Anne Marie của Orléans

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Anne Marie của Orléans
Anne Marie d'Orléans
Anne Marie của Orleans, họa phẩm bởi Louis Ferdinand Elle the Younger, năm 1683
Vương hậu Sardegna
Tại vị24 tháng 8 năm 1720 – 26 tháng 8 năm 1728
(2 ngày)
Tiền nhiệmElisabeth Christine xứ Braunschweig-Wolfenbüttel
Kế nhiệmPolyxena xứ Hessen-Rotenburg
Vương hậu Sicilia
Tại vị11 tháng 4 năm 1713 – 17 tháng 2 năm 1720
Đăng quang24 tháng 12 năm 1713
Tiền nhiệmMaria Luisa Gabriella của Savoia
Kế nhiệmElisabeth Christine xứ Braunschweig-Wolfenbüttel
Công tước phu nhân xứ Savoia
Tại vị10 tháng 4 năm 1684 – 26 tháng 8 năm 1728
Tiền nhiệmMarie Jeanne Baptiste xứ Savoie-Nemours
Kế nhiệmPolyxena xứ Hessen-Rotenburg
Thông tin chung
Sinh(1669-08-27)27 tháng 8 năm 1669
Château de Saint-Cloud, Pháp
Mất26 tháng 8 năm 1728(1728-08-26) (58 tuổi)
Villa della Regina, Piemonte
Phối ngẫuVittorio Amadeo II của Sardegna Vua hoặc hoàng đế
Hậu duệ
Tên đầy đủ
Anne Marie d'Orléans
Vương tộcNhà Orléans
Nhà Savoia (kết hôn)
Thân phụPhilippe I xứ Orléans
Thân mẫuHenrietta của Anh
Chữ kýChữ ký của Anne Marie của Orléans

Anne Marie của Orléans (27 tháng 8 năm 1669 – 26 tháng 8 năm 1728) là Vương hậu Sardegna thông qua hôn nhân với Vittorio Amadeo II của Sardegna. Anne Marie từng là nhiếp chính của Savoia trong thời gian chồng vắng mặt vào năm 1686 và trong Chiến tranh Kế vị Tây Ban Nha. [1] Anne Marie cũng là một nhân vật quan trọng trong lịch sử nước Anh khi có quyền kế vị nước Anh theo phái Jacobite.

Thiếu thời[sửa | sửa mã nguồn]

Anne Marie của Orléans là con gái của Philippe của Pháp, Công tước xứ Orléans, em trai của Louis XIV của Pháp, và Henrietta của Anh, con gái út của Charles I của AnhHenriette Marie của Pháp. Mẹ của Anne Marie, Henrietta đã qua đời tại Lâu đài Saint-Cloud chỉ mười tháng sau khi Anne Marie chào đời. Một năm sau, cha của Anne Marie tái hôn với Tuyển hầu Thân vương nữ 19 tuổi Elisabeth Charlotte xứ Pfalz, thường gọi là Liselotte. Liselotte có mối quan hệ rất thân thiết với các con gái riêng của chồng. Anne Marie có một người em trai khác mẹ là Philippe II, Công tước xứ Orléans, Nhiếp chính tương lai của Pháp, được sinh ra từ cuộc hôn nhân thứ hai của cha. Với tư cách là cháu nội của Louis XIII của Pháp, Vương tôn nữ Anne Marie được hưởng địa vị và đãi ngộ của Petite-fille de France (Cháu gái nước Pháp), đồng thời cũng là một Princess du sang (Tông nữ Pháp).

Anne Marie được mẹ kế mô tả là "một trong những người phụ nữ đáng yêu và đức hạnh nhất".[2]

Hôn nhân[sửa | sửa mã nguồn]

Để duy trì ảnh hưởng của Pháp đối với các bang của Ý, bác của Anne Marie là Louis XIV đã sắp xếp một cuộc hôn nhân giữa Anne Marie, bấy giờ được 14 tuổi, với Vittorio Amadeo II của Savoia, bấy giờ là Công tước xứ Savoia, sau này là Quốc vương SiciliaSardegna. Cả hai người đều là chắt của Henri IV của PhápMaria de' Medici thông qua ba người con của hai vợ chồng [a]. Ngoài ra, Vittorip Amadeo II còn là chắt của Henri IV thông qua người con trai ngoại hôn là César de Bourbon. Louis XIV là đồng minh của mẹ chồng tương lai của Anne Marie là Marie Jeanne, và ủng hộ Marie Jeanne tiếp tục nhiếp chính ngay cả khi thời kỳ nhiếp chính thực sự của Marie Jeanne đã chấm dứt vào năm 1680: Marie Jeanne, trên thực tế, đã không tự bỏ vị trí nhiếp chính cho đến trước đám cưới của con trai không lâu. [3]

Chân dung năm 1684.

