Wikipedia:Thảo luận/Quy chuẩn về tiêu đề cho bài viết về Nhật Bản

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Quy chuẩn về tiêu đề cho bài viết về Nhật Bản[sửa | sửa mã nguồn]

Xin chào, tôi không biết đăng bài này lên địa điểm nào thì hợp lý nên đưa lên diễn đàn chính để cùng thảo luận, nếu có trùng hợp với vấn đề đã nêu từ trước thì xin báo cho tôi biết.

Tôi là một thành viên chuyên viết về chủ đề có liên quan đến Nhật Bản, trong đó có rất nhiều bài viết có tên tiếng Nhật. Hiện nay, tôi thấy có nhiều bài viết trên Wikipedia tiếng Việt đổi tiêu đề về chữ Hán Việt một cách tự phát và đôi lúc không cần thiết, thí dụ như trang Nhật Bản thư kỷː tiêu đề gốc Nihon Shoki không hề thiếu nổi bật so với tiêu đề hiện tại; hay nội dung các bài viết trong {{Jmyth navbox long}}, mà theo tôi có khi còn lạ lẫm với người Việt hơn cả tiêu đề gốc.

Bản thân tôi trước đây cũng hay có quan điểm phải dịch tiếng Nhật theo tên Hán Việt, song điều này không cần thiết cho toàn bộ các trường hợp và đôi khi còn không đúng, chẳng hạn như Tengu (một loại quái vật) mà dịch là "Thiên cẩu" là trùng luôn với loài tương đương trong văn hoá Trung Quốc. Vì vậy, quan điểm của tôi trong việc này là tôn trọng hoàn toàn tên gọi của vật/sự việc trong ngôn ngữ gốc, Amaterasu thì để nguyên là Amaterasu, chứ đổi sang Thiên Chiếu thì chịu không tra cứu trên Internet được, cũng không biết là ai. Việc này chúng ta đã hoàn toàn làm được với tên gọi các quốc gia có tên bản địa (như Romania hay Bosna và Hercegovina). Ở đây, người Nhật sử dụng chữ Hán để ghi trong các loại văn bản, như họ đọc những từ đó theo cách của tiếng Nhật, chứ không theo cách của tiếng Trung hay Hán Việt, nên rõ ràng việc ghi Hán Việt theo tôi chỉ nên là tham khảo về mặt kanji mà thôi.

Xin các thành viên trong Wikipedia góp ý về vấn đề này, cũng xin phép mạnh dạn tag anh Trần Nguyễn Minh Huy, là một người có thời gian lâu dài gắn bó với chủ đề Nhật Bản vào chủ đề này ạ.--Dương Việt (thảo luận) 11:45, ngày 15 tháng 2 năm 2018 (UTC)[trả lời]

