Nguyễn Văn Mạnh (Trung tướng Việt Nam Cộng hòa)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Nguyễn Văn Mạnh
Chức vụ

Tổng Tham mưu phó Bộ Tổng Tham mưu
Đặc trách An ninh Phát triển
Tư lệnh Địa phương quân và Nghĩa quân
Nhiệm kỳ3/1974 – 4/1975
Cấp bậc-Trung tướng
Tiền nhiệm-Trung tướng Nguyễn Văn Là
Kế nhiệmSau cùng
Vị tríBiệt khu Thủ đô
Chủ tịch Ủy ban
Điều hành Quốc tế Quân viện
Nhiệm kỳ7/1972 – 3/1974
Cấp bậc-Trung tướng
Tiền nhiệm-Trung tướng Trần Ngọc Tám
Vị tríBiệt khu Thủ đô

Tham mưu trưởng Bộ Tổng Tham mưu
Nhiệm kỳ7/1969 – 3/1974
Cấp bậc-Thiếu tướng
-Trung tướng (7/1970)
Tiền nhiệm-Thiếu tướng Trần Thanh Phong
Kế nhiệm-Trung tướng Đồng Văn Khuyên
Vị tríBiệt khu Thủ đô

Tổng Thanh tra Quân lực VNCH
(trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu)
Nhiệm kỳ2/1968 – 7/1969
Cấp bậc-Thiếu tướng
Tiền nhiệm-Trung tướng Nguyễn Văn Là
Kế nhiệm-Trung tướng Lữ Lan
Vị tríBiệt khu Thủ đô

Tư lệnh Quân đoàn IV
(23/11/1966 đến 4/2/1967 Quyền Tư lệnh)
Nhiệm kỳ11/1966 – 2/1968
Cấp bậc-Chuẩn tướng
-Thiếu tướng (2/1967)
Tiền nhiệm-Trung tướng Đặng Văn Quang
Kế nhiệm-Thiếu tướng Nguyễn Đức Thắng
Vị tríVùng 4 chiến thuật

Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh
Nhiệm kỳ8/1965 – 11/1966
Cấp bậc-Đại tá
Chuẩn tướng (11/1965)
Tiền nhiệm-Chuẩn tướng Lữ Lan
Kế nhiệm-Đại tá Trương Quang Ân
Vị tríVùng 2 chiến thuật

Tư lệnh Sư đoàn 10 Bộ binh
(tiền thân của Sư đoàn 18 Bộ binh)
Nhiệm kỳ5/1965 – 8/1965
Cấp bậc-Đại tá
Tiền nhiệm-Đầu tiên
Kế nhiệm-Chuẩn tướng Lữ Lan
Vị tríVùng 3 chiến thuật

Tham mưu trưởng Quân đoàn III
Nhiệm kỳ2/1964 – 10/1964
Cấp bậc-Đại tá (10/1961)
Kế nhiệm-Trung tá Đồng Văn Khuyên
Vị tríVùng 3 chiến thuật

Phó phòng Quân huấn
tại Bộ Tổng tham mưu
Nhiệm kỳ5/1959 – 8/1960
Cấp bậc-Trung tá
Vị tríQuân khu Thủ đô

Tham mưu trưởng Quân đoàn II
Nhiệm kỳ10/1958 – 5/1959
Cấp bậcTrung tá (10/1958)
Tiền nhiệm-Trung tá Trang Văn Chính
Kế nhiệm-Đại tá Nguyễn Hữu Có
Vị tríVùng 2 chiến thuật
Thông tin chung
Quốc tịch Hoa Kỳ
 Việt Nam Cộng hòa
Sinhtháng 3 năm 1921
Thừa Thiên, Liên bang Đông Dương
Mất26 tháng 8 năm 1994
(73 tuổi)
San José, California, Hoa Kỳ
Nguyên nhân mấtTuổi già
Nơi ởCalifornia, Hoa Kỳ
Nghề nghiệpQuân nhân
Dân tộcKinh
Học vấnTú tài bán phần
Trường lớp-Trường Trung học Phổ thông tại Huế
-Trường Cán sự Canh Nông
-Trường Võ bị Quốc gia ở Huế
-Học viện Chỉ huy và Tham mưu Fort Leavenworth, Kansas, Hoa Kỳ
Quê quánTrung Kỳ
Binh nghiệp
Thuộc Quân lực Việt Nam Cộng hòa
Phục vụ Việt Nam Cộng hòa
Năm tại ngũ1948 - 1975
Cấp bậc Trung tướng
Đơn vị Bộ Tổng Tham mưu[1]
Quân đoàn II và QK 2
Quân đoàn III và QK 3
Sư đoàn 10 Bộ binh
Sư đoàn 23 Bộ binh
Quân đoàn IV và QK 4
Chỉ huy Quân đội Quốc gia
Quân lực Việt Nam Cộng hòa
Tham chiếnChiến tranh Việt Nam

