Đường Ai Đế

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Đường Ai Đế
唐哀帝
Hoàng đế Trung Hoa
Hoàng đế Đại Đường
Tại vị26 tháng 9 năm 904[1][2] - 12 tháng 5 năm 907
(2 năm, 228 ngày)
Tiền nhiệmĐường Chiêu Tông
Kế nhiệmTriều đại sụp đổ
Hậu Lương Thái Tổ
Thông tin chung
Sinh(892-09-27)27 tháng 9, 892 [2][3]
Mất26 tháng 3, 908(908-03-26) (15 tuổi) [2][4]
An tángÔn lăng (温陵)
Tên thật
Lý Chúc (李柷)
Lý Tộ (李祚)
Niên hiệu
Thiên Hựu (天祐)
Thụy hiệu
Chiêu Tuyên Quang Liệt Hiếu Hoàng đế (昭宣光烈孝皇帝)
Miếu hiệu
Cảnh Tông (景宗)
Thân phụĐường Chiêu Tông
Thân mẫuHà hoàng hậu

Đường Ai Đế (chữ Hán: 唐哀帝, 892908), cũng gọi là Chiêu Tuyên Đế (昭宣帝), nguyên danh Lý Tộ (李祚), sau cải thành Lý Chúc (李柷), là vị Hoàng đế cuối cùng của nhà Đường, tại vị từ năm 904 đến năm 907. Ông là hoàng tử của Đường Chiêu Tông.

Thân thế[sửa | sửa mã nguồn]

Lý Tộ sinh ngày 3 tháng 9 năm Cảnh Phúc thứ 1 (27 tháng 9 năm 892) tại Đại Nội. Khi đó, phụ hoàng ông là Đường Chiêu Tông đang tại vị, và ông là hoàng tử thứ chín.[3] Mẹ của Lý Tộ là Hà hoàng hậu, trước đó bà cũng đã hạ sinh hoàng tử trưởng Lý Dụ.[5]

Ngày Giáp Tý (22) tháng 10 năm Đinh Tị (20 tháng 11 năm 897), Lý Tộ được phong vương cùng với các hoàng tử Lý Bí (李秘) và Lý Kỳ (李祺); tước hiệu của Lý Tộ là Huy vương. Trong cùng năm, sau khi Lý Dụ được phong là hoàng thái tử, Hà thục phi được phong là hoàng hậu.[6]

Năm 903, Tuyên Vũ tiết độ sứ Chu Toàn Trung trở thành người kiểm soát triều đình Trường An, liên minh với Thôi Dận. Trong năm đó, Đường Chiêu Tông chuẩn bị trao cho Chu Toàn Trung chức Chư đạo binh mã nguyên soái, vì thế muốn phong Lý Dụ làm nguyên soái trên danh nghĩa. Tuy nhiên, Chu Toàn Trung lại muốn một hoàng tử ít tuổi làm nguyên soái để bảo đảm quyền lực của mình, vì thế Chu Toàn Trung đã bảo Thôi Dận tiến cử Lý Tộ. Đường Chiêu Tông chấp thuận và phong Lý Tộ là 'Chư đạo binh mã nguyên soái'.[7]

Năm 904, Chu Toàn Trung buộc Đường Chiêu Tông phải dời đô từ Trường An đến Lạc Dương- một nơi ông ta kiểm soát còn vững chắc hơn.[7] Cũng trong năm đó, do lo sợ Đường Chiêu Tông sẽ tìm cách vùng dậy chống lại khi mình đang tiến hành giao chiến với các quân phiệt khác, Chu Toàn Trung đã ám sát Đường Chiêu Tông. Chu Toàn Trung bỏ qua Lý Dụ và các hoàng tử khác, ban một chiếu chỉ nhân danh Đường Chiêu Tông để lập Lý Tộ làm hoàng thái tử vào ngày Quý Mão (12) tháng 10 (23 tháng 9), cải danh thành Lý Chúc, giám quân quốc sự. Ngày Bính Ngọ (15) cùng tháng (26 tháng 9), Lý Chúc tức vị, tức Đường Ai Đế. Hà hoàng hậu vẫn sống sót sau vụ ám sát phu quân, bà trở thành hoàng thái hậu.[1]

Trị vì[sửa | sửa mã nguồn]

Vào thời điểm Đường Ai Đế tức vị, một cộng sự thân cận của Chu Toàn Trung là Liễu Xán đương giữ chức tư không. Liễu Xán không có xuất thân quý tộc, lại phẫn nộ với các quý tộc cũ, vì thế ông ta đã chủ trương với Chu Toàn Trung rằng nên sát hại các quý tộc cao cấp để ngăn ngừa họ phản kháng. Chu Toàn Trung chấp thuận, và đến năm 905, theo một chiếu chỉ nhân danh Đường Ai Đế, có khoảng 30 triều sĩ bị biếm chức đã bị tập trung tại Bạch Mã dịch và bị buộc phải tự sát. Cũng trong khoảng thời gian đó, có chín hoàng huynh và hoàng đệ của Đường Ai Đế, bao gồm cả Lý Dụ, đã bị sát hại theo lệnh của Chu Toàn Trung.[1]

