Thịt kho hột vịt
Thịt kho hột vịt | |
Tên khác | Thịt kho tàu |
---|---|
Xuất xứ | Phúc Kiến, Trung Quốc |
Thành phần chính | Thịt heo, xì dầu, trứng |
Thịt kho hột vịt (còn gọi là thịt kho tàu hay thịt kho nước dừa) là một món ăn phổ biến tại miền Nam Việt Nam. Món ăn này có xuất xứ từ món thịt kho đậu du nhục (tiếng Trung: 豆油肉; bính âm: Dòuyóu ròu; Việt bính: dau6 jau4 juk6) của người Phúc Kiến du nhập vào Việt Nam, đặc biệt thường được chế biến để dùng trong các ngày Tết Nguyên Đán vì có thể làm sẵn, giữ được lâu ngày, nên tiện khi dùng bữa thì dọn ra hâm nóng ăn ngay với cơm không phải bận công nấu nướng trong khi vui Tết.[1]
Tại miền Bắc, món này được nấu không có nước dừa và trứng luộc.
Nước dùng để kho thịt heo và trứng vịt là nước dừa. Thịt heo thường là thịt ba rọi, hoặc thịt có cả nạc lẫn mỡ. Thịt được thái thành miếng vuông, to, trứng vịt được luộc, lột vỏ và bỏ chung vào kho cùng thịt. Gia vị sử dụng gồm có: tiêu, xì dầu (nếu kho kiểu đúng chuẩn Phúc Kiến) nước mắm (kho kiểu Việt), ớt (ớt Tứ Xuyên), đường, nước màu và một số gia vị khác. Hỗn hợp thịt-trứng-gia vị thảo mộc với xì dầu ngập vừa này được kho bằng lửa nhỏ cho đến khi thịt mềm. Món thịt kho hột vịt có thể dùng chung với cơm trắng và cải chua. Thay vì trứng vịt thì trứng gà, trứng cút cũng được dùng để kho.
Món ăn này cũng thường được thấy trong các quán cơm bình dân vì cách làm dễ, giá thành rẻ và hương vị thơm ngon.
Tại một vài tỉnh thuộc miền Trung và miền Nam, món thịt kho hột vịt được thêm nguyên liệu là măng tre (không phải măng non) để nấu thành món: Thịt kho măng hột vịt.
Nguồn gốc
[sửa | sửa mã nguồn]Trong thời nhà Tống và nhà Minh ở Trung Quốc, tuyến đường thương mại Trung-Nhật chính tồn tại giữa Hàng Châu và Kyūshū. Nhiều người Hoa sống ở các thành phố cảng lớn ở Kyushu, chẳng hạn như Nagasaki; tương tự như vậy, nhiều người Nhật sống ở Hàng Châu. Người Hoa đã mang món thịt kho Đông Pha đến Nhật Bản và được người Nhật biến tấu công thức và trở thành món kakuni. Vào thế kỷ XVII tại Trung Quốc, Chiến tranh Minh–Thanh (1618-1683) dẫn đến làn sóng người Hoa ở miền Nam Trung Quốc trung thành với nhà Minh (Trung Quốc) và không thần phục nhà Thanh (Mãn Châu) bỏ quê hương di dân sang vùng Đông Nam Á, trong đó có cả Việt Nam. Món "đậu du nhục" (豆油肉 - thịt kho trong xì dầu) theo chân người Phúc Kiến truyền bá vào Việt Nam và được người Việt cải biên về gia vị, đó là sử dụng nước mắm (riêng người miền Nam dùng nước dừa). Chữ "tàu" trong từ "kho tàu" ám chỉ món kho của người Tàu (tức người Hoa). Cả 3 món đậu du nhục của Trung Quốc, kakuni của Nhật Bản và thịt kho hột vịt của Việt Nam đều có điểm chung là sử dụng trứng gia cầm.