Lương phi (Khang Hy)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Thanh Thánh Tổ Lương phi
清聖祖良妃
Khang Hi Đế phi
Thông tin chung
Sinh1661
Mất29 tháng 12 năm 1711 (khoảng 50 tuổi)
An táng17 tháng 2 năm 1713
Cảnh lăng Phi viên tẩm
Phu quânThanh Thánh Tổ
Khang Hi Hoàng đế
Hậu duệDận Tự
Tên đầy đủ
Giác Nhĩ Sát·Song Tỷ (覺爾察·双姐)
Thân phụA Bố Nãi

Lương phi Vệ thị (chữ Hán: 良妃衛氏; 1661 - 29 tháng 12 năm 1711), nguyên Giác Nhĩ Sát thị (覺爾察氏), Chính Hoàng kỳ Bao y, là một phi tần của Thanh Thánh Tổ Khang Hi Hoàng đế.

Bà là mẹ của Hoàng bát tử Dận Tự, con trai thứ 8 của Khang Hi Đế, người đứng đầu tranh chấp hoàng vị với Thanh Thế Tông Ung Chính Đế. Bà hay bị nhầm thành người Hán do họ 「"Vệ thị"」, hơn nữa còn bị hiểu là đê tiện vì xuất thân từ Tân Giả khố. Tuy nhiên bà là người Mãn Châu gốc, xuất thân dòng dõi gia tộc có trong Nội vụ phủ Bao y lâu đời.

Xuất thân[sửa | sửa mã nguồn]

Lương phi Vệ thị nguyên là Giác Nhĩ Sát thị (覺爾察氏), cũng gọi Giác Thiền thị (覺禪氏), sinh khoảng năm Thuận Trị thứ 18 (1661), tên Song Tỷ (双姐)[1], xuất thân từ Chính Hoàng kỳ Bao y, thuộc "Đệ tam Tham lĩnh" (第三參領), tương ứng "Đệ thất Quản lĩnh" (第七管領)[2][3], thuộc Tân Giả khố (辛者库) của Nội vụ phủ. Bà là con gái của Chính ngũ phẩm Nội Quản lĩnh A Bố Nãi (阿布鼐). Gia tộc của Lương phi vốn cư trú ở Phật A Lạp (佛阿拉; nay là Tân Tân, Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh), tổ tiên là Hồ Trụ (瑚柱), sau đó vào năm Thiên Thông thời Hoàng Thái Cực thì được chỉ định phân vào Bao y, nhiều thế hệ nhậm Thiện phòng Tổng quản (膳房總管) cùng Nội Quản lĩnh (內管領), có thế lực ở Nội vụ phủ. Tằng tổ phụ Đô Lăng Ngạch (都楞额), nhậm "Nội Quản lĩnh", sinh ra Đô Nhĩ Bách (都尔柏) cùng cha bà là A Bố Nãi, khi đó Đô Nhĩ Bách thế chức Nội Quản lĩnh, còn A Bố Nãi chỉ là Thiện phòng Tổng quản, sau thế chức Nội Quản lĩnh. Anh trai của Lương phi là Cát Đạt Hồn (噶達渾), từng nhậm Nội vụ phủ Tổng quản, về sau làm Tá lĩnh ở Thịnh Kinh, đem gia tộc nhập Mãn Châu Chính Lam kỳ, thoát khỏi Bao y[4][5].

