Wikipedia:Bạch Cừ, Ninh Khang

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia



Bạch Cừ, Ninh Khang[sửa | sửa mã nguồn]

Bạch Cừ (白渠) là một làng thuộc xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam.

Làng Bạch Cừ nằm ở hữu ngạn sông Đáy, phía đông nam của xã Ninh Khang, có vị trí tiếp giáp:

  • Phía đông và nam giáp sông Đáy.
  • Phía tây giáp làng Phú Gia.
  • Phía bắc giáp làng La Phù.

Hành chính[sửa | sửa mã nguồn]

Làng Bạch Cừ được chia làm 4 xóm: Phấn Thượng, Phấn Trung, Tiến Thịnh, Đông Phú.

Làng Bạch Cừ có trung tâm buôn bán chính là chợ Bạch Cừ thuộc chợ vùng quê trên địa bàn huyện Hoa Lư nằm trong danh sách các chợ loại 1, 2, 3 ở Ninh Bình từ năm 2008.

Lịch sử[sửa | sửa mã nguồn]

Bạch (白) là "trắng", Cừ (渠) là "kênh, ngòi". Cho nên Bạch Cừ (白渠) có nghĩa là "ngòi trắng". Làng Bạch Cừ xưa kia là đất phù sa đọng lại bồi đắp nên, nằm ngoài trấn Thanh Hoa (tức là thành phố Ninh Bình hiện nay), thuộc huyện Gia Khánh, tổng La Mai. Làng Bạch Cừ phía tây cách đường quốc lộ 1A và làng Phú Gia, phía đông và nam gần sông Đáy và phía bắc giáp làng La Phù. Thời kỳ Hậu Lê, Trịnh Nguyễn phân tranh, Phù Lê Diệt Mạc kéo dài trên 2 thế kỷ. Sau khi vua Lê Thái Tổ thống nhất sơn hà, kêu gọi toàn dân khai khẩn hoang điền, di dân lập ấp. Tổ tiên đã đi từ vùng đất Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên dọc theo sông Đáy đến gần núi Non Nước, nhìn thấy thủy thế thuận lợi, đất cát phì nhiêu mầu mỡ, trồng lúa và làm nghề đánh bắt cá rất tốt, lại được nguồn nước thủy triều lên xuống đều đặn, sản xuất được dồi dào, nên các Cụ khi đó đã dừng mái chèo con thuyền tại đây, mà dựng nên làng Bạch Cừ trù phú, giàu đẹp cho đến ngày nay.

Làng Bạch Cừ hiện nay có cụm di tích tên là đền thờ Triệu Quang Phục và đình làng Bạch Cừ. Ngoài ra di tích còn có tên gọi khác là đền Thượng, đền Hạ và đình làng Bạch Cừ. Cụm di tích được xếp hạng là một di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh vào năm 2012. Qua lời kể của các cụ cao niên trong làng và các tài liệu có liên quan, đền thờ Triệu Quang Phục (cũ) được xây dựng năm 1740. Năm 1771 nhân dân rước chân nhang từ đền Độc Bộ (Ý Yên, Nam Định) về đền để thờ. Các nhân vật được thờ cúng trong cụm di tích: Tại đền Thượng (thờ Triệu Quang Phục); Quan Văn; Quan Võ bên cạnh ngài; Công đồng các quan nhà nước Vạn Xuân; Khổng Tử); Đền Hạ (thờ Thổ thần).[1] Tại cụm di tích, có một câu đối được Tiến sĩ họ Lê thời triều Nguyễn ban tặng năm Giáp Thìn (1909) với nội dung liên quan, ca ngợi đến sự thành lập nên làng Bạch Cừ như sau:

"Đáy giang lan dẫn cừ sinh bạch

Thúy lĩnh thần khai thạch tác bình

(Tiến sĩ Lê tiên sinh soạn, Thành Thái Giáp Thìn niên)"

Có nghĩa là:

"Sóng sông Đáy đưa vào kênh nên màu trắng xóa

Thần núi Thúy tạo thành đá làm bức bình phong

(Tiến sĩ Lê tiên sinh soạn, năm Thành Thái Giáp Thìn (1904))"

Đây còn là một nghệ thuật chơi chữ của vị tiến sĩ họ Lê này, ta có thể hiểu thêm một nghĩa nữa về vế đối đầu tiên của câu này "Đáy giang lan dẫn cừ sinh bạch" theo nghĩa “Sóng sông Đáy chảy dẫn dòng (phù sa) tạo nên làng Bạch Cừ”.

