Trịnh Trân (nhà Thanh)
Trịnh Trân | |
---|---|
Tên chữ | Tử Doãn |
Tên hiệu | Ngũ Xích đạo nhân; Tử Ông |
Thông tin cá nhân | |
Sinh | |
Ngày sinh | 1806 |
Nơi sinh | Tuân Nghĩa |
Quê quán | huyện Tuân Nghĩa |
Mất | 1864 |
Giới tính | nam |
Nghề nghiệp | nhà thơ |
Quốc tịch | nhà Thanh |
Trịnh Trân (chữ Hán: 郑珍, 1806 – 1864), tên tự là Tử Doãn, vãn hiệu Sài Ông, biệt hiệu Tử Ngọ sơn hài, Ngũ Xích đạo nhân, Thư Đồng đình trưởng, người huyện Tuân Nghĩa, Quý Châu, là quan viên, học giả Kinh học, nhà thơ theo trường phái Tống thi, nhà giáo dục cuối đời Thanh. Ông cùng đồng môn Mạc Hữu Chi được ca ngợi là Tây nam cự nho hay thạc nho [1]. Nhà nghiên cứu thơ Tiền Trọng Liên xếp Trịnh Trân vào nhóm 10 nhà thơ tiêu biểu cuối đời nhà Thanh trong lịch sử Trung Quốc[2].
Thân thế
[sửa | sửa mã nguồn]Tổ tiên của Trịnh Trân là người Giang Tây. Ông sinh ra dưới chân núi Ngọc Khánh, Hà Lương Trang, Thiên Vượng Lý thuộc Tây Hương (nay là tổ Hà Trung, thôn Kim Chung, trấn Áp Khê), trong một gia đình có truyền thống nho học và y học. Mẹ Trịnh Trân là người Đông Hương, được Thanh sử cảo đánh giá là tấm gương liệt nữ đương thời [3], con gái thứ ba của Lê An Lý, người được Thanh sử cảo đánh giá là tấm gương hiếu nghĩa đương thời.[4]
Học nghiệp
[sửa | sửa mã nguồn]Trân lên 5 tuổi thì được ông nội Trịnh Trọng Kiều dạy nhận mặt chữ, sau đó theo cha Trịnh Văn Thanh đọc sách; lên 11 tuổi được đưa vào trường tư thục; lên 12 tuổi được đọc sách ở Tuân Nghĩa Tương Xuyên thư viện. Trân dốc sức nghiên cứu tứ thư, ngũ kinh, nắm hết chư tử bách gia; tính tình trở nên trì trọng, vô cùng ham thích đọc sách. Vì thế mẹ ông lấy làm lạ; đến năm Trân lên 14 tuổi, bà bèn bỏ hết ruộng vườn, dọn nhà sang Nghiêu Loan của Nhạc An Lý thuộc Đông Hương (nay là thôn Sa Than, hương Vũ Môn, trấn Tân Chu), ở gần nhà bên ngoại, để Trân bái cậu là Lê Tuân làm thầy. Lê Tuân trữ sách rất nhiều, không tiếc đem ra cho Trân học tập; mỗi khi đến nhà cậu, ông liền tay không rời án, áo không cởi đai, từ sớm đến chiều, chăm chỉ học tập. (Về sau Tuân xét Trân đã thành tài, bèn gả con gái cho ông.)
Năm Đạo Quang thứ 5 (1825), Hộ bộ thị lang Trình Ân Trạch làm Đốc biện Quý Châu học chánh, qua sàng lọc đã chọn Trân làm Cống sanh. Trình Ân Trạch là học giả Kinh học và là lãnh tụ của phong trào vận động Tống thi đương thời; vì thế dạy Trân vài việc:
- đọc sách đời Tam Đại, Lưỡng Hán – tức là trước tác của Hứa Thận, Trịnh Huyền,...
- lấy Doãn Đạo Chân [5] làm gương mẫu – nhân đó đặt cho ông tên tự là Tử Doãn.
- tập luyện Tống thi.
