Chồn nhung đen

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Một con chồn nhung đen

Chồn nhung đen còn có tên gọi là hắc thốn là loại động vật thuộc Bộ Gặm nhấm có xuất xứ từ vùng Nam Mỹ,[1] nó là một trong hàng trăm giống của loài Chuột lang nhà, hiện nay giống vật này tại Việt Nam đang có tranh cãi với luồng ý kiến cho rằng chồn nhung đen thực chất là một loại chuột đồng Nam Mỹ màu đen.[1] Chồn nhung đen là loài nhân tạo và không có trong tự nhiên, không phải động vật hoang dã. một nhóm nhà khoa học đã đề nghị tách loài này (cùng với một số loài khác như loài chinchillas và degus khỏi bộ gặm nhấm.

Nguồn gốc, phân bố[sửa | sửa mã nguồn]

Chồn nhung đen có nguồn gốc từ Nam Mỹ, sinh sống nhiều ở vùng núi Andes, sau đó phân bố tại Tây Ban Nha thông qua việc người Tây Ban Nha nhập vào nuôi, sau được nuôi ở một số nước Châu Âu, rồi phát triển sang Châu Á, các nước ở Đông Phi như: Nigeria, Cameroon, Philippines, Trung Quốc… đã thuần hóa thành công và phát triển nuôi loài vật này nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm. Trung Quốc chủ yếu nuôi nhiều ở khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Chiết Giang, Thượng Hải, Quảng Đông, Phúc Kiến, Hồ Bắc, Hồ Nam, Vân Nam đến nay chồn nhung đen từ Trung Quốc nhập nuôi vào Việt Nam như Vĩnh Phúc, Tam Đảo, Lào Cai.[2]

Đặc điểm sinh học[sửa | sửa mã nguồn]

Chồn nhung đen sinh sản mỗi năm 3-4 lứa, mỗi lứa 2-2,5 con. Tỷ lệ thịt xẻ là 57%, tỷ lệ thịt móc hàm là 47%. Đặc biệt, chồn nhung đen không ăn nhiều thức ăn tinh (chỉ 10-15%), còn chủ yếu ăn thức ăn thô xanh.[3][4] Chồn nuôi 3 – 4 tháng chồn nhung đen mới được 0,6 – 0,8 kg. Khi làm thịt, tỷ lệ hao hụt rất lớn (sau khi cắt tiết, làm lông, bỏ nội tạng… phần thân thịt chỉ còn 50 – 55%). Chất lượng thịt thậm chí không ngon bằng thịt thỏ, bởi thịt không chắc do chúng ăn ít thức ăn tinh.[3]

Cơ thể và tập tính[sửa | sửa mã nguồn]

Chồn nhung đen có bề ngoài đen tuyền với đặc điểm sinh thái giống chuộtthỏ, chồn có hình thái khá giống thỏ, chỉ khác là cặp tai nhỏ như chuột.[1] Chồn nhung đen có tầm vóc to hơn chuột với tầm vóc khá to (khoảng từ 1-1,5 kg/con). Khối lượng chồn nhung đen trưởng thành trung bình khoảng 800g, một số con có thể đạt khoảng 1,4 kg. Loài chồn này rất hiền lành, không gây dịch bệnh, không phá hoạt mùa màng, không làm thay đổi sinh thái[1] nó có tính bầy đàn khá cao, nhút nhát và kém leo trèo. Loài chồn nhung đen nặng 700 – 1.200 gam, dài 20–25 cm, tuổi thọ 4-5 năm nhưng cũng có thể sống đến 8 năm. Cá thể sống lâu nhất được đưa vào sách kỷ lục thế giới năm 2006 là gần 15 năm.[5]

Thịt của chồn giàu và cân đối các chất dinh dưỡng hơn các loại thịt gia súcgia cầm và vật nuôi khác. Hàm lượng protein đạt tới 19,7% có tới 17 loại amino acid. Đặc biệt lượng mỡ rất thấp chỉ khoảng 15%. Thịt chồn rất giàu chất khoáng nhất là 2 nguyên tố: Zn và Se có tác dụng chống ung thư. Hàm lượng Fe cao gấp 3 lần thịt ba ba. Hàm lượng cholesterol thấp. Chồn nhung đen rất ít mắc bệnh do vậy thịt chồn nhung đen là loại thịt sạch rất quý giá, rất thơm ngon, không có mùi khó chịu.[6] Một so sánh cho thấy Hàm lượng đạm trong thịt chồn nhung đen chiếm tới 91.7%, cao gấp 4.3 lần thịt gà, 4.6 lần thịt bò, 5.5 lần thịt lợn

