Thành viên:Lệ Xuân/Nháp/3

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Khmer Đỏ
ខ្មែរក្រហម
The flag of Democratic Kampuchea, whose design was used by Khmer guerrillas since the 1950s with the building design varying.
Hoạt động1951–1999
Hệ tư tưởngTự cấp tự túc[1]:xix-xx
Chủ nghĩa dân tộc Khmer[1]:xx[2]:
Chủ nghĩa Marx – Lenin (tới năm 1981)[3]
Cộng Sản (tới năm 1981)[1]:xix[2]:
Vị thế chính trịTới năm 1981:
Cực tả[4][5]
Lãnh đạoPol Pot
Trụ sởPhnom Penh, Campuchia
Đồng minh Trung Quốc
 Bắc Triều Tiên
 România
 Thái Lan (kể từ năm 1979)
 Singapore (kể từ năm 1979)
FUNCINPEC (until 1989)
Khmer People's National Liberation Front
 North Vietnam (tới năm 1976)
Viet Cong (tới năm 1976)
Pathet Lao (tới năm 1976)
Kẻ thù Liên Xô
 Việt Nam (from 1976)
Bản mẫu:Country data Cộng hòa Dân chủ Campuchia
 Lào (kể từ năm 1976)
 Cộng hòa Khmer (tới năm 1975)
Cộng hòa Dân chủ Đức Đông Đức
 Cuba
 Bulgaria
 Tiệp Khắc
 Việt Nam Cộng Hòa (tới năm 1975)
 United States (1970-1975)

Khmer Đỏ là tên gọi thường dùng để chỉ các thành viên của Đảng Cộng sản Campuchia và rộng hơn là chế độ mà qua đó đảng này cai trị Campuchia giai đoạn 1975 đến 1979. Cái tên Khmer Đỏ do Norodom Sihanouk đặt trong thập niên 1960 để mô tả những người bất đồng chính kiến không giống nhau, đứng đầu là cộng sản, của đất nước khi ấy mà ông đã liên minh sau khi bị lật đổ năm 1970.

Quân đội Khmer Đỏ dần dần hình thành trong những khu rừng miền đông Campuchia vào cuối thập niên 1960 với sự hỗ trợ của quân đội Bắc Việt Nam, Việt Cộng, Pathet Lào, và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Mặc dù ban đầu chiến đấu chống Sihanouk nhưng nghe theo lời khuyên của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Khmer Đỏ đã thay đổi lập trường và ủng hộ Sihanouk sau khi Sihanouk bị lật đổ trong một cuộc đảo chính năm 1970 bởi Lon Nol, người thành lập Cộng hòa Khmer thân Hoa Kỳ. Tuy hứng chịu một chiến dịch ném bom quy mô của Hoa Kỳ nhưng Khmer Đỏ đã giành phần thắng trong nội chiến Campuchia khi họ chiếm được thủ đô Campuchia và lật đổ Cộng hòa Khmer vào năm 1975. Sau chiến thắng, Khmer Đỏ với thủ lĩnh là Pol Pot, Nuon Chea, Ieng Sary, Son Sen, và Khieu Samphan đã lập tức tiến hành di tản cưỡng bức các thành phố lớn và vào năm 1976 họ đổi tên quốc gia thành Campuchia Dân chủ.

Chế độ Khmer Đỏ áp bức, hoang tưởng, bài ngoại, chuyên quyền, độc tài, tất cả đều ở mức cao độ. Các chính sách xã hội của chế độ cùng "Maha Lout Ploh", ý tưởng bắt chước Đại nhảy vọt của Trung Quốc mà đã dẫn đến nạn đói lớn ở nước này, khiến cho nhiều người thiệt mạng. Các nỗ lực cải cách nông nghiệp thông qua tập thể hóa tương tự dẫn đến nạn đói lan rộng, trong khi việc cứ nhất quyết tự lực tuyệt đối thậm chí cả trong cung cấp thuốc thang đã khiến hàng ngàn người bỏ mạng vì những bệnh đáng ra chữa được như sốt rét. Chế độ Khmer Đỏ đã sát hại hàng trăm ngàn địch thủ chính trị và việc nhấn mạnh sự thuần khiết dân tộc mang tính phân biệt chủng tộc dẫn đến hành động diệt chủng các tộc người thiểu số Campuchia. Các cán bộ chức sắc tùy tiện tra tấn và hành quyết những thành phần lật đổ, điều tương tự diễn ra trong những vụ thanh trừng hàng ngũ từ năm 1975 đến 1978. Cuối cùng cuộc diệt chủng Campuchia đã lấy đi sinh mạng của 1,5 đến 2 triệu người tương ứng khoảng 25% dân số Campuchia khi ấy.

Trong thập niên 1970 Khmer Đỏ được sự ủng hộ và tài trợ lớn lao của Đảng Cộng sản Trung Quốc do chính tay Mao Trạch Đông phê chuẩn. Theo ước tính ít nhất 90% viện trợ nước ngoài Khmer Đỏ nhận được là từ Trung Quốc. Chế độ bị tước bỏ quyền lực vào năm 1979 khi Việt Nam xâm lược Campuchia và nhanh chóng tiêu diệt hầu hết lực lượng Khmer Đỏ. Khmer Đỏ sau đó chạy trốn sang Thái Lan. Chính quyền Thái Lan xem Khmer Đỏ như lực lượng nằm giữa chống lại Việt Nam cộng sản. Sang thập niên 1980 Trung Quốc, Hoa Kỳ và những đồng minh của hai nước đã hậu thuẫn Pol Pot sống lưu vong nhằm đấu chọi lại sức mạnh của Liên Xô và Việt Nam, cung cấp cho những người Khmer tin tức tình báo, thực phẩm, vũ khí, và huấn luyện quân sự. Không rõ mức độ hỗ trợ của Hoa Kỳ lớn đến đâu. Khmer Đỏ tiếp tục chiến đấu chống Việt Nam và chính phủ Cộng hòa Nhân dân Campuchia mới lập trong cuộc chiến tranh Việt Nam–Campuchia kéo dài đến năm 1989. Chính phủ lưu vong Campuchia (trong đó có Khmer Đỏ) giữ ghế Liên Hợp Quốc của Campuchia (với sự ủng hộ quốc tế đáng kể) cho đến năm 1993 khi nền quân chủ được phục hồi và tên gọi quốc gia Campuchia được đổi thành Vương quốc Campuchia. Một năm sau hàng ngàn lính du kích Khmer Đỏ ra đầu hàng trong một đợt ân xá của chính quyền. Vào năm 1996 Ieng Sary, cựu phó thủ lĩnh Khmer Đỏ mà đã được ân xá, thành lập một đảng chính trị mới mang tên Phong trào Đoàn kết Quốc gia Dân chủ. Tổ chức này hầu như giải tán trong cuối thập niên 1990 và hoàn toàn chấm dứt vào năm 1999. Trong năm 2014 hai thủ lĩnh Khmer Đỏ là Nuon Chea và Khieu Samphan bị tòa án Liên Hợp Quốc hậu thuẫn tuyên phạm tội ác chống nhân loại và nhận án tù chung thân vì vai trò trong chiến dịch diệt chủng của Khmer Đỏ.