Vấn đề này từ lâu đã có tiền lệ tại Wikipedia tiếng Việt: chỉ sử dụng tên phiên âm nếu nó là tên được đông đảo công chúng sử dụng tiếng Việt biết đến, như núi Phú Sĩ thay vì núi Fuji, Thiên hoàng Minh Trị thay vì Thiên hoàng Meiji. Còn những tên như "tengu" hay "Amaterasu" không được biết đến rộng rãi như vậy, chúng ta vẫn ưu tiên dùng tên gốc. Tiếng Nhật chẳng qua vì có thể phiên âm sang Hán Việt được (dùng chữ kanji) nên nhiều người có cái cớ để sử dụng Hán Việt tùy tiện cho nó, như những khái niệm như vậy mà viết bằng tiếng Nga hay tiếng Pháp thì cũng phải chịu phép mà để yên thôi. --minhhuy (thảo luận) 12:26, ngày 15 tháng 2 năm 2018 (UTC)[trả lời]
Tôi thấy đọc theo Hán-Việt không có vấn đề gì. Về các vấn đề rắc rối mà bạn Dương Việt có đưa ra, tôi xin đề cập từng vấn đề một.
  • "Tengu (một loại quái vật) mà dịch là "Thiên cẩu" là trùng luôn với loài tương đương trong văn hoá Trung Quốc". Bài en:Tengu trên Wikipedia tiếng Anh viết: "Tengu (天狗, "heavenly dog") are a type of legendary creature found in Japanese folk religion" (nghĩa là "Tengu (天狗, "chó nhà trời") là dạng tạo vật thần thoại được tìm thấy trong tín ngưỡng dân gian Nhật Bản..."). Nếu thiên cẩu không phải chó nhà trời thì là gì ? Trong trường hợp này, trong văn hóa Nhật Bản lẫn văn hóa Trung Quốc đề có "Thiên cẩu", ấy vậy mà, tại Wikipedia tiếng Trung Quốc, người ta đã có bài zh:天狗 (中國) [Thiên cẩu (Trung Quốc)] lẫn zh:天狗 (日本) [Thiên cẩu (Nhật Bản)]. Hai khái niệm này, về bản chất là trùng tên, chỉ có khác ý niệm, và để diễn tả sự khác nhau về ý niệm đó, người ta đã viết ngữ cảnh trong dấu ngoặc.
  • "là tôn trọng hoàn toàn tên gọi của vật/sự việc trong ngôn ngữ gốc" việc gọi 天狗 là Thiên cẩu hay Tengu đều thể hiện sự tôn trọng tên gọi của sự vật/sự việc trong ngôn ngữ gốc. Nếu chúng ta đọc 天狗 thành Thiên khuyển mới không tôn trọng ngôn ngữ gốc chứ! Thiên cẩu là đọc theo mặt chữ Hán, Tengu là đọc theo mặt chữ Latinh. Thành phố 北京 được đọc là "Bắc Kinh" là đọc theo mặt chữ Hán, còn đọc theo kiểu bính âm âm là Běijīng hoặc thậm chí là Beijing. Nhưng mà, hỡi ôi, Beijing hay Běijīng có phải đúng kiểu người Trung Quốc đọc tên thành phố này không ? Thực tế là, người biết tiếng Anh sẽ đọc nó thành /beɪˈdʒɪŋ/ [1], người Việt chắc sẽ lẩm nhẩm theo thành "Bê Jing". Đọc đúng chuẩn bính âm thì nó phải giống như "Bày Ching". Hóa ra, ưu tiên đọc theo chuyển tự latinh, hầu hết chúng ta sẽ đọc sai nếu không hiểu quy tắc của cách chuyển tự đó !
  • "người Nhật dùng chữ Hán nhưng đọc theo tiếng Nhật": cách chúng ta phiên âm Hán-Việt danh xưng tiếng Nhật không nhằm mục đích phiên âm lại tiếng Nhật (tức là mô phỏng cách đọc một từ tiếng Nhật qua tiếng Việt), mà đó như một cách chúng ta đọc ý vậy. Ngay cả đối với tiếng Trung Quốc hay tiếng Hàn Quốc cũng vậy, việt đọc Hán-Việt không nhằm mục đích tái tạo lại một âm của các thứ tiếng này qua tiếng Việt, mà cái quan trọng là thông qua chữ Hán, ta chuyển nghĩa (phần nào đấy) qua cách đọc Hán-Việt.
Bạn Minh Huy có dùng từ "tùy tiện" để chỉ cách phiên âm này. Rất tiếc là tôi hoàn toàn không tán thành với nhận xét của bạn.