Cuộc hôn nhân ủy nhiệm của Anne Marie và Vittorio Amadeo diễn ra tại Versailles vào ngày 10 tháng 4 năm 1684, một ngày sau khi thỏa thuận hôn nhân được ký kết. Chồng sắp cưới của Vương tôn nữ được đại diện bởi người anh họ là Louis-Auguste, Công tước xứ Maine. Louis XIV đã tặng cho Anne Marie một khoản hồi môn trị giá 900.000 đồng livres. [4]

Philippe I xứ Orléans đã đi cùng con gái đến tận Juvisy-sur-Orge (cách Paris 18 km về phía nam), và Bá tước phu nhân xứ Lillebonne đi cùng Anne Marie đến tận Savoia. Anne Marie gặp chồng tại Chambéry vào ngày 6 tháng 5, lễ cưới trực tiếp được cử hành tại lâu đài bởi Tổng giám mục Grenoble. Hai ngày sau, cặp vợ chồng mới cưới thực hiện nghi thức "Lễ rước Hân hoan " tiến vào Torino.

Anne Marie đã sinh được tám người con, bắt đầu với Maria Adelaide, chỉ vài tháng sau sinh nhật thứ 16 của Anne Marie. Ca sinh nở gần như khiến Anne Marie phải mất mạng, thậm chí phải nhận lấy của ăn đàng. [5] Maria Adelaide kết hôn với Louis của Pháp, Tiểu Trữ quân, cháu trai của Louis XIV vào năm 1697, và là mẹ của Louis XV của Pháp.

Cuộc hôn nhân giữa Maria Adelaide và Louis được sắp xếp với sự hỗ trợ của Nguyên soái xứ Tessé và của Jeanne Baptiste d'Albert de Luynes, Bá tước phu nhân xứ Verrué, tình nhân của Vittorio từ năm 1689 đến năm 1700.

Công tước phu nhân và Vương hậu[sửa | sửa mã nguồn]

Vương hậu Anne Marie của Sardegna.

Sau khi đến Savoia, Anne Marie chịu ảnh hưởng của người mẹ chồng thân Pháp cũng như là đồng minh quyền lực của Pháp tại triều đình Savoia. Anne Marie được miêu tả là một người con dâu ngoan ngoãn và khiêm tốn, luôn trung thành tuân theo những mong muốn của mẹ chồng Marie Jeanne. [3] Mối quan hệ thân thiết của Anne Marie với mẹ chồng không được chồng coi trọng, thậm chí coi đó là một mối đe dọa chính trị, vì từ lâu Vittorio Amadeo đã phản đối những ảnh hưởng của mẹ trong chính trị. [3]

Mối quan hệ cá nhân giữa Anne Marie và Vittorio Amadeo được cho là có phần nguội lạnh trong những năm đầu của cuộc hôn nhân, [1] một phần do Vittorio Amadeo ngoại tình và phần vì Vittorio thất vọng khi vợ không sinh được con trai trong vài năm đầu cuộc hôn nhân. Anne Marie lần đầu nắm giữ chức vụ nhiếp chính khi Vittorio Amadeo vắng mặt khỏi Công qưốc vào năm 1686, và được cho là đã xử lý tốt công việc dù còn trẻ tuổi. [1]

Khi Vittorio Amadeo cắt đứt quan hệ với Pháp vào năm 1690, Anne Marie và các con đã đi cùng mẹ chồng rời thủ đô để phản đối. [3]

Bất chấp mối quan hệ hôn nhân với Pháp, Vittorio Amadeo vẫn gia nhập phe chống Pháp trong Chiến tranh Kế vị Tây Ban Nha. Anne Marie được chồng bổ nhiệm làm nhiếp chính của Savoia trong thời gian Vittorio vắng mặt vì chiến tranh, một nhiệm vụ mà Anne Marie đã đảm nhiệm một cách chín chắn và sáng suốt. [1] Năm 1706, Torino bị quân Pháp bao vây dưới sự chỉ huy của Philippe II xứ Orléans, em trai cùng cha khác mẹ của Anne Marie, và lực lượng Tây Ban Nha của người cháu họ cũng như là con rể Felipe V của Tây Ban Nha. Anne Marie và các con trai Vittorio Amadeo Giovanni và Carlo Emanuele bị buộc phải trốn sang Genova. [6]

Khi chiến tranh kết thúc vào năm 1713 theo Hiệp ước Utrecht, Vittorio Amadeo nhận được Vương quốc Sicilia vốn trước đây thuộc sở hữu của Tây Ban Nha. Mẹ kế của Anne Marie đã viết rằng: Ta sẽ không được cũng không mất trong hòa bình, nhưng có một điều ta sẽ thích thú là được nhìn thấy Công tước phu nhân xứ Savoia của chúng ta trở thành Vương hậu, bởi vì ta yêu con bé như thể con bé là con ruột của ta... [b] [7] Khi Vittorio Amadeo lên đường đến Sicilia để đăng quang, ban đầu Anne Marie sẽ ở lại Savoia đảm nhiệm vai trò nhiếp chính, nhưng vì anh sợ rằng vợ của nghe theo mẹ, Vittorio Amadeo đã đưa vợ đi cùng. [3] Do đó, Anne Marie đã đăng quang cùng chồng ở Sicilia.