Bởi vì đủ loại nguyên nhân, đặc biệt là câu chỉ trích 「"Dận Tự là do tiện phụ Tân Giả khố sinh ra"」 bởi chính Khang Hi Đế[6], mà rất nhiều người cho rằng gia tộc của Lương phi cực kém, xuất thân Tân Giả khố bần tiện, thậm chí còn cho rằng nguyên bản gia tộc phú quý, sau bị tội mà sung vào Tân Giả khố. Cái gọi là "Tân Giả khố", Mãn ngữ kêu Hồ Thác Hòa (浑托和), ý là "Nửa Tá lĩnh", ám chỉ đến Bao y Nội Quản lĩnh, là xuất thân rất bình thường của người giai cấp Bao y[7]. Giải thích một chút, Tân Giả khố cũng như Bao y Tá lĩnh, trọng trách chăm sóc việc hậu cần của Hoàng thất. Trong hệ thống quan chế, Nội Quản lĩnh thuộc hàng Chính ngũ phẩm, quản lý Tân Giả khố. Nội Quản lĩnh tương ứng Thượng Tam kỳ Tân Giả khố (上三旗辛者库), phục vụ Hoàng thất, mà phủ đệ của Vương công cũng có cái chức Quản lĩnh này, gọi là Hạ Ngũ kỳ Tân Giả khố (下五旗辛者库), chuyên phục vụ cho gia đình của Vương công. Hệ thống Tân Giả khố, cũng như Bao y, đôi khi có những người bị hoạch tội mà sung vào, tuy nhiên thì đại đa số vẫn là Bao y bình thường. Theo học giả Đỗ Gia Ký (杜家骥), Tân Giả khố tuyệt nhiên là người Bao y bình thường chiếm đa số, rất ít trong đó là tội nhân, hơn nữa người từ Tân Giả khố vào triều làm quan không hiếm, có thể đến cả Đại học sĩ như Bách Linh (百龄) của Hán quân Chính Hoàng kỳ[8].

Tuy nhiên, có một sự thật là vì sao từ 「"Giác Thiền thị"」 mà Lương phi phải bị phiên thành Vệ thị, vẫn là nghi vấn. Có cách lý giải theo các lão sư chuyên nghiên cứu tên họ người Mãn cho rằng, người gia đình Mãn nào cũng thường có họ theo kiểu Hán (thường liên quan về nghĩa) để gọi cho thuận tiện, nhất là khi vào cung viết Sách văn. Do đó rất có thể họ 「"Vệ thị"」 của Lương phi chỉ là cách gọi Hán hóa mà thôi. Trường hợp này có thể kể đến Đích Phúc tấn Thạch thị của Phế Thái tử Dận Nhưng, dòng họ của bà vốn là "Qua Nhĩ Giai thị", khi gia tộc được phân vào Hán Quân Bát kỳ nên đổi theo họ Hán. Cái gọi "Qua Nhĩ Giai" có nghĩa là bức tường, liên hệ với "Thạch" nên có họ như vậy.

Đại Thanh tần phi[sửa | sửa mã nguồn]

Cung nữ tấn phong[sửa | sửa mã nguồn]

Căn cứ theo hồ sơ Quất Huyền Nhã (橘玄雅) khảo được từ Lục đầu bài đương (绿头牌档), vào năm Khang Hi thứ 14 (1675), Khang Hi Đế lệnh cho Nội vụ phủ tuyển chọn Bao y Tú nữ, một Tú nữ [Giác Thiền thị], tên [Song Tỷ] được chọn vào cung đương làm Cung nữ tử. Năm ấy bà 14 tuổi. Bà vào cung cùng với Hiếu Cung Nhân Hoàng hậu Ô Nhã thị và Vạn Lưu Ha thị, tức Định phi.

Dưới chế độ nhà Thanh, các nữ tử từ Nội vụ phủ Bao y đều như nhau trải qua tuyển chọn gay gắt để vào cung làm Cung nữ tử, đến lúc này thì không còn dựa vào gia thế nữa, mà cơ bản là bản thân của người đó phải có biểu hiện tốt, thì mới được phân vào các công việc tốt nhất như hầu cận chủ tử tần phi. Vào thời Thanh, Hoàng đế không có Cung nữ tử bên cạnh thị hầu mà chỉ có Thái giám, như bản thân Khang Hi Đế trong Đình huấn cách ngôn (庭训格言) có nói:「"Vào thời Minh triều, trong cung cung nữ có mấy nghìn người, tiền son phấn phải đến trăm vạn. Nay Trẫm định trong cung Sử nữ có 300 người. Những người chưa hầu cận Trẫm, tuổi khi 30, ra cung về với nhà mẹ, lệnh hôn phối"[9]. Sách Cung nữ đàm vãn lục (宫女谈往录) cũng ghi lại, Thanh triều cung chế nghiêm ngặt, Cung nữ tử cũng không được tùy tiện rời khỏi cung điện mà mình phục vụ. Tình hình này có thể thấy rằng, Giác Thiền thị có thể được Khang Hi Đế sủng hạnh, chính là cơ bản bà phải được sai việc hầu cận chủ tử trong cung, như vậy thì bản thân bà phải có tướng mạo và giỏi việc hầu hạ nhất định, sau đó vì dung mạo và trình độ mới được Khang Hi Đế ngẫu nhiên sủng hạnh.