Bước đầu có 9 dòng họ, đến nay kế tiếp thêm là 21 dòng họ. Tuy “đồng tính bất đồng tông” (nghĩa là cùng mang một tên họ nhưng tên lót khác nhau, không cùng huyết thống), nhưng vẫn đoàn kết làm ăn, tổ chức có nề nếp, xây dựng nên 8 xóm, 4 che, 6 giáp (hiện giờ là 4 xóm). Trải qua thời kỳ khó khăn lúc mới lập làng ấp, song làng Bạch Cừ làm ăn bắt đầu thịnh vượng, phất lên vào thời Cảnh Hưng, Chiêu Thống, Quang Trung, Cảnh Thịnh.

Không những thế mà vào thời Nguyễn, ngày 27 tháng 4 năm Khải Định thứ 10 (1925), làng Bạch Cừ đã được phong cho 4 chữ vàng được khắc vào biển gỗ sơn son thếp vàng, 4 chữ ấy là Mỹ Tục Khả Gia (美俗可嘉), có nghĩa là "phong tục đẹp, đáng được khen". Hiện nay 4 chữ vàng vẫn còn được treo trang trọng tại nhà 4 mái nơi đình làng, tuy nhiên qua sự tác động của thời gian, lịch sử mà biển này hiện đã không còn nguyên vẹn, mặc dù đã được dạm lại. Nội dung biển chia làm 3 phần: Chữ ban phong cho làng; Thời gian làm biển; Nội dung, lý do làm biển.[2] Làng Bạch Cừ lúc ấy, từ tư gia đến công cộng đều được kiến thiết xây dựng lên nhiều nhất, như trường học, trường dạy nghề, lập kho nghĩa thương và tu tạo lại đền, chùa, miếu mạo, cầu cống,...v..v.

Bản Thần tích[3] của cụm di tích, về thể thức: Phần đầu ghi tên thần tích và xuất xứ; Phần hai là phần nội dung ghi lại lịch sử của Triệu Việt Vương và cuộc đời của ông; Phần ba là ghi những việc sau khi ông mất (như nơi mất, nơi thờ, mỹ tự, tên húy, lễ vật tế tự); Phần cuối cùng là ghi ngày tháng, tên người soạn và người tuyên.

Theo như trong sách Nghiên Cứu Hán Nôm năm 2023 của Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, có ghi: "Tư liệu sắc phong tại cụm di tích đền thờ Triệu Quang Phục và đình làng Bạch Cừ bao gồm những sắc gốc của địa phương và bản sao được lưu tại Viện Nghiên Cứu Hán Nôm. Tính về niên đại thì đạo sắc cổ nhất rơi vào khoảng 300 năm đổ về đến nay, nếu xét riêng đạo sắc tại cụm di tích thì sớm nhất là ngày 24 tháng 3 năm Cảnh Hưng thứ 32 (1771), còn nếu xét cộng với cả đạo sắc được sao lưu tại Viện Nghiên Cứu Hán Nôm thì sớm nhất là ngày 8 tháng 8 niên hiệu Cảnh Hưng thứ 28 (1767). Ngoài ra, tôi còn sưu tầm được tư liệu có liên quan đến cụm di tích như bản “Thần tích – thần sắc” làng Bạch Cừ, tổng La Mai, huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình (TTTS15775), lưu trữ tại Viện Thông tin khoa học xã hội. Trong bản kê khai “Thần tích - thần sắc” này, có ghi lại tục lệ thờ cúng của làng, còn có liệt kê 15 đạo sắc qua các triều đại. Đạo sắc của cụm di tích sao lưu tại Viện Nghiên Cứu Hán Nôm là 7 đạo, từ thời Cảnh Hưng thứ 28 (1767) đến Cảnh Thịnh thứ 4 (1796). Như vậy, sau khi đối chiếu các tư liệu liên quan đến cụm di tích, thì trong bản kê khai “Thần tích – thần sắc” (TTTS15775) còn thiếu một đạo sắc chưa được liệt kê: Sắc phong có niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44 (1783). Sắc phong của di tích bị mất: Sắc có niên hiệu Thiệu Trị thứ 2 (1842), Sắc có niên hiệu Duy Tân thứ 3 (1909). Qua đó đúc kết được số đạo sắc tổng là 17 đạo, và hiện còn 15 đạo (12 đạo gốc còn giữ và 3 đạo sao lưu tại Viện Nghiên Cứu Hán Nôm)."[4] Như vậy, qua những thông tin này, ta cũng phỏng đoán được làng Bạch Cừ hình thành trước năm 1740, tức trước thời gian đền thờ Triệu Quang Phục (cũ) được xây dựng năm 1740.