Ý thức hệ[sửa | sửa mã nguồn]

Tư tưởng Mác-xít[sửa | sửa mã nguồn]

Pol Pot, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Campuchia và Thủ tướng Campuchia Dân chủ

Khi đã cầm quyền, ý thức hệ của phong trào được định hình bởi một cuộc tranh đấu quyền lực vào năm 1976 mà ở đó cái gọi là Trung ương Đảng do Pol Pot đứng đầu đã đánh bại những yếu tố khu vực khác thuộc giới lãnh đạo. Hệ tư tưởng Trung ương Đảng kết hợp những thành tố của chủ nghĩa Marx với một hình thái bài ngoại mạnh mẽ của chủ nghĩa dân tộc Khmer. Một phần do sự bí ẩn và diện mạo biến đổi, những diễn giải hàn lâm về vị trí chính trị của nó thiếu sự nhất quán, có khi cho rằng nó là phong trào Marx–Lenin chủ nghĩa "thuần túy nhất" nhưng có khi mô tả nó như một cuộc "cách mạng nông dân" chống chủ nghĩa Marx.

Số đông các nhà lý luận và lãnh đạo của Khmer Đỏ từng tiếp xúc với quan điểm Stalin chủ nghĩa sâu đậm của Đảng Cộng sản Pháp trong thập niên 1950. Họ xây dựng một hệ tư tưởng "hậu Lenin chủ nghĩa" chiết trung và riêng biệt, chọn lọc lấy những yếu tố của chủ nghĩa Stalin, chủ nghĩa Mao, và lý thuyết hậu thực dân của Frantz Fanon. Vào đầu những năm 1970 Khmer Đỏ nhìn vào mô hình Albania của Enver Hoxha mà họ tin là nhà nước cộng sản tiến bộ nhất tồn tại khi ấy. Ý thức hệ chủ nghĩa Mao tỏ ra ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều đặc điểm của chế độ như việc chú trọng tầng lớp nông dân nông thôn làm lực lượng bảo vệ cách mạng hơn là vô sản đô thị, nhấn mạnh những sáng kiến kiểu Đại nhảy vọt, khát khao xóa bỏ lợi ích cá nhân trong hành vi con người, thúc đẩy lối sống và ăn uống cộng đồng, và chú trọng lĩnh hội ý nghĩa chung về kiến thức kỹ thuật. Tuy nhiên Khmer Đỏ thể hiện những đặc điểm này ở mức độ cực đoan hơn.

Trong khi Đảng Cộng sản Campuchia tự mô tả mình là "nhà nước cộng sản số một" khi đã giành quyền lực, một số chế độ cộng sản như Việt Nam xem nó là dạng chủ nghĩa Mao lệch lạc khỏi chủ nghĩa Marx chính thống. Chủ nghĩa Mao và Khmer Đỏ tin rằng sức mạnh ý chí của con người có thể vượt qua những điều kiện vật chất và lịch sử, điều xung đột mạnh mẽ với chủ nghĩa Marx chính thống nhấn mạnh chủ nghĩa duy vật và ý nghĩ lịch sử là quá trình tiến đến chủ nghĩa cộng sản không thể thay đổi.

Khmer Đỏ chính thức từ bỏ chủ nghĩa cộng sản vào năm 1981 sau chiến tranh Campuchia–Việt Nam.

Chủ nghĩa dân tộc Khmer[sửa | sửa mã nguồn]

Một trong những đặc điểm nhận dạng chế độ là chủ nghĩa dân tộc cực đoan Khmer kết hợp lý tưởng hóa Đế quốc Angkor (802–1431) và hậu kỳ Angkor (1431-1863) với nỗi sợ hãi hiện hữu về sự tồn vong của quốc gia Campuchia mà lịch sử đã từng suy tàn trong những lần Việt Nam và Xiêm can thiệp. Sự xuất hiện của những người lính Việt Nam từ chiến tranh Việt Nam–Hoa Kỳ càng thúc đẩy tư tưởng bài Việt Nam khi thập niên 1960 trôi đi. Cộng hòa Khmer dưới thời Lon Nol mà về sau bị Khmer Đỏ lật đổ đã xúc tiến chủ nghĩa dân tộc Mon-Khmer và gây ra một số cuộc bạo động chống Việt Nam trong thập niên 1970. Một số nhà sử học như Ben Kiernan phát biểu rằng chế độ chú tâm vào chủng tộc đến mức làm lu mờ đi những quan niệm về giai cấp.

Khi đã cầm quyền, Khmer Đỏ rõ ràng nhắm đến người Trung Quốc, người Việt Nam, người Chăm thiểu số và thậm chí con đẻ mang dòng máu Khmer của họ. Thái độ tương tự được áp dụng cho những người có vị thế trong đảng khi những đảng viên cấp cao không là người Khmer bị loại bỏ khỏi giới lãnh đạo bất chấp từng trải cách mạng và thường bị sát hại.

Tự lực[sửa | sửa mã nguồn]

Vết đạn của Khmer Đỏ lưu lại tại đền Angkor Wat

Chính sách kinh tế của Khmer Đỏ mà căn cứ phần lớn vào những kế hoạch của Khieu Samphan chú trọng thành tựu tự lực toàn quốc thông qua một giai đoạn tập thể hóa nông nghiệp ban đầu. Khmer Đỏ vận dụng điều này như một lộ trình hướng đến chuyển đổi xã hội, phát triển kỹ thuật và công nghiệp nhanh chóng mà không cần sự trợ giúp của cường quốc bên ngoài, quá trình mà đảng mô tả là "Siêu Đại nhảy vọt". Việc đặc biệt nhấn mạnh vào tự lực trong lập kế hoạch có lẽ bị ảnh hưởng bởi những tác phẩm thời đầu của Samir Amin mà luận án tiến sĩ của Khieu Samphan có trích dẫn.

Tổng Bí thư đảng Pol Pot tác động mạnh mẽ đến công tác truyền bá chính sách này. Theo tường thuật ông ấn tượng với cái cách tự lực của những bộ lạc miền núi Campuchia, điều mà đảng tin là một hình thái chủ nghĩa cộng sản nguyên thủy. Học thuyết Khmer Đỏ hình thành quan niệm rằng quốc gia nên lấy "nông nghiệp làm nhân tố cơ bản và sử dụng thành quả của nông nghiệp để xây dựng công nghiệp". Vào năm 1975 những đại biểu Khmer Đỏ ở Trung Quốc nói rằng Pol Pot tin tưởng tập thể hóa nông nghiệp có khả năng "[tạo ra] một xã hội cộng sản hoàn thiện mà đỡ tốn thì giờ vào những bước trung gian". Xã hội theo đó phân hóa thành "người cơ bản" nông dân, nhóm sẽ là lực lượng bảo vệ cho sự chuyển biến, và "người mới" đô thị, nhóm bị cải tạo hoặc trừ khử. Theo nhà sử học Michael Vickery, việc giới lãnh đạo Khmer Đỏ chú trọng tầng lớp nông dân là nền tảng của cách mạng xuất phát từ tình trạng của họ là những tiểu tư sản cấp tiến bị chủ nghĩa nông dân lãng mạn chinh phục. Sự đối địch giữa tầng lớp nông dân và nhân dân đô thị trong ý thức hệ Khmer Đỏ tăng thêm bởi cấu trúc kinh tế nông thôn Campuchia, nơi những nông dân và tá điền nhỏ bé đã từng chịu vay nợ người đô thị thay vì địa chủ. Chính sách di tản những thành phố lớn và cung cấp một nguồn dự trữ lao động nông nghiệp dễ khai thác có vẻ được những tá điền ủng hộ Khmer Đỏ nhìn nhận một cách tích cực như loại bỏ nguồn nợ của họ.

