Thái Thanh (ca sĩ)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Thái Thanh
Thông tin nghệ sĩ
Tên khai sinhPhạm Thị Băng Thanh
Tên gọi khácThái Thanh
Sinh(1934-08-05)5 tháng 8, 1934
Hà Nội, Liên bang Đông Dương
Mất17 tháng 3, 2020(2020-03-17) (85 tuổi)
Quận Cam, California, Hoa Kỳ
Thể loạiNhạc kháng chiến
Nhạc tiền chiến
Tình khúc 1954-1975
Năm hoạt động1948 – 2002
Hợp tác vớiBan Thăng Long
Bài hát tiêu biểu

Thái Thanh (5 tháng 8 năm 193417 tháng 3 năm 2020)[a][1] tên khai sinh Phạm Thị Băng Thanh[2][3] – là một nữ ca sĩ người Việt Nam, được xem như một trong những giọng ca tiêu biểu của tân nhạc Việt Nam. Bà đi hát và thành danh từ năm 14 tuổi trong vùng kháng chiến, nổi tiếng cùng ban hợp ca Thăng Long của gia đình, trước khi chính thức lấy nghệ danh Thái Thanh từ thập niên 1950. Bà thường được coi như là "Đệ Nhất danh ca"[4][5][6] của dòng nhạc tiền chiến cũng như nhạc tình miền Nam giai đoạn 1954 – 1975, và tên tuổi của bà gắn liền với các nhạc phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy[7].

Mặc dù không theo học một lớp nhạc chuyên nghiệp nào, chỉ tự luyện giọng từ nhỏ theo các lối dân ca của đồng bằng Bắc Bộ và các sách nhạc tiếng Pháp, Thái Thanh đã tạo ra một trường phái riêng hòa trộn giữa tính chất opera Tây Phương với dân nhạc Việt Nam[7][8], ảnh hưởng tới nhiều nữ ca sĩ của thế hệ sau như Mai Hương, Quỳnh Giao, Ánh Tuyết...[9]

Sau 1975, bà ở lại Việt Nam cho đến năm 1985 thì chuyển sang định cư ở Hoa Kỳ. Tại đây bà tiếp tục trình diễn và thâu thanh cho đến khi giải nghệ vào năm 2002. Bà mất vào ngày 17 tháng 3 năm 2020 tại Quận Cam, California, Hoa Kỳ.

Tiểu sử[sửa | sửa mã nguồn]

Phạm Thị Băng Thanh sinh năm 1934 tại làng Bạch Mai, Hà Nội trong một gia đình có truyền thống văn nghệ. Cha của bà là Phạm Đình Phụng, có 2 vợ, vợ trước sinh ra Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm, vợ sau sinh ra Phạm Thị Quang Thái (Thái Hằng), Phạm Đình Chương và con út là Phạm Thị Băng Thanh.

Năm 1946, Băng Thanh tản cư cùng gia đình vào Chợ Đại, Thanh Hóa vùng kháng chiến nơi bà bắt đầu hát lúc 14 tuổi. Cũng năm này Thái Hằng cưới nhạc sĩ Phạm Duy.[10] Năm 1951 thì gia đình Phạm Duy về Hà Nội rồi chuyển vào Sài Gòn sống, Thái Thanh cũng đi theo.

Năm 1956, Thái Thanh kết hôn với tài tử Lê Quỳnh tại Sài Gòn.[11] Bà sống ở khu vực gần chợ Thái Bình[12].

Năm 1965 bà ly dị Lê Quỳnh sau khi đã có chung với nhau ba con gái và hai con trai. Bà ở lại Việt Nam cho đến năm 1985 thì sang Hoa Kỳ định cư[11].

Ca sĩ Thái Thanh đã qua đời vào lúc 11h50 ngày 17/03/2020 tại Orange, Nam California, Hoa Kỳ, hưởng thọ 86 tuổi. Gia đình bà đã quyết định không tổ chức tang lễ để tránh tụ tập đông người do dịch COVID 19.