Năm Khang Hi thứ 20 (1681), ngày 10 tháng 2, cung nhân Giác Thiền thị sinh hạ Hoàng bát tử Dận Tự. Do thân phận không được xem là tần phi chính thức của Giác Thiền thị, nên Dận Tự được Khang Hi Đế giao cho Huệ phi Nạp Lạt thị nuôi dưỡng. Năm thứ 35 (1696), Dận Tự đã 16 tuổi, tùy giá Khang Hi Đế xuất chinh Cát Nhĩ Đan. Năm thứ 37 (1698), Dận Tự lúc 18 tuổi được phong Bối lặc, là một trong những Hoàng tử trẻ được phong tước sớm nhất của Khang Hi Đế. Năm thứ 39 (1700), tháng 12, lấy Nội các Học sĩ Tịch Cáp Nạt (席哈纳) cầm Tiết, cầm sách bảo, sách phong cung nhân Giác Thiền thị, sách văn đổi gọi [Vệ thị], làm Lương tần (良嫔). Chữ "Lương" có trong "Trung lương", "Thiện lương", là một mỹ tự rất đẹp đối với Hán ngữ cùng Mãn ngữ.

Sách văn viết:

Qua đời phong Phi[sửa | sửa mã nguồn]

Năm Khang Hi thứ 50 (1711), ngày 20 tháng 11 (tức ngày 29 tháng 12 dương lịch), Vệ thị qua đời, khoảng 50 tuổi, khi ấy bà đã được gọi là 「Lương phi; 良妃」. Lễ an táng của bà đồng cấp với Bình phi Hách Xá Lý thị, em gái Hiếu Thành Nhân hoàng hậu. Đến ngày hạ táng, Khang Hi Đế đích thân đến viếng tang linh cữu của bà và tế rượu.

Sách tế văn sơ kì của Lương phi:

「礼重宫闱,内职恒嘉,夫赞助典崇,褒恤彝章,备著其哀荣,惟芬苾之是陈,斯轸怀之聿展。 尔良妃卫氏,禔躬婉顺,赋性柔嘉,矩薙无违,允表珩璜之□,敬恭自矢,克彰褕翟之休。 念久备乎嫔行,爰优加夫妃号,方期永绵福祉,何意遽告沦殂。载设几筵,用申醊奠。 于戏,穗帐徒悬,慨芳规之不再;恩纶丕焕,俾令问之长垂,灵其有知,尚克歆享。」
.
Lễ trọng cung vi, nội chức hằng gia, phu tán trợ điển sùng, bao tuất di chương, bị trứ kỳ ai vinh, duy phân bật chi thị trần, tư chẩn hoài chi duật triển.
Nhĩ Lương phi Vệ thị, đề cung uyển thuận, phú tính nhu gia, củ thế vô vi, duẫn biểu hành hoàng chi □, kính cung tự thỉ, khắc chương du địch chi hưu. Niệm cửu bị hồ Tần hành, viên ưu gia phu Phi hào, phương kỳ vĩnh miên phúc chỉ, hà ý cự cáo luân tồ. Tái thiết kỉ diên, dụng thân chuyết điện. Vu hí, tuệ trướng đồ huyền, khái phương quy chi bất tái; ân luân phi hoán, tỉ lệnh vấn chi trường thùy, linh kỳ hữu tri, thượng khắc hâm hưởng.

Năm Khang Hi thứ 52 (1713), ngày 17 tháng 2, quan tài của Vệ thị được an táng vào Phi viên tẩm của Thanh Cảnh lăng, Thanh Đông lăng.