Chế độ ăn uống[sửa | sửa mã nguồn]

Chồn nhung đen thuộc loại ăn tạp chủ yếu là các loại cỏ, và các loại rau, củ, quả bình thường, thân cây ngô, dây lang, lá lạc, lá mía... nó không ăn lương thực, chỉ ưa thích các loại cỏ dại, lá cây, quả chín rụng,[2] đặc biệt thích ăn rau muống, cỏ voi. Trong điều kiện nuôi nhốt chồn có thể ăn được cám, khoai, sắn, bột ngô, tấm... nhất là đối với chồn cái sinh sản[6] đồng thời người nuôi có thể tận dụng các phế phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, thân, lá cây ngô, lá lạc, thân, lá cây chuối….[2] Nhìn chung, loài chồn này rất hiền lành và... không gây dịch bệnh, không phá hoạt mùa màng, không làm thay đổi sinh thái.[7]

Sinh sản[sửa | sửa mã nguồn]

Một con chồn nhung đen con đang tắm

Chồn sinh sản nhanh và nhiều, thời gian mang thai của chồn là 65 ngày. Thời kỳ sinh sản mạnh từ năm thứ 2-3.[6] chồn đẻ bình quân 4 đến năm con/lứa, mỗi năm chồn đẻ được khoảng 4 đến 6 lứa,[2] thậm chí tới 7 chồn con. Chồn mẹ nuôi con bằng sữa và chỉ sau 21 ngày là cai sữa và chuẩn bị cho chu kỳ sinh sản mới. Một chồn con mới đẻ sau khoảng mười phút đã có thể đi lại, 35 ngày tuổi đã động đực, 60 ngày thành thục về tính, có thể giao phối, thời gian chửa là 65 ngày, 1 năm cho khoảng từ 20-30 chồn con. Tuổi thọ của chồn nhung đen là từ 6- 7 năm. Việc nuôi chồn nhung đen mang lại hiệu quả rất cao, bởi chúng có khả năng sinh sản như chuột. Trung bình, một chồn cái đẻ 4 lứa một năm, mỗi lứa đẻ 3-4 chồn con, thậm chí tới 7 chồn con. Thời gian mang thai của chồn là 65 ngày. Chồn mẹ nuôi con bằng sữa và chỉ sau 21 ngày là cai sữa và chuẩn bị cho chu kỳ sinh sản mới.[7]

Tranh cãi[sửa | sửa mã nguồn]

Giống vật quý[sửa | sửa mã nguồn]

Có ý kiến cho rằng chồn nhung đen, một giống quý có nguồn gốc từ Nam Mỹ, có khả năng cho thịt năng suất cao, sinh sản nhanh và việc nuôi chồn nhung đen đang phát triển vì loài vật này rất phù hợp với người nghèo, vì nó chỉ ăn cỏ, các loại rau, củ, nhưng lại đẻ nhiều, lớn nhanh, cho thịt nhiều dinh dưỡng và giá bán khá cao. Ở Trung Quốc, Chồn nhung đen đang được nuôi nhiều có những cơ sở nuôi tới hàng vạn con, với quy mô sản xuất hàng hóa, đạt hiệu quả kinh tế khá cao. Theo thống kê sơ bộ đến hết năm 2005 ở Trung Quốc đã có 2080 hộ ở 33 huyện của 11 tỉnh nuôi khoảng 30 vạn đôi, đã bán ra thị trường tới 12,8 vạn con.[6]

Ở Việt Nam, Chồn nhung đen bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng năm 2011 với những đồn thổi về chất lượng thịt của loại chồn này khiến người dân ở nhiều địa phương bỏ tiền ra mua chồn nhung đen về nuôi mong thu lợi cao. Nhiều hộ kinh doanh đã nhân giống và nuôi loại chồn này và bán được giá, được ưa chuộng trên thị trường để làm thịt đặc sản, nhiều hộ dân ở xã Quỳnh Bá (huyện Quỳnh Lưu - tỉnh Nghệ An) đang tham gia mô hình nuôi chồn nhung đen.[8] Một thống kê cho thấy, 28 tỉnh, thành phố ở Việt Nam nuôi chồn nhung đen ở 293 cơ sở, số lượng trên 13.500 con.[4]