Tôn giáo[sửa | sửa mã nguồn]

Campuchia Dân chủ đôi khi được mô tả là một nhà nước vô thần, dù cho hiến pháp của nó phát biểu rằng mọi người đều có quyền tự do tôn giáo hay không theo tôn giáo nào. Tuy nhiên nó nêu rõ không chấp nhận cái gọi là "tôn giáo phản động". Mặc dù trên thực tế hoạt động tôn giáo không được phép nhưng quan hệ giữa Đảng Cộng sản Campuchia và Phật giáo Theravada Campuchia chủ đạo là phức tạp, một số nhân vật then chốt trong lịch sử đảng như Tou SamouthTa Mok từng là nhà sư, tương tự là nhiều cán bộ cấp thấp mà thường tỏ ra thuộc số người chấp hành kỷ luật nghiêm túc nhất. Chính quyền sách nhiễu ác liệt các cơ sở Phật giáo song có xu hướng nội bộ hóa và tái định hình biểu tượng và ngôn ngữ của Phật giáo Campuchia sao cho nhiều khẩu hiệu cách mạng nhái theo công thức mà các thầy tu trẻ lĩnh hội trong thời gian đào tạo. Một số cán bộ từng là thầy tu đã lý giải việc thay đổi thiên hướng như một bước đi đơn giản từ tôn giáo cấp thấp sang cấp cao hơn, phản ánh thái độ xung quanh sự phát triển của đạo Cao Đài trong thập niên 1920.

Hành vi đàn áp tín đồ Cơ đốc và đạo Hồi diễn ra một cách sâu rộng. Các lãnh đạo Hồi giáo bị xử tử, dù vậy một số người Hồi giáo Chăm xem ra đã được bảo rằng có thể tiếp tục sùng đạo âm thầm chừng nào điều đó không ảnh hưởng đến chỉ tiêu công việc. Tuy nhiên Mat Ly, phó bộ trưởng nông nghiệp người Chăm dưới thời Cộng hòa Nhân dân Campuchia, nói rằng quân Khmer Đỏ đã gây ra một số vụ thảm sát ở những ngôi làng người Chăm thuộc miền trung và đông nơi mà cư dân không chịu từ bỏ phong tục Hồi giáo.

Tín đồ Phật giáo dường như không bị áp bức, dù vậy niềm tin truyền thống vào những linh hồn bảo vệ, hay neak ta, nhanh chóng mất đi khi người dân bị ép rời khỏi những khu vực sinh sống. Quan điểm với tu sĩ Phật giáo phức tạp hơn, cũng như đạo Hồi, nhiều lãnh đạo tôn giáo bị giết trong khi nhiều tu sĩ thông thường bị đưa đến những tu viện xa xôi và phải lao động chân tay cực nhọc tại đó. Sự phân biệt giữa người dân thành thị và nông thôn được thấy trong cách đối xử của chế độ với tu sĩ. Ví dụ, người đến từ tu viện đô thị được xếp vào loại "tu sĩ mới" và đưa đến những vùng nông thôn sống cùng "tu sĩ cơ bản" có nền tảng nông dân, nhóm chế độ cho là "cách mạng và phù hợp". Thầy tu không bị bắt hoàn tục cho đến năm 1977 khi mà ở tỉnh Kratié, nhiều thầy tu thấy rằng họ đã quay về địa vị nông dân thế tục khi công việc nông nghiệp mà họ được giao dính dáng đến vi phạm thường xuyên quy tắc tu viện. Mặc dù có bằng chứng cho thấy sự phá hoại các tu viện Phật giáo nhiều nơi, nhiều hơn hẳn cơ sở lúc đầu đã tồn tại qua những năm Khmer Đỏ trong tình trạng tốt, tương tự là hầu hết tượng đài lịch sử Khmer. Không loại trừ khả năng các câu chuyện về sự phá hoại hoàn toàn là tuyên truyền bịa đặt của Cộng hòa Nhân dân Campuchia kế tục. Dù sao theo ước tính cũng có gần 25.000 tu sĩ Phật giáo bị chế độ Khmer Đỏ sát hại.

Nguồn gốc[sửa | sửa mã nguồn]

Lịch sử ban đầu[sửa | sửa mã nguồn]

Lịch sử phong trào cộng sản ở Campuchia có thể chia thành sáu giai đoạn: đầu tiên là sự nổi lên của Đảng Cộng sản Đông Dương trước chiến tranh thế giới thứ hai mà thành viên hầu như toàn là người Việt Nam; thứ hai là cuộc đấu tranh 10 năm giành độc lập từ Pháp khi một đảng cộng sản Campuchia tách biệt là Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia ra đời dưới sự bảo trợ của Việt Nam; thứ ba là sau Đại hội Đảng Nhân dân Cách mạng lần hai vào năm 1960 khi Saloth Sar (Pol Pot sau 1976) và những thủ lĩnh Khmer Đỏ tương lai khác giành quyền kiểm soát bộ máy; tiếp đến là đấu tranh cách mạng từ lúc Khmer Đỏ bắt đầu nổi dậy năm 1967–1968 đến khi chính quyền Lon Nol sụp đổ tháng 4 năm 1975; thứ năm là chế độ Campuchia Dân chủ từ tháng 4 năm 1975 đến tháng 1 năm 1979; và cuối cùng là thời kỳ sau Đại hội Đảng Nhân dân Cách mạng lần ba tháng 1 năm 1979 khi Hà Nội khống chế hiệu quả chính quyền Campuchia và đảng cộng sản.

Vào năm 1930 Hồ Chí Minh thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam bằng việc thống nhất ba phong trào cộng sản nhỏ từng xuất hiện ở miền bắc, miền trung, và miền nam Việt Nam vào cuối những năm 1920. Gần như ngay lập tức đảng này được đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương, có vẻ như để cho có thể bao hàm cả những người cách mạng đến từ Campuchia và Lào. Những đảng viên đầu tiên tất cả đều là người Việt Nam. Cho đến hết chiến tranh thế giới thứ hai có một số ít người Campuchia gia nhập nhưng sức ảnh hưởng của họ đến phong trào cộng sản Đông Dương cũng như sự phát triển trong đất nước Campuchia là không đáng kể.

Các đơn vị Việt Minh thi thoảng đột nhập các cơ sở Campuchia trong cuộc chiến của họ chống người Pháp. Việt Minh trong mối giao hội với chính phủ phái tả cai trị Thái Lan đến năm 1947 khuyến khích thành lập băng nhóm vũ trang Khmer Issarak tả khuynh. Vào ngày 17 tháng 4 năm 1950 (25 năm trước ngày Khmer Đỏ chiếm Phnom Penh), hội nghị toàn quốc đầu tiên của các nhóm Khmer Issarak được tổ chức và Mặt trận Issarak Thống nhất ra đời. Thủ lĩnh mặt trận là Sơn Ngọc Minh và một phần ba giới lãnh đạo của nó là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Theo nhà sử học David P. Chandler, đến năm 1952 các nhóm Issarak tả khuynh được Việt Minh hỗ trợ đã chiếm cứ một phần sáu lãnh thổ Campuchia và đến thời điểm hội nghị Genève là một nửa đất nước.