Sau 2 năm, Trân quay về Tuân Nghĩa, bái Mạc Dữ Trù làm thầy, tiếp tục nghiên cứu Kinh học và rèn luyện Tống thi, nhân đó kết bạn thân thiết với con trai Dữ Trù là Mạc Hữu Chi.
Sự nghiệp
[sửa | sửa mã nguồn]Năm thứ 8 (1828), Trân giành Tú tài, nhưng nhiều lần lên kinh tham gia thi Hội đều không trúng. Năm thứ 18 (1838), Trân nhận lời mời của Tri phủ Bình Hàn, cùng Mạc Hữu Chi biên soạn Tuân Nghĩa phủ chí; việc này kéo dài đến 3 năm, sau đó, Trân tiếp tục thi Hội 3 lần nữa, đều không thành công. Theo lệ Trân được xét Đại thao nhị đẳng, bổ nhiệm giáo chức [6].
Năm thứ 24 (1844), Trận nhiệm chức Cổ Châu thính học huấn đạo (nay là huyện Dong Giang), Lệ Ba huyện học giáo dụ, kế đó làm Trấn Viễn phủ học Đại lý huấn đạo và Lệ Ba huyện học huấn đạo, mỗi nơi đều không đầy năm. Sau đó Trân quay về Tuân Nghĩa, đảm nhiệm việc giảng dạy ở các thư viện Khải Tú, Tương Xuyên, bồi dưỡng nên một thế hệ nhân tài là bọn Trịnh Tri Đồng [7], Lê Thứ Xương [8], Mạc Đình Chi [9].
Năm Hàm Phong thứ 5 (1855), Trân soái quân giữ thành, chống lại quân khởi nghĩa người Miêu xâm phạm Lệ Ba. Năm Đồng Trị thứ 2 (1863), nhờ đại học sĩ Kỳ Tuyển Tảo tiến cử, Trân được triều đình phát đặc chỉ, bổ dụng làm tri huyện ở Giang Tô, nhưng ông từ tạ không nhận. Năm thứ 3 (1864), Trân bệnh mất, hưởng thọ 59 tuổi, được chôn cất ở núi Tử Ngọ thuộc Vũ Môn Hương.
Thành tựu
[sửa | sửa mã nguồn]Trân và Mạc Hữu Chi được ca ngợi là hai bậc cự nho của góc tây nam Trung Quốc cuối đời Thanh [10]. Năm 1930, địa cấp thị Tuân Nghĩa xây dựng Trịnh Mạc từ trong khuôn viên trường trung học số 11 để kỷ niệm 2 người Trịnh – Mạc; hiện nay là đơn vị văn vật được bảo hộ cấp thị [11].
Nghiên cứu Kinh học
[sửa | sửa mã nguồn]Quan điểm học thuật
[sửa | sửa mã nguồn]Trân đi theo Trình Ân Trạch nghiên cứu Kinh học, bắt đầu truy tìm nguồn gốc của chữ viết và tiếng nói của Hán tộc, còn tìm hiểu kiến trúc, phục trang đời xưa. Đương thời học giả xem trọng khảo cứ, Trân kế thừa quan điểm ấy; ông thật sự cầu thị, không lập riêng một phái, không a dua mọi người. Sau đó Trân theo Mạc Dữ Trù du ngoạn, gặp gỡ nhiều bậc tông sư, mở mang kiến thức. Trân nghiên cứu rất sâu về Tam lễ (Nghi lễ, Chu lễ, Lễ ký), cho rằng: “Tiểu học [12] có 3 đề tài: hình, thanh, nghĩa. Hình là phần chính của văn thể Tam Đại, xem tại Thuyết văn [13]. Còn ở hoa văn trên chung đỉnh các đời [14] và Hãn giản, Cổ văn tứ thanh vận [15] thu được chữ lạ, thì không thể biết hết được, phần lớn cũng là ngụy tạo, không hợp Lục thư, không thể lấy làm thường. Thanh thì có Âm học ngũ thư của Côn Sơn Cố thị [16], suy chứng cổ âm, đáng tin có chứng cứ, sáng tỏ xua mông muội, trở nên ông tổ trăm đời không đổi. Nghĩa thì có tự điển [17], tự điển vận âm [18], từ điển [19] nhiều như mây bể; còn muốn thông hiểu kinh huấn [20], chớ trông cả vào Thuyết văn chú của Đoạn Ngọc Tài [21], Nhĩ nhã sơ của Thiệu Tấn Hàm, Hác Ý Hành [22] với Quảng nhã sơ chứng của Vương Niệm Tôn [23]. Sâu sắc rộng rãi, vượt qua xưa cũ, ấy là tác dụng hoàn chỉnh của tiểu học.” Đây là Trịnh Trân bày tỏ thái độ vừa ủng hộ đối với trào lưu phục cổ nổi lên ở miền nam Trung Quốc vào thời Càn Long, Gia Khánh, vừa e ngại nó trở nên nệ cổ.
