Ngọc Ánh

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Ngọc Ánh
Tên khai sinhTrương Thị Ngọc Ánh
Sinh1964
Sài Gòn,  Việt Nam Cộng hòa
Nguyên quánQuảng Nam,  Việt Nam Cộng hòa
Thể loạiNhạc nhẹ, dân ca, rock, disco, chachacha...
Nghề nghiệpCa sĩ, nhạc sĩ
Nhạc cụGiọng
Năm hoạt động1986 đến nay
Hãng đĩaĐài Tiếng nói Việt Nam
Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM
Dihavina
Saigon Audio
Trung tâm Băng nhạc Rạng Đông
Trung tâm Thúy Nga
Hợp tác vớiNgọc Tùng

Ngọc Ánh (sinh năm 1964 tại Sài Gòn, Việt Nam Cộng hòa) là một nữ ca sĩ Việt Nam[1].

Lịch sử[sửa | sửa mã nguồn]

Trương Thị Ngọc Ánh sinh năm 1964 tại Sài Gòn, Việt Nam Cộng hòa, nhưng bản quán tại tỉnh Quảng Nam do cha bà đã vào đô thành lập nghiệp từ năm 1961. Trong gia đình, cô bé Ngọc Ánh là út trong số 5 anh chị em.

Ngọc Ánh bắt đầu tham gia Câu lạc bộ thiếu nhi quận Tân Bình từ năm 1977 đến 1981, đã theo nhà thiếu nhi đi lưu diễn toàn quốc và đoạt nhiều giải thưởng đơn ca. Các năm 1981-3, Ngọc Ánh lại hoạt động văn nghệ tại trường Nguyễn Thái Bình. Tuy nhiên, tháng 02 năm 1986 mới là mốc đánh dấu đường văn nghệ chuyên nghiệp của cô qua nhạc phẩm Mùa xuân trên những giếng dầu.

Trong kỉ nguyên vàng của âm nhạc Đổi Mới (1986 - 1996), Ngọc Ánh cùng với Bảo Yến, Nhã Phương, Bích Phương được xếp vào bộ tứ giọng khàn hay nhất dải đất Nam Trung Bộ, chuyên thể hiện các ca khúc đòi hỏi vũ đạo bốc lửa và thanh âm rất sôi động, là điều rất hiếm ca sĩ đương thời đảm nhiệm nổi. Sau này, khi Siu Black xuất hiện, năm nữ ca sĩ này lại được báo giới liệt vào giọng ca vàng dòng nhạc vũ trường Việt Nam. Riêng Ngọc Ánh thường được mệnh danh nữ hoàng rock.

Thời này, truyền thông thường phải gọi nữ tài tử kiêm người mẫu Trương Ngọc Ánh bằng tên đầy đủ để khỏi nhầm với danh ca Ngọc Ánh, vì cô tham gia nghệ thuật trễ hơn.

Theo tự sự của Ngọc Ánh với VTV3, đầu thập niên 1990 bà là ca sĩ mới nổi hiếm hoi ở miền Nam chinh phục được khán thính giả miền Bắc vốn rất bảo thủ nhờ vào việc Đài Tiếng nói Việt Nam phát liên tục ca khúc Mùa xuân bên cửa sổ do bà thể hiện, mặc dù không hề có chuẩn bị trước. Tuy nhiên, giai đoạn đó sinh hoạt của bà hầu như kín lịch chạy "sô" từ sớm đến khuya, hầu như không có ngày nghỉ. Ngoài ra, bà cũng được báo giới xác nhận kỉ lục là ca sĩ đầu tiên sau năm 1975... tự sắm được xe hơi. Cũng theo Ngọc Ánh, năm 1999 bà chính thức từ giã con đường âm nhạc chuyên nghiệp tại Việt Nam để sang định cư.

Tại quê hương mới, ban đầu Ngọc Ánh muốn bỏ hẳn nghề hát để toàn tâm toàn ý làm nội trợ, tuy nhiên Trung tâm Thúy Nga đã ra sức khích lệ để bà kí hợp đồng độc quyền hai năm, cho nên Ngọc Ánh tiếp tục biểu diễn. Từ thời điểm đó, bà trung thành với lịch trình nửa năm bay "sô" và nửa năm còn lại hoàn toàn ở nhà với mẹ già và con nhỏ.