Vào năm 1951 Đảng Cộng sản Đông Dương tái tổ chức thành ba đơn vị quốc gia là Đảng Lao động Việt Nam, Lào Issara, và Đảng Nhân dân Cách mạng Khmer hay Campuchia. Theo một tài liệu phát hành sau tái tổ chức, Đảng Lao động Việt Nam sẽ tiếp tục "giám sát" phong trào quy mô nhỏ hơn của Lào và Campuchia. Số đông thủ lĩnh và đảng viên Đảng Nhân dân Cách mạng Khmer có vẻ là người Khmer Krom hoặc người dân tộc Việt Nam sống ở Campuchia.

Theo quan điểm của Campuchia Dân chủ về lịch sử đảng họ, việc Việt Minh không đàm phán được một vai trò chính trị cho Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia tại hội nghị Genève 1954 thể hiện sự phản bội phong trào của Campuchia mà vẫn đang kiểm soát những vùng nông thôn rộng lớn và chỉ huy ít nhất 5.000 lính vũ trang. Sau hội nghị, khoảng 1.000 đảng viên Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia trong đó có Sơn Ngọc Minh di chuyển đến Bắc Việt Nam và sống lưu vong tại đó. Cuối năm 1954, những người ở lại Campuchia thành lập một đảng chính trị hợp pháp có tên Đảng Pracheachon tham gia vào các cuộc bầu cử Quốc hội năm 1955 và 1958. Trong cuộc bầu cử tháng 9 năm 1955, đảng này giành 4% phiếu nhưng không có chỗ trong cơ quan lập pháp. Các thành viên Pracheachon không ngừng bị sách nhiễu và bắt bớ vì đảng vẫn nằm bên ngoài tổ chức chính trị Sangkum của Sihanouk. Sự công kích của chính quyền đã ngăn chặn đảng này tham gia cuộc bầu cử 1962 và đẩy nó ra khỏi chốn công khai. Sihanouk thường xuyên gán mác những người tả phái địa phương là Khmer Đỏ, một thuật ngữ sau này trở nên biểu thị đảng và nhà nước do Pol Pot, Ieng Sary, Khieu Samphan, cùng đồng sự của họ lãnh đạo.

Vào giữa thập niên 1950 Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia nổi lên các phe phái là "ủy ban thành thị" (Tou Samouth đứng đầu) và "ủy ban nông thôn" (Sieu Heng đứng đầu). Hiểu chung chung thì những nhóm này đi theo đường lối cách mạng khác nhau. Nhóm "thành thị" nổi trội hơn mà Bắc Việt Nam thừa nhận thấy rằng Sihanouk với thắng lợi trong công cuộc giành độc lập từ Pháp là một lãnh đạo quốc gia chân thật, người có thái độ trung lập và ngờ vực sâu sắc Hoa Kỳ biến ông thành một tài sản quý báu trong cuộc đấu tranh của Hà Nội nhằm "giải phóng" Nam Việt Nam. Những người ủng hộ đường lối này hy vọng Sihanouk có thể bị thuyết phục xa rời cánh hữu và chấp nhận những chính sách tả khuynh. Nhóm còn lại có thành phần ủng hộ chủ yếu là cán bộ nông thôn đã quen với thực tại nghiệt ngã của khu vực này tán thành việc lập tức đấu tranh để lật đổ Sihanouk "phong kiến".

Nhóm sinh viên Paris[sửa | sửa mã nguồn]

Vào thập niên 1950 các sinh viên Khmer ở Paris đã tổ chức phong trào cộng sản riêng mà không hoặc ít có liên kết với đảng ở quê hương họ đang gặp khó khăn. Những con người của phong trào này đã quay về quê hương và nắm quyền chỉ huy bộ máy đảng trong thập niên 1960, cầm đầu một cuộc khởi nghĩa chống Lon Nol thành công từ 1968 đến 1975 và thành lập chế độ Campuchia Dân chủ.

Pol Pot, người vươn lên vị thế lãnh đạo phong trào cộng sản trong những năm 1960, sinh năm 1928 (một số nguồn nói năm 1925) ở tỉnh Kampong Thom, đông bắc Phnom Penh. Ông từng theo học một trường trung học kỹ thuật ở thủ đô rồi đến Paris năm 1949 để học điện tử vô tuyến (nguồn khác nói ông học máy fax và xây dựng dân dụng). Mặc dù không lấy được học vị nhưng theo linh mục Dòng Tên François Ponchaud Pol Pot đã có cơ hội trải nghiệm văn học Pháp và trở nên quan tâm đến những tác phẩm của Karl Marx.

Ieng Sary là một người Khmer Trung Quốc sinh năm 1925 ở Nam Việt Nam cũng thuộc nhóm sinh viên Paris. Ông học trường Lycée Sisowath ở Phnom Penh trước khi theo khóa thương mại và chính trị tại Viện Khoa học Chính trị Paris ở Pháp. Khieu Samphan sinh năm 1931 và có chuyên ngành học là kinh tế và chính trị trong thời gian ở Paris. Một vài cái tên khác là Hou Yuon sinh năm 1930 học kinh tế và luật, Son Sen sinh năm 1930 học sư phạm và văn học, Hu Nim sinh năm 1932 học luật.

Hai thành viên của nhóm là Khieu Samphan và Hou Yuon đã giành học vị tiến sĩ từ Đại học Paris trong khi Hu Nim được Đại học Phnom Penh trao học vị vào năm 1965. Số đông họ xuất thân từ những gia đình địa chủ hoặc công chức. Pol Pot và Hou Yuon có thể có mối liên hệ với hoàng tộc do chị của Pol Pot từng là vợ lẽ trong triều đình của vua Monivong. Pol Pot và Ieng Sary kết hôn với Khieu Ponnary và Khieu Thirith hay được biết đến với tên Ieng Thirith, họ hàng tự nhận của Khieu Samphan. Hai người phụ nữ có học thức này cũng đóng vai trò trung tâm trong chế độ Campuchia Dân chủ.

Một số người quay sang chủ nghĩa Marx–Lenin chính thống. Pol Pot và Ieng Sary gia nhập Đảng Cộng sản Pháp đâu đó trong khoảng 1949 đến 1951. Vào năm 1951 hai người đến Đông Berlin để tham dự một liên hoan thanh niên. Trải nghiệm này được xem là bước ngoặt trong quá trình phát triển tư tưởng của họ. Pol Pot và Ieng Sary gặp mặt những người Khmer đang chiến đấu cùng Việt Minh (nhưng sau đó cho rằng họ quá khúm núm trước người Việt) rồi bị thuyết phục rằng chỉ có một tổ chức đảng kỷ luật chặt chẽ cùng sự sẵn sàng cho đấu tranh vũ trang mới có thể mang lại cách mạng. Họ chuyển đổi Hiệp hội Sinh viên Khmer mà phần đông trong số 200 hoặc hơn sinh viên Khmer ở Paris gia nhập thành một tổ chức vì lý tưởng tả khuynh và dân tộc chủ nghĩa.