Sau cái chết của con trai cả vào năm 1715, Anne Marie và Vittorio Amadeo đều rơi vào tình trạng trầm cảm nặng và rời thủ đô để tang cho con trai, để lại Marie Jeanne đảm đương chính sự của hai vợ chồng. [3] Năm 1720, tuy vẫn giữ tước hiệu Quốc vương nhưng Vittorio Amadeo buộc phải đổi Sicilia mà lấy Công quốc Sardegna có vị thế ít quan trọng hơn. Với tư cách là phối ngẫu của Vương tộc Savoia, Anne Marie được quyền sử dụng Cung điện Vương thất Torino, Palazzina di caccia di Stupinigi rộng lớn bên ngoài thủ đô và Vigna di Madama Reale. [8]

Vương hậu Anne Marie qua đời vì bị suy tim tại biệt thự của mình vào ngày 26 tháng 8 năm 1728, một ngày trước sinh nhật lần thứ 59. Anne Marie được chôn cất tại Vương cung thánh đường Superga ở Torino, nơi mà tất cả các con của Anne Marie, ngoại trừ hai người con gái Maria Adelaide và Maria Luisa, cũng được chôn cất.

Người thừa kế của phái Jacobite[sửa | sửa mã nguồn]

Từ năm 1714 đến năm 1720, Anne Marie của Orléans là người thừa kế lâm thời của ngai vàng Anh, Scotland và Ireland của phái Jacobite. Yêu sách này được đưa ra bởi người anh họ của Anne Marie là James Francis Edward Stuart ("The Old Pretender", con trai của James II). Anne Marie trở thành nữ thừa kế lâm thời sau cái chết của con gái James II là Nữ vương Anne vào năm 1714, khiến Anne Marie và anh họ James là những người cháu duy nhất còn sống của Charles I của Anh. Vị trí người thừa kế của Anne Marie bị thay thế bởi sự ra đời của Charles Edward Stuart ( "Bonnie Prince Charlie", con trai của James Francis Edward Stuart) vào ngày 31 tháng 12 năm 1720. Khi Charles Edward và em trai Henry Benedict Stuart, đều qua đời mà không có hậu duệ hợp pháp, hậu duệ của Anne Marie của Orléans do đó đứng đầu trong thứ tự kế vị theo lập trường của phái Jacobite, tức là họ sẽ được thừa kế vương miện nước Anh nếu không có Đạo luật Dàn xếp, trong đó loại trừ những người theo đạo Công giáo là hậu duệ từ Vương tộc Stuart và Orléans và do đó, ngai vàng được kế vị bởi Vương tộc Hannover từ Đức.

Hậu duệ[sửa | sửa mã nguồn]

Anne Marie của Orléans và chồng có với nhau tám người con, trong đó chỉ có ba người con sống đến tuổi trưởng thành và chỉ có một người lâu hơn Anne Marie:

Gia phả[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Anne Marie của Orléans là cháu chắt của Henri IV của Pháp và Maria de' Medici thông qua con trai Louis XIII của Pháp, trong khi đó Vittorio Amadeo II của Sardegna là hậu duệ của Christine Marie của Pháp, em gái của Louis XIII.
  2. ^ Văn bản tiếng Anh là: "I shall neither gain nor lose by the peace, but one thing I shall enjoy is to see our Duchess of Savoy become a queen, because I love her as though she were my own child..."

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c d Dizionario Biografico degli Italiani. 3. 1961.
  2. ^ Williams 1909, tr. 20.
  3. ^ a b c d e f Orr, Clarissa Campbell (2004). Queenship in Europe 1660-1815: The Role of the Consort. Cambridge University Press.
  4. ^ Williams 1909, tr. 17.
  5. ^ Williams 1909, tr. 34.
  6. ^ Storrs 1999, tr. 3-4.
  7. ^ Pevitt, Christine (1997). Philippe, Duc d'Orléans: Regent of France. London: Weidenfeld & Nicolson. tr. 133.
  8. ^ Fraser, Antonia (2006). Love and Louis XIV. Anchor Books. tr. 70–71.

Nguồn tài liệu[sửa | sửa mã nguồn]

Anne Marie của Orléans
Nhánh thứ của Vương tộc Bourbon
Sinh: 27 tháng 8, năm 1669 Mất: 26 tháng 8, năm 1728
Vương thất Ý
Tiền nhiệm
Marie Jeanne Baptise xứ Savoie-Nemours
Công tước phu nhân xứ Savoia
1684 – 1728
Kế nhiệm
Polyxena Christina xứ Hessen-Rotenburg
Tiền nhiệm
Elisabeth Christine xứ Braunschweig-Wolfenbüttel
Vương hậu Sardegna
1720 – 1728
Tiền nhiệm
Maria Luisa Gabriella của Savoia
Vương hậu Sicilia
1713 – 1720
Kế nhiệm
Elisabeth Christine xứ Braunschweig-Wolfenbüttel