Để giải thích cho hiện tượng "không tùy tiện" này, tôi xin xét tới góc cạnh văn hóa và lịch sử. Các nền văn hóa Á Đông (Vùng văn hóa Đông Á) có một điểm chung là đều trải qua giai đoạn "đồng văn tự" trong suốt thời trung đại tới cận đại là kéo dài lay lắt tới hiện tại. Các nước Á Đông (Trung Quốc, Hong Kong, Macau, Việt Nam, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản) trong suốt giai đoạn "đồng văn tự" tuy khác nhau về tiếng nói nhưng có chung chữ viết. Mặc dù không biết ngoại ngữ, nhưng nếu biết chữ, họ có thể dùng "bút đàm" để trao đổi qua lại với nhau. Văn tự dùng chung đó là "chữ Hán". Người Việt học chữ Hán, không cần biết tiếng Tàu, không biết tiếng Nhật, Hàn, vẫn có thể thoải mái giao du bằng bằng bút đàm với đối phương.
Bởi vì chữ Hán là thứ chữ viết duy nhất, đóng vai trò quan trọng suốt một thời gian dài, mỗi dân tộc có một cách thích nghi với nó khác nhau. Âm Hán-Việt ra đời do đó. Hán-Việt ra đời vì nhu cầu đọc chữ Hán bằng tiếng Việt chứ không phải bởi người Trung Quốc quy định người Việt phải đọc chữ Hán với âm như thế.
Âm Hán-Việt chính là tài sản của người Việt, nó giúp người Việt không bị mất tiếng nói suốt ngàn rưỡi năm sử dụng chữ Hán. Một dân tộc mất tiếng nói là một dân tộc lai căn, vong bản.
Thế rồi, 天狗 nên đọc là Tengu hay Thiên cẩu ? Đó là sự lựa chọn của chúng ta. Đọc tengu người Nhật sẽ hiểu chúng ta đang nói đến thực thể nào của dân tộc họ (nhưng mà phải đọc đúng nhé!), nhưng đó là một chuỗi âm thanh vô nghĩa, và vô cảm. Đọc Thiên cẩu người Nhật không hiểu gì, nhưng ta hiểu.
Nihon Shoki là một cái tên rối rắm khó nhớ, và hầu như vô nghĩa đối với người không biết tiếng Nhật. Nhật Bản thư kỷ thì dễ nhớ và có nghĩa hơn. Về tận cùng ý nghĩa, thì, có phải là Nihon ShokiNhật Bản thư kỷ đều là một ?
Tóm lại, đây tùy vào độ ưu tiên của chúng ta. Chúng ta ưu tiên cho "âm thanh" (với yêu cầu là phải biết quy luật chuyển tự) hay "ý nghĩa" mà đặt tên bài cho thích hợp. Và, chẳng có sự "tùy tiện" nào ở đây cả. Kẹo Dừa✌(nhắn cho tôi ^^) 13:45, ngày 15 tháng 2 năm 2018 (UTC)[trả lời]
Wikipedia không tự tạo ra một định nghĩa hay một cách dùng từ, tên bài viết dựa theo tính thông dụng và tính phổ quát trong các tài liệu đã công bố. Chúng ta không thể đặt tên cho bài viết về một người Nhật theo âm Hán Việt của họ chỉ bởi vì có cách để chuyển tên của họ ra Hán Việt. Trường hợp của Thiên hoàng Minh Trị là một trong các ngoại lệ đặc biệt khi mà tên của ông ta đã rất phổ biến và khi sử dụng cụm "Minh Trị", người khác biết ngay ta đang nói về ai thay vì nói "Meiji", nhưng tuyệt không thể đặt tên bài viết về ông Maeda Jun là "Ma Chi Chuẩn" chỉ để cho "tiện" theo "âm thanh" của người Việt hay chỉ để cho "dễ nhớ", Wikipedia không có trách nhiệm làm việc đó. Các khái niệm văn hóa, địa danh, thuật ngữ, v.v.... cũng tương tự, khi mà việc phiên âm Hán Việt tên ngoại lai như tiếng Nhật trong sách vở Việt Nam đã gần như chấm dứt từ lâu. --minhhuy (thảo luận) 15:35, ngày 15 tháng 2 năm 2018 (UTC)[trả lời]
P/s: vấn đề bạn Levietduong và tôi nêu ra cũng không có ý gì là coi thường "Hán Việt", một phần trong tài sản ngôn ngữ Việt, mà là phản đối việc tùy tiện phiên âm bất kỳ khái niệm nào trong tiếng Nhật miễn là có thể phiên âm được, gây trở ngại cho tra cứu thông tin cũng như đang cố ý tạo ra cái mới trên cơ sở biện hộ là cách phiên âm. Hãy xem tiếng Nhật là một ngôn ngữ như tiếng Anh, tiếng Pháp, có nhiều từ và khái niệm mà không phải lúc nào cũng có thể dịch ra tiếng Việt được, và trường hợp này là "phiên âm" nó ra tiếng Việt. --minhhuy (thảo luận) 15:39, ngày 15 tháng 2 năm 2018 (UTC)[trả lời]