Tác phẩm
[sửa | sửa mã nguồn]- Sào Kinh sào tập Kinh thuyết, 1 quyển; hiện còn 1 quyển, xem tại đây
- Nghi lễ tư tiên, 8 quyển; hiện còn 3 quyển, xem tại đây
- Luân dư tư tiên, 2 quyển; hiện còn 2 quyển, xem tại đây
- Phù thị vi chung đồ thuyết, 1 quyển; hiện còn chưa đến 1 quyển, xem tại đây
- Thân thuộc ký, 1 quyển; hiện còn 1 quyển, xem tại đây
- Thuyết văn dật tự, 2 quyển, còn có Phụ lục, 1 quyển; hiện còn 2 quyển, xem tại đây
- Thuyết văn tân phụ khảo, 6 quyển; hiện còn 3 quyển, xem tại đây
- Hãn giản tiên chánh, 8 quyển; hiện còn 6 quyển, xem tại đây
- Thâm y khảo; không rõ
- Lão tử chú; không rõ
- Tập luận ngữ tam thập thất gia chú; không rõ
- Thuyết văn đại chỉ; không rõ
- Thuyết văn hài âm; không rõ
- Chuyển chú khảo; không rõ
- Thích danh chứng độc; không rõ
- Thuyết lệ; không rõ
Nhận xét
[sửa | sửa mã nguồn]Lý Từ Minh: “Kinh thuyết của Tử Doãn tuy chỉ có 1 quyển, mà cô đọng sâu sắc, nhiều điều hay lạ.” [24]
Mạc Hữu Chi: “Tử Doãn bình sanh trước thuật, kinh huấn thứ nhất, văn bút thứ nhì, thi ca thứ ba. Nhưng chỉ có thơ là dễ thấy tài, sợ rằng ngày sau lưu truyền, sẽ áp chế hai môn kia.”
Biên soạn địa chí
[sửa | sửa mã nguồn]Trân với Mạc Hữu Chi biên soạn Tuân Nghĩa phủ chí, gồm thâu tài liệu chính thống (đồ thư[25], địa chí [26]) và dã sử, tìm hiểu cặn kẽ, giữ nghiêm văn thể, mất đến 3 năm, hoàn thành 48 quyển, hơn 80 vạn chữ, (hiện còn không đầy đủ, xem tại đây) được Lương Khải Siêu ca ngợi là “thiên hạ phủ chí đệ nhất” [27].