Nguyễn Văn Mạnh (1921-1994) nguyên là một tướng lĩnh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cấp bậc Trung tướng. Ông xuất thân từ khóa đầu tiên tại trường Võ bị Quốc gia do Chính phủ Quốc gia Việt Nam mở ra ở miền Trung Việt Nam, tốt nghiệp ông được phục vụ trong đơn vị Bộ binh. Ông đã từng chỉ huy đơn vị Bộ binh cấp Sư đoàn và cũng đảm trách Tư lệnh Quân đoàn và Quân khu. Tuy nhiên, trong thời gian phục vụ Quân đội, phần nhiều thời gian ông được giao phó những chức vụ về lãnh vực Tham mưu. Trọng trách sau cùng của ông là Tổng Tham mưu Phó Bộ Tổng Tham mưu.

Tiểu sử và binh nghiệp[sửa | sửa mã nguồn]

Ông sinh vào tháng 3 năm 1921 trong một gia đình Nho giáo tại Thừa Thiên, miền Trung Việt Nam. Thời niên thiếu ông học Tiểu và Trung học ở Huế. Năm 1941 ông tốt nghiệp Trung học phổ thông chương trình Pháp tại Huế với văn bằng Tú tài bán phần (Part I). Sau đó ông thi vào học ở trường Cán sự Canh Nông (Huế). Sau khi tốt nghiệp ông được bổ dụng làm Công chức tùng sự tại Ty Canh Nông Huế cho đến ngày gia nhập Quân đội.

Quân đội Liên hiệp Pháp[sửa | sửa mã nguồn]

Trung tuần tháng 9 năm 1948, thi hành lệnh động viên của Quốc trưởng Bảo Đại, ông nhập ngũ vào Quân đội Liên hiệp Pháp, mang số quân: 41/200.248. Theo học khóa 1 Bảo Đại (sau đổi tên thành khóa Phan Bội Châu) tại trường Võ Bị Quốc gia Huế, khai giảng ngày 1 tháng 10 năm 1948. Ngày 1 tháng 6 năm 1949 mãn khóa tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu úy hiện dịch. Ra trường, ông được chọn về đơn vị Bộ binh giữ chức vụ Trung đội trưởng. Năm 1951 ông được làm Đại đội trưởng. Thời gian này, ông chỉ huy đơn vị tham gia nhiều cuộc hành quân trên khắp các mặt trận ở Miền Bắc.

Quân đội Quốc gia Việt Nam[sửa | sửa mã nguồn]

Giữa năm 1952, Quân đội Quốc gia Việt Nam thành lập Bộ Tổng Tham mưu, ông chính thức chuyển biên chế sang phục vụ Quân đội Quốc gia. Đầu năm 1953, ông được thăng cấp Trung úy và được cử theo học khóa 1 Biệt kích tại Trung tâm Huấn luyện Biệt Động đội tại Vạt Cháy (Bãi Cháy), Hòn Gai, Quảng Yên.[2] Sau khi mãn khóa học, ông được cử làm Chánh Văn phòng cho Đại tá Trương Văn Xương[3] Tư lệnh Đệ nhị Quân khu Trung Việt. Giữa năm 1954, ông được thăng cấp Đại úy chuyển nhiệm vụ Trưởng phòng 3 Đệ Nhị Quân khu Trung Việt vẫn do Đại tá Xương làm Tư lệnh.