Tương quan[sửa | sửa mã nguồn]

Đến nay, vẫn không tìm ra được chỉ dụ tấn phong Giác Thiền thị làm Lương phi. Căn cứ "Hoàng thất ngọc điệp" (皇室玉牒) hoàn thành năm Khang Hi thứ 45 (1706), lúc này Giác Thiền thị vẫn như cũ được gọi "Lương tần", nên thời gian phong Phi của bà thu nhỏ từ năm Khang Hi thứ 46 trở đi đến Khang Hi thứ 50, lúc bà qua đời. Lại rồi xem xét Thanh Thánh Tổ thực lục (清聖祖實錄), trong thời gian từ năm 46 đến năm thứ 50, không hề có một đại phong hậu cung, nên rất có thể Giác Thiền thị là đơn độc phong Phi. Tuy nhiên, có một khả năng rằng Lương phi được tấn phong lúc đang bị bệnh. Loại việc này thì Khang Hi Đế không phải chưa từng làm, như Hiếu Ý Nhân Hoàng hậu được lập Hậu khi sắp mất, ý muốn lấy vinh diệu mà song hỉ. Điều này chứng minh trong từ ngữ Tế văn của bà, ghi rằng:「"Niệm cửu bị hồ tần hành, viên ưu gia phu Phi hào, phương kỳ vĩnh miên phúc chỉ, hà ý cự cáo luân tồ"」. Dù là bị bệnh mới phong, nhưng cơ bản thì Giác Thiền thị cũng được đơn độc phong Phi, loại này ân huệ đối với thời Thanh khá có ý nghĩa, vì hậu cung tấn phong rất ít khi đơn độc, mà đều phải tấn phong cùng một đợt cả.

Câu chuyện về Lương phi được đồn đoán rất nhiều, cũng bởi vì Khang Hi Đế đích thân chỉ trích 「"Dận Tự là do tiện phụ Tân Giả khố sinh ra"」, mà hình ảnh Lương phi trong tiềm thức những người biết đến chuyện hậu cung thời Khang Hi liền được tô vẽ thành một nữ tử có xuất thân thấp kém, mà xuất thân thấp kém có thể đến được sủng ái, tự nhiên cũng được ngầm hiểu thành có lẽ bà là một người rất xinh đẹp. Cũng cứ như vậy, Lương phi Vệ thị thời Khang Hi được truyền tụng rằng có tư sắc diễm lệ, dịu dàng và thông minh. Sách Thanh đại Thập tam triều cung đình bí sử (清代十三朝宫闱秘史), có nói rằng Lương phi của Khang Hi Đế là 「"Mỹ diễm quan nhất cung, sủng hạnh vô bỉ"; 美艳冠一宫,宠幸无比」, lại còn có cách nói Lương phi có mùi hương kì lạ, tẩy đi không hết, đến cả nước bọt cũng có hương khí[10].

Dù chỉ sinh được duy nhất một Hoàng tử, lại xuất thân từ Tân Giả khố, nhưng Giác Thiền thị từng bước được phong Phi đã luôn là đề tài bàn luận không chỉ các sử gia mà cũng gợi cảm hứng cho nhiều tiểu thuyết. Trong phim và tiểu thuyết Tịch mịch không đình xuân dục vãn, Giác Thiền thị được hư cấu hóa là con gái của Sát Cáp Nhĩ Thân vương A Bố Nãi của Giác Nhĩ Sát thị, dòng dõi quý tộc Mông Cổ, có âm mưu phản lại triều Thanh nên bị xử tử. Một điều trùng hợp là A Bố Nãi cha của Lương phi cùng Sát Cáp Nhĩ Thân vương đều cùng tên và cùng thị tộc, nên tác giả Phỉ Ngã Tư Tồn hợp nhất để tiểu thuyết hóa tình tiết cho gay cấn, tuy nhiên điều đó không đúng trong sự thực lịch sử.