Ngoài ra Trân còn trước tác:
- Trịnh học lục, 2 quyển; xem tại đây
- Lệ Ba huyện chí cảo; không rõ
- Thế hệ nhất tuyến đồ; không rõ
Sáng tác văn học
[sửa | sửa mã nguồn]Trân xuất thân bần hàn, vì thế ông phản ánh hình ảnh của tầng lớp lao động rất chân thật và bình dị trong thơ của mình. VD: Bộ sài hành (Hành bắt sói), Lục nguyệt nhị thập thần vũ đại hàng (Sáng ngày 20 tháng 6 trời trút mưa lớn), Giả Hải Duyên xưởng tam thủ (bộ 3 bài về xưởng (đúc) Giả Hải Duyên) miêu tả nỗi vất vả trong hoạt động sản xuất; Tửu Điếm Áp tức sự (Chuyện xảy ra ở Tửu Điếm Áp), Kinh tử ai (Xót người chết vì treo cổ) miêu tả hành vi bóc lột tàn nhẫn của quan lại phong kiến; còn có những bài miêu tả cảnh sắc non sông tươi đẹp, tâm tình vui thú điền viên như Nhàn thiếu (Tuổi trẻ nhàn hạ), Bạch Thủy bộc bố (Thác nước Bạch Thủy),...
Theo Trần Diễn, thơ của Trân cùng dòng với Đỗ Phủ, Hàn Dũ, nhưng vẫn có sự khác biệt: “Vượt qua tiền nhân nhưng chưa trải qua cảnh ngộ của họ. Trông như người ta nhưng khó nhìn ra trạng huống của họ, học Đỗ, Hàn mà chẳng mô phỏng Đỗ, Hàn.” [28]. Chính vì thế thơ của Trân cũng có nhiều bài chứa đựng nội dung sâu xa, ngôn từ cách tân, được Trần Diễn nhận xét “Bắt chước ‘Nam sơn’ của Xương Lê mà biến hóa ra” (Xương Lê là hiệu của Hàn Dũ); VD: Chánh nguyệt bồi Lê Tuyết Lâu cữu du Bích Tiêu động tác (Tháng giêng theo cậu Lê Tuyết Lâu chơi động Bích Tiêu làm thơ), Ngũ Cái sơn nghiễn thạch ca (Bài ca về đá làm nghiên (mực) của núi Ngũ Cái), Lưu biệt Trình Xuân Hải thị lang (Đưa tiễn thị lang Trình Xuân Hải), Anh mộc thi (thơ về Anh mộc [29]), Tịch nguyệt nhập nhị nhật khiển tử Du, quý đệ chi Kỳ Giang Xuy Giác bá thủ Hán Lư Phong bi thạch ca dĩ tống chi (Ngày 22 tháng chạp, sai con Du và em út đi đập Xuy Giác thuộc sông Kỳ, lấy bài ca bia đá Lư Phong đời Hán để tặng họ), An Quý Vinh thiết chung hành (Hành chuông sắt của An Quý Vinh),...[30]
Thơ của Trân về lượng thì không nhiều, nhưng theo Trần Diễn, là đủ để trở thành một bậc tông sư: “Sào Kinh sào thi sao của Trịnh Tử Doãn Trân là biện – miện [31] của ông ta,... Thẩm Ất Am, Trần Tán Nguyên hiện nay, thật là lưu phái của ông.” [32][33] Lương Khải Siêu viết lời bạt cho Sào Kinh sào thi sao đã nói: “Phạm Bá Tử, Trần Tán Nguyên đều là người kế thừa của ông.” [34]; lại nói: “Người đời đều khen thơ của Tử Doãn có thể lập riêng môn hộ, tác giả đời Thanh đều không bằng. Theo cái nhìn riêng, đồng hương của tôi là Lê Nhị Tiều có thể sánh được [35]. Dựng khuôn chọn lời [36], có chỗ độc đáo, tham ý (khiến) cảnh hẹp.”. Hồ Tiên Túc trong bài Độc Trịnh Trân Sào Kinh sào thi sao (Đọc Sào Kinh sào thi sao của Trịnh Trân) ca ngợi Trân là nhà thơ số một của đời Thanh [37].
Trân cũng giỏi cổ văn, Ông Đồng Thư viết lời tự cho Văn tập của ông [38], nói: “Cổ (xưa cũ) sáp (trúc trắc) áo (sâu xa) diễn (tươi tốt), phần lớn noi theo phong cách của chư tử đời Tiên Tần về trước, Cấp trủng trụy giản [39], văn tự trên ván, bia đời Lưỡng Hán và Phong thiện ký của Mã Đệ Bá [40].” Lại nói: “Còn phỉ (tấm tức) trắc (xót xa) trầm (thâm trầm) chí (mạnh mẽ) tựa như Chấn Xuyên [41].”