Quân đội Việt Nam Cộng hòa[sửa | sửa mã nguồn]

Tháng 3 năm 1955, ông được thăng cấp Thiếu tá chuyển về Bộ Tổng Tham mưu giữ chức vụ Trưởng phòng 3. cuối tháng tháng 10 cùng năm, Thủ tướng Diệm đổi tên Quân đội Quốc gia thành Quân đội Việt Nam Cộng hòa, ông được sáp nhập sang phục vụ cơ cấu quân đội mới và vẫn giữ nguyên chức vụ cũ. Tháng 10 năm 1958, ông được thăng cấp Trung tá chuyển ra Cao nguyên Trung phần giữ chức vụ Tham mưu trưởng Quân đoàn II[4] thay thế Trung tá Trang Văn Chính.[5] Tháng 5 năm 1959, ông nhận lệnh bàn giao chức vụ Tham mưu trưởng Quân đoàn II lại cho Đại tá Nguyễn Hữu Có. Sau đó ông được chuyển về Bộ Tổng tham mưu làm Phó phòng Quân huấn.

Tháng 8 năm 1960, ông được cử đi du học lớp Tham mưu cao cấp (khóa 1960 - 1961) thụ huấn 42 tuần tại Học viện Chỉ huy và Tham mưu Fort Leavenworth, Kansas, Hoa Kỳ[6]. Ngày Quốc khánh Đệ Nhất Cộng hòa 26 tháng 10 năm 1961, ông được thăng cấp Đại tá tại nhiệm. Tháng 1 năm 1962, ông được cử làm Chánh chủ khảo kỳ thi mãn khóa 2 Nhân vị Sĩ quan Hiện dịch Đặc biệt tại Trường Hạ sĩ quan Đồng Đế, Nha Trang[7].

Tháng 2 năm 1964, sau Cuộc Chỉnh lý ngày 30 tháng 1 năm 1964 của tướng Nguyễn Khánh, ông được điều đi giữ chức vụ Tham mưu trưởng Quân đoàn III & Vùng 3 Chiến Thuật. Đầu Tháng 10 cùng năm, bàn giao chức vụ Tham mưu trưởng lại cho Trung tá Đồng Văn Khuyên[8]

Tháng 5 năm 1965, ông được bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh đầu tiên Sư đoàn 10 Bộ binh[9] tân lập tại Xuân Lộc, Long Khánh. Ba tháng sau, ngày 20 tháng 8, ông chuyển ra Cao nguyên Trung phần giữ chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh, (hoán chuyển nhiệm vụ với Chuẩn tướng Lữ Lan về làm Tư lệnh Sư đoàn 10). Ngày Quốc khánh Đệ Nhị Cộng hòa 1 tháng 11 cùng năm, ông được thăng cấp Chuẩn tướng tại nhiệm.

Tháng 11 năm 1966, ông được chỉ định chức vụ Quyền Tư lệnh Quân đoàn IV và Vùng 4 chiến thuật thay thế Trung tướng Đặng Văn Quang.[10] Ngày 4 tháng 2 năm 1967, ông được thăng cấp Thiếu tướng và chính thức được bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh Quân đoàn IV và Vùng 4 Chiến thuật.

Tháng 2 năm 1968, ông được lệnh bàn giao Quân đoàn IV lại cho Thiếu tướng Nguyễn Đức Thắng. Sau đó, ông được cử giữ chức vụ Tổng thanh tra Quân lực tại Bộ Tổng tham mưu. Tháng 7 năm 1969, ông chuyển nhiệm vụ giữ chức Tham mưu trưởng Bộ Tổng tham mưu thay thế Thiếu tướng Trần Thanh Phong.[11]

Tháng 7 năm 1970, ông được thăng cấp Trung tướng tại nhiệm. Ngày 10 tháng 7 năm 1972, ông được kiêm chức vụ Chủ tịch Ủy ban Điều hành Quốc tế Quân viện thay thế Trung tướng Trần Ngọc Tám.[12] Đầu tháng 3 năm 1974, ông nhận lệnh bàn giao chức vụ Tham mưu trưởng lại cho Trung tướng Đồng Văn Khuyên kiêm nhiệm. Sau đó, ông được chỉ định giữ chức vụTổng Tham mưu phó Bộ Tổng Tham mưu đặc trách An Ninh Phát triển và kiêm Tư lệnh Địa phương quân và Nghĩa quân thay thế Trung tướng Nguyễn Văn Là được xét cho giải ngũ.

