Bùi Tuyết Minh

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bùi Tuyết Minh
Chức vụ
Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang
Nhiệm kỳtháng 6 năm 2011 – 26 tháng 6 năm 2020
Tiền nhiệmLê Văn Thi
Kế nhiệmĐại tá Đỗ Triệu Phong
Vị trí Việt Nam
Thông tin chung
Sinh10 tháng 4, 1962 (61 tuổi)
Hà Tiên, Kiên Giang, Việt Nam Cộng hòa
Đảng chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam
ChồngTrần Quốc Thắng[1]
Binh nghiệp
Phục vụCông an nhân dân Việt Nam
Năm tại ngũ1981-2020
Cấp bậc Thiếu tướng
Khen thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất

Bùi Tuyết Minh (sinh năm 1962) là nữ Thiếu tướng đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam[1]. Bà nguyên là Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang (2011-2020).[2]

Thân thế và giáo dục[sửa | sửa mã nguồn]

Bà sinh ngày 16 tháng 10 năm 1962, quê quán tại huyện Hà Tiên, tỉnh Rạch Giá (nay là thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang)[3].

Song thân của bà là ông Bùi Nhứt Bình (bí danh Trần Bình hay Mười Bình) và bà Nguyễn Kim Lựu (bí danh Bảy Hồng), đều là những người hoạt động cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam[3], nằm trong diện bị lực lượng an ninh của chính quyền Việt Nam Cộng hòa lưu tâm đặc biệt. Vì vậy, ngay khi vừa chào đời, bà được bà nội mang lên Sài Gòn giao cho người cô ruột để làm con, đổi sang họ Phan theo họ người dượng, về danh nghĩa là cha của bà. Ở Sài Gòn được 3 năm, bà ngoại (thật ra là bà nội của bà) đưa bà về nương náu tại chùa Thần, Hà Tiên. Trước năm 1975, bà chỉ được một lần duy nhất gặp ba mẹ đẻ trong căn cứ ở vùng ven Sài Gòn. Năm 1975, bà mới chính thức nhận cha mẹ ruột và đổi lại họ từ họ Phan sang họ Bùi.

Bà có bằng Cử nhân Luật, Đại học An ninh nhân dân[2].

Sự nghiệp[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1981, khi học xong cấp III, bà gia nhập lực lượng Công an và trở thành nữ trinh sát lúc 19 tuổi. Bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 16 tháng 4 năm 1984. Trong những năm sau đó, bà lần lượt thăng tiến qua các chức vụ Đội phó Đội Trinh sát ngoại tuyến trực thuộc Giám đốc, Phó trưởng phòng Tham mưu Ban Chỉ huy an ninh (năm 1989), Trưởng phòng Công tác chính trị (năm 1996), Trưởng phòng Tổ chức (năm 1999)[4].

Năm 2004, bà được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang với cấp hàm Thượng tá. Bà trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên giữ chức Phó Giám đốc Công an cấp tỉnh, thành phố[3]. Tháng 5 năm 2007, bà được bầu vào Quốc hội với tư cách là đại biểu của tỉnh Kiên Giang[5]. Bà trở thành nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam duy nhất của lực lượng Công an tại khóa XII.[4][6] Tại kỳ họp đầu tiên, bà được phân công là Ủy viên của Ủy ban Các vấn đề xã hội.

Tháng 6 năm 2011, bà được Bộ Công an bổ nhiệm làm Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang, hàm Đại tá[7]. Bà đã trở thành người phụ nữ đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay giữ chức vụ giám đốc công an cấp tỉnh và thành phố[1][4].

Ngày 13 tháng 7 năm 2013, bà được thăng quân hàm Thiếu tướng và trở thành nữ Thiếu tướng đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam[3].

Ngày 26 tháng 6 năm 2020, bà thôi giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang, thay thế bà là Đại tá Đỗ Triệu Phong, Phó Cục trưởng Cục An ninh kinh tế - Bộ Công an.[8]

Bà nghỉ công tác chờ hưởng hưu trí từ ngày 1 tháng 7 năm 2020.[8]

Gia đình[sửa | sửa mã nguồn]

Bà lập gia đình năm 30 tuổi, với ông Trần Quốc Thắng, hiện đang làm tại bộ phận xuất nhập cảnh trực thuộc Công an tỉnh Kiên Giang[1]. Hai người có với nhau 2 người con, 1 trai và 1 gái.

Câu nói[sửa | sửa mã nguồn]

"Tôi được như hôm nay là nhờ vào truyền thống gia đình và các thế hệ cha anh đi trước dìu dắt, chỉ dạy tận tình. Bản thân còn phải cố gắng nhiều hơn nữa"[2].

Nhận xét[sửa | sửa mã nguồn]

"Điều đáng trân trọng ở bà mà nhiều người tiếp xúc và cấp dưới phải kính nể là tuy làm lãnh đạo đầu ngành công an, nhưng bà vẫn khiêm tốn thừa nhận, kiến thức của mình còn hạn chế, vẫn đang tiếp tục học hỏi"_trích Báo Đất Việt[2].

Thành tích[sửa | sửa mã nguồn]

Bà Bùi Tuyết Minh, khi còn làm trinh sát công an, đã góp sức lớn trong việc triệt phá các vụ tổ chức vượt biên đi nước ngoài và nhiều băng nhóm tội phạm hoạt động tại Kiên Giang[3]..

Bà đã đạt được các danh hiệu chiến sĩ thi đua, chiến sĩ thi đua Quyết thắng của lực lượng công an nhân dân[4].

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c d NLĐ, Người đưa tin (14 tháng 7 năm 2013). 'Chất thép' ở nữ tướng công an đầu tiên”. Báo Tiền Phong. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2013.
  2. ^ a b c d NLĐ (15 tháng 7 năm 2013). “Chuyện chưa biết về nữ tướng công an đầu tiên”. BÁO ĐẤT VIỆT - DIỄN ĐÀN CỦA LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VIỆT NAM. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 7 năm 2013. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2013.
  3. ^ a b c d e Báo điện tử Người đưa tin (14 tháng 7 năm 2013). 'Soi' thành tích nữ tướng công an đầu tiên, duy nhất Việt Nam”. Báo Tiền Phong. Truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2013.
  4. ^ a b c d Theo Kiến thức (15 tháng 7 năm 2013). “Nữ thiếu tướng công an đầu tiên của Việt Nam”. Báo Lao động. Truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2013.
  5. ^ “Danh sách Đại biểu Quốc hội khóa XII”. Quốc hội Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 6 tháng 9 năm 2012.
  6. ^ Đại biểu Quốc hội là Công an có 17 người, nhưng chỉ có mỗi mình bà là nữ. Bà cũng là đại biểu nữ duy nhất của lực Lượng vũ trang Việt Nam
  7. ^ Bà được thăng quân hàm Đại tá trước thời hạn 1 năm, thay thế Thiếu tướng Lê Văn Thi được Hội đồng Nhân dân tỉnh Kiên Giang bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang.
  8. ^ a b Văn Đức - Trần Lĩnh (26 tháng 6 năm 2020). “Đại tá Đỗ Triệu Phong giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang”. Công an nhân dân. Truy cập ngày 26 tháng 6 năm 2020.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]