Trước tác văn học của Trân còn lại ngày nay:
- Sào Kinh sào thi tập, hiện còn 6 quyển, xem tại đây
- Xư kiển phả, xem tại đây
- Sào Kinh sào văn tập, hiện còn 4 quyển, xem tại đây
Ngoài ra trong thời gian để tang mẹ (Lê mẫu mất năm 1840), Trân biên soạn Mẫu giáo lục.
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- Thanh sử cảo quyển 482, liệt truyện 269 – Nho lâm 3: Trịnh Trân
- Lăng Dịch An – Trịnh Tử Doãn niên phả, Nhà xuất bản Thượng vụ ấn thư quán, tháng 4 năm 1945, Bắc Kinh, 288 trang, ISBN (không có)
- Hoàng Vạn Cơ – Trịnh Trân bình truyện, Nhà xuất bản Ba Thục thư xã, tháng 3 năm 1983, Thành Đô, 339 trang, ISBN 7-80523-010-2
Xem thêm về sự tích Lê mẫu giáo dục Trịnh Trân ở Mạc Hữu Chi – Lê mẫu nhụ nhân mộ chí minh, trong phần phụ lục của Mẫu giáo lục. Có thể tìm đọc tác phẩm này tại Vương Anh (hiệu đính) – Trịnh Trân tập: Văn tập (bao gồm Sào Kinh sào văn tập, Mẫu giáo lục, Xư kiển phả, Điền thất tàm cư lục <bản không đầy đủ>), Nhà xuất bản Quý Châu Nhân dân, tháng 10 năm 1994, 258 trang, ISBN 9787221032270.
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ 巨/cự hay 硕/thạc đều có nghĩa là to lớn
- ^ [https://web.archive.org/web/20160312101838/http://www.literature.org.cn/article.aspx?id=24441 “���ʫ�ʶ�ʮ�������������й���ѧ��”]. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 3 năm 2016. Truy cập 6 tháng 3 năm 2016. replacement character trong
|tiêu đề=
tại ký tự số 1 (trợ giúp) - ^ Tham khảo Thanh sử cảo quyển 508, liệt truyện 295 – Liệt nữ truyện 1: Trịnh Văn Thanh thê
- ^ Tham khảo Thanh sử cảo quyển 498, liệt truyện 285 – Hiếu nghĩa truyện 2: Lê An Lý
- ^ Doãn Trân (chữ Hán: 尹珍, 79 – 162), tự Đạo Chân, người huyện Vô Liễm, quận Tang Ca (nay là Chính An, Quý Châu), học giả, nhà văn, nhà thư pháp, nhà giáo dục đời Đông Hán, được xem là một trong những người đầu tiên biết chữ ở Quý Châu, làm đến chức Kinh Châu thứ sử
- ^ Đại thao (chữ Hán: 大挑) là chế độ khảo thí những Cử nhân không trúng kỳ thi Hội (và không có nguyện vọng tiếp tục thi), cho họ ra làm quan. Việc này có từ đời Minh, do bộ Lại tiến hành, sang đời Thanh thì được định chế cụ thể hơn từ năm Càn Long thứ 17 (1752); nội dung khảo thí chú trọng ngoại hình và khả năng ứng đối; kết quả khảo thí chia những người trúng tuyển làm 2 nhóm: nhất đẳng bổ nhiệm Tri huyện và nhị đẳng bổ nhiệm giáo chức (quan viên phụ trách giáo dục)
- ^ Trịnh Tri Đồng, con trai Trịnh Trân, học giả Kinh học cuối đời Thanh, làm mạc liêu cho Trương Chi Động, giúp ông ta truyền bá học thuyết của Trịnh Trân ở Tứ Xuyên; Dương Duệ – một trong Mậu tuất lục quân tử – là học sanh của Trịnh Tri Đồng
