Cổng thông tin:Phật giáo/Phật/Lưu trữ

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Địa Tạng

Địa Tạng là một vị bồ-tát được tôn thờ trong Phật giáo Đông Á, thường được mô tả như một tì-kheo phương Đông. Bồ-tát Địa Tạng được biết đến bởi lời nguyện cứu độ tất cả chúng sinh trong lục đạo luân hồi vào thời kỳ sau khi Phật Thích-ca Mâu-ni nhập Niết-bàn cho đến khi Bồ-tát Di Lặc hạ sinh, và nguyện không chứng Phật quả nếu địa ngục chưa trống rỗng. Do đó, Địa Tạng thường được xem như là vị bồ-tát của chúng sinh dưới địa ngục hay là giáo chủ của cõi U Minh.

Trong văn hóa Nhật Bản, Địa Tạng là bồ-tát hộ mệnh cho trẻ em, cũng như bảo vệ các vong linh của trẻ em hoặc bào thai chết yểu. Địa Tạng thường được mô tả là một tì-kheo trọc đầu với vầng hào quang, một tay cầm tích trượng để mở cửa địa ngục và đánh tan mọi sự đau khổ, tay kia cầm ngọc Như Ý tượng trưng cho ánh sáng xua tan bóng đêm. Một số tranh tượng ở Trung QuốcViệt Nam cũng khắc họa Bồ-tát Địa Tạng Vương đội mũ thất Phật và mặc cà sa đỏ - hình ảnh tu sĩ Phật giáo Bắc Truyền, hình tượng nhân vật Đường Tăng trong tiểu thuyết Tây Du Ký rất giống hình tượng của bồ-tát.

Quán Thế Âm

Quán Thế Âm là một vị bồ-tát hiện thân cho lòng từ bi của tất cả chư Phật. Được miêu tả trong nhiều nền văn hóa khác nhau, cả thân nam lẫn thân nữ, Quán Thế Âm là một trong những vị bồ-tát được tôn kính thờ phụng rộng rãi nhất trong Phật giáo Đại thừa, cũng như không chính thức trong Phật giáo Nguyên thủy.

Bồ-tát Quán Thế Âm là bồ tát trợ tuyên đắc lực của Phật A-di-đà ở Tây Phương Cực Lạc, Bồ-tát Quán Thế Âm thể hiện lòng Bi, một trong hai dạng của Phật tính. Vì vậy, danh hiệu của ngài thường kèm theo từ Đại Bi. Dạng kia của Phật tính là Trí tuệ, là đặc tính được Bồ-tát Đại Thế Chí thể hiện, bên tay phải của Phật A-di-đà. Với lòng từ bi vô lượng, Quán Thế Âm thể hiện sức mạnh huyền diệu cứu giúp mọi chúng sinh quán tưởng đến mình lúc gặp hiểm nguy. Trong nhân gian, Quán Thế Âm là vị bảo hộ tránh khỏi tai họa và hay được phụ nữ không con cầu tự.

Trong các loại tranh tượng về Quán Thế Âm, người ta thấy có 33 dạng, khác nhau về số đầu, tay và các đặc tính. Thông thường ta thấy tượng bồ-tát có ngàn tay ngàn mắt, có khi 11 đầu. Trên đầu có khi có tượng A-di-đà, xem như đặc điểm chính. Trên tay có khi thấy Bồ Tát cầm hoa sen hồng, vì vậy nên Quán Thế Âm cũng có tên là Liên Hoa Thủ hay nhành dương liễu và một bình nước cam lộ. Số tay của bồ-tát biểu hiện khả năng cứu độ chúng sinh trong mọi tình huống. Trong tranh tượng với 11 đầu thì Quán Thế Âm mang 9 đầu của chín vị bồ-tát, một đầu của một vị Phật và cuối cùng là đầu của Phật A-di-đà. Cứ mỗi ba đầu tượng trưng là ba đặc tính: từ bi với chúng sinh khổ nạn, quyết tâm đối trị cái xấu, hoan hỉ với cái tốt. Theo một cách nhìn khác thì 11 đầu biểu tượng cho mười cấp của Thập địaPhật quả.

A-di-đà Phật

A-di-đà Phật là một trong những vị Phật được thờ trong Phật giáo Đại thừa, ngụ ở tịnh độ của mình và đến thế giới này với vai trò là một thế lực cứu độ. Theo Đại Kinh A-Di-Đà, trong một kiếp sống trước đây A-di-đà là một vị tăng tên là Dharmākara, ông nguyện khi đắc quả Phật sẽ tịnh hóa và trang nghiêm một thế giới, biến nó thành một trong những quốc độ thanh tịnh và đẹp đẽ nhất. Một khi ông hoàn toàn tỉnh giác và thành tựu lời nguyện của mình, Dharmākara sẽ trở thành Phật A-di-đà. Phật A-di-đà giờ đây đang cư ngụ tại thế giới đã tịnh hóa, gọi là Sukhāvatī tịnh độ ở phía phương Tây. Từ thế giới này Ngài sẽ đến với chúng ta, vây quanh bởi những vị bồ-tát, chào mừng những chúng sinh đã khuất và dẫn họ đi tái sinh trong đất nước thanh tịnh của Ngài.

