Ankh

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Biểu tượng Ankh

Ankh (tiếng Ai Cập: ˁnḫ, "Thập tự có tay cầm") là một ký tự tượng hình của Ai Cập cổ đại biểu trưng cho "cuộc sống". Đây là một trong những biểu tượng quyền lực nhất và xuất hiện như một họa tiết trang trí trong mọi phù điêu hay trên các bức tượng[1].

Hầu hết các vị thần Ai Cập đều cầm một biểu tượng ankh và một vương trượng trên tay của họ, kể cả các pharaon - người luôn tự xem mình là một vị thần. Riêng thần chết Osiris, ông thường được miêu tả là cầm mỗi ankh trong mỗi bàn tay, với 2 cánh tay đan chéo qua ngực.

Biểu tượng ankh rất phổ biến đến nỗi nó đã được tìm thấy ở cả vùng Lưỡng HàBa Tư xưa kia, thậm chí cả trên con dấu của vua Hezekiah của xứ Judah[2]. Ankh vẫn trở nên phổ biến vào thập niên 1960 và liên quan tới những tôn giáo thần bí.

Cái vỏ đựng gương soi hình ankh

Nguồn gốc[sửa | sửa mã nguồn]

Có rất nhiều giả thuyết khác nhau lý giải sự ra đời của biểu tượng ankh, tuy nhiên vẫn không tìm được một ý nghĩa chính xác cho biểu tượng này.

Alan Gardiner cho rằng ankh là hình ảnh của quai dép sandal[3], nhưng nếu như vậy thì biểu tượng này rất tối nghĩa. Vì thế, ngay từ đầu, giả thuyết của ông không được chấp nhận. Tuy nhiên, cách giải thích này lại nhận được sự đồng tình của giới chuyên môn hiện đại. Bởi vì dường như, người Ai Cập cổ đại đã gọi "quai dép" là ˁnḫ, đồng âm với từ "cuộc sống", nên họ đã lấy hình ảnh của bộ phận này để làm cách viết cho từ tượng hình của "cuộc sống"[1][4]. Từ này có thể là nguồn gốc của các từ trong tiếng Copt dùng để chỉ "sự sống" và "vĩnh hằng"[5].

Nữ thần Hathor trao cho hoàng hậu Nefertari biểu tượng ankh

Một đề xuất sớm nhất của Thomas Inman trong tác phẩm của ông, theo đó, ankh là sự kết hợp của "ba người đàn ông và một người phụ nữ"[6]. Wallis Budge thì nghĩ rằng, nguyên mẫu của biểu tượng ankh chính là cái thắt lưng của nữ thần Isis[7]. Wolfhart Westendorf cũng gọi là "Nút thắt của Isis" và cho rằng nó là một cái thắt lưng được sử dụng trong các nghi lễ; trong khi đó, Winfried Barta lại cho đây là một biểu tượng liên quan đến tình dục[1].

Andrew GordonCalvin Schwabe thì cho rằng cả ba biểu tượng tối cao (ankh, djed, was) đều liên quan đến các bộ phận của con bò đực, cả ba ghép lại sẽ được "sự sống". Theo đó, ankh là đốt xương ngực, djed là phần xương cùng của xương sống và was là dương vật của con bò đực[8].

Ankh cũng được xem là một biểu tượng của mặt trời mọc, hàm ý cho sự tái sinh, với phần vòng tượng trưng cho mặt trời, thanh ngang là đường chân trời và tay cầm là đường đi của mặt trời[1].

Ramesses XI được thanh tẩy dưới dòng nước ankh

Lịch sử[sửa | sửa mã nguồn]

Biểu tượng ankh luôn có mặt trên các phù điêu của đền đài, lăng mộ và các tác phẩm nghệ thuật khác. Các bức họa thường mô tả một vị thần cầm biểu tượng ankh trao cho người đã khuất, mang ý nghĩa của sự sống vĩnh hằng ở nơi cực lạc. Ở một số đền thờ, ankh cũng được xem là một biểu tượng của nước, mang hàm ý thanh khiết. Tại đây, các pharaon đứng giữa 2 vị thần, một trong hai thường là thần trí tuệ Thoth, sẽ đổ một dòng nước (với biểu tượng ankh) lên thân thể của pharaon đó, xem như là sự thanh tẩy[1].

Người Ai Cập cổ đại thường đeo trên mình biểu tượng ankh bằng vàng hoặc đồng, đôi khi cùng với djed và was, và xem như đó là bùa hộ mệnh của họ. Từ thời Trung vương quốc trở đi, những cái gương soi được làm theo hình dạng của biểu tượng ankh, và chúng được sử dụng trong mục đích bói toán[1].

Khi tôn giáo đa thần ở Ai Cập trở nên lỗi thời, biểu tượng ankh đã mang một hình thức mới trong Cơ Đốc giáo như một thập tự giá và được gọi là "Crux Ansata"[9].

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c d e f “The Ancient Ankh, Symbol of Life”.
  2. ^ King Hezekiah in the Bible: Royal Seal of Hezekiah Comes to Light. Biblical Archaeology Society.
  3. ^ Alan Gardiner (1957): Egyptian Grammar (tái bản lần thứ 3). Cambridge University Press, tr. 508
  4. ^ James P. Allen (2013): The Ancient Egyptian Language: An Historical Study, Cambridge University Press, tr. 99
  5. ^ Coptic Dictionary Online corpling.uis.georgetown.edu.
  6. ^ Thomas Inman (1875): Ancient Pagan and Modern Christian Symbolism (tái bản lần thứ 2), New York: J. W. Bouton, 706 Broadway, tr. 44 ISBN 978-1-4209-2987-4
  7. ^ E A Wallis Budge (2010), A Guide to the Third and Fourth Egyptian Rooms: British Museum 1904, tr.210
  8. ^ Andrew H. Gordon & Calvin W. Schwabe (2004): The Quick and the Dead: Biomedical Theory in Ancient Egypt. Brill/Styx. ISBN 90-04-12391-1
  9. ^ David P. Silverman (2003): "Egyptian Religion", Oxford University Press US, tr. 135 ISBN 0-19-521952-X

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]

  • Tư liệu liên quan tới Ankh tại Wikimedia Commons