- ^ Lê Thứ Xương, nhà ngoại giao cuối đời Thanh, từng làm môn sinh của Tăng Quốc Phiên, một trong Tăng môn tứ đệ tử; tham gia sứ đoàn đi châu Âu, biên soạn 西洋杂志/Tây Dương tạp chí; 2 lần làm công sứ đến Nhật Bản; tác phẩm tiểu biểu là 古逸丛书/Cổ dật tùng thư
- ^ Mạc Đình Chi, em trai Mạc Hữu Chi, là nhà thơ, nhà văn học sử, nhà giáo dục cuối đời Thanh, tác phẩm tiêu biểu là 黔诗纪略/Kiềm thi kỷ lược
- ^ Mùa xuân năm Hàm Phong thứ 9 (1559), Trương Chi Động tình cờ gặp được Mạc Hữu Chi ở Bắc Kinh, kết làm bạn vong niên. Trương Văn Tương công thi tập 1 ghi lại bài thơ 送莫子偲游赵州赴陈刺史钟祥之招/Tống Mạc Tử Ti du Triệu Châu phó Trần thứ sử Chung Tường chi chiêu nhằm kỷ niệm cuộc gặp gỡ này, trong đó câu 7 + 8 là 蚤年高名动帝都, 西南郑莫称两儒./Tảo niên cao danh động đế đô, tây nam Trịnh Mạc xưng lưỡng nho. (Cha của Trương Chi Động là Trương Oanh từng làm Tuân Nghĩa tri phủ, dù chỉ trong 4 tháng ngắn ngủi vào năm 1839, nhưng có ấn tượng rất sâu về 2 người Trịnh – Mạc, nên về sau Trương Chi Động vô cùng hâm mộ hai người.)
- ^ Trường trung học số 11 của thành phố Tuân Nghĩa tiền thân là trường sơ cấp Sư phạm, được xây dựng từ năm 1909; thời Vạn lý trường chinh, Trịnh Mạc từ từng được Hồng quân Trung Quốc dùng làm nơi tổ chức hội nghị
- ^ Tiểu học là một khoa của Kinh học, nghiên cứu ngôn ngữ và văn tự cổ Trung Quốc
- ^ Hứa Thận (Đông Hán) – Thuyết văn giải tự là bộ tự điển xuất hiện sớm nhất trong lịch sử Trung Quốc
- ^ Thanh sử cảo, tlđd chép nguyên văn là 款识/khoản thức, nghĩa là chữ viết hay hình vẽ trên chung đỉnh; cái lõm gọi là khoản, cái lồi gọi là thức
- ^ Quách Trung Thứ (Bắc Tống) – Hãn giản có 3 quyển (xem tại đây) và Hạ Tủng (Bắc Tống) – Cổ văn tứ thanh vận có 5 quyển (xem tại đây) đều là những tác phẩm nghiên cứu cổ văn Trung Quốc trước đời Tần, phần nào được xem chuẩn mực trong giới Hán học
- ^ Cố Viêm Vũ (nhà Thanh) – Âm học ngũ thư, Nhà xuất bản Trung Hoa Thư Cục, tháng 2/2005, 555 trang, ISBN 9787101045321
- ^ Thanh sử cảo, tlđd chép nguyên văn là 字书/tự thư, tức là tự điển
- ^ Thanh sử cảo, tlđd chép nguyên văn là 韵书/vận thư, tức là tự điển có kèm vận âm
- ^ Thanh sử cảo, tlđd chép nguyên văn là 训诂之书/huấn cổ chi thư. 训诂/huẩn cổ nghĩa là giải thích câu chữ trong điển tịch cổ, cũng là một ngành học trong Nho học. Như vậy huấn cổ chi thư tức là từ điển
- ^ Thanh sử cảo, tlđd chép nguyên văn là 經訓, nghĩa là lời giải thích của kinh nghĩa