Gia đình[sửa | sửa mã nguồn]

Gia đình Thái Thanh có nhiều người thành danh trong lĩnh vực âm nhạc, ngoài Thái Thanh ra, thì chị Phạm Thị Quang Thái cũng là ca sĩ nổi tiếng với nghệ danh Thái Hằng. Phạm Đình Chương, anh bà cũng là một nhạc sĩ lớn của tân nhạc Việt Nam và cũng là một ca sĩ với nghệ danh Hoài Bắc. Người anh cùng cha khác mẹ Phạm Đình Viêm được biết đến nhiều với nghệ danh Hoài Trung. Thái Thanh, Thái Hằng, Hoài Bắc, Hoài Trung đều hát trong ban hợp ca Thăng Long nổi tiếng thời bấy giờ.

Thái Thanh trở thành em vợ của nhạc sĩ Phạm Duy sau khi ông lấy Thái Hằng làm vợ, nên cũng là dì của các ca sĩ Duy Quang, Thái Hiền, Thái Thảo sau này. Ngoài ra bà còn là cô ruột của ca sĩ Mai Hương, con gái Phạm Đình Sỹ và kịch sĩ Kiều Hạnh.

Thái Thanh có với tài tử Lê Quỳnh 5 người con: con cả là Lê Thị Ý Lan sinh năm 1958, Lê Xuân Việt sinh năm 1959, Lê Thị Quỳnh Dao (nghệ danh Quỳnh Hương) sinh năm 1960, Lê Thị Thanh Loan sinh năm 1962 và Lê Đại sinh năm 1964. Trong số đó, Lê Thị Ý Lan sau này trở thành ca sĩ nổi tiếng Ý Lan, còn Lê Thị Quỳnh Dao cũng đi hát với nghệ danh Quỳnh Hương.[11] Các cháu ngoại của bà cũng có nhiều người đi theo con đường ca hát như Mai Linh, Ý Thi, Thanh Hương, Quỳnh Trang.[3]

Sự nghiệp[sửa | sửa mã nguồn]

Thái Thanh đã thấu hiểu bằng trực giác cái ý nghĩa sâu xa của nghệ thuật Phạm Duy, do đó các khúc điệu uyển chuyển và cao nhã của Phạm Duy đã hoàn toàn tự nhiên trở thành thứ môi trường lý tưởng cho giọng hát cũng uyển chuyển và cũng cao nhã của nàng.

Georges Étienne Gauthier

Kể ra, trên thế giới, Diva không nhiều lắm đâu, còn nói tới Việt Nam, nếu có, tôi nghĩ, chỉ một người xứng đáng được xưng tụng là Diva, đó là cô Thái Thanh. Chấm hết.

Khánh Ly[13]

Phạm Thị Băng Thanh bắt đầu sự nghiệp ca hát từ năm 14 tuổi với các nghệ danh Băng Thanh, Thái Thanh. Bà sở hữu một giọng hát cũng như lối hát đặc biệt, mang tính chất opera nhưng chịu nhiều ảnh hưởng của Chầu văn, quan họ, chèo là những bộ môn nghệ thuật được bà tự rèn luyện, học tập từ thuở nhỏ tại quê hương miền Bắc[4][7]. Do lúc đó Việt Nam chưa có trường âm nhạc, bà tự học nhạc bằng cách đặt mua các sách luyện thanh bằng tiếng Pháp từ Pháp. Giọng hát của bà có âm vực rộng, nằm giữa nữ trung và nữ cao, nên thể loại nhạc bà hát cũng rất đa dạng, phong phú.

Thời kỳ đầu, bà thường hát chung với ca sĩ Thái Hằng ở các chiến khu Việt Minh và nổi tiếng với các bài tân nhạc thời kỳ đầu, hay các bài dân ca mới của Phạm Duy. Tuy rằng ở vùng kháng chiến, nhưng tiếng hát của bà và Thái Hằng vẫn được phát sóng ở đô thị như trường hợp bài Quê em miền trung du của Nguyễn Đức Toàn, trên đài Pháp Á, và được đông đảo người yêu thích. Đến năm 1951, khi chuyển về Nam sinh sống, bà chính thức lấy nghệ danh Thái Thanh cho giống người chị Thái Hằng.