Hậu cung bài tự[sửa | sửa mã nguồn]

Căn cứ 《Khâm định đại thanh hội điển tắc lệ》cuốn 42, hậu phi bài vị trình tự ghi lại:[11]

Văn hoá đại chúng[sửa | sửa mã nguồn]

Năm Tên phim Diễn viên Nhân vật
1987 Thanh cung Thập tam hoàng triều chi Khang Hi
(滿清十三皇朝之康熙)
Mã Bảo Chuyên
馬寶顓
Vệ Thiền
(衛嬋)
2006 Thanh thiên nha môn
(青天衙门)
Tần Lam
秦嵐
Lương phi
2011 Bộ bộ kinh tâm
(步步驚心)
Lưu Khiết
劉潔
Lương phi
2012 Cung tỏa tâm ngọc
(宫鎖心玉)
Thiệu Mỹ Kỳ
邵美琪
Lương phi
2016 Tịch mịch không đình xuân dục vãn
(寂寞空庭春欲晚)
Trịnh Sảng
郑爽
Vệ Lâm Lang
(衛琳瑯)

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Thông tin từ Quất Huyền Nhã (橘玄雅) sau khi sửa sang lại tập hồ sơ bằng chữ Mãn là Lục bài đầu đương (绿头牌档) - ghi thông tin một đợt tuyển tú nữ thời Khang Hi.
  2. ^ 《康熙朝實錄》/卷之260 允禩系辛者庫賤婦所生。自幼心高陰險。聽。相面人張明德之言、遂大背臣道。覓人謀殺二阿哥。舉國皆知。
  3. ^ 《清列代后妃傳稿》良妃衛氏,滿洲正黃旗,包衣人內管領阿布鼐之女。按八旗通志,滿洲正黃旗包衣第三參領所屬第七管領,系康熙二年分立。初令通易管理,傳至碩通務,病故,以包衣大阿布鼐管理。阿布鼐故,以他漢管理。
  4. ^ 《八旗滿洲氏族通譜·卷四十九·覺禪氏》瑚柱,正黃旗包衣人,世居佛阿拉地方,天聰時來歸,原任膳房總領。其子都楞額,原任內管領。孫都爾柏、阿布鼐,俱原任內管領,他布鼐,原任膳房總領。曾孫勒柏理,原任主事。塔漢、阿林,俱原任內管領。噶哈禪,原任御前二等侍衛。陶格,原任郎中。曾孫嘎達渾,原任內務府總管。旒武,原任司庫。元孫索柱,原任藍翎侍衛。長明、陶柱俱原任內管領。阿薩理,原任廐長。西哈納,原任筆帖式。
  5. ^ 《世宗憲皇帝上諭八旗》雍正四年十月十六日,正藍旗滿洲都統公殷德等將阿其那之母舅噶達渾之族人擬入包衣佐領具奏。奉上諭:噶達渾原系包衣佐領下微賤奴才,朕施恩由包衣佐領下撤出移於旗下,用至內務府總管,此恩伊等豈不知之?再,良妃母亦甚心高,即其身故情由爾等豈不知之?
  6. ^ 《清實錄康熙朝實錄》: 日。藐視朕躬。朕因憤怒。心悸幾危。允禩系辛者庫賤婦所生。自幼心高陰險。聽。相面人張明德之言、遂大背臣道。覓人謀殺二阿哥。舉國皆知。伊殺害二阿哥、未必念及朕躬也。朕前患病。諸大臣保奏八阿哥。朕甚無奈、將不可冊立之允礽放出。數載之內、極其鬱悶。允禩仍望遂其初念。與亂臣賊子等、結成黨羽、密行險奸。
  7. ^ 《钦定大清会典则例》中多次提到:"内管领,即辛者库;辛者库,即管领。"
  8. ^ 杜家骥.清代八旗管领与辛者库问题 :辽宁民族出版社, 2002年5月
  9. ^ Nguyên văn: 明时宫女至数千,脂粉钱至百万。今朕宫中计使女三百,况朕未近使之宫女,年近三十者,即出与其父母,令婚配。
  10. ^ 燕北老人.清代十三朝宫闱秘史:中国文联出版公司,2006年1月1日
  11. ^ Năm Càn Long 29, Dận Đào biên soạn. Đài Loan thương vụ ấn thư quán xuất bản năm 1986.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]