Thời kì đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu, Ngọc Ánh bỏ hết "sô" để ở nhà làm nội trợ suốt một năm. Mãi năm 2021, bà quyết định về Việt Nam lưu diễn và bắt đầu chương mới trong sự nghiệp[2].

Sự nghiệp[sửa | sửa mã nguồn]

Giai đoạn kinh tế Đổi Mới, Ngọc Ánh được xem là một trong những giọng ca đắt "sô" hàng đầu tại ba miền tổ quốc, thậm chí được cả đồng bào biên giới phía Bắc biết mặt. Tuy vậy, bà cũng thử sức soạn một số ca khúc để biểu diễn và lồng tiếng Việt cho phim bộ Đài Loan, Hương Cảng.

Trong các cuộc phỏng vấn của giới truyền thông, sự nghiệp âm nhạc của Ngọc Ánh được thể hiện rõ nhất trong khoảng 100 ca khúc đã thâu tại Việt Nam chỉ trong 10 năm trước thời điểm bà di cư hẳn sang Bắc Mỹ[3]. Tại xứ người, bà chủ yếu tập trung biểu diễn trên sân khấu chứ hiếm khi thâu âm. Mãi tới năm 2018, Ngọc Ánh mới có kênh facebookyoutube riêng để phát trực tiếp những ca khúc tiêu biểu trong sự nghiệp vàng son để được khán giả ái mộ lâu năm thưởng thức[2].

CD[sửa | sửa mã nguồn]

  • Liên khúc Disco Chachacha (cassette, 1993)
  • Love potion N9 (CD, 1993)
  • Vừa Biết Dấu Yêu (TNCD 230, 2000)
  • Không Còn Ai (TNCD 254, 2001)
  • Tình Dẫu Muộn Màng (TNCD 272, 2002)
  • Thành Phố Buồn (CD, 2015) với Ngọc Tùng
  • Ngày Mai Anh Lên Đường (CD, 2016) với Ngọc Tùng...

Biểu diễn trên sân khấu Trung tâm Thúy Nga[sửa | sửa mã nguồn]

  1. Ngôi Nhà Trong Ánh Bình Minh (LV: Lê Xuân Trường) - PBN 53
  2. Rock Con Diều (Võ Thiện Thanh) - PBN 55
  3. Lang Thang Trên Mưa Rơi (Tuấn Thành) - PBN 56
  4. Tiếng Sét Nơi Vườn Hoang (Quốc Hùng) - PBN 57
  5. Không Còn Ai (Nguyễn Ngọc Thiện) - PBN 58
  6. Sóng Cuốn (Quốc Hùng) - PBN 60 với Quốc Hùng
  7. Tình Xa Khuất (Trường Huy) - PBN 61
  8. Tình Dẫu Muộn Màng (Khải Hoàn) - PBN 62
  9. Ai Sẽ Biết Trước (Quốc Hùng) - PBN 65 với Quốc Hùng

Gia thế[sửa | sửa mã nguồn]

Ca sĩ Ngọc Ánh kết hôn với con trai nhạc sĩ Xuân Hồng năm 1996, nhưng hai năm sau bà đòi ly thân vì chồng không chịu có con. Khi đã định cư tại , Ngọc Ánh mới đơm đơn li dị.

Sau đó bà kết hôn với một cai thầu công trình người Canada gốc Cần Thơ, có con gái đầu lòng. Tuy nhiên cuộc tình cũng chỉ được ba năm.

Khoảng năm 2018, báo giới Việt Nam rầm rộ tin Ngọc Ánh cải thiện nhan sắc để kết hôn với một nam doanh nhân rất trẻ, nhưng bà phủ nhận[4].

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ “Tiểu sử ca sĩ Ngọc Ánh”. forum.tkaraoke.com. TKaraoke Forum.
  2. ^ a b “Lời Tự Sự: "Nữ hoàng cát sê" Ngọc Ánh trải lòng về khoảng thời gian sống ở nước ngoài” – qua www.youtube.com.
  3. ^ “Nữ hoàng sân khấu của làng nhạc Việt thập niên 8-90”.
  4. ^ 'Nữ hoàng nhạc rock' Ngọc Ánh tiết lộ lý do ly hôn hai người chồng trước”. thanhnien.vn. 4 tháng 10, 2021.