Năm 1951, bà theo gia đình Phạm Duy vào Sài Gòn lập nghiệp trong gánh hát Thăng Long. Lúc ấy bà 16 tuổi, được Phạm Duy huấn luyện, chỉ bảo tận tình về nhạc lý và kỹ thuật, đồng thời cũng tự luyện tập, trau dồi kỹ năng xướng âm của mình. Tại đây bà tiếp tục đi hát với các chủ đề về quê hương và tình cảm đôi lứa. Giọng hát của bà tỏ ra rất thích hợp với các loại nhạc đa dạng của nhạc sĩ Phạm Duy, từ những bài nhạc kháng chiến, nhạc quê hương, nhạc tình, nhạc xã hội, cho tới các bản trường ca đều được bà để lại một dấu ấn lớn. Bên cạnh đó, bà cũng là ca sĩ hát thành công rất nhiều ca khúc tiền chiến xưa, hay nhạc tình đương thời của các nhạc sĩ trẻ hơn.

Bà thật sự nổi tiếng trong thập niên 1950, được rất nhiều giới yêu thích từ giới trí thức cho tới bình dân. Bà được coi như một diva tầm cỡ nhất của Việt Nam thời đó. Tiếng hát của bà ngự trị trên khắp các chương trình ca nhạc truyền thanh, truyền hình của Việt Nam Cộng Hòa. Trong giai đoạn đầu thập niên 1970, bà cùng với ban hợp ca Thăng Long thường xuyên biểu diễn tại vũ trường ăn khách Đêm màu hồng.[2].

Sau ngày Giải phóng miền Nam 30 tháng 4 năm 1975, Thái Thanh ở lại Việt Nam. Ban đầu, bà được chính quyền mời biểu diễn các ca khúc cách mạng, Thái Thanh không chấp nhận. Bà phát biểu: "Sau khi họ mời tôi không được thì tôi "được" họ cấm hát, thế thì tốt quá. Họ nói tiếng hát Thái Thanh là của "Ngụy" chứ không phải của họ..." [10]

Năm 1985, Thái Thanh sang Hoa Kỳ định cư cùng với gia đình. Tại đây bà tiếp tục đi diễn, thâu âm, tham gia những đêm nhạc lớn cho mình. Bà là khách mời danh dự của nhiều đêm nhạc hội lớn của Paris By Night. Bà cũng được mời thu thanh trên nhiều CD của trung tâm Diễm xưa. Tại quận Cam, bà cùng với nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi từng mở ra một lớp dạy hát, đào tạo ra một số ca sĩ trẻ.

Năm 2000 Thái Thanh bị tai biến mạch máu não phải vào bệnh viện.[10] Sau tuy hồi phục nhưng năm 2002, bà chính thức tuyên bố giải nghệ sau một đêm diễn cùng với các con cháu. Tuy nhiên khoảng thời gian sau đó, thỉnh thoảng bà vẫn tham gia giọng hát của mình vào các đêm diễn với vai trò đặc biệt.

Năm 2005, một đêm nhạc thính phòng nhằm mang tên "Vinh danh Thái Thanh, tiếng hát vượt thời gian" được tổ chức tại Montreal, Canada, với sự tham gia của Thái Thanh cùng nhiều ca sĩ nổi tiếng của thế hệ sau như Tuấn Ngọc, Ý Lan, Trần Thu Hà,... Trong đêm nhạc này màn trình diễn của bà được đánh giá là xuất sắc, dù trước đó đã có nhiều nghi ngờ về tuổi tác, cũng như sức khỏe của bà.[3][14]. Năm 2006, bà trở lại là nhân vật chính trong đêm nhạc "Thái Thanh và ba thế hệ"[2].