1975[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 30 tháng 4 ông cùng gia đình di tản khỏi Việt Nam. Sau đó được sang Hoa Kỳ định cư tại tiểu bang Louisiana rồi chuyển qua thành phố San José, California, Hoa Kỳ.

Ngày 26 tháng 8 năm 1994, ông từ trần tại nơi định cư. Hưởng thọ 73 tuổi.

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Bốn lần phục vụ tại Bộ Tổng Tham mưu. Lần thứ nhất: Thiếu tá Trưởng phòng 3 (1953-1958), lần thứ hai: Đại tá Trưởng khối Quân huấn Bộ Tổng Tham mưu (1962-1964), lần thứ ba: Thiếu tướng Tổng Thanh tra Quân lực (1968-1969), lần thứ tư: Thiếu tướng Tham mưu trưởng và Trung tướng Tổng Tham mưu phó (1969-1975).
  2. ^ Nay là khu vực Phường Bãi Cháy, Thành phố Hạ Long, Trung tâm tỉnh Quảng Ninh
  3. ^ Đại tá Trương Văn Xương, nguyên là sĩ quan Quân đội Cao Đài, gia nhập Quân đội Quốc gia, được đồng hóa cấp bậc Thiếu tá.
  4. ^ Quân đoàn II được thành lập ngày 1 tháng 10 năm 1958 tại Ban Mê Thuột, ban đầu đặt bản doanh tại đây, về sau di chuyển lên Pleiku.
  5. ^ Trung tá Trang Văn Chính sinh năm 1925 tại Trà Vinh, tốt nghiệp trường Sĩ quan Nước Ngọt Vũng Tàu, sau cùng là Đại tá Cục trưởng Cục An Ninh Quân đội.
  6. ^ Thụ huấn lớp Chỉ huy Tham mưu tại Hoa Kỳ niên khóa 1960-1961 có 4 sĩ quan Việt Nam Cộng hòa được tham dự: Trung tá Nguyễn Văn Mạnh và
    -Đại tá Nguyễn Thế Như (Tốt nghiệp Võ bị Viễn Đông, Đại tá Chỉ huy trưởng Trường Hạ sĩ quan Đồng Đế (1956-1957), năm 1964 giải ngũ).
    -Trung tá Bùi Quang Định (Tốt nghiệp Trường Sĩ quan Nước Ngọt Vũng Tàu, sau cùng là Đại tá biệt phái tùng sự tại Bộ Thông tin Chiêu hồi).
    -Thiếu tá Lê Tập (Giải ngũ ở cấp Trung tá).
  7. ^ Khóa 2 Nhân vị Sĩ quan Đặc biệt hiện dịch Nha Trang, khai giảng ngày 27 tháng 2 năm 1961, mãn khóa ngày 31 tháng 1 năm 1962. Tốt nghiệp khóa này, về sau có nhiều sĩ quan cấp tá chỉ huy xuất sắc, tiêu biểu là Đại tá Hồ Ngọc Cẩn, chức vụ sau cùng là Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Chương Thiện.
  8. ^ Trung tá Đồng Văn Khuyên (SN 1927, tốt nghiệp Võ khoa Thủ Đức K1, sau cùng là Tổng tham mưu phó kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Tiếp vận.
  9. ^ Sư đoàn 10 Bộ binh được thành lập ngày 16 tháng 5 năm 1965 tại Long Khánh, đầu năm 1967 đổi tên thành Sư đoàn 18 Bộ binh.
  10. ^ Trung tướng Đặng Văn Quang được chuyển về Trung ương và được đề cử vào Nội các Chính phủ Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Tổng uỷ viên Kế hoạch.
  11. ^ Thiếu tướng Trần Thanh Phong được đề cử vào Nội các Chính phủ Thủ tướng Trần Thiện Khiêm làm Tổng trưởng Xây dựng Nông thôn.
  12. ^ Trung tướng Trần Ngọc Tám được cử đi làm Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Thái Lan.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  • Trần ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, Lê Đình Thụy (2011). Lược sử Quân lực Việt Nam Cộng hòa.