- ^ Đoạn Ngọc Tài (nhà Thanh) – Thuyết văn giải tự chú có 30 quyển (xem tại đây) là bộ tự điển được xây dựng trên cơ sở hiệu bổ, chỉnh lý Hứa Thận – Thuyết văn giải tự, đương thời được đánh giá rất cao; khuyết điểm của nó là Đoạn Ngọc Tài quá tự tin, đối với chữ triện thiếu khảo chứng, nên phạm một ít sai lầm rất đáng tiếc
- ^ Nhĩ nhã gồm 3 quyển, 19 thiên, là bộ từ điển xuất hiện sớm nhất trong lịch sử Trung Quốc; tác giả chưa rõ, được cho là Chu công hoặc Khổng tử hoặc người trước đời Tần. Thiệu Tấn Hàm (nhà Thanh) – Nhĩ nhã chánh nghĩa có 12 quyển (xem tại đây) và Hác Ý Hành(nhà Thanh) – Nhĩ nhã quách chú nghĩa sơ có 3 quyển (xem tại đây) đều là những bộ từ điển được xây dựng trên cơ sở hiệu bổ, chỉnh lý Nhĩ nhã
- ^ Quảng nhã có 19 thiên là bộ từ điển bách khoa xuất hiện sớm nhất trong lịch sử Trung Quốc, mô phỏng cấu trúc của Nhĩ nhã, nhưng chủ đề được mở rộng hơn. Vương Niệm Tôn (nhà Thanh) – Quảng nhã sơ chứng có 11 quyển (xem tại đây) là bộ từ điển bách khoa được xây dựng trên cơ sở hiệu bổ, chỉnh lý Quảng nhã
- ^ Lý Từ Minh, quan viên, nhà thơ cuối đời Thanh, trước tác tiêu biểu là Việt Man đường nhật ký
- ^ 图书/đồ thư, tức ghi chép về địa đồ và hộ tịch
- ^ 地志/địa chí, tức là từ điển bách khoa địa phương
- ^ Lời khen này có thê tìm thấy trong tiểu sử của Quý Châu tuần phủ Hà Trường Linh (xem như đây là công trạng của ông ta) thuộc tùng thư Hồ Tương văn hóa danh trước độc bản, quyển Giáo dục, trang 134, xem trực tuyến tại "天下府志第一"%2B"梁启超"&source=bl&ots=Ypoib5vQR3&sig=ryRAg2BFOgfGefxr9dEVwhAu37c&hl=vi&sa=X&redir_esc=y#v=onepage&q"天下府志第一"%2B"梁启超"&f=false đây. Hà Trường Linh có công chấn hưng giáo dục, ông liên quan trực tiếp hoặc tác động gián tiếp đến 5 bộ địa chí có giá trị nhất trong lịch sử địa chí Trung Quốc: Tuân Nghĩa phủ chí, Quý Dương phủ chí, Hưng Nghĩa phủ chí, Đại Định phủ chí, An Thuận phủ chí. Hồ Tương văn hóa danh trước độc bản là tùng thư tập hợp tác phẩm và thông tin văn hóa của Hồ Nam hoặc có liên quan đến Hồ Nam từ đời Tần đến năm 1949, bao gồm 7 quyển: triết học, lịch sử, giáo dục, quân sự, văn học, Phật giáo, Đạo giáo; do Nhà xuất bản Đại học Hồ Nam in ấn, được Đại học Hồ Nam tổ chức nghi thức phát hành vào ngày 10/01/2015 tại Nhạc Lộc thư viện
- ^ Nguyên văn: 历前人所未历之境,状人所难状之状; 学杜, 韩而非摹仿杜, 韩. Lời bình phẩm này nằm trong Trần Diễn – Cận đại thi sao (là tuyển tập thơ của Trần Diễn, biên soạn từ thời Hàm Phong nhà Thanh sang đến đời Dân quốc mới hoàn thành), các tài liệu nghiên cứu văn học cuối đời Thanh khi ghi chép tiểu sử của Trịnh Trân đều trích dẫn, có thể xem trực tuyến tại "状人所难状之状"#hl=vi&tbm=bks&q"学杜、韩而非摹仿杜、韩" đây