Thủ đoạn kinh doanh[sửa | sửa mã nguồn]

Nguyễn Lân Hùng không đánh giá cao con vật gọi là chồn nhung đen vì loài vật này đẻ nhiều, dễ nuôi như chuột nên giá trị không cao, ăn không ngon bằng thịt gà, thịt bò. Do đó, việc nuôi con vật này chỉ nên đặt mục đích là tăng thêm đối tượng chăn nuôi, góp phần xóa đói giảm nghèo, chứ không thể làm giàu, hay có ý nghĩa cao xa nào khác.[5] Đồng thời dư luận từng xôn xao về chồn nhung vốn là một loại động vật bình thường lại đang được rao bán với giá lên tới vài triệu đồng trong khi giá trị thực của những con chồn này đang được các chuyên gia đánh giá có giá trị thấp.[9][10]

Chồn nhung đen tuy mới du nhập, được nghiên cứu, thử nghiệm ở Việt Nam đã biến thành sản phẩm của mô hình đa cấp. Để tham gia mô hình nuôi chồn nhung đen, người nông dân phải bỏ ra ít nhất vài chục triệu, nhiều thì cả tỷ bạc để xây dựng chuồng trại, mua chồn từ những ông chủ công ty đa cấp này. Một đôi chồn, giá trị thực, đang được bán ngoài thị trường chỉ 200-300 nghìn đồng/ đôi, thì được họ bán với giá 4 triệu đồng/ đôi. cả ngàn hộ dân đang lập chuồng trại nuôi cả triệu con chồn, nhưng không biết nuôi để làm gì, bởi vì chẳng có nhà hàng nào nhập thịt chồn để chế biến, cũng chẳng thấy ai làm thịt chồn để ăn.[7]

Có cảnh báo rằng khi mô hình đa cấp đổ vỡ, người ta sẽ hàng triệu con chồn này ra môi trường tự nhiên. Đặc biệt là chồn nhung đen người dân đang nuôi hiện nay chưa có tên trong danh sách các vật nuôi nông nghiệp, không rõ nguồn gốc và chưa có kết quả khảo nghiệm của các cơ quan chuyên môn, loài động vật này vẫn chưa có căn cứ đánh giá mặt tích cực, cũng như tác hại của chồn nhung đen (lây lan dịch bệnh, sự phá hoại mùa màng), ngoài ra cũng chưa có căn cứ để kết luận về giá trị dinh dưỡng và chất lượng thịt của vật nuôi này.[8] Sau đó, Cục Chăn nuôi của Việt Nam có văn bản đề nghị các địa phương không phát tán chồn nhung đen, đồng thời khuyến cáo người dân không nên nuôi loài vật này do đầu ra chưa có.[3][4]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c d VietNamNet - Đua nhau nuôi chuột thành... chồn nhung đen | Dua nhau nuoi chuot thanh... chon nhung den
  2. ^ a b c d “Nuôi chồn nhung đen”. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 6 năm 2014. Truy cập 5 tháng 6 năm 2014.
  3. ^ a b c “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 28 tháng 10 năm 2013.
  4. ^ a b c “Không phát tán chồn nhung đen”. Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ. Truy cập 5 tháng 6 năm 2014.
  5. ^ a b “Chồn nhung đen là chồn hay chuột?”. Báo điện tử VTC News. Truy cập 5 tháng 6 năm 2014.
  6. ^ a b c d “Kỹ thuật nuôi chồn nhung đen”. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 11 năm 2012. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2012.
  7. ^ a b c “Đua nhau nuôi chuột thành... chồn nhung đen”. Báo điện tử VTC News. Truy cập 5 tháng 6 năm 2014.
  8. ^ a b “Sự thật và hiểm họa nuôi chồn nhung đen”. Báo điện tử VTC News. Truy cập 5 tháng 6 năm 2014.
  9. ^ “Vạch trần thủ đoạn thổi giá chồn nhung đen”. Báo điện tử VTC News. Truy cập 5 tháng 6 năm 2014.
  10. ^ “Nuôi chồn nhung đa cấp: Lo nông dân 'chết' hàng loạt”. Báo điện tử VTC News. Truy cập 5 tháng 6 năm 2014.