Bên trong Hiệp hội Sinh viên Khmer và các tổ chức kế tục có một tổ chức bí mật gọi là Cercle Marxiste (vòng tròn Mác-xít). Cercle Marxiste bao gồm các tổ ba đến sáu thành viên mà đa số không biết gì về cấu trúc tổng thể của tổ chức. Vào năm 1952 Pol Pot, Hou Yuon, Ieng Sary và những người tả phái khác dính phải tai tiếng bởi việc gửi một thư ngỏ đến Sihanouk nói ông ta là "kẻ bóp nghẹt nền dân chủ sơ khai". Một năm sau nhà chức trách Pháp trấn áp Hiệp hội Sinh viên Khmer nhưng Hou Yuon và Khieu Samphan đã giúp đỡ thành lập một nhóm mới vào năm 1956 là Liên đoàn Sinh viên Khmer. Cercle Marxiste vẫn điều hành nhóm này bên trong.

Những luận án tiến sĩ của Hou Yuon và Khieu Samphan biểu thị những đề tài cơ bản mà sau này sẽ trở thành nền móng chính sách mà Campuchia Dân chủ thông qua. Vai trò trung tâm của nông dân trong sự phát triển của đất nước được Hou Yuon tán thành trong luận án năm 1955 có tựa Nông dân Campuchia và Triển vọng Hiện đại hóa, điều đi ngược quan niệm thông thường cho rằng đô thị hóacông nghiệp hóa là những tiền đề cần thiết cho sự phát triển.

Luận điểm chính trong luận án 1959 của Khieu Samphan mang tựa Sự phát triển Công nghiệp và Nền kinh tế Campuchia là đất nước phải trở nên tự lực và chấm dứt lệ thuộc kinh tế vào các nước phát triển. Xét một cách tổng quan thì tác phẩm của Samphan phản ánh tầm ảnh hưởng của một nhánh trường phái lý thuyết lệ thuộc cho rằng tình trạng kém phát triển ở thế giới thứ ba có nguyên nhân từ sự thống trị kinh tế của các nước công nghiệp hóa.

Con đường đến quyền lực và trị vì[sửa | sửa mã nguồn]

Đại hội Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia lần hai[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi trở về Campuchia vào năm 1953, Pol Pot lao đầu vào công việc của đảng. Trước tiên ông gia nhập lực lượng liên minh với Việt Minh hoạt động ở những vùng quê của tỉnh Kampong Cham (Kompong Cham). Sau khi chiến tranh kết thúc ông di chuyển đến Phnom Penh thuộc "ủy ban thành thị" của Tou Samouth và trở thành đầu mối liên lạc quan trọng giữa các đảng phái tả công khai và phong trào cộng sản bí mật.

Ieng Sary và Hou Yuon trở thành giáo viên tại một trường trung học tư mới mang tên Lycée Kambuboth mà Hou Yuon đã hỗ trợ thành lập. Khieu Samphan quay về từ Paris vào năm 1959, dạy học với tư cách thành viên khoa luật của Đại học Phnom Penh và khởi động một tờ báo tiếng Pháp tả khuynh là L'Observateur. Tờ báo sớm thu về danh tiếng trong giới hàn lâm nhỏ bé của Phnom Penh. Một năm sau chính quyền dẹp bỏ báo này và cảnh sát của Sihanouk đã làm nhục Samphan bằng hành vi đánh đập, lột quần áo và chụp ảnh ông nơi công cộng. Shawcross ghi chú rằng đó "không phải kiểu làm nhục mà con người có thể quên hay tha thứ".

Thế nhưng sự việc này không ngăn cản Samphan ủng hộ hợp tác với Sihanouk nhằm xúc tiến một mặt trận đoàn kết chống lại những hoạt động của Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam. Khieu Samphan, Hou Yuon, và Hu Nim bị ép "làm việc thông qua hệ thống" với việc gia nhập Sangkum và chấp nhận chức vụ trong chính quyền Sihanouk.

Vào cuối tháng 9 năm 1960 hai mươi mốt lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia tổ chức một hội nghị bí mật trong một căn phòng trống của nhà ga Phnom Penh. Sự kiện mấu chốt này vẫn còn là bí ẩn vì kết quả của nó đã trở thành đề tài tranh cãi và viết lại lịch sử đáng kể của các phe cộng sản Khmer thân Việt Nam và chống Việt Nam.

Vấn đề hợp tác hay đối đầu với Sihanouk được bàn luận thấu đáo. Tou Samouth, người ủng hộ chính sách hợp tác, được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia mà đã thay tên thành Đảng Lao động Campuchia. Nuon Chea hay còn có tên khác là Long Reth trở thành Phó Tổng Bí thư. Pol Pot và Ieng Sary vào làm trong Cục Chính trị để nắm vị trí cao thứ ba và năm trong thang thứ bậc của đảng. Hành động thay tên có ý nghĩa đáng kể. Với việc tự gọi mình là đảng lao động (đảng của công nhân), phong trào Campuchia khẳng định vị thế ngang hàng với Đảng Lao động Việt Nam. Vào thập niên 1980 chế độ Cộng hòa Nhân dân Campuchia thân Việt Nam ám chỉ cuộc họp tháng 9 năm 1960 không khác gì đại hội lần hai của Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia.

Vào ngày 20 tháng 7 năm 1962 chính quyền Campuchia sát hại Tou Samouth. Pol Pot được chọn kế nhiệm chức Tổng Bí thư Đảng của Tou Samouth tại Đại hội Đảng Lao động Campuchia lần thứ hai tháng 2 năm 1963. Hai đồng liêu của Samouth Nuon Chea và Keo Meas bị loại ra khỏi Ủy ban Trung ương và thay bằng Son Sen và Vorn Vet. Từ đó trở đi Pol Pot và những người đồng chí trung thành từ thời sinh viên Paris quản lý trung ương đảng, vượt mặt những nhân vật kỳ cựu mà họ cho là thân Việt Nam quá đà.

Tháng 7 năm 1963, Pol Pot và đa phần ủy ban trung ương rời Phnom Penh để thiết lập một căn cứ khởi nghĩa ở tỉnh Ratanakiri vùng đông bắc. Pol Pot dời đi vừa kịp trước khi bị đưa vào danh sách 34 người phái tả được Sihanouk triệu tập gia nhập chính quyền và ký kết những bản tuyên bố phát biểu rằng Sihanouk là lãnh đạo khả thi duy nhất của đất nước. Chỉ có Pol Pot và Chou Chet là những người trong danh sách trốn thoát. Tất cả số còn lại đồng ý hợp tác với chính quyền và bị cảnh sát quản thúc 24 tiếng.

Sihanouk và GRUNK[sửa | sửa mã nguồn]

Pot Pot và những người khác di chuyển đến địa bàn là nơi cư trú của các bộ tộc thiểu số Khmer Loeu. Việc bị chính quyền trung ương đối xử thô bạo (tái định cư và ép đồng hóa) khiến họ sẵn sàng tham gia đấu tranh du kích. Vào năm 1965 Pol Pot có chuyến thăm kéo dài vài tháng đến Bắc Việt Nam và Trung Quốc. Kể từ thập niên 1950 Pol Pot thường xuyên đến thăm Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, lĩnh hội đào tạo quân sự và chính trị (đặc biệt là lý thuyết chuyên chính vô sản) từ các cán bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong khoảng tháng 11 năm 1965 đến tháng 2 năm 1966, Pol Pot được những cán bộ cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc như Trần Bá Đạt và Trương Xuân Kiều chỉ bảo về những đề tài như cách mạng cộng sản ở Trung Quốc, xung đột giai cấp, Quốc tế Cộng sản, vân vân. Pol Pot đặc biệt ấn tượng với bài giảng về thanh lọc chính trị của Khang Sinh. Trải nghiệm này giúp nâng cao uy thế của Pol Pot khi ông quay về những vùng giải phóng của Đảng Cộng sản Campuchia. Tuy có quan hệ thân thiết với Sihanouk song phía Trung Quốc đã giấu kín chuyến thăm của Pol Pot không cho Sihanouk biết.