Năm 2007, bà làm Ban Giám khảo cho Talent Show 2007 Giải Chung Kết do trung tâm Thúy Nga tổ chức. Đó là cuốn Paris By Night 87. Cùng với các giám khảo là: nhạc sĩ Nhật Ngân, ca nhạc sĩ Đức Huy, giám đốc sản xuất Huỳnh Thi và Shanda Sawyer.

Đánh giá[sửa | sửa mã nguồn]

Giọng ca Thái Thanh được giới nghiên cứu đánh giá cao, và cũng là đề tài ca ngợi của giới văn nghệ sĩ tại miền Nam trước 1975 và tại hải ngoại sau 1975. Nhạc sĩ Phạm Duy, người song hành với Thái Thanh trong phần lớn các ca khúc của mình, từng cho rằng không ai có thể thay thế được Thái Thanh trong sự diễn tả những sáng tác của ông.

Nhà văn Nguyễn Đình Toàn là tác giả của nhiều bài viết về Thái Thanh, phần lớn là những bài phát biểu cảm tưởng. Theo ông, trường hợp của Thái Thanh là một "trường hợp hãn hữu", và "Máu lửa, chiến tranh, bom đạn, chia cắt, người sống, người chết, nước mắt, mồ hôi, thấm nhập vào âm nhạc của chúng ta như thế nào, đều được phản ánh qua tiếng hát Thái Thanh."

Bên cạnh đó, nhiều nhà phê bình, văn nghệ sĩ cũng có những bài nhận định về Thái Thanh, những bài này thường mang tính ca ngợi, như Thái Thanh - tiếng hát trên trời của Thụy Khuê, Thái Thanh - tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi của Đỗ Việt Anh, Nụ tầm thanh của Hoàng Hải Thủy... Giọng hát Thái Thanh được nhà văn Mai Thảo tặng cho một biệt danh mà sau này thường được người ta nhắc đến, một cách trân trọng, bên nghệ danh của bà: Tiếng hát vượt thời gian[2].

Một số trích dẫn[sửa | sửa mã nguồn]

Băng đĩa đã thu âm[sửa | sửa mã nguồn]

Trước 1975[sửa | sửa mã nguồn]

Từ khoảng cuối thập niên 1950 đến 1975, Thái Thanh thu âm rất nhiều trên đĩa than 78 vòng, đĩa nhựa 45 vòng, băng reel của các hãng đĩa Việt Nam, Tân Thanh, Sóng Nhạc, Sơn Ca, Shotguns, Thanh Thúy, Phạm Mạnh Cương, Trường Sơn, Cỏ May, Continental, Premier, Diễm Ca, Song Ngọc, Nhật Trường, Trường Hải, Nghệ thuật – Tâm Anh, Nhã Ca, Thương Ca, Trần Ngọc Đức, Bảo Thu, Thùy Dương, Hoàng Trọng, Siêu Âm, Mây Hồng.

  • 01. Mây Hồng 6: Ngợi Ca Tình Yêu (28-03-1970) nhạc Phạm Đình Chương, trình bày Ban hợp ca Thăng Long
  • 02. Mười bài Đạo Ca (05-05-1971) Phạm Duy thực hiện
    • Pháp Thân
    • Đại Nguyện
    • Chàng Dũng Sĩ và Con Ngựa Vàng
    • Một Cành Mai
    • Lời ru Bú mớm Nâng niu
    • Qua Suối Mây Hồng
    • Giọt Chuông Cam Lộ
    • Chấp Tay Hoa
    • Tâm Xuân
  • 03. Băng nhạc Selection: Tiếng Hát Thái Thanh (31-07-1971)
  • 04. Jo Marcel đặc biệt: Thái Thanh - Julie (31-07-1971)
  • 05. Tơ Vàng 4: Thái Thanh - Tiếng Hát Vượt Thời Gian (08-1971)
  • 06. Shotguns 20: Tứ Quý (09-10-1971)
  • 07. Thanh Thúy 7: Tiếng hát Thái Thanh (17-06-1972) [17]
  • 08. Sơn Ca 10: Tiếng hát Thái Thanh và Ban hợp ca Thăng Long (02-1975) Nguyễn Văn Đông thực hiện