- ^ 瘿木/anh mộc không phải là một loại gỗ, mà là một phần thân cây xuất hiện vân lạ ở vỏ
- ^ Trần Diễn, hiệu Thạch Di, nhà thơ, nhà báo, nhà giáo dục, nhà chính trị cuối đời Thanh. Ông cùng Trịnh Hiếu Tư khởi xướng phái thơ Đồng Quang Thể, là nhà thơ tiêu biểu của Mân hệ trong phái thơ này, từng làm mạc liêu của Lưu Minh Truyền, Trương Chi Động
- ^ 弁/biện, là một loại đời xưa – 冕/miện, là loại mũ đời xưa, chỉ có Đại phu trở lên mới được đội
- ^ Trần Diễn – Thạch Di thất thi thoại quyển 3, xem tại đây
- ^ Thẩm Tằng Thực, biệt hiệu Ất Am, nhà sử học, nhà thư pháp, nhà thơ tiêu biểu của Chiết hệ trong phái thơ Đồng Quang Thể cuối đời Thanh, có nhiều công trình nghiên cứu về đời Nguyên; Trần Tam Lập, hiệu Tán Nguyên, nhà thơ tiêu biểu của Cám hệ trong phái thơ Đồng Quang Thể, cùng Đàm Tự Đồng, Đinh Huệ Khang, Ngô Bảo Sơ hợp xưng Duy Tân tứ công tử. Đồng Quang Thể là phái thơ do Trịnh Hiếu Tư, Trần Diễn khởi xướng trong khoảng 1883 – 1886, tập hợp các nhà thơ thành danh thời Đồng Trị – Quang Tự, chủ trương phục cổ, phát triển cực thịnh vào đời Dân Quốc. Khi bình luận về Đồng Quang Thể, người ta luôn xem Trịnh Trân là một nhà thơ tiêu biểu của phái thơ này
- ^ Phạm Đương Thế, hiệu Bá Tử, nhà thơ, nhà văn cuối đời Thanh, trước tác Phạm Bá Tử thi văn tập
- ^ Lê Giản, hiệu Nhị Tiều, nhà thơ, nhà thư pháp, họa sĩ thời Càn Long nhà Thanh
- ^ 立格选辞/lập cách tuyển từ; lập cách nghĩa là xác lập cách (khuôn phép) cục (bố cục)
- ^ Hồ Tiên Túc, nhà thơ phái Đồng Quang Thể, nhà giáo dục, nhà thực vật học, một trong những người tiên phong của ngành thực vật học Trung Quốc thời cận đại
- ^ Ông Đồng Thư, quan viên nhà Thanh, anh cả của Ông Đồng Hòa
- ^ 汲冢坠简/Cấp (huyện Cấp) trủng (ngôi mộ) trụy (rơi rớt) giản (thẻ tre), tức Cấp trủng thư, là một lượng lớn thư tịch cổ dưới hình thức thẻ tre, được tìm thấy vào đầu đời Tây Tấn, trong mộ cổ nước Ngụy thời Chiến Quốc ở huyện Cấp (nay là phụ cận Vệ Huy, Hà Nam)
- ^ Phong thiện nghi ký là tác phẩm miêu thuật công tác chuẩn bị cho buổi lễ phong thiện trên Thái Sơn của Hán Quang Vũ đế vào năm Kiến Vũ thứ 32 (56), do một viên quan nhận lệnh đi tiền trạm là Mã Đệ Bá trước tác. Sử cũ không chép cố sự về Mã Đệ Bá, còn Phong thiện nghi ký được xem là tác phẩm du ký xuất hiện sớm nhất trong lịch sử văn học Trung Quốc
- ^ Quy Hữu Quang, cuối đời tự xưng Chấn Xuyên tiên sanh, nhà văn nổi tiếng trung kỳ đời Minh