Tháng 9 năm 1966, Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia đổi tên thành Đảng Cộng sản Campuchia. Việc đảng thay tên là một bí mật được che đậy kín kẽ. Các thành viên cấp thấp của đảng và ngay cả người Việt Nam cũng không biết điều này cho đến nhiều năm sau. Giới lãnh đạo đảng xác nhận cuộc đấu tranh vũ trang chống chính quyền khi ấy do Sihanouk đứng đầu. Vào năm 1967 Đảng Cộng sản Campuchia tiến hành một vài nỗ lực quy mô nhỏ song không gặt hái mấy thành công. Một năm sau Khmer Đỏ chính thức hình thành và lực lượng của nó đã phát động một cuộc khởi nghĩa trên toàn đất nước Campuchia. Mặc dù không được thông báo về quyết định nhưng phía Bắc Việt Nam vẫn cung cấp chỗ trú ẩn và vũ khí cho Khmer Đỏ sau khi khởi nghĩa bắt đầu. Sự hỗ trợ của Việt Nam khiến quân đội Campuchia không thể đối phó một cách hiệu quả. Trong hai năm tiếp theo khởi nghĩa lớn mạnh khi Sihanouk hầu như không làm gì để ngăn chặn. Xem xét tình hình cách mạng mới đảng cuối cùng đã công khai tuyên bố danh xưng là Đảng Cộng sản Campuchia.

Sức hút chính trị của Khmer Đỏ gia tăng sau khi Sihanouk bị hất cẳng khỏi cương vị nguyên thủ quốc gia vào năm 1970. Người đứng đầu chính phủ Lon Nol phế truất Sihanouk với sự ủng hộ của quốc hội. Sihanouk sống lưu vong ở Bắc Kinh và liên minh với Khmer Đỏ theo lời khuyên của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trở thành thủ lĩnh danh nghĩa của chính phủ lưu vong Khmer Đỏ chi phối được Trung Quốc hậu thuẫn (hay GRUNK, tên viết tắt chữ cái đầu tiếng Pháp). Chỉ trong năm 1970 theo tường thuật Trung Quốc đã viện trợ 400 tấn hàng quân sự cho Mặt trận Thống nhất. Mặc dù biết rõ lực lượng Lon Nol yếu kém và không muốn cho quân đội Hoa Kỳ dính líu đến xung đột mới bằng bất kỳ hình thức nào ngoài không quân, chính quyền Nixon vẫn hỗ trợ Cộng hòa Khmer mới tuyên bố.

Vào ngày 29 tháng 3 năm 1970 Bắc Việt Nam phát động một cuộc tấn công nhằm vào quân đội Campuchia. Tài liệu khám phá từ văn khố Liên Xô tiết lộ cuộc xâm lược được thực hiện theo yêu cầu dứt khoát của Khmer Đỏ sau những phiên đàm phán với Nuon Chea. Lực lượng Bắc Việt Nam nhanh chóng tràn sang những địa bàn miền đông Campuchia rộng lớn, vươn đến phạm vi cách Phnom Penh 15 dặm (24 km) rồi bị đẩy lui. Tới tháng 6, ba tháng sau khi Sihanouk bị hạ bệ, họ đã quét sạch lực lượng chính quyền khỏi toàn bộ vùng đông bắc tương ứng một phần ba lãnh thổ Campuchia. Sau khi đánh bại những lực lượng này, Bắc Việt Nam đã chuyển giao những lãnh thổ mới giành cho quân khởi nghĩa địa phương. Khmer Đỏ còn thiết lập những vùng giải phóng ở phần nam và tây nam đất nước, nơi họ hoạt động độc lập với Bắc Việt Nam.

Sau khi Sihanouk thể hiện sự ủng hộ cho Khmer Đỏ bằng chuyến thăm ở thực địa, quân số của họ tăng vọt từ 6.000 lên 50.000. Số đông lính mới của Khmer Đỏ là những nông dân phi chính trị, những người chiến đấu vì vua chứ không vì chủ nghĩa cộng sản, thứ mà họ không hiểu biết mấy. Sự ủng hộ phổ biến dành cho Sihanouk ở nông thôn Campuchia tạo điều kiện cho Khmer Đỏ bành trướng thế lực và tầm ảnh hưởng. Đến năm 1973 Khmer Đỏ thực tế đã kiểm soát đa phần lãnh thổ Campuchia song chỉ một phần nhỏ dân số. Nhiều người ở Campuchia mà giúp đỡ Khmer Đỏ chống lại chính quyền Lon Nol nghĩ rằng họ đang chiến đấu vì một tương lai phục vị của Sihanouk.

Đến năm 1975 khi mà quân dụng đã cạn kiệt, sự sụp đổ rõ ràng chỉ còn là vấn đề thời gian với chính quyền Lon Nol. Khmer Đỏ chiếm Phnom Penh vào ngày 17 tháng 4 năm 1975.

Can dự của nước ngoài[sửa | sửa mã nguồn]

Trước 1975[sửa | sửa mã nguồn]

Hố bom ở Campuchia nhìn từ trên không

Mối quan hệ giữa hoạt động ném bom rải thảm quy mô của Hoa Kỳ tại Campuchia và sự lớn mạnh của Khmer Đỏ về khoản tuyển mộ nhân lực và ủng hộ quần chúng là vấn đề các nhà sử học quan tâm. Một số học giả bao gồm Michael Ignatieff, Adam Jones, và Greg Grandin viện dẫn sự can thiệp của và chiến dịch ném bom của Hoa Kỳ (kéo dài 1965 đến 1973) là một yếu tố quan trọng khiến tầng lớp nhân dân Campuchia ngày càng ủng hộ Khmer Đỏ. Theo Ben Kiernan, Khmer Đỏ "sẽ không thể nắm quyền nếu Hoa Kỳ không làm bất ổn tình hình quân sự và kinh tế Campuchia. ... Khmer Đỏ lợi dụng sự tàn phá và thảm sát dân thường của việc ném bom để tuyên truyền tuyển mộ, lấy đó làm cớ cho những chính sách tàn bạo, cực đoan và hành động thanh trừng những người cộng sản ôn hòa cùng người theo Sihanouk". Nhà viết sử về Pol Pot David P. Chandler cho rằng hoạt động ném bom "có tác dụng mà người Mỹ muốn – nó phá vỡ vòng vây Phnom Penh của cộng sản" nhưng cũng đẩy nhanh tiến trình sụp đổ của xã hội nông thôn và làm tăng tính phân cực xã hội. Peter Rodman và Michael Lind khẳng định sự can thiệp của Hoa Kỳ đã cứu chế độ Lon Nol khỏi sụp đổ vào năm 1970 và 1973. Craig Etcheson thừa nhận việc Hoa Kỳ can thiệp giúp Khmer Đỏ tăng cường tuyển mộ nhưng không chắc chắn rằng đó là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chiến thắng của Khmer Đỏ. William Shawcross viết hành động ném bom và xâm nhập mặt đất của Hoa Kỳ đã đẩy Campuchia vào hỗn loạn, điều mà Sihanouk cố gắng tránh trong nhiều năm.

