Đánh giá tư duy

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Kỳ thi Đánh giá tư duy
Viết tắtĐGTD • TSA • KTTD
LoạiThi trắc nghiệm trên giấy (2020–2022)
Thi trắc nghiệm trên máy tính (2023–nay)
Nhà phát triển / quản lýĐại học Bách khoa Hà Nội
Kiến thức / kỹ năng kiểm traTư duy toán học, đọc hiểu và giải quyết vấn đề
Mục đíchTuyển sinh đại học và cao đẳng
Năm bắt đầu2020 (2020)
Thời lượngToán học: 60 phút
Đọc hiểu: 30 phút
Khoa học/Giải quyết vấn đề: 60 phút
Thang điểm0–100
Hiệu lực2 năm
Tổ chức6 đợt/năm
Quốc gia / khu vực Việt Nam
Ngôn ngữTiếng Việt
Phí tham dự450.000 VNĐ/đợt thi
Điểm được sử dụng bởiDanh sách
Trang mạngTrang web chính thức

Đánh giá tư duy (tiếng Anh: Thinking Skills Assessment; TSA) hay Kiểm tra tư duy là một kỳ thi tuyển sinh đại học tại Việt Nam, do Đại học Bách khoa Hà Nội bắt đầu tổ chức từ năm 2020. Bài thi có mục đích nhằm đánh giá khả năng của học sinh về tư duy toán học, tư duy đọc hiểu, tư duy giải quyết vấn đề để có thể học tập tốt nhất tại môi trường giáo dục đại học, đặc biệt cho các ngành nghề về khoa học công nghệ, kinh tế, kỹ thuật, công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, y dược.

Tại Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, TSA là bài kiểm tra đầu vào chung, được sử dụng như một phần trong quy trình tuyển sinh cho một số khóa học tại Đại học CambridgeĐại học Oxford.

Lịch sử[sửa | sửa mã nguồn]

TSA tại Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland ban đầu được phát triển và điều hành bởi Cambridge Assessment Admissions Testing. Bài thi được tạo ra nhằm giúp các trường đại học đánh giá và lựa chọn các ứng viên có đủ kỹ năng và yêu cầu cần thiết cho việc học tập ở bậc đại học. Cambridge Assessment Admissions Testing hiện sản xuất và phân phối các tài liệu thực hành, bao gồm các câu hỏi mẫu và các bài thi cũ trên trang web của họ.

Tại Việt Nam, TSA lần đầu tiên được Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức vào năm 2020, sau khi Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia được chuyển đổi trở lại thành Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông do những tác động của đại dịch COVID-19 tại Việt Nam. Kỳ thi bị hủy bỏ vào năm 2021 vì đại dịch và tiếp tục được tổ chức từ năm 2022 đến nay.[1]

Hình thức[sửa | sửa mã nguồn]

2020–2022[sửa | sửa mã nguồn]

Bài thi Kiểm tra tư duy (2020) và kỳ thi Đánh giá tư duy (2022) bao gồm 3 tổ hợp cho thí sinh tự chọn (K01, K02 và K03). Bài thi tổ hợp diễn ra trong 270 phút, gồm ba phần: phần bắt buộc với môn Toán và Đọc hiểu (120 phút); phần tự chọn 1 gồm các môn khoa học tự nhiên: Lý, Hóa, Sinh (90 phút); phần tự chọn 2 là môn Tiếng Anh (60 phút) hoặc có thể quy đổi các chứng chỉ quốc tế như IELTS. Thí sinh bắt buộc làm các phần thi Toán – Đọc hiểu. Ở phần thi tự chọn, thí sinh có thể chọn phần thi khoa học tự nhiên hoặc tiếng Anh, hoặc cả hai.

Phần thi bắt buộc được tổ chức vào buổi sáng, hai phần tự chọn tổ chức vào buổi chiều để đảm bảo các thí sinh có thể thi cả ba phần.

Bài thi đánh giá tư duy sẽ được thi trên giấy, các câu hỏi là trắc nghiệm và trả lời trên phiếu như thi THPT. Riêng môn Toán và Tiếng Anh có một phần tự luận để đánh giá cách tư duy và khả năng trình bày của các thí sinh.[2]

2023–nay[sửa | sửa mã nguồn]

Kể từ năm 2023, bài thi Đánh giá tư duy được thiết kế gồm bốn dạng trắc nghiệm gồm chọn đáp án, trả lời đúng sai, kéo thả và điền vào chỗ trống, chuyển từ thi trên giấy sang máy tính. Bài thi Đánh giá tư duy mới gồm ba phần Toán học, Đọc hiểu và Giải quyết vấn đề, diễn ra trong 150 phút trên máy tính với thang điểm tối đa 100. Các câu hỏi được thiết kế theo ba mức độ tư duy: tái hiện, suy luận và bậc cao. Trong đó, phần tái hiện chiếm 20-30% đề thi, mỗi phần còn lại chiếm 30-40%. Sau khi hoàn thành bài thi, thí sinh được cấp giấy chứng nhận có giá trị trong hai năm, được đăng ký xét tuyển vào bất cứ đại học nào sử dụng kết quả của kỳ thi Đánh giá tư duy.[3]

Phần thi Số câu hỏi Thời gian Điểm tối đa Mức điểm
Toán học 40 60 phút 100 Dựa theo số lượng thí sinh trả lời đúng mà mỗi câu hỏi có một mức điểm khác nhau.
Đọc hiểu 20 30 phút
Khoa học/Giải quyết vấn đề 40 60 phút

Danh sách đơn vị tuyển sinh sử dụng kết quả kỳ thi[sửa | sửa mã nguồn]

Danh sách 33 đại học, trường đại học và học viện sử dụng kết quả kỳ thi Đánh giá tư duy để xét tuyển đại học năm 2023.[4][5]

Danh sách kỳ thi Đánh giá tư duy[sửa | sửa mã nguồn]

Năm Đợt thi Ngày Các điểm thi
2020 15 tháng 8 Hà Nội, Thanh Hóa
2021 Không tổ chức vì đại dịch COVID-19
2022 15 tháng 7 Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Tuyên Quang, Đà Nẵng
2023 1 10 tháng 6 Hà Nội, Nghệ An, Thái Nguyên, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nam Định, Hưng Yên, Quảng Ninh
2 17 tháng 6
3 8 tháng 7

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Dương Tâm (2 tháng 8 năm 2021). “Đại học Bách khoa Hà Nội hủy kỳ thi đánh giá tư duy năm 2021”. VnExpress. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2023.
  2. ^ “Đại học Bách khoa Hà Nội công bố thời gian, địa điểm kỳ thi đánh giá tư duy”. VTC News. 26 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2023.
  3. ^ Thanh Hằng (27 tháng 12 năm 2022). “Đại học Bách khoa Hà Nội nói về điểm mới trong đề đánh giá tư duy”. VnExpress. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2023.
  4. ^ Thanh Hùng (13 tháng 4 năm 2023). “32 trường dùng kết quả đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội để xét tuyển”. VietnamNet. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2023.
  5. ^ “Đại học Đà Nẵng tuyển sinh đại học chính quy năm 2023: 146 ngành, chuyên ngành thuộc nhiều lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu người học và xã hội”. Tạp chí Tòa án nhân dân. 20 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 2 tháng 7 năm 2023.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]