Văn hóa - Xã hội[sửa | sửa mã nguồn]

Làng Bạch Cừ đến nay vẫn thờ Đức Triệu Quang Phục và được suy tôn là “Đức Thánh Triệu”. Hiện ngài được dân làng thờ như là một vị Thành hoàng tại nơi đền Thượng (tại di tích đền thờ Triệu Quang Phục và đình làng Bạch Cừ), ngoài ra dân làng còn thờ một vị Thành hoàng nữa tại nơi đền Hạ thuộc loại Thổ thần, đã đạt được cấp Trung đẳng thần vào niên hiệu Khải Định năm thứ 9 (1924) (được phân theo điển chế thời Nguyễn). Biển gỗ được ban có 4 chữ vàng Mỹ Tục Khả Gia (美俗可嘉) tức là “phong tục đẹp, đáng được khen”, được treo tại nhà 4 mái của đình làng Bạch Cừ hiện nay. Vậy tại sao lại được ban 4 chữ vàng đó, theo như các Cụ truyền nhau lại thì làng Bạch Cừ có 5 tập tục thời bấy giờ, đó là:

  • Thứ nhất,“Thập niên bất đáo trong đình” ta phân tích ra, tạm hiểu là “10 năm không có vụ kiện lên Huyện, mọi người sống chung bằng tình làng nghĩa xóm, sống rất yên vui”.
  • Thứ hai, cưới xin – ma chay – tập tục cải lương theo nếp sống thời xưa, “Mừng chia vui, buồn chia sầu”.
  • Thứ ba, kính già yêu trẻ, 60 tuổi trở lên được cả làng tổ chức tế thọ vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm. Mở hội hát chèo 3 ngày liền, mừng thọ 90 tuổi tặng áo đỏ, trẻ đi học không phải đóng học phí,...v..v.
  • Thứ tư, làng có quỹ nghĩa thương hàng năm cho dân vay lúc giáp hạt tháng 3 – 8, không tham ô.
  • Thứ năm, có trật tự an ninh trong làng lẫn ngoài đồng; đường làng được lát đá; ngã ba có cột đèn, tối có người thắp đèn dầu.

Những hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian, lễ hội tiêu biểu diễn ra trong năm (tính theo âm lịch) được người dân của làng Bạch Cừ hưởng ứng cũng như tại di tích lịch sử văn hóa đền thờ Triệu Quang Phục và đình làng Bạch Cừ như sau:

  • Ngày mùng 6 tháng Giêng là ngày sinh của đức Triệu Quang Phục, diễn ra trong 1 ngày: Buổi sáng, đại diện của 4 xóm tổ chức tế lễ với các đội tế Nam quan và Nữ quan, sau đó đại diện của làng phát biểu. Buổi tế lễ kết thúc, các xóm rước lễ về nhà văn hóa xóm thụ lộc. Buổi chiều, các gia đình, dòng họ, khách thập phương dâng lễ tại đền thờ.
  • Ngày 14 tháng 8 là ngày kỵ đức Triệu Quang Phục, thời gian lễ hội diễn ra trong 2 ngày: Ngày 13 và 14 tháng 8. Trước đó 1 ngày, nhân dân tổ chức dọn dẹp khuôn viên di tích, trang trí khánh tiết và chuẩn bị các lễ vật. Cụ thể là sáng ngày 13, đại diện cán bộ của làng và Ban quản lý di tích dâng hương tại đền thờ và đình. Sau đó đến đền Độc Bộ, xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định để tham dự lễ hội. Chiều ngày 13, đoàn đại diện của làng từ đền Độc Bộ về di tích dâng hương và dâng tiến lễ vật. Sáng ngày 14, nhân dân và người cao tuổi của 4 xóm trong làng rước kiệu và tổ chức tế lễ, có đội tế Nam quan và đội tế Nữ quan. Sau đó đại diện của làng và Ban quản lý di tích phát biểu, buổi tế lễ kết thúc, các xóm rước lễ về nhà văn hóa của xóm đó thụ lộc. Chiều ngày 14, các gia đình và khách thập phương dâng lễ tại di tích, xong bên cạnh đó là phần hội làng, có các trò chơi dân gian với sự tham gia nô nức của người dân trong làng tại ngoài sân đình như: Đánh đu, kéo co, chọi gà, đấu vật, cờ người, bắt vịt, bắt lợn,...v..v. Đến tối ngày 14, 4 câu lạc bộ văn nghệ của 4 xóm biểu diễn văn nghệ.
  • Ngày 15 tháng Giêng: Tổ chức mừng thọ người cao tuổi của làng. Ngày 15 tháng 7 là ngày lễ báo ân. Lễ trừ tịch (đêm 30 tết) được diễn ra vào lúc giao thừa nên còn gọi là lễ giao thừa, lúc này mọi người đều đến đây dâng hương cầu tài cầu lộc mong cho một năm mới tốt đẹp hơn.