Xin lỗi vì tôi viết phần trả lời này sau khi anh Minh Huy reply, nên có phần hơi khập khễnh một chút, nếu có ý nào trùng lặp mong mọi người bỏ quá cho.

"Cái này thì tôi không đồng ý cho lắm với bác Thusinhviet, vì thứ nhất, "Tengu/Thiên cẩu" là một ví dụ nhỏ tôi đưa ra để chỉ tình huống phát sinh khi gặp những từ cùng Hán tự, có thể cùng ý nghĩa, nguồn gốc nhưng vẫn có đặc điểm khác nhau giữa các sự vật/sự việc; thứ hai - đây mới là ý mà tôi muốn nói - là khi ta nói đến một sự vật/sự việc, ta gọi tên của nó theo tên gốc mà người ta biết/hay gọi và được ngầm chấp nhận từ lâu trong cộng đồng, nên có thể một tên gọi có cùng nguồn gốc văn tự chữ Hán nhưng vẫn là hai thực thể khác nhau.

Chẳng hạn, Tokyo có chữ Hán đọc là "Đông Kinh", vậy nếu nói về "Đông Kinh" với vai trò tên gọi xưa của Hà Nội thì cũng là nói về Tokyo hay sao? Kyoto là "Kinh Đô", vậy khi ta nói "kinh đô" trong văn tự phong kiến nói chung, tức là nói về Kyoto? Ở đây, tôi đang muốn nói đến sự phân biệt về mặt tên gọi giữa các nền văn hoá. Nếu sự khác biệt giữa các khái niệm ấy đủ lớn, để phải mở một bài viết riêng thì việc có một tên gọi khác nhau là cần thiết (như trong môn cờ vây mà tôi với anh có dịp bàn luận thì có en:Meijin - en:Mingren - en:Myungin (Danh nhân), en:Kisei - en:Qisheng - en:Kisung (Kì thánh), đều là hai bộ ba giải cờ vây với tên gọi từ cùng chữ Hán của Nhật, Trung và Hàn), chứ nếu không thì ta xếp chung vào một bài và mở đề mục phụ luôn cho rồi. Hơn nữa, tiếng Trung chỉ dùng một hệ chữ Hán giản thể duy nhất để ký âm toàn bộ ngôn ngữ của nước ngoài, và vì cả "Tengu" và "Thiên cẩu" đều có cùng Hán tự nên mới ghi được như vậy, chứ tiếng Nhật nhiều cổ tự và Hán tự được sáng chế ra, hoàn toàn không có trong tiếng Trung, nên nếu là từ khác tôi không nghĩ anh có thể trích dẫn được như vậy đâu ːD (chẳng hạn như Edo (江戸, là "Giang Hộ"), nếu tra chữ 戸 trong từ điển tiếng Trung thì không có đâu, vì nó là biến thể của chữ 戶 trong tiếng Trung rồi :D) nên anh Minh Huy mới ghi là "có thể phiên âm được".

Ý chính mà tôi muốn nói ở topic này, là nói chung tất cả các tên gọi sự vật, sự việc trong tiếng Nhật, tức là sẽ có hoặc không có Hán tự. Không thể vì nó có Hán tự, thì đương nhiên sẽ quy về cách đọc Hán Việt, mặc dù chúng có nghĩa, nhưng vậy thì toàn bộ tên người Nhật sẽ thành "Cung Bản Vũ Tàng" (Miyamoto Musashi) hết. Tôi rất hiểu và tán thành về cách luận giải ý nghĩa từ ngữ của bác Thusinhviet, nó rất có ích trong việc đào sâu và mở rộng về khái niệm, nhưng cái tôi muốn nói ở đây chỉ là tên gọi trong ngôn ngữ của nơi mà khái niệm ta đang nói thuộc về - ở đây là tiếng Nhật. Nó giúp ta nói về khái niệm đó theo cách mà người địa phương nói về nó, và ở đây thì ta phải cân nhắc giữa độ nổi bật của tên gọi phiên âm trong ngôn ngữ đích, và tên gọi gốc trong ngôn ngữ nguồn, cái nào nổi bật hơn thì dùng cái đó. Nói Musashi thì người am hiểu ở Việt Nam biết ngay, nhưng bảo về tên Hán Việt thì chịu chết, phải tra mới biết, hay muốn nói về thủ tướng "An Bội Tấn Tam" thì không ai biết, nhưng nếu nói thủ tướng Shinzo Abe thì đa phần ok ngay. Tất nhiên, cửu vĩ hồ hay núi Phú Sĩ thì nổi bật hơn kyubi hay Fuji-san rồi. Cách phiên âm Hán Việt cho Nhật ngữ này tôi nhớ đã được người Việt sử dụng từ thời kỳ đầu thế kỷ 20, nhưng giờ thì đã chuyển qua Romaji của Hepburn hết cho hợp với quốc tế rồi. Còn về các phần giải thích về độ nổi bật thì bác Minh Huy đã nói giúp tôi rồi, mong bác Thusinhviet hiểu cho về đặc thù này của tiếng Nhật." --Dương Việt (thảo luận) 16:39, ngày 15 tháng 2 năm 2018 (UTC)[trả lời]