Hình ảnh của A-di-đà không hề được nhắc đến trong những tầng văn liệu cổ xưa nhất của Phật giáo Nguyên thủy, nhưng vào khoảng đầu Công nguyên, danh hiệu A-di-đà xuất hiện là một vị Phật ở phía Tây trong bộ Ngũ phương Phật. Tín ngưỡng A-di-đà gần như được phát triển cùng với phương pháp hành trì thời kỳ đầu của Đại thừa là cầu khấn và thờ phụng "mọi vị phật" và hình tượng vài vị trong số đó đang sống ở những thế giới "thanh tịnh", xa xôi, ứng với một phương hướng chính. Huyền thoại về những lời nguyện và tịnh thổ của A-di-đà có thể được phát triển xấp xỉ với hay cạnh tranh với những tín ngưỡng tương tự của những vị Phật khác chẳng hạn như Phật A-súc-bệ.

Phật Dược Sư

Phật Dược Sư là vị Phật đại diện cho sự trọn vẹn của Phật quả ngự cõi phía đông. Tranh tượng của vị Phật này hay được vẽ với tay trái cầm thuốc chữa bệnh và tay mặt giữ Ấn thí nguyện.

Phật Dược Sư thường được thờ chung với Phật Thích-ca Mâu-niA-di-đà, trong đó Phật Dược Sư đứng bên trái còn Phật A-di-đà đứng bên phải Phật Thích-ca. Trong Kinh Dược Sư, hiện nay chỉ còn bản chữ Hánchữ Tây Tạng, người ta đọc thấy 12 lời nguyện của vị Phật này, thệ cứu độ chúng sinh, với sự giúp đỡ của chư Phật, bồ-tát và 12 vị hộ phápthiên vương.

Văn-thù-sư-lợi

Văn-thù-sư-lợi là một vị bồ-tát tượng trưng cho trí huệ, một trong những vị bồ-tát quan trọng của Phật giáo. Lần đầu tiên người ta nhắc đến Văn-thù trong tác phẩm Văn-thù-sư-lợi căn bản nghi quỹthế kỉ thứ 4. Tranh tượng trình bày Văn-thù với lưỡi kiếm và kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa, được vẽ khoảng ngang đầu. Người ta xem đó là biểu tượng trí huệ phá đêm tối của vô minh. Về sau chúng ta thường thấy Văn-thù cưỡi trên một con sư tử.

Theo truyền thống Phật giáo Trung Quốc, Văn-thù được Phật Thích-ca đích thân giao phó việc truyền bá Phật pháp tại đây và Ngũ Đài sơn chính là nơi bồ-tát thuyết pháp. Vì vậy, Ngũ Đài sơn cũng được xem là trụ xứ của Văn-thù. Một thuyết khác bảo rằng, bồ-tát đã từng xuất hiện tại Trung Quốc trong thế kỉ 1, đời Hán Minh Đế.

Phổ Hiền

Phổ Hiền là một vị bồ-tát gắn liền với hành phápthiền định. Cùng với Phật Thích-caBồ-tát Văn-thù, ngài tạo thành Thích-ca tam tôn trong Phật giáo Đại thừa. Ngài là vị bồ tát bảo trợ cho Kinh Pháp Hoa và theo Kinh Hoa Nghiêm, ngài đã phát mười đại nguyện căn bản của một vị bồ-tát. Trong Phật giáo Trung Quốc, Phổ Hiền gắn liền với việc hành pháp trong khi Văn-thù là trí huệ. Tại Nhật Bản, Phổ Hiền là người bảo hộ Kinh Pháp Hoa của Phật giáo Nichiren. Tại Sri Lanka, ngài được gọi là Sumana Samana Deviyo và được coi là người bảo vệ đảo Sri Lanka.

Trong phái Ninh-mã của Phật giáo Tây Tạng, Phổ Hiền cũng là tên của Phật A-di-đà, thường được miêu tả cùng với phối ngẫu của ngài là Samantabhadrī. Trong hình thái phẫn nộ, ngài là một trong tám Heruka của Nyingmaosystemoga và được gọi là Vajramrtra.

Di-lặc

Di-lặc là một vị Phật hay bồ-tát của Phật giáo. Trong Phật giáo Tây Tạng, Di-lặc được thờ cúng rất rộng rãi. Trong Phật giáo Trung Hoa, từ thế kỷ 10, hòa thượng Bố Đại được xem là hiện thân của Di-lặc. Điều này dẫn đến rất nhiều hình tượng Di-lặc bị khắc họa là một ông già to béo đang cười.