Trong khi đó, Liễu Xán cùng Xu mật sứ Tưởng Huyền Huy (蔣玄暉) và Ngự doanh sứ Trương Đình Phạm (張廷範) chuẩn bị lễ để Đường Ai Đế thiện nhượng cho Chu Toàn Trung. Căn cứ theo tiền lệ trong các lần thay đổi triều đại, đầu tiên họ buộc Đường Ai Đế phải tiến phong Chu Toàn Trung là Ngụy vương, ban cho Chu Toàn Trung cửu tích. Tuy nhiên, Chu Toàn Trung muốn đẩy nhanh quá trình soán vị, ông ta tin vào lời vu cáo của Vương Ân và Triệu Ân Hành rằng Liễu, Tưởng và Trương cố ý trì hoãn quá trình chuyển đổi bằng các thủ tục lễ nghi, vì thế đã giết chết ba người này. Hà thái hậu vốn chỉ phối hợp với Tưởng Huyền Huy nhằm để mình và hoàng nhi được tha, song Vương Ân và Triệu Ân Hành cũng vu cáo bà là đồng phạm, Chu Toàn Trung vì thế giết chết Hà thái hậu, buộc Đường Ai Đế phải giáng bà làm thứ nhân, song vẫn cho Đường Ai Đế than khóc bà.[1]

Năm 907, nghe theo ý của Ngụy Bác tiết độ sứ La Thiệu Uy, Chu Toàn Trung cuối cùng đã quyết định soán vị. Ngày Giáp Thìn (27) tháng 3 cùng năm (12 tháng 5), Chu Toàn Trung buộc vị hoàng đế nhỏ tuổi phải giáng ngự trát thiện vị, chấm dứt triều Đường và khởi đầu triều Hậu Lương. Nhiều quân phiệt không công nhận Hậu Lương Thái Tổ Chu Toàn Trung, họ vẫn tiếp tục sử dụng niên hiệu "Thiên Hựu" của Đường Ai Đế.[4]

Qua đời[sửa | sửa mã nguồn]

Hậu Lương Thái Tổ phong Lý Chúc là Tế Âm vương và đưa ông từ Lạc Dương đến Tào châu (曹州, nay thuộc Hà Trạch, Sơn Đông), đặt phủ đệ của ông dưới sự giám sát nghiêm ngặt với một hàng rào gai bao quanh. Ngày Quý Hợi (22) tháng 2 năm Mậu Thìn (26 tháng 3 năm 908), Chu Toàn Trung cho dùng rượu độc giết chết Lý Chúc, ban cho Lý Chúc thụy hiệu Ai (哀, "thương tiếc").[4] Năm 928, các quan lại của Hậu Đường Minh Tông đã đề xuất xây dựng một miếu thờ Đường Ai Đế, Minh Tông cho xây một miếu tại Tào châu. Năm 929, các quan lại của Hậu Đường lại đề xuất truy thụy cho Đường Ai Đế là "Chiêu Tuyên Quang Liệt Hiếu hoàng đế" nhằm hợp với truyền thống của nhà Đường, cũng như miếu hiệu "Cảnh Tông", song họ cũng chỉ ra rằng Đường Ai Đế không có bài vị trong Thái Miếu, nên không thể xưng là "Tông".[8]

Sách sử không ghi gì về con cái của ông, nhưng Lý Cương, một tể tướng nhà Tống, tự xưng là hậu nhân của ông.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c d Tư trị thông giám, quyển 265.
  2. ^ a b c Viện Nghiên cứu Trung ương (Đài Loan) Chuyển hoán lịch Trung-Tây 2000 năm.
  3. ^ a b Cựu Đường thư, quyển 20 hạ.
  4. ^ a b c Tư trị thông giám, vol. 266.
  5. ^ Tân Đường thư, quyển 77.
  6. ^ Tư trị thông giám, quyển 261.
  7. ^ a b Tư trị thông giám, quyển 264.
  8. ^ Tư trị thông giám, quyển 276.
Đường Ai Đế
Sinh: , 892 Mất: , 908
Tước hiệu
Tiền nhiệm
Đường Chiêu Tông
Hoàng đế nhà Đường
904–907
Kế nhiệm
(không)
Hoàng đế Trung Hoa (hầu hết khu vực)
904–907
Kế nhiệm
Hậu Lương Thái Tổ
Hoàng đế Trung Hoa (Tứ Xuyên/Trùng Khánh)
904–907
Kế nhiệm
Tiền Thục Cao Tổ Vương Kiến
Quân chủ Trung Hoa (Sơn Tây)
904–907
Kế nhiệm
Tấn vương Lý Khắc Dụng
Quân chủ Trung Hoa (Giang Tô/Giang Tây/An Huy)
904–907
Kế nhiệm
Hoằng Nông vương Dương Ác
Hoàng đế Trung Hoa (đông bộ Nội Mông)
904–907
Kế nhiệm
Liêu Thái Tổ Da Luật A Bảo Cơ
Quân chủ Trung Hoa (tây bộ Thiểm Tây)
904–907
Kế nhiệm
Kỳ vương Lý Mậu Trinh
Quân chủ Trung Hoa (Chiết Giang)
904-907
Kế nhiệm
Ngô Việt vương Tiền Lưu