Thêm một vấn đề nữa mà mình muốn bổ sung là nên thống nhất quy chuẩn tên bài cho các bài viết liên quan đến Nhật Bản bởi vì một số bài tên được viết hoa toàn bộ tựa bài, một số bài viết hoa bất thường theo như tác phẩm gốc mà theo đa phần các wiki khác mình thấy người ta viết thường thôi (chẳng hạn như Tsubasa -RESERVoir CHRoNiCLE- hay CLANNAD,...) TAKKUCHAN | ☆thảo luận☆☆đóng góp☆ 17:43, ngày 17 tháng 2 năm 2018 (UTC)[trả lời]

Như là một lối dung hòa cách dịch, chính tả và ngữ âm[sửa | sửa mã nguồn]

Tôi xin quay lại vấn đề đang thảo luận nhưng lại bỏ ngỏ cũng cả tháng rồi. Lần này thì theo một hướng tiếp cận khác. Ở các vấn đề cũ, khi có dịp tôi sẽ quay lại.
Viết khái niệm tiếng Nhật bằng Hán-Việt, nếu xem xét theo nghĩa tích cực, tôi xem đó là một nỗ lực dung hòa giữa cách dịch nghĩa (vốn bị xem là lạ tai, không truyền tải hết nội dung khái niệm) và giữ lại tự hình (bị cho lai Tàu) và để tránh việc phải sử dụng hoàn toàn cách đọc nguyên ngữ từ tiếng Nhật đó (thường khi đọc lên bị chê là khó nhớ).

  • Về khái niệm 天狗, chẳng qua đó là hình tượng Chó nhà trời trong tín ngưỡng dân gian Nhật Bản chứ không thể nào khó lý giải hơn (^^). Đọc Thiên cẩu (天狗) chứ không phải Thiên khuyển (天犬) cũng chính là cách tôn trọng chính tả tiếng Nhật, mặc dù cả hai đều có nghĩa là Chó nhà trời.
  • Gensui 元帥 cũng chỉ là một quân hàm trong quân đội Nhật Bản. Nhưng chắc chắn Gensui không thể là "Nguyên soái" như đọc mặt chữ mà ra được (bởi có rất nhiều "Nguyên soái" khác không phải là Gensui), Gensui chỉ có thể là "Nguyên soái Nhật Bản". Có ý kiến cho rằng "Nguyên soái" cũng tương đương "Thống tướng" hay "Thống chế", nhưng ta nhất quyết không đọc "Thống tướng Nhật Bản" hay "Thống chế Nhật Bản", mặc dù các khái niệm này như nhau, mà chỉ có thể nên nói Nguyên soái Nhật Bản vì tôn trọng chính tả của nó.
  • 杖 rõ ràng là trượng của Võ học Nhật Bản. Mặc dù "trượng" chính là "gậy" như ta gọi "trượng" bởi tôn trọng chính tả, hơn nữa "trượng" cũng là một loại binh khí quen thuộc.
  • Nihontō 日本刀 chẳng hơn một cây đao. Đao chính là "con dao", nhưng ta nên gọi "đao" đển tôn trọng chính tả, hơn nữa, "đao" cũng là một loại binh khí quen thuộc. Bài viết nên có tên là "Đao (Võ học Nhật Bản)" hơn là "Nhật Bản đao" bởi nó không phải là cấu trúc tiếng Việt.
  • Yari 槍 là một cây thương, cũng là âm Hán-Việt của 槍, thương là một loại vũ khí quen thuộc.
  • Bokken 木剣 nên được gọi là Kiếm gỗ, nếu như xác định chỉ có kiếm gỗ Nhật Bản đủ nổi bật, không thể lầm lẫn thứ kiếm gỗ nào khác thì bài viết về nó chỉ nên tên là "Kiếm gỗ", nếu như trên thế giới cũng có nhiều loại kiếm gỗ thì ta thêm ngữ cảnh thành "Kiếm gỗ (Võ học Nhật Bản)".
  • Kama 鎌 chính là cái lưỡi liềm, câu liêm. Bài nên có tên "Lưỡi liềm (Võ học Nhật Bản)".