Theo kinh điển Phật giáo, Di-lặc là vị bồ-tát sẽ xuất hiện trên Trái Đất, đạt được giác ngộ hoàn toàn, giảng dạy Phật pháp, giáo hóa chúng sinh, và chứng ngộ thành Phật. Phật Di-lặc sẽ là vị Phật kế tiếp Đức Phật lịch sử Thích-ca Mâu-ni. Cõi giáo hóa của bồ-tát hiện nay là nội viên của cõi trời Đâu-suất. Bồ-tát Di-lặc được tiên tri sẽ giáng sinh trong kiếp giảm của tiểu kiếp, khi nhân thọ là 80.000 năm trở đi vào 5 đại kiếp về sau, tức khoảng hơn 5 tỉ năm nữa theo năm Trái Đất, khi Phật pháp đã hoàn toàn bị loài người lãng quên. Sự tích về Phật Di-lặc được tìm thấy trong các tài liệu kinh điển của tất cả các truyền thống Phật giáo, và được chấp nhận bởi hầu hết các Phật tử như là một sự kiện sẽ diễn ra khi Phật pháp đã bị lãng quên trên Trái Đất, và Bồ-tát Di-lặc sẽ là bậc giác ngộ Pháp và thuyết lại cho chúng sinh, tương tự như những vị Phật lịch sử đã làm trong quá khứ.

Nhiên Đăng Cổ Phật

Nhiên Đăng Cổ Phật là vị Phật thứ tư trong danh sách 28 vị Phật. Trong Đại trí độ luận, Nhiên Đăng Cổ Phật khi đản sinh, chung quanh thân sáng như đèn, cho nên gọi là Nhiên Đăng Thái tử. Khi thành Phật cũng gọi là Nhiên Đăng, xưa gọi tên là Đính Quang Phật. Ở các chùa Việt NamTrung Quốc, Nhiên Đăng Cổ Phật thường được thờ chung với Phật Thích-ca Mâu-niPhật Di-lặc trong bộ tượng Tam thế Phật, nghĩa là các vị Phật thời quá khứ, hiện tại và vị lai.

Kinh Phật ghi rằng dưới thời Nhiên Ðăng Cổ Phật thì lúc đó Thích-ca là một vị Bà-la-môn vô cùng giàu có đã phân phát hết tài sản của mình và quy ẩn, có tên là Sumedha. Với túc mạng thông, Nhiên Ðăng Cổ Phật nhận ra Sumedha sau vô số kiếp luân hồi sẽ trở thành Phật dưới tên Gautama và thọ ký cho Gautama. Phật Nhiên Ðăng được xem là vị Phật quan trọng nhất trong các vị trước Thích-ca. Ngài là vị đại diện cho Phật quá khứ tương tự như trường hợp Di-lặc được xem là đại diện cho Phật vị lai.

Siddhārtha Gautama

Siddhārtha Gautama là một nhà tu hành, nhà truyền giáo, nhà thuyết giảng và đạo sư sống ở Ấn Độ vào thời cổ đại, người sáng lập Phật giáo. Ông sinh ra ở vùng đất mà ngày nay là Nepal, nhưng quãng cuộc đời quan trọng nhất sau đó của ông lại gắn liền với các khu vực mà ngày nay là Ấn Độ khi ông đi xuống phía Đông và phía Nam để sáng tạo và truyền bá các lời giảng dạy của ông, tín đồ Phật giáo xem ông là người đầu tiên hoàn toàn giác ngộ để đạt niết bàn thành Phật.

Theo các bộ kinh Phật giáo truyền lại cùng sử liệu thì ông vốn xuất thân là một vị thái tử thuộc về Hoàng tộc Gautama của Tiểu quốc Shakya ở vùng Kapilavastu. Tuy nhiên, ông đã sớm từ bỏ cuộc sống vinh hoa phú quý ở nơi đấy để nhằm lên đường đi tìm chính đạo. Sau khoảng 6 năm tu đạo, ông đạt được giác ngộ chính pháp ở năm 35 tuổi và dành tiếp 45 năm còn lại trong cuộc đời mình cho việc truyền bá, giảng dạy các giáo lý Phật pháp khắp những khu vực ở Đông và Nam tiểu lục địa Ấn Độ. Siddhārtha đề xướng con đường Trung đạo - tức vừa từ bỏ đời sống xa hoa nhưng cũng vừa không theo lối tu hành ép xác khổ hạnh vốn rất thịnh hành trong các học thuyết tôn giáo và tín ngưỡng Ấn Độ xưa. Các giáo pháp trong thời gian mà Đức Phật từng truyền bá ở Ấn Độ cũng đã đặt ra nền tảng quan trọng và to lớn cho sự hình thành và phát triển của những giáo lý đạo Phật ngày nay.