Phát hành sau 1975

  • 09. Tứ Quý (1978) Trung tâm Khánh Ly phát hành
  • 10. Shotguns 10: Tiếng hát Thái Thanh (1980)
  • CDs sưu tập lại các bản ghi âm cũ của các Băng nhạc sản xuất trước 1975 bởi Trung tâm Hương Xưa

Sau 1975[sửa | sửa mã nguồn]

Thu âm từ 1985 đến 2003:

  • 11. Ngày xưa Hoàng Thị (1986)
  • 12. Quê hương và kỷ niệm (1987)
  • 13. Đêm màu hồng (1988). Thái Thanh, Ý Lan, Thanh Loan, Quỳnh Hương, Lê Đại
  • 14. Chiều về trên sông (1988)
  • 15. Đêm nhớ trăng Sài Gòn (1990)
  • 16. Hội trùng dương (1993)
  • 17. Dòng thời gian – Thái Thanh và 3 thế hệ (2004)

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ 11:50 am theo giờ California, 18 tháng 3 năm 2020 theo giờ Việt Nam
  1. ^ Mai Nhật (18 tháng 3 năm 2020). “Danh ca Thái Thanh qua đời”. VNExpress. Hoa Kỳ: FPT. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 3 năm 2020. Truy cập 18 tháng 3 năm 2020.
  2. ^ a b c d Thái Thanh: lại tiếp tục cuộc hành trình vượt thời gian Lưu trữ 2009-03-17 tại Wayback Machine - tivituansan.com.au
  3. ^ a b c VÀI GHI NHẬN NHANH, NGẮN, GỌN VỀ CHƯƠNG TRÌNH VINH DANH THÁI THANH: TIẾNG HÁT VƯỢT THỜI GIAN - bài của nhạc sĩ Trường Kỳ
  4. ^ a b [1]
  5. ^ Thái Hằng là chị em là Thái Thanh
  6. ^ “Thái Thanh - danh ca và mẹ hiền”. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 10 năm 2014. Truy cập ngày 19 tháng 9 năm 2014.
  7. ^ a b c Thái Thanh, tiếng hát dâng hiến tâm tình , trích trong Chân dung những tiếng hát, quyển 1 - tác giả Hồ Trường An
  8. ^ Thái Thanh, tiếng hát tuyệt vời
  9. ^ Ánh Tuyết trăn trở với nghiệp hát Lưu trữ 2009-03-31 tại Wayback Machine - vnexpress.net
  10. ^ a b c "Thái Thanh tiếng hát vang vọng giữa trời xuân"
  11. ^ a b c Akino & Tổng hợp nhiều nguồn. “Vụ Án Tình (1959)”. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 11 năm 2013. Truy cập ngày 26 tháng 9 năm 2011.Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết)
  12. ^ Thái Thanh - Những gương mặt nghệ sĩ đã đi qua đời tôi, Tạ Tỵ
  13. ^ a b c “Phỏng vấn ca sĩ Khánh Ly”. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 7 năm 2019. Truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2019.
  14. ^ THÁI THANH CHẮC CHẮN SẼ CÓ MẶT TẠI MONTRÉAL Lưu trữ 2010-06-16 tại Wayback Machine - bài viết của Kỳ Vũ
  15. ^ Lời giới thiệu trong chương trình nhạc Thái Thanh Đêm Tái Ngộ năm 1986.
  16. ^ Nghĩ về nghệ thuật của Thái Thanh -Georges Etienne Gauthier, 1972
  17. ^ https://cdnhacviet.blogspot.com/2015/11/bang-nhac-thanh-thuy-7-tieng-hat-thai.html

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]