cầu viện Tấn. Lý Tồn Úc khiển Chu Đức Đức Uy đến Dịch Thủy hội quân với tướng Vương Đức Minh của Triệu và tướng Trình Nham (程巖) của Nghĩa Vũ, tiến công quân Yên. Cuối năm 912, Lý Tồn Úc công hạ thủ đô U châu (幽州) của Yên, Yên sau đó diệt vong.[7] Lý Tồn Úc giải Lưu Thủ Quang và cha là Lưu Nhân Cung về Thái Nguyên, cả Vương Xử Trực và Vương Dung đều yêu cầu Lý Tồn Úc diễu hành mừng thắng lợi qua lãnh địa của mình. Lý Tồn Úc chấp thuận, và khi đến Nghĩa Vũ, Vương Xử Trực và Lý Tồn Úc cùng nhau đến thờ phụng tại một ngôi chùa trên Hằng Sơn. Sau đó, Vương Xử Trực và Vương Dung cùng thượng biểu đề xuất trao tước Thượng thư lệnh hết sức cao quý cho Lý Tồn Úc. Lý Tồn Úc chấp thuận, và sau đó bắt đầu tổ chức một chính quyền theo mô hình thời Đường Thái Tông.[8]
Năm 918, Lý Tồn Úc sau khi đoạt được Thiên Hùng, chuẩn bị tiến hành một chiến dịch lớn để chiếm kinh thành Đại Lương của Hậu Lương. Vương Xử Trực đóng góp 1 vạn quân cho chiến dịch của Lý Tồn Úc. Tuy nhiên, chiến dịch kết thúc với một trận chiến thê thảm đối với cả hai bên tại Hồ Liễu pha[chú 9], cả quân Tấn và quân Hậu Lương đều thương vong đến hai phần ba, quân Tấn triệt thoái.[9]
Bị lật đổ
[sửa | sửa mã nguồn]Năm 921, Vương Dung bị giết trong một cuộc binh biến, loạn binh ủng hộ Vương Đức Minh tiếp quản Thành Đức, Vương Đức Minh chấp thuận và đổi sang tên họ trước đây là Trương Văn Lễ. Lý Tồn Úc sau đó tuyên bố thảo phạt Trương Văn Lễ để trả thù cho Vương Dung. Vương Xử Trực lại tỏ ra lo lắng, ông suy nghĩ rằng nếu Lý Tồn Úc kiểm soát trực tiếp Thành Đức, thì Nghĩa Vũ cũng sẽ bị chiếm đoạt, và do đó ông đề xuất Lý Tồn Úc hãy chấp thuận cho Trương Văn Lễ quy phục, song Lý Tồn Úc từ chối.[3]
Do lo lắng, Vương Xử Trực liên lạc với Vương Úc — đang giữ chức Tân châu[chú 10] đoàn luyện sứ dưới quyền Lý Tồn Úc. Vương Xử Trực nhờ Vương Úc bí mật kích động Da Luật A Bảo Cơ suất quân Khiết Đan xâm nhập, Vương Úc chấp thuận và yêu cầu cha phải cho mình kế nhiệm, Vương Xử Trực đồng ý.[3]
Tuy nhiên, hầu hết các thuộc hạ của Vương Xử Trực sợ hãi trước một cuộc tiến công của Khiết Đan. Còn Vương Đô khi đó đang giữ chức tiết độ phó sứ và được nhìn nhận là người kế nhiệm, vì thế Vương Đô lo sợ trước việc bị Vương Úc thay thế. Do đó, Vương Đô và thư lại Hoa Chiêu Huấn (和昭訓) lập mưu giam giữ Vương Xử Trực. Họ hành động sau một bữa tiệc do Vương Xử Trực tổ chức để thiết đãi sứ giả do Trương Văn Lễ phái đến Nghĩa Vũ, bắt Vương Xử Trực và sau đó quản thúc ông cùng các vợ thiếp tại phủ. Sau đó, Vương Đô đồ sát tất cả các hậu duệ là nam giới của Vương Xử Trực ở tại Định châu, cũng như các thân tín của Vương Xử Trực. Vương Đô xưng là lưu hậu và thông báo sự việc cho Lý Tồn Úc, Lý Tồn Úc sau đó phê chuẩn việc Vương Đô kế nhiệm Vương Xử Trực.[3] (Một người con của Vương Xử Trực là Vương Uy (王威) chạy thoát sang lãnh thổ Khiết Đan, và sau đó người này phụng sự dưới quyền Liêu Thái Tổ và Liêu Thái Tông.)[2]
Qua đời
[sửa | sửa mã nguồn]Vào mùa xuân năm 922, Vương Đô đến thăm phủ đệ của Vương Xử Trực, có vẻ là muốn giả vờ duy trì một mối quan hệ cha-con. Mặc dù không có vũ khí, song Vương Xử Trực nắm tay đấm vào ngực và cố gắng cắn mũi Vương Đô, nói rằng: "Nghịch tặc! Ta đã phụ ngươi bao giờ chưa?" Vương Đô may mà thoát khỏi vòng tay của Vương Xử Trực. Ngay sau đó, Vương Xử Trực qua đời trong tức giận[1][3] hoặc bị Vương Đô giết.[2]
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ 義武, trị sở nay thuộc Bảo Định, Hà Bắc
- ^ 陘邑, nay thuộc Thạch Gia Trang, Hà Bắc
- ^ 宣武, trị sở nay thuộc Khai Phong, Hà Nam
- ^ 河東, trị sở nay thuộc Thái Nguyên, Sơn Tây
- ^ 武順, trị sở nay thuộc Thạch Gia Trang, Hà Bắc
- ^ hai châu này nay đều thuộc Hành Thủy, Hà Bắc
- ^ 盧龍, trị sở nay thuộc Bắc Kinh
- ^ 魏州, nay thuộc Hàm Đan, Hà Bắc
- ^ 胡柳陂, nay thuộc Hà Trạch, Sơn Đông
- ^ 新州, nay thuộc Trương Gia Khẩu, Hà Bắc
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ a b c Cựu Đường thư, quyển 182.
- ^ a b c d e Tân Ngũ Đại sử, quyển 39.
- ^ a b c d e f Tư trị thông giám, quyển 271.
- ^ a b c Tư trị thông giám, quyển 262.
- ^ Tư trị thông giám, quyển 266.
- ^ a b Tư trị thông giám, quyển 267.
- ^ a b Tư trị thông giám, quyển 268.
- ^ Tư trị thông giám, quyển 269.
- ^ Tư trị thông giám, quyển 270.