Đến năm 1973 Việt Nam gần như không còn hỗ trợ gì cho Khmer Đỏ. Ở chiều ngược lại Trung Quốc do Đảng Cộng sản lãnh đạo đã vũ trang và huấn luyện Khmer Đỏ một cách tích cực, cho cả chính Pol Pot, trong nội chiến Campuchia và những năm sau đó. Tính riêng năm 1970 Trung Quốc đã trao 400 tấn hàng viện trợ quân sự cho Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Campuchia do Sihanouk và Khmer Đỏ thành lập.

1975–1993[sửa | sửa mã nguồn]

Tháng 4 năm 1975, Khmer Đỏ lên nắm quyền ở Campuchia. Tháng 1 năm 1976, Campuchia Dân chủ được thành lập. Trong thời gian vụ diệt chủng Campuchia, Đảng Cộng sản Trung Quốc là bên bảo trợ quốc tế chính cho Khmer Đỏ, cung cấp "hơn 15.000 cố vấn quân sự" và đa phần viện trợ bên ngoài. Theo ước tính ít nhất 90% viện trợ nước ngoài Khmer Đỏ nhận là từ Trung Quốc. Tính riêng năm 1975 con số là 1 tỉ đô-la viện trợ kinh tế và quân sự không lãi suất cùng 20 triệu đô-la quà tặng, đó là "khoản hỗ trợ lớn nhất mà Trung Quốc từng ban cho bất kỳ quốc gia nào". Tháng 6 năm 1975, Pol Pot cùng những quan chức Khmer Đỏ khác gặp Mao Trạch Đông ở Bắc Kinh, tiếp nhận sự tư vấn và phê chuẩn của Mao. Thêm vào đó Mao còn dạy Pol Pot "học thuyết về cách mạng tiếp diễn dưới nền chuyên chính của giai cấp vô sản" của mình. Các cán bộ cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc như Trương Xuân Kiều sau này đã đến Campuchia để giúp đỡ.

Campuchia Dân chủ bị quân đội Việt Nam lật đổ vào tháng 1 năm 1979 và Khmer Đỏ đã chạy trốn sang Thái Lan. Tuy nhiên, để đấu chọi sức mạnh của Liên Xô và Việt Nam, một nhóm các quốc gia bao gồm Trung Quốc, Hoa Kỳ, Thái Lan, và một số nước phương Tây đã hỗ trợ Liên minh Chính phủ Campuchia Dân chủ do Khmer Đỏ chi phối nhằm tiếp tục giữ ghế của Campuchia ở Liên Hợp Quốc, điều duy trì đến năm 1993, lâu sau khi chiến tranh lạnh kết thúc. Trung Quốc bảo vệ mối quan hệ của mình với Khmer Đỏ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du nói rằng "chính phủ Campuchia Dân chủ có ghế hợp thức tại Liên Hợp Quốc và đã thiết lập quan hệ ngoại giao rộng rãi với hơn 70 quốc gia".

Chế độ[sửa | sửa mã nguồn]

Sơ tán các thành phố[sửa | sửa mã nguồn]

Ở Phnom Penh và những thành phố khác, Khmer Đỏ bảo với người dân rằng họ sẽ chỉ phải di chuyển khoảng "hai hay ba cây số" ra khỏi thành phố và sẽ quay về trong "hai hay ba ngày". Một số nhân chứng nói họ được bảo rằng lý do di tản là "mối đe dọa Hoa Kỳ ném bom" và không cần phải khóa cửa nhà vì Khmer Đỏ sẽ "lo liệu mọi thứ" cho đến khi họ quay về. Nếu từ chối yêu cầu này họ sẽ bị giết ngay lập tức và nhà họ sẽ bị đốt cháy sạch. Những người di tản phải đi bộ một quãng đường dài đến vùng nông thôn, điều khiến hàng ngàn trẻ em, người già và người ốm yếu thiệt mạng. Đây không phải lần đầu tiên Khmer Đỏ tiến hành di dân vì hoạt động tương tự đã từng diễn ra trên quy mô nhỏ hơn kể từ đầu thập niên 1970.

Khi đến những ngôi làng được chỉ định, những người di tản bị yêu cầu viết tiểu sử vắn tắt về bản thân. Khmer đỏ lấy nội dung bản viết này, đặc biệt là phần liên quan đến hoạt động cá nhân trong chế độ Khmer Đỏ, làm cơ sở để định đoạt số phận của họ. Các sĩ quan quân đội và người nắm những vai trò có tay nghề ưu tú thường được đưa đi cải tạo, điều trên thực tế đồng nghĩa với hành quyết lập tức hoặc giam giữ trong trại lao động. Người có kỹ năng kỹ thuật chuyên môn thì quay về thành phố để tái khởi động sản xuất trong các nhà máy mà đã bị gián đoạn bởi chuyển giao chế độ. Nhóm dân đô thị di dời còn lại (người mới) được xếp vào các công xã nông nghiệp cùng với "người cơ bản" hay "người cũ" nông dân như một phần biện pháp làm tăng sản lượng lương thực của chế độ. Đất đai của nông dân được tập thể hóa. Khmer Đỏ kỳ vọng người Campuchia sẽ sản xuất ba tấn gạo mỗi hecta vì trước thời Khmer Đỏ sản lượng trung bình chỉ là một tấn một hecta. Việc bộ phận cư dân thành phố cũ hoàn toàn thiếu kiến thức nông nghiệp khiến nạn đói là không thể tránh khỏi. Giai cấp nông dân nông thôn thường tỏ ra không thân thiện hoặc quá sợ hãi không dám giúp đỡ. Hành vi như hái quả dại hoặc quả mọng bị xem là "kinh doanh tư nhân" và trừng trị bằng án tử. Người lao động bị ép làm việc thời gian dài mà không được ăn uống hay nghỉ ngơi thỏa đáng, dẫn đến nhiều cái chết vì kiệt sức, bệnh tật, và đói khát. Công nhân bị hành quyết nếu cố gắng trốn khỏi công xã, vi phạm các quy định nhỏ, hay bị đồng nghiệp tố cáo. Khmer Đỏ nếu tóm được phạm nhân sẽ lặng lẽ đưa đến một khu rừng hay cánh đồng xa xôi sau hoàng hôn rồi sát hại. Vì không muốn nhập khẩu thuốc của phương Tây, chế độ quay sang thuốc truyền thống thay thế và trao công tác chăm sóc y tế vào tay cán bộ nòng cốt, những người chỉ được đào tạo sơ qua. Nạn đói, lao động cưỡng bức, và thiếu tiếp cận những dịch vụ thỏa đáng đã dẫn tới con số tử vong cao.

Kinh tế[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi lên nắm quyền, mục tiêu đầu tiên của Khmer Đỏ là đại tu hệ thống xã hội và hồi sinh nền kinh tế. Chiến lược phát triển kinh tế của Khmer Đỏ là xây dựng một nền tảng nông nghiệp vững mạnh được hỗ trợ bởi ngành công nghiệp và thủ công nhỏ địa phương. Ieng Sary phát biểu chế độ "theo đuổi sự chuyển đổi căn bản đất nước, lấy nông nghiệp làm nền tảng". Chiến lược này cũng là trọng tâm luận án tiến sĩ của Khieu Samphan tại Đại học Paris năm 1959. Samphan cho rằng cách duy nhất để phát triển công nghiệp và kinh tế cho Campuchia là gia tăng và mở rộng sản xuất nông nghiệp. Chính quyền mới kêu gọi tập thể hóa hoàn toàn nông nghiệp và quốc hữu hóa tất cả khu vực kinh tế.

Tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc tự lực cấu thành mục tiêu trọng tâm của chế độ Khmer Đỏ. Vào ngày 6 tháng 10 năm 1975 chính quyền mới thông báo với Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc rằng Campuchia trung lập, tự lực về kinh tế và không yêu cầu viện trợ từ bất kỳ quốc gia nào. Tuy nhiên đại sứ Trung Quốc đến Campuchia vào ngày 9 tháng 9 và sớm xuất hiện tin tức rằng Trung Quốc đang cung cấp viện trợ cho Khmer Đỏ. Chính sách tự lực còn đồng nghĩa chính quyền bố trí toàn bộ dân số vào những nhóm lao động cưỡng bức làm việc trên đồng ruộng và mảnh đất khác để giúp đất nước đạt mục tiêu tự cấp về lương thực.

Khmer Đỏ hết sức chú trọng vào nông nghiệp và bỏ mặc công nghiệp. Pol Pot mong muốn "củng cố và hoàn thiện những nhà máy hiện có" thay vì xây mới. Khoảng 100 xí nghiệp và phân xưởng được phục hồi sản xuất, đa số có qua sửa chữa và các xưởng thủ công được khôi phục để tạo điều kiện cho phát triển nông nghiệp.

Cuộc cách mạng kinh tế của Campuchia tham vọng và quyết liệt hơn nhiều mọi quốc gia cộng sản khác. Lãnh đạo Khmer Đỏ Ieng Sary diễn giải rằng Campuchia muốn "tạo ra thứ gì đó chưa từng có trong lịch sử. Không tồn tại mô hình nào cho cái mà chúng tôi đang xây dựng. Chúng tôi không bắt chước theo mô hình của Việt Nam hay Trung Quốc". Nhà nước hoặc hợp tác xã sở hữu toàn bộ đất đai, không có bất kỳ một mảnh đất tư nào như ở Trung Quốc hay Liên Xô. Hiến pháp thông qua tháng 12 năm 1975 và công bố tháng 1 năm 1976 phát biểu rõ ràng rằng tư liệu sản xuất là tài sản tập thể của nhà nước.

Hệ thống kinh tế của Campuchia độc nhất ở ít nhất hai khía cạnh. Thứ nhất, chính quyền xóa bỏ tư hữu đất đai. Khmer Đỏ tin rằng dưới chính quyền mới Campuchia sẽ là một xã hội phi giai cấp "hòa hợp hoàn hảo" và sở hữu tư là "gốc rễ của thói ích kỷ và bất công xã hội kéo theo". Thứ hai, Campuchia là một quốc gia phi tiền tệ, chính quyền tịch thu tất cả tiền tệ thời cộng hòa. Các cửa hàng đóng cửa, công nhân nhận lương dưới hình thức khẩu phần ăn bởi không có tiền tệ lưu hành.

Vào ngày 12 tháng 8 năm 1975, chưa đầy bốn tháng sau khi Khmer Đỏ lên nắm quyền, Khieu Samphan tuyên bố rằng trong vòng một đến hai năm Campuchia sẽ có đủ nguồn cung lương thực và có thể xuất khẩu một số sản phẩm. Để đạt mục tiêu này thật sớm, các công xã lớn bao gồm vài làng đã thay thế hợp tác xã thôn từng hình thành ở khu vực Khmer Đỏ kiểm soát vào năm 1973 và đến năm 1975 đã mở rộng ra toàn quốc. Không như Trung Quốc và Việt Nam, những nước thi hành tập thể hóa dần dần qua nhiều năm, Campuchia áp đặt hệ thống vội vàng và không có sự chuẩn bị.

Khmer Đỏ sắp xếp công nhân vào ba lực lượng. Nhóm đầu tiên bao gồm nam giới chưa kết hôn tuổi từ 15 đến 40 được giao nhiệm vụ xây dựng kênh, đê, và đập. Nhóm thứ hai là nam và nữ đã kết hôn đảm nhận trồng lúa gần những ngôi làng. Nhóm thứ ba là người 40 tuổi trở lên được giao những công việc bớt cực nhọc hơn như là dệt vải, đan giỏ hoặc trông trẻ. Trẻ em dưới 15 tuổi trồng rau và nuôi gia cầm. Tất cả đều phải làm việc 10 đến 12 tiếng một ngày, một số nhiều hơn, và thường dưới những điều kiện tồi tệ, nguy hại đến sức khỏe.

Không thể đánh giá chính sách kinh tế của Khmer Đỏ hiệu quả đến đâu vì không có số liệu thống kê cũng như giao dịch tiền tệ hay sổ sách kế toán nào. Đời sống kinh tế theo mô tả của các nhà ngoại giao nước ngoài, du khách phương Tây, và người tị nạn Campuchia trong các trại Thái Lan là ảm đạm. Phnom Penh trở thành thành phố ma với chỉ khoảng 10.000 cư dân. Không có cửa hàng, bưu điện, điện thoại, hay dịch vụ điện báo. Ở mọi vùng đô thị tình trạng thiếu nước và điện thường xuyên diễn ra. Chính quyền cấm đi lại qua biên giới các tỉnh ngoại trừ xe tải phân phối gạo và nhiên liệu.

Khmer Đỏ đạt những tiến bộ trong cải thiện hệ thống thủy lợi và mở rộng diện tích canh tác lúa gạo. Tuy nhiên theo báo cáo sản xuất và phân phối gạo vẫn chưa đạt yêu cầu. Các vụ lúa trong năm 1975 và 1978 thất thu khi đợt lũ tồi tệ nhất trong 70 năm tấn công thung lũng Mê Kông. Kể cả sau những vụ mùa 1976 và 1997 khá khẩm hơn thì phân phối gạo vẫn không đồng đều và chính quyền thất bại trong mục tiêu khẩu phần 570 gam một người một ngày. Lãnh đạo đảng, cán bộ, binh sĩ, công nhân nhà máy được ăn uống đầy đủ nhưng trẻ em, người ốm yếu, người già thì thiếu ăn hoặc chết đói. Còn có thông tin rằng chính quyền đang tích trữ gạo để chuẩn bị cho chiến tranh với Việt Nam và xuất khẩu sang Trung Quốc để đổi lấy nguồn cung quân sự. Đây có thể là nguyên nhân khiến bữa cơm của người dân trở nên ít ỏi.

  1. ^ a b c Kiernan, Ben (2004). How Pol Pot Came to Power: Colonialism, Nationalism, and Communism in Cambodia, 1930–1975. Yale University Press. ISBN 978-0300102628.
  2. ^ a b Cook, Susan; Rowley, Kelvin (2017). Genocide in Cambodia and Rwanda: New Perspectives (PDF). Routledge. ISBN 9781351517775.
  3. ^ Chandler, David P. (1999). Brother Number One: A Political Biography of Pol Pot. ISBN 978-0813335100.
  4. ^ Martin, Gus (2008). Essentials of Terrorism: Concepts and Controversies. SAGE Publications, Inc. tr. 80. ISBN 978-1412953139.
  5. ^ Hartman, Tom (1985). A World Atlas of Military History, 1945–1984. Hippocrene Books. tr. 81. ISBN 0870520008.