Với một người không biết tiếng Nhật như tôi, đọc một loạt khái niệm đó, tôi chẳng thể nhớ nỗi tên món gì (chẳng biết phải tôi kém không, bạn có thể hỏi một người không hề biết tiếng Nhật khác để kiểm chứng). Rõ ràng, nó có thể có nhiều lối dịch thích hợp hơn mà tôi có đề nghị.
Đọc âm Hán-Việt chỉ là một trong những cách khả dĩ để chúng ta xử lý khái niệm tiếng Nhật. Áp dụng phương pháp này cho toàn bộ khái niệm thì có thể nói phần nào là hơi cực đoan. 木剣 mà đọc thành "Mộc kiếm" thì rõ ràng hơi quá, chỉ cần nói "Kiếm gỗ" là quá đủ.
Dịch khái niệm, thuật ngữ là dạng dịch thuật khó nhất, đòi hỏi người dịch phải nghiêm túc trong ngôn từ, uyên thâm về kiến thức. Việc áp dụng triệt để một phương pháp nào là khá cứng nhắc và theo tôi là không nên khuyến khích. Áp dụng nguyên ngữ để đưa vào tiếng Việt theo tôi là cách làm dễ nhất, không phải sợ sai hay vướng phải những tranh cãi dai dẳng về cái đúng-sai.
Ngày trước tôi có đọc một bài báo, có ý phê phán cách dịch thuật ngữ của những người am hiểu tiếng Tàu, rằng, họ quá ỷ lại vào lối phiên âm, làm cho việc chuyển ngữ Hán văn qua Việt văn bị sáo mòn, thiếu sáng tạo và không tự nhiên. Trong khi đó, giới Tây học, với lối hiểu Hán-Việt căn bản, lại có cách dịch thuật ngữ phương Tây chỉn chu hơn, dịch tròn trịa, thoát nghĩa mà không khiến câu văn kém tự nhiên. Câu này làm tôi nghĩ mãi, sau cùng thì tôi cũng hiểu ý của tác giả đó, rằng giới dịch Trung-Việt lợi dụng mối quan hệ giữa hai ngôn ngữ này để dịch khái niệm mà chỉ phiên âm lại khái niệm đó, trong khi giới Tây học thì chẳng có chỗ dựa nào để bám víu nên phải cố gắng tự thân vận dụng ngôn từ của mình để mà chuyển ngữ. Kẹo Dừa✌(nhắn cho tôi ^^) 23:02, ngày 9 tháng 3 năm 2018 (UTC)[trả lời]

Như ở trên tôi đã nói, và cũng là ý duy nhất phù hợp theo đánh giá của tôi về toàn bộ đoạn thảo luận dài ở trên: giúp người đọc "dễ nhớ" không phải là lý do thỏa đáng để chọn tên bài viết cho Wikipedia. --minhhuy (thảo luận) 05:00, ngày 10 tháng 3 năm 2018 (UTC)[trả lời]
P/s: tôi lưu ý một chút để người khác không hiểu lầm: cuộc thảo luận này là một cách đặt lại vấn đề, nhưng thống nhất chung của Wikipedia tiếng Việt là dùng romaji cho bài viết Nhật Bản, như nêu tại Wikipedia:Tên bài#Danh sách các ngoại lệ (và hiện đã không còn tranh luận nữa). Có nghĩa là bên ngoài cuộc thảo luận này, mọi bài viết vẫn cần được đặt tên theo quy ước từ trước là romaji. --minhhuy (thảo luận) 05:57, ngày 10 tháng 3 năm 2018 (UTC)[trả lời]
Phần danh sách ngoại lệ ghi:

Tên Nhật Bản: dùng rōmaji, viết họ trước, tên sau (Hatoyama Yukio, không "Yukio Hatoyama"), trừ tên tiếng Việt phổ biến (Minh Trị, không "Meiji").

Xuyên suốt bài này, tôi không bàn gì về tên người Nhật Bản cả. Kẹo Dừa✌(nhắn cho tôi ^^) 06:40, ngày 10 tháng 3 năm 2018 (UTC)[trả lời]
Nội dung bạn quote không ghi rõ là tên Người, khi so sánh với các khái niệm liên quan cũng trong cùng đề mục: Bên cạnh đó, còn có các ngoại lệ về tên bài viết, một số trong đó chưa rõ về phạm vi áp dụng hoặc còn đang tranh cãi, bạn sẽ thấy qui ước này là tên nói chung. Phần "Họ trước Tên sau" mới là áp dụng cho tên người. Trong các liệt kê này chỉ "Tên người Nga" mới là dành cho tên người. --minhhuy (thảo luận) 07:04, ngày 10 tháng 3 năm 2018 (UTC)[trả lời]