Như vậy các ngày tế lễ, lễ hội được dân làng Bạch Cừ hưởng ứng hàng năm gồm: Đầu năm 3 ngày tết, mồng 6 tháng Giêng, 14 tháng 8 và những ngày mùng 1, ngày rằm, ngoài ra khi dân chúng ốm đau, muốn cầu lộc hay mất mùa cũng tế lễ ngài mà không cố định là ngày nào. Đến ngày 15 tháng Giêng hàng năm cũng được dân làng tổ chức mừng thọ người cao tuổi của làng tại đình.

Theo như sách Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biên của Nguyễn Tử Mẫn (do Nguyễn Mạnh Duân dịch), có chép thông tin ở mục Tiết Phụ, có nhân vật điển hình về người phụ nữ chung thủy xưa: "Nguyễn Thị Huyền: Người xã Bạch Cừ, năm 17 tuổi chồng chết, nhà nghèo, giữ trinh tiết, tự thề rằng không lấy chồng nữa, nay đã 82 tuổi."[5]

Trong hoạt động nông nghiệp của làng Bạch Cừ, Hợp tác xã Nông nghiệp Bạch Cừ còn là một trong những mô hình hợp tác xã kiểu mới của tỉnh Ninh Bình, theo Số 62/KH-BCĐ, Kế hoạch "XÂY DỰNG MÔ HÌNH HỢP TÁC XÃ KIỂU MỚI HOẠT ĐỘNG HIỆU QUẢ GIAI ĐOẠN 2016-2020" của Ban chỉ đạo Phát triển Kinh tế Tập thể, UBND tỉnh Ninh Bình.[6]

Lĩnh vực kinh doanh bất động sản làng Bạch Cừ cũng khá sôi nổi. Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Sơn, người đại diện Hoàng Văn Sựng (quê Bạch Cừ) đã nhận được Quyết định 1409/QĐ-UBND năm 2016 của UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt kết quả đấu giá quyền sử dụng đất lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại khu dân cư Trung Lang thôn Bạch Cừ, xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Vị trí khu đất: Khu đất đấu giá thuộc địa bàn xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư theo mặt bằng quy hoạch chi tiết được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt tại Quyết định số 213/QĐ-UBND ngày 22/01/2016, vị trí khu đất tiếp giáp như sau: Phía Bắc giáp đường kênh Bạch cừ; Phía Nam giáp khu dân cư; Phía Đông giáp đất nông nghiệp; Phía Tây giáp khu dân cư. Diện tích đất ở đấu giá: 6.169 m2. Mục đích sử dụng đất: Đất ở nông thôn. Hình thức giao đất: Giao đất có thu tiền sử dụng đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.[7]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Nxb Thế Giới, Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam, Viện Nghiên Cứu Hán Nôm. Nghiên cứu Hán Nôm năm 2023. tr. 200.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
  2. ^ Nxb Thế Giới, Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam, Viện Nghiên Cứu Hán Nôm. Nghiên cứu Hán Nôm năm 2023. tr. 202.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
  3. ^ Viện Nghiên Cứu Hán Nôm. Bạch Cừ xã Triệu Việt Vương thần tích《白渠社趙越王神蹟》, ký hiệu: AE.a4/4.
  4. ^ Nxb Thế Giới, Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam, Viện Nghiên Cứu Hán Nôm. Nghiên Cứu Hán Nôm năm 2023. tr. 203.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
  5. ^ Nxb Chính Trị năm 2001 (Nguyễn Mạnh Duân dịch), Nguyễn Tử Mẫn. Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biên. tr. 95.
  6. ^ “Kế hoạch 62/KH-BCĐ năm 2016 về xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả giai đoạn 2016-2020 do Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể tỉnh Ninh Bình ban hành”. hệ thống pháp luật. 2016 - 05 - 19. Truy cập 2024 - 01 - 12. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |ngày truy cập=|ngày= (trợ giúp)
  7. ^ “Quyết định 1409/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt kết quả đấu giá quyền sử dụng đất lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại khu dân cư Trung Lang thôn Bạch Cừ, xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình”. hệ thống pháp luật. 2016 - 10 - 27. Truy cập 2024 - 01 - 12. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |ngày truy cập=|ngày= (trợ giúp)

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

Bài viết Bạch Cừ, xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam này vẫn còn sơ khai. Bạn có thể giúp Wikipedia mở rộng nội dung để bài